Tim Cook nói gì về Steve Jobs, Donald Trump, Homepod và AR?

0
702

Trong cuộc phỏng vấn mới với Bloomberg, Tim Cook tuyên bố: “Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về việc trao cho mọi người thứ mà họ không biết rằng họ muốn”.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn ông Tim Cook, CEO của Apple, vào ngày 5/6 . Phỏng vấn được thực hiện bởi bà Megan Murphy, Biên tập tờ Bloomberg Businessweek.

Megan Murphy: Ông đã nói về Steve Jobs và mức độ tôn kính của ông dành cho ông ấy. Ông dành bao nhiêu thời gian để nghĩ về những gì mọi người sẽ nói về di sản của ông tại Apple?

Tim Cook: Chẳng có lúc nào. Thật lòng, tôi không nghĩ về những điều đó. Tôi nghĩ nhiều hơn về công việc hiện tại. Tôi hy vọng mọi người nhớ tôi như là một người tốt và tử tế. Và nếu được như vậy, thì đó là thành công.

ADN của Steve Jobs sẽ luôn là nền tảng cho Apple. Bây giờ cũng vậy. Tôi muốn điều này sẽ tiếp tục trong 50 năm tới, bất kể CEO là ai. Tôi muốn điều này tiếp tục trong 100 năm tới, bất kể CEO là ai. Bởi vì đó là tất cả những gì mà công ty này hướng tới. Tinh thần của Jobs là kim chỉ nam cho tất cả, từ sự chú ý đến từng chi tiết; thái độ chăm chút; tính chính xác; sự tập trung vào người dùng và trải nghiệm người dùng; tập trung vào việc tạo ra điều tốt nhất; tốt là chưa đủ, nó phải là tuyệt vời, hay là như Steve đã nói, nó phải “tuyệt vời một cách điên dại” (insanely great); và chúng tôi nên sở hữu công nghệ độc quyền vì đó là cách duy nhất bạn có thể kiểm soát tương lai của mình và kiểm soát chất lượng và trải nghiệm người dùng.

Bạn nên có can đảm để bỏ lại phía sau và thành thực với chính mình khi bạn làm điều gì đó sai trái, và bạn không nên gắn bó quá mức với vị trí của bạn và niềm tự hào cá nhân tới mức không thể nói: “Tôi đang thay đổi hướng đi.” Những tiêu chí này nên tiếp tục làm cơ sở cho Apple trong 1 một thế kỷ tới. Nó giống như Hiến pháp, là kim chỉ nam cho nước Mỹ. Nó không nên thay đổi. Chúng ta nên tôn kính nó.

Về bản chất, những nguyên tắc mà Steve đã học hỏi qua nhiều năm sẽ là nền tảng cho Apple. Nó không có nghĩa là công ty đã không thay đổi. Apple sẽ thay đổi và sẽ đi vào các lĩnh vực sản phẩm khác nhau. Apple sẽ học hỏi và điều chỉnh. Nhiều điều trong công ty đã thay đổi, thậm chí chỉ trong 6-7 năm qua. Nhưng “Hiến pháp” của chúng tôi không nên thay đổi. Nó sẽ vẫn như cũ. Tôi nghĩ về nó như sao Bắc Đẩu. Tôi luôn luôn tâm niệm điều đó khi đưa ra quyết định. Nó khiến cho việc đưa ra quyết định đơn giản hơn nhiều.

* Tôi đã khá ngạc nhiên khi sản phẩm mới Homepod của Apple được giới thiệu chủ yếu là một thiết bị nghe nhạc, trong khi các đối thủ như Echo của Amazon thì lại nhấn mạnh về trải nghiệm trong nhà. Homepod sẽ đưa Apple vào cuộc sống mọi người như thế nào?

