Vì sao AirAsia vẫn quyết tâm vào Việt Nam dù đã ba lần thất bại?

0
852

Thị trường hàng không Việt Nam hiện được thống trị bởi hai ông lớn là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Dù vậy, tiềm năng tăng trưởng tại đây lại một lần nữa thu hút AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á đến từ Malaysia, dù hãng này đã có 3 lần thất bại từ năm 2005 đến nay.

Chiến lược mới nhất của AirAsia là hợp tác với Tập đoàn Thiên Minh, một hãng lữ hành được thành lập năm 1994 bởi ông Trần Trọng Kiên, người vẫn đang giữ vị trí CEO của hãng. Thiên Minh hiện đang sở hữu một trong những thương hiệu du lịch khá nổi tiếng của Việt Nam là Buffalo Tours. Ngoài ra, tập đoàn này còn điều hành các khách sạn và một dịch vụ đặt chỗ trực tuyến (iVIVU). Thiên Minh cũng đã tổ chức các tour du lịch bằng thủy phi cơ từ bốn năm trước, thông qua công ty con là Hàng không Hải Âu.

Tổng giám đốc Tony Fernandes của AirAsia được cho là đã gặp ông Kiên lần đầu vào cuối năm 2015. Kể từ đó, hai người đã cùng nhau tìm cách hợp tác tại Việt Nam. Quyết tâm không lặp lại những nỗ lực thất bại trước đó của AirAsia, hai bên đã nghiên cứu kỹ các lựa chọn chiến lược cũng như làm thế nào để tích hợp sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp, theo lời ông Kiên kể với Nikkei.

2 công ty này dự định cùng nhau thành lập một liên doanh hàng không giá rẻ ở Việt Nam, với chuyến bay đầu tiên dự kiến sẽ cất cánh vào đầu năm 2018. Họ dự định triển khai các máy bay chở khách tầm trung như Airbus A320 và A321 để nhắm tới các đường bay trong nước và quốc tế chưa được khai thác nhiều bởi Vietnam Airlines hay Vietjet Air.

Ông Kiên cho rằng vẫn còn những đường bay nhỏ nhưng nhu cầu lớn, như đường bay trực tiếp giữa Tokyo với Nha Trang.

AirAsia từng cố gắng thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 2005 thông qua đề xuất góp vốn vào Pacific Airlines, vốn là tiền thân của hãng Jetstar Pacific Airlines, nhưng đã thất bại trước đối thủ Qantas Airways (Úc).

Sau đó, vào năm 2007, đề xuất lập liên doanh giữa AirAsia với công ty đóng tàu quốc doanh Vinashin cũng không được thông qua. Lần gần đây nhất, hãng đã ký kết mua 30% cổ phần Vietjet Air vào năm 2010 nhưng cũng bất thành.

Dù vậy, thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn AirAsia. Theo vị giám đốc điều hành của một hãng hàng không Nhật Bản, AirAsia quyết tâm giành thị phần tại đây bởi tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam rất lớn nếu so sánh với các nước Đông Nam Á khác.

Bùng nổ du lịch

Thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng nhờ vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, nhất là từ năm 2007, sau khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Lượng khách quốc tế đặc biệt tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, một phần do các chuyến bay giá rẻ.

Năm 2016, lần đầu tiên lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam vượt quá con số 10 triệu lượt, và Việt Nam kỳ vọng con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Khách du lịch Trung Quốc đang là nhân tố tạo ra sự bùng nổ, khi họ đổ xô đến các khu nghỉ dưỡng ven biển ở Đà Nẵng và Nha Trang.

Việt Nam cũng dự kiến sẽ có lượng khách du lịch gia tăng trong năm 2017, nhờ tổ chức nhiều cuộc họp của khối APEC tại nhiều nơi khác nhau trên cả nước.

Các khu vực có casino như TPHCM và Phú Quốc cũng được kỳ vọng sẽ đón lượng khách tăng, khi đã có nghị định cho phép thí điểm cho người Việt được vào chơi.

Cạnh tranh khốc liệt hơn

Kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2011, Vietjet Air đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ giá vé thấp, lấy bớt thị phần của Vietnam Airlines (VNA). Trong vòng chưa đầy 6 năm kể từ khi ra mắt, thị phần trong nước của Vietjet Air đã gần như ngang ngửa với ông lớn VNA vốn có hơn 60 tuổi đời.

Việc cạnh tranh đã giúp hạ giá vé và nâng cao chất lượng dịch vụ trong ngành hàng không. Nếu AirAsia được phép bước vào cuộc chơi, cạnh tranh trong ngành sẽ càng dữ dội hơn và người dân được hưởng lợi.

Hiện tại vẫn chưa ai chắc rằng nỗ lực lần thứ tư của AirAsia có thành công hay không, và Nikkei cho rằng họ có thể vấp phải một số trở ngại.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here