Chiến lược “cá mập” của Uber đã “đi quá xa”?

0
709

Sau gần 10 năm hoạt động, công ty dịch vụ taxi Uber vẫn thua lỗ. Tháng 6/2017, đồng sáng lập viên Travis Kalanick buộc phải từ bỏ chiếc ghế chủ tịch tổng giám đốc.

Chiến lược “cá mập” của Uber phải chăng đã “đi quá xa”? Huy động ít vốn để thu vào bạc tỷ nhờ một ứng dụng. Sau gần 10 năm hoạt động, công ty dịch vụ taxi Uber vẫn thua lỗ. Tháng 6/2017, đồng sáng lập viên Travis Kalanick