Chúng tôi thực sự đã hiện diện trong mỗi ngôi nhà qua chiếc iPhone mà bạn mang theo tới mọi nơi, trong túi của bạn hay đặt tại một nơi nào đó. Ngày nay, trước khi có HomePod, tôi có thể điều khiển nhà của mình bằng cách sử dụng Siri thông qua iPhone. Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, iPhone chính là chiếc đồng hồ báo thức. Tôi nói, “chào buổi sáng”, và đột nhiên đèn sáng lên. Nhiệt độ được điều chỉnh và một loạt điều khác xảy ra. Chúng tôi cũng ở trong hiện diện trong nhà thông qua Apple TV. Nhiều người sử dụng iPad làm máy tính cá nhân của họ. Nhiều nhà cũng có một chiếc Mac đặt trên bàn làm việc. Điều duy nhất trong nhà chưa thu hút một sự tập trung lớn là âm nhạc. Vì vậy, chúng tôi quyết định sẽ kết hợp âm thanh tuyệt vời và một chiếc loa thông minh.

* Vì vậy, nó sẽ là một quá trình toàn diện (holistic) kết nối tất cả những điểm nêu trên, để mọi người có thể kiểm soát cuộc sống của họ, cho dù thông qua Siri hay là iPad?

Siri đang nhận được yêu cầu từ 375.000.000 thiết bị ngay vào lúc này. Tôi đoán đó là kỉ lục lớn nhất cho một trợ lý ảo. Một số trong những yêu cầu đó được thực hiện tại nhà, một số khác được thực hiện trên đường đi. Đó là nền tảng mà chúng tôi dựa vào đó xây dựng. Nó rất khác so với điểm khởi đầu trước đây của chúng tôi. Chúng tôi cũng có nhiều ngôn ngữ trên khắp thế giới: Siri không chỉ hoạt động bằng tiếng Anh. Chúng tôi có vị thế tốt trên khắp thế giới. Vì vậy, một lần nữa, điều gì đó là thiếu sót trong công thức này? Sự kết hợp của chất lượng âm thanh và bản năng.

* Ông nghĩ là mọi người sẽ trả 349USD cho Homepod?

Nếu bạn nhớ lại rằng khi iPod được ra mắt, rất nhiều người đã nói, “Tại sao mọi người lại phải trả 399 USD cho máy nghe nhạc MP3?” Và khi iPhone được công bố, họ cũng hỏi: “Ai sẽ trả tiền để mua chiếc iPhone?”. iPad cũng đã trải qua điều tương tự. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về việc trao cho mọi người thứ mà họ có thể không biết rằng họ muốn.

Khi tôi lớn lên, công nghệ âm thanh là đứng đầu danh sách những thứ mà bạn phải có. Bạn đã dành nhiều thời gian giải trí với thiết bị âm thanh của mình. Âm thanh vẫn thực sự quan trọng ở mọi lứa tuổi, không chỉ dành cho trẻ em. Chúng tôi nhắm đến thứ mà sẽ làm mọi người thích thú. Nó sẽ làm họ thực sự hứng khởi, và sẽ khuấy động cả ngôi nhà.

* Ông đã nói chuyện rất nhiều về việc xem công nghệ tăng cường thực tế ảo (augmented reality – AR) là trọng tâm trong kế hoạch tương lai của công ty. Ông nghĩ thế nào về triển vọng của AR?

Tôi nghĩ điều này là rất tuyệt. Tôi rất vui mừng về điều đó, tôi chỉ muốn hét lên. Bước đầu tiên để làm cho nó trở thành một loại trải nghiệm phổ thông là đưa nó vào hệ điều hành. Chúng tôi đang tích hợp nó vào iOS 11 – và từ đó giải phóng sự sáng tạo của hàng triệu người. Ngay cả chúng tôi cũng không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra.

Có một số triển vọng bạn đã có thể thấy được trước mắt. Chúng tôi đã nói chuyện với IKEA, và họ đã xây dựng hình ảnh 3D về những sản phẩm đồ gỗ của họ. Ở đây chúng ta đang nói về việc thay đổi toàn bộ trải nghiệm về cách bạn mua sắm, trong trường hợp này là đồ nội thất và đồ vật khác mà bạn có thể đặt xung quanh nhà. Bạn có thể dựa vào ý tưởng đó và bắt đầu thấy rằng đây là điều gì đó sẽ ứng dụng được cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Không có nhiều thứ làm được điều đó.

