Nội Dung Chính
Mở cửa hội nhập, gọi vốn đầu tư nước ngoài thì cái giá phải trả chính là mất đi thương hiệu. “Cầu Tre biến thành CJ Cầu Tre” liệu có phổ biến?
Cái giá của việc gọi vốn chính là từ Cầu Tre biến thành CJ Cầu Tre
Mới đây, CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre cho biết cổ đông lớn CJ Cheiljedang Corporation, thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã mua thêm 20% vốn để nâng sở hữu lên 71,6%. Theo đó, thương hiệu Việt tồn tại hơn 3 thập kỷ thực phẩm Cầu Tre cũng đã phải đính kèm chữ CJ để đổi thành CJ Cầu Tre.
Cầu Tre vốn là đơn vị chuyên xuất khẩu, sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các thị trường lớn như châu Âu (Pháp, Bỉ, Hà Lan…), châu Á (Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc…), Hoa Kỳ và Úc. Cơ cấu doanh thu xuất khẩu của Công ty luôn chiếm trên 70%. Giai đoạn 2009 – 2011, kết quả kinh doanh của Cầu Tre hết sức khả quan khi mỗi năm bình quân tạo ra được lợi nhuận trên 30 tỷ đồng. Mục tiêu đề ra của Công ty là trở thành thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chế biến và thức uống dinh dưỡng.
Tuy nhiên, năm 2012 với việc thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh do đầu tư phát triển nhanh thị trường nội địa và hệ thống bán hàng toàn quốc đã khiến Công ty bị lỗ đậm lên đến 62,3 tỷ đồng. Các năm sau này lợi nhuận đem về của Cầu Tre chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng, sụt giảm một cách nghiêm trọng so với giai đoạn trước đó dẫu doanh thu thuần vẫn tăng trưởng đều đặn hàng năm, nguyên nhân là do chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý quá lớn. Tính đến cuối năm 2016, Công ty vẫn chưa bù đắp hết lỗ lũy kế, còn khoảng 14,6 tỷ đồng.
Về sức khỏe tài chính, tổng tài sản năm 2016 ghi nhận 422 tỷ đồng nhưng được tài trợ bởi nợ phải trả lên đến 67,5%. Trong đó, riêng vay ngắn hạn 125 tỷ đồng cao hơn vốn chủ sở hữu là 117 tỷ đồng.
Bà Lê Minh Trang – cựu Chủ tịch HĐQT và hiện là Thành viên HĐQT từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 diễn ra cuối tháng 7 rằng điều Cầu Tre cần là phải đầu tư nhà máy mới hiện đại để đổi mới công nghệ, hiện đại hóa máy móc thiết bị, chuyên nghiệp hóa các công đoạn, giảm giá thành để cạnh tranh trong thị trường hiện nay. Mặt khác, các cổ đông lớn của Công ty lúc bấy giờ là Tổng công ty thương mại Sài Gòn – Satra và các quỹ đầu tư không thể góp thêm vốn bởi Satra đang trong lộ trình thoái vốn các đơn vị kinh doanh không hiệu quả hay có ngành nghề không phù hợp với chiến lược, còn các quỹ đầu tư thì mong muốn cổ tức và cũng đến giai đoạn phải thoái vốn. Do vậy, nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược là rất lớn.
Sau khi CJ chính thức thâu tóm, Cầu Tre lên kế hoạch nâng quy mô nhà máy chế biến thực phẩm mới tại KCN Hiệp Phước Nhà Bè từ 500 tỷ lên 1.200 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2016, Cầu Tre tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và công bố danh tính nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Hàn Quốc CJ. Mong muốn của Ban lãnh đạo Cầu Tre khi CJ về là giúp thương hiệu Cầu Tre phát triển, mở rộng thị phần, nhanh chóng xây dựng nhà máy mới. Quả thật, sau khi CJ chính thức thâu tóm được Cầu Tre thì phát súng đầu tiên cho quá trình nâng tầm Công ty đó là việc nâng quy mô nhà máy chế biến thực phẩm mới tại KCN Hiệp Phước Nhà Bè từ 500 tỷ lên 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài từ quý III/2017 đến quý IV/2018.
Hiện tượng “CJ Cầu Tre” có phổ biến?
Có nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho một thương hiệu Việt bị ngoại hóa và lo ngại rằng CJ Cầu Tre không phải là trường hợp duy nhất. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi với việc xác định phương hướng mở cửa hội nhập là con đường tất yếu. Các tập đoàn, tổng công ty đang dần nhả những con gà đẻ trứng vàng ra, mà đã là gà đẻ trứng vàng thì hiển nhiên có nhà đầu tư ngoại dòm ngó.
Một minh chứng rõ nét nhất là thương vụ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn Vinamilk (VNM). Vinamilk là thương hiệu lớn và có thị phần số 1 trong ngành sữa tại Việt Nam. Bên cạnh giá trị thương hiệu thì hệ thống phân phối của Vinamilk cũng rất đáng nể. Do vậy, khi SCIC công bố kế hoạch thoái 9% vốn con gà đẻ trứng vàng này thì ngay lập tức Fraser & Neave Ltd. (F&N), Tập đoàn đồ uống của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thực hiện gom mua dù cho tổng giá trị chi trả là gần 11.300 tỷ đồng chỉ cho 5,4% vốn.
Sau khi đấu giá thành công 5,4% vốn Vinamilk, F&N không giấu tham vọng thâu tóm của mình khi liên tục đăng ký mua thêm khối lượng lớn cổ phiếu VNM. Tính đến đầu tháng 5/2017, tổng sở hữu của nhóm liên quan F&N tại Vinamilk đã nâng lên 19,74% so với mức trước đấu giá là 10,95%. Thời gian tới đây, SCIC sẽ tiếp tục thoái vốn Vinamilk và hoàn toàn không loại trừ khả năng F&N tiếp tục tham gia.
Không chỉ Vinamilk, còn nhiều thương hiệu Việt khác như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP)… cũng có nhà đầu tư ngoại đặt gạch sẵn.
Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp nào có ý định thâu tóm thương hiệu Việt đều thành công. Lotte từng muốn biến thương hiệu Bibica thành Lotte – Bibica vào năm 2012 nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của các cổ đông nội nên phải hoãn lại. Cho đến hiện nay Lotte vẫn chưa thực hiện được ý định này và với cơ cấu cổ đông Bibica hiện nay thì càng khó thực hiện. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2017 gửi cổ đông, cơ cấu cổ đông lớn cập nhật đến 26/8/2016 của Bibica gồm CTCP Thực phẩm PAN sở hữu 43,73% vốn, Lotte sở hữu 44,03% vốn – cơ cấu có thể nói là khá cân bằng giữa hai cổ đông lớn bên nội bên ngoại.
Ngoài ra, trước khi tìm đến Cầu Tre thì Tập đoàn CJ Cheiljedang cũng từng thất bại trước hai nhà đầu tư trong nước CTCP Việt – Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp quốc tế (Anco) (cả hai đều thuộc sở hữu Masan Group) trong cuộc chạy đua trở thành cổ đông chiến lược của Vissan trong đợt chào bán vốn nhà nước tại đây đầu năm 2016.
Như vậy, trước những “miếng mồi” ngon thì không chỉ nhà đầu tư ngoại mà cả những tổ chức lớn trong nước cũng dòm ngó. Do vậy, chúng ta không nên quá lo lắng về việc thương hiệu Việt mất đi mà hãy để cho thị trường tự quyết định.