Nội Dung Chính
Không thể phủ nhận, Vietjet đang tăng trưởng thần tốc và nhiều khả năng sẽ vượt mặt Vietnam Airlines về thị phần bay nội địa ngay trong năm 2017. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài năm tới, Boeing sẽ bàn giao cho Vietjet 24 chiếc máy bay mỗi năm, và nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ phải tìm bến đỗ cho những chiếc máy bay này.
Lớn nhanh như thổi
Vietjet đang có những bước tăng trưởng thần tốc. Tính từ khi có chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2011 đến nay, hãng bay này đã tăng trưởng tới 150%/năm. Trong khi thị phần năm 2012 chỉ đạt 8% thì năm 2016 đã tăng lên 41%. Đây (một phần lớn) là kết quả của sự “chuyển giao” thị phần bất đắc dĩ từ Vietnam Airlines, khi hãng này phải san sẻ “miếng bánh” ở mức gần 70% xuống còn 42%.
Kết thúc năm 2016, Vietjet Air đạt doanh thu hơn 27.500 tỷ đồng và lợi nhuận gần 2.300 tỷ đồng, đều tăng vọt so với các năm trước. Năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, Vietjet Air sẽ vượt qua Vietnam Airlines để nắm vị trí dẫn đầu thị phần bay nội địa.
Bằng cách áp dụng nhiều cách tối thiểu hóa chi phí của mô hình hàng không giá rẻ, Vietjet đã thu về nhiều thành công.
Họ khai thác duy nhất một dòng tàu bay thân hẹp Airbus A320 và A321, từ đó, động cơ và linh kiện cũng như việc huấn luyện, vận hành và sửa chữa được đồng bộ. Việc sử dụng những dòng máy bay tiên tiến cũng giúp tiết kiệm khoảng 15% chi phí xăng dầu và chi phí vận hành.
Bên cạnh đó, việc chuyên tâm phục vụ các đường bay ngắn, tối đa từ 5-6 giờ bay nên có thể thực hiện quay vòng nhiều chuyến, đi và về trong cùng một ngày cũng giúp tiết kiệm chi phí ăn ở của đội ngũ phi công, tiếp viên phục vụ chuyến bay.
Ngoài ra, như nhiều hãng giá rẻ khác, các chuyến bay của Vietjet không có các suất ăn đi kèm và chi phí hành lý trong giá vé. Các dịch vụ này chỉ dành cho những người nào có nhu cầu, nhờ đó giá vé được giữ ở mức thấp.
Làm sao để lớn tiếp khi đã trưởng thành?
Trong một vài năm tới, khi đã khai thác tối đa thị trường nội địa, thị phần trong nước của Vietjet sẽ dần về điểm bão hòa. Lúc ấy, bên cạnh việc mở rộng và tăng tần suất các đường bay nội địa, Vietjet cần phát triển cả mạng đường bay quốc tế để duy trì tăng trưởng. Hiện tại, ngoài khu vực Đông Nam Á, Vietjet đã bắt đầu phục vụ các đường bay đến Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Để mở rộng các chặng bay xa hơn với thời gian dài hơn, điều đầu tiên Vietjet cần là tăng số máy bay của mình. Lượng tàu bay VietJet tiếp nhận theo kế hoạch từ 2017-2019 sẽ đảm bảo cho hãng hàng không này hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, đội bay của Vietjet sẽ tăng đột biến lên tới 118 chiếc do bắt đầu nhận thêm 24 chiếc Boeing mỗi năm. Theo tính toán của Công ty chứng khoán Rồng Việt, nếu duy trì tỷ lệ lấp đầy ở mức 87-88%, mỗi máy bay của Vietjet sẽ chỉ thực hiện trung bình 4,3 chuyến bay một ngày, tức là chỉ tương đương mức khai thác hòa vốn để trả chi phí thuê hàng tháng cho máy bay (ước tính khoảng 11 tỷ đồng/tháng). Nói cách khác, bài toán này chỉ ra rằng, rất khó để VietJet nhanh chóng khai thác tối ưu lượng máy bay mới này trừ phi hãng đạt được tốc độ tăng trưởng hành khách vượt trội.
Lượng tàu bay lớn cũng sẽ đòi hỏi Vietjet phải thu xếp một khoản tiền không nhỏ cho việc đặt cọc để mua máy bay và dự trù cho các chi phí bảo dưỡng. Thông thường, một máy bay cần chi phí đặt cọc dao động từ 5-10% giá trị và dự trù chi phí bảo dưỡng khoảng 75 tỷ đồng.
Ngoài ra, khi tiến ra sân chơi khu vực, đối thủ của Vietjet không còn là Vietnam Airlines hay Jetstar, mà là rất nhiều hãng hàng không trong khu vực, trong đó cũng có rất nhiều hãng bay theo chiến lược giá rẻ.
Các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực đều đang có kế hoạch mở rộng đội bay vô cùng tham vọng, khi mà Đông Nam Á được nhận định là một trong những thị trường hàng không sôi động bậc nhất trong thời gian tới. Hiện tại, ở phân khúc quốc tế, các hãng hàng không nước ngoài vẫn đang chiếm miếng bánh thị phần lớn hơn so với các hãng nội địa (57,6%).