Bạn sẽ thấy những điều xảy ra trong các doanh nghiệp, nơi AR là cốt lõi của những gì họ đang làm. Bạn sẽ thấy một số công nghệ tiêu dùng tuyệt vời tới mức không thể tin được. Chúng ta có thể làm tất cả những gì chúng ta muốn làm bây giờ không? Không. Công nghệ vẫn chưa hoàn thiện. Nhưng đó là vẻ đẹp ở một mức độ nhất định. Đây là một đường băng cất cánh, và nó là một đường băng đáng kinh ngạc. Đây là lúc chúng ta nên thắt dây an toàn và chuẩn bị khởi hành. Khi mọi người bắt đầu nhận ra những gì có thể từ công nghệ AR, nó sẽ làm cho họ rất hứng khởi – giống như chúng tôi đã và đang cảm nhận.

* Apple có truyền thống tập trung vào người tiêu dùng (consumer) và không màng tới mảng doanh nghiệp (enterprise). Hãy nói về quan điểm của ông đối với mảng công nghệ dành cho doanh nghiệp.

Mảng doanh nghiệp là cơ hội lớn nhất trong tất cả các cơ hội. Trước đây bạn phải lựa chọn, “Bạn muốn phục vụ người tiêu dùng hay khối doanh nghiệp?” Nhưng thực tế ngày nay đã khác đi một chút: Các doanh nghiệp là một tập hợp những người tiêu dùng.

Trong quá khứ, gần như tất cả các ứng dụng đã được viết trên Windows. Vì vậy, Mac dần dần bị mất vị trí trong khối doanh nghiệp. Nhưng hôm nay là một thế giới khác. Đối với hầu hết các doanh nghiệp, iOS là hệ điều hành di động được ưa chuộng nhất. iOS là một nền tảng tuyệt vời, vì nó cho phép bạn dễ dàng viết các ứng dụng tuyệt vời để giúp bạn điều hành kinh doanh một cách hiệu quả, hoặc giao tiếp trực tiếp với khách hàng. Chúng ta thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp tự viết các ứng dụng. Và họ sử dụng những gì để viết các ứng dụng? Họ sử dụng các dàn máy Mac. Mac là nền tảng phát triển cho iOS.

Một điều khác đã thay đổi, là những giám đốc công nghệ thông tin (CIO) và giám đốc điều hành (CEO) có quan điểm cấp tiến nhất đang nói rằng, “Điều đầu tiên là chúng ta hãy giúp cho nhân viên trở nên hạnh phúc và có năng suất cao”. Khi bạn quan tâm đến hạnh phúc và năng suất của mọi người, bạn sẽ muốn tạo điều kiện để họ phát huy những năng lực tốt nhất và tăng sự sáng tạo của họ. Và nếu bạn cho họ một sự lựa chọn, họ sẽ nói, “Tôi muốn iPhone” hoặc “Tôi muốn Mac”. Chúng tôi nghĩ rằng mình có thể giành phần thắng trong quy trình ra quyết định của nhiều công ty theo cách như vậy. Tôi nghĩ rằng xu hướng này cũng lan ra mọi quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Mỹ. Nó tận dụng những thế mạnh sẵn có của công ty chúng tôi. Tôi nghĩ rằng đó có thể là nguồn tăng trưởng lớn cho chúng tôi.

Vì vậy, chúng tôi đã xuất hiện trong khối doanh nghiệp ở một mức độ nhất định, thông qua các nhân viên. Đồng thời, chúng tôi đã thực hiện một số khoản đầu tư khôn ngoan cho iOS từ nhiều năm trước, để làm cho nó trở thành một sản phẩm xứng đáng với các doanh nghiệp, đặc biệt là về mặt bảo mật. Chúng tôi đã xây dựng một số quan hệ đối tác khôn ngoan với Cisco, với SAP, với Deloitte, với IBM. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi cần phải hợp tác tốt với người khác. Bạn không thể nói: “Tôi là duy nhất”. Chúng tôi đã làm những điều khôn ngoan trong các mối quan hệ của mình.

* Ông đã công bố việc thành lập một quỹ phát triển sản xuất công nghệ cao (advanced manufacturing) trị giá 1 tỷ USD. Ông đã cân nhắc như thế nào về việc Apple có thể thúc đẩy tăng trưởng việc làm ở Mỹ và trên toàn cầu?

Tôi cảm thấy rằng là CEO của một công ty quan trọng thì mình phải có trách nhiệm tạo ra việc làm cho nước Mỹ. Và vì vậy tôi có thể có một cái nhìn đôi chút khác biệt hơn so với một số người đồng cấp. Nhưng tôi cảm thấy rằng đó là một vai trò của chúng tôi. Chúng tôi đã suy nghĩ về nó ở một mức độ khá sâu: đối với ngành sản xuất, bạn muốn trượt đến nơi mà dĩa hockey sẽ đến (skate to where the puck is going). Bạn không muốn trượt đến nơi nó bắt đầu. Vậy nó đi đâu? Chúng tôi có thể làm được nhiều nhất trong việc phát triển ngành sản xuất công nghệ cao. Khả năng robot có thể thay thế con người trong các dây chuyền lắp ráp là rất cao. Nhưng trong ngành sản xuất công nghệ cao, sẽ có rất nhiều việc làm. Một ví dụ rõ ràng là công ty sản xuất kính Corning. Chúng tôi đang làm việc với họ về những sản phẩm được sáng tạo ở Mỹ và từ đó tạo ra nhiều việc làm.

Sẽ có thêm nhiều câu chuyện như thế. Chúng tôi có thể sử dụng trình độ chuyên môn của chúng tôi về nơi mà dĩa hockey sẽ đến, và sử dụng tiền của chúng tôi để bảo đảm là có thật nhiều dĩa hockey chạy tới nước Mỹ. Có rất nhiều linh kiện của Apple được sản xuất ở đây. Nhiều người không biết điều này vì họ chỉ nghĩ về khâu lắp ráp sau cùng. Chúng ta phải cho họ biết về điều đó.

Apple đã tạo ra 2 triệu việc làm tại Mỹ. 1,5 triệu trong số đó là các nhà phát triển ứng dụng. Họ có mặt ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ. Nhưng bạn cũng thấy có một số lượng dân số nhất định đã bị nằm bên ngoài quá trình này. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ: “Chúng ta có thể làm gì để giải quyết điều này?”. Chúng tôi quyết định tạo ra một ngôn ngữ lập trình dễ học hơn, và gọi nó là Swift. Điều thứ hai chúng tôi đã làm là nói rằng “Bạn biết đấy, chúng tôi có thể tự soạn ra một chương trình giảng dạy thay vì yêu cầu các nhà giáo dục tự tìm ra”. Chúng tôi cung cấp một chương trình như vậy cho các trường tiểu học, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng lập trình cần phải là một môn học bắt buộc giống như tiếng Anh. Chúng tôi gọi đó là Swift Playground. Chúng tôi đã làm điều đó năm ngoái, và nó đang cất cánh khá nhanh.

Sau đó, chúng tôi nói: “Bạn biết không, thực tế là có nhiều trẻ em sẽ không học Swift Playgrounsd vì chúng đang học cấp 3 hoặc cao đẳng. Chúng ta có thể làm gì?”. Vì vậy, chúng tôi đã phát triển Swift Playground cho một nhóm tuổi khác. Các trường đại học như Stanford không cần sự giúp đỡ, vì họ đang tiến rất xa trong mặt này. Nhưng các trường cao đẳng cộng đồng cần được giúp đỡ. Các trường này mang lại cơ hội cho những ai chưa có kinh nghiệm trong việc phát triển ứng dụng. Đây có lẽ là phân khúc tạo ra nhiều công việc với tốc độ nhanh nhất ở Mỹ.

Vì vậy, chúng tôi chuẩn bị một chương trình học Swift nhằm vào nhóm đó, và tiếp xúc với các trường cao đẳng cộng đồng trên khắp nước Mỹ. Chúng tôi chọn ra vài trường có sẵn quan hệ với Apple, để hợp tác và nhận phản hồi của họ. Chúng tôi cũng cung cấp miễn phí chương trình của mình. Chúng tôi đã làm việc với các trường ở Houston, Alabama, Ohio, California. Chúng tôi không dừng lại ở đó. Họ sẽ bắt đầu cung cấp chương trình đào tạo mới vào mùa thu này. Chúng tôi đang hy vọng có thêm nhiều người đăng ký. Điều này có thể tạo ra thêm việc làm cho nhóm dân số này.

Chúng tôi cũng có số lượng lớn nhất các nhà phát triển đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc hợp tác cùng với những sinh viên này khiến chúng tôi cảm thấy rất vui. Họ có nhiều lý tưởng. Họ muốn học hỏi. Không có sự hoài nghi một cách bi quan. Chúng tôi có thể tăng cường sự đa dạng trong đội ngũ phát triển, có thể giúp đỡ những người đã bị bỏ lại phía sau bởi sự trỗi dậy của ngành công nghệ.

* Ông từng nói về việc nên có một chương trình cải cách thuế để các công ty Mỹ cho hồi hương hàng tỷ USD đang cất giữ ở nước ngoài.

Tôi đã đề nghị điều đó. Đó không phải là quan điểm riêng về việc đâu là điều tốt nhất cho Apple. Đó là một điều tốt cho nước Mỹ. Tôi muốn đưa ra một tỷ lệ đánh thuế hợp lý. Tôi muốn làm cho nó trở thành một quy định bắt buộc, chứ không phải chỉ là: “Ồ, tôi sẽ chỉ chuyển về số tiền chừng này thôi”. Bạn có thể quyết định xem bạn có muốn chuyển tiền về Mỹ hay không, nhưng bạn sẽ bị phạt nếu không chuyển về. Đó là những gì tôi sẽ làm.

Về tương lai, tôi muốn có một hệ thống thuế thực sự đơn giản. Tôi sẽ không muốn có khoản khấu trừ nào. Tôi sẽ không cho phép bất kỳ sự khấu trừ nào. Tôi nghĩ rằng khi bạn bắt đầu để ngỏ cánh cửa cho những lỗ hổng mà mọi người muốn, nó sẽ không đóng lại được. Nó sẽ chỉ tiếp tục mở, mở và mở ra. Tôi sẽ rất cứng rắn và nói “không ai được ưu tiên cả.” Mức thuế đánh vào số tiền hồi hương nên ở mức thấp nhất có thể. Tôi không biết mức đó là bao nhiêu. Có lẽ nên là mức 15% như mọi người đang bàn tán, mà cũng có thể không, có lẽ là 20%.

Tôi nghĩ là vẫn cần một mức thuế đánh lên các thu nhập bên ngoài nước Mỹ. Vấn đề là mức thuế hiện tại là rất điên rồ. Không ai muốn hồi hương tiền với mức thuế 40%. Đó chính là vấn đề.

Tôi nghĩ rằng sẽ là một ý tưởng thông minh khi nước Mỹ đánh thuế được các thu nhập ở nước ngoài – nếu mức thuế đó là hợp lý. Nó sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ, họ sẽ thấy cơ hội để bán hàng hóa của họ trên khắp thế giới, và cơ hội đó đủ đáng giá để hồi hương các khoản tiền. Và tôi cũng sẽ bù lại trợ cấp cho những khoản thuế đã phải đóng ở nước ngoài.

* Trải nghiệm của ông về thời gian làm việc với Donald Trump là gì?

Với tư cách là một người Mỹ và là một CEO, tôi cảm thấy có trách nhiệm lớn lao để cố gắng tác động đến những lĩnh vực mà chúng tôi có trình độ chuyên môn. Tôi đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách nhập cư. Chúng tôi rõ ràng có một cái nhìn rất khác (với ông Trump) về điều đó. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chống lại biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng có một cái nhìn khác với Trump. Có những điều mà chúng tôi không cùng quan điểm.

Tôi rất khác biệt với Trump. Tôi hy vọng có một số lĩnh vực mà chúng tôi không có khác biệt. Trọng tâm của ông ấy vào việc tăng việc làm tại Mỹ là điều tốt. Chúng tôi sẽ chờ xem nó như thế nào. Việc rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu ở Paris rất đáng thất vọng. Tôi cảm thấy có trách nhiệm làm tất cả những gì tôi có thể để nó không xảy ra. Tôi nghĩ rằng đó là quyết định sai. Nếu tôi nhìn thấy một cơ hội khác về hiệp định Paris, tôi sẽ nói lên quan điểm của mình một lần nữa.

Tôi không phải là người sẽ bỏ cuộc và nói, “Nếu bạn không làm những gì tôi muốn, tôi sẽ bỏ đi”. Tôi không tham gia vào một hội đồng tư vấn (của Trump), vì vậy tôi không liên quan đến những loại quyết định đó. Nhưng tôi quan tâm sâu sắc về nước Mỹ. Tôi muốn nước Mỹ trở nên tốt hơn. Với tôi, nước Mỹ quan trọng hơn những đấu đá chính trị.

Hãy để tôi đưa cho bạn một ví dụ về điều này. Bộ Cựu chiến binh (Veteran Affairs) đã phải vật lộn trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho các cựu binh Mỹ. Chúng tôi có chuyên môn về một số vấn đề mà họ đang phải vật lộn. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm việc với họ. Tôi không quan tâm đến chính trị. Tôi muốn giúp các cựu chiến binh. Cha tôi là một cựu chiến binh. Anh tôi từng phục vụ trong quân đội. Chúng tôi có rất nhiều cựu quân nhân ở Apple. Những người này xứng đáng nhận được chất lượng y tế tuyệt vời. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ.

* Ông trả lời thế nào trước những lời chỉ trích rằng Apple không còn giữ vị trí tiên phong sáng tạo như trước đây?

Chúng tôi đầu tư lâu dài. Chúng tôi không cảm thấy bị hối thúc phải liên tục là người đi đầu tiên. Đó không phải là cách chúng tôi hành động. Chuyên môn của chúng tôi làm là tạo ra sản phẩm tốt nhất, và đem đến cho người dùng một cái gì đó thực sự tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của họ. Nhìn lại quá khứ, bạn sẹ thấy iPod không phải là máy nghe nhạc MP3 đầu tiên. iPhone không phải là điện thoại thông minh đầu tiên. iPad không phải là máy tính bảng đầu tiên. Tôi có thể kể ra nhiều ví dụ nữa.

Nếu bạn chạy đua theo các trào lưu nhất thời, bạn sẽ mất đi cái nhìn toàn cảnh. Khi tôi nghĩ về những điều lớn lao, tôi nghĩ về AR. Chúng tôi không phải là những người đầu tiên nói về AR. Mục tiêu của chúng tôi cũng không phải là trở thành người đầu tiên. Chúng tôi muốn một cái gì đó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng mà chúng tôi có thể tích hợp vào nền tảng của mình, và giúp nhiều nhà phát triển có thể tạo ra thứ gì đó thật tuyệt vời. Chúng tôi đã có một khởi đầu rất tốt. Điều tương tự cũng xảy ra với thiết bị Homepod. Chúng tôi đã tìm cách phát triển nó trong nhiều năm nay. Chúng tôi không cảm thấy vội vã để cố làm một cái gì đó chỉ vì có ai khác đã làm trước. Theo quan điểm của chúng tôi, điều quan trọng ở đây không phải là cố chạy theo đối thủ cạnh tranh, mà là suy nghĩ xem điều gì sẽ cải thiện cuộc sống của người dùng Apple.

Chúng tôi muốn giúp đỡ càng nhiều người càng tốt. Chúng tôi đưa chức năng SOS vào đồng hồ Apple Watch vì chúng tôi nhận ra rằng mọi người có thể rơi vào các tình huống xấu, và tất cả những gì bạn phải làm là nhấn và giữ nút này và nó sẽ tự động quay số 911 cho bạn – hoặc một con số tương ứng ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chỉ vài ngày trước, tôi vừa nhận được một email từ một người bị tai nạn lật xe hơi. Anh ta không thể chạm vào điện thoại của mình, nhưng anh ta có đồng hồ – và đó là lý do tại sao anh ta có thể thoát ra khỏi xe. Bạn có thể nghe nhiều câu chuyện như thế. Nó chính là điều tạo ra sự khác biệt.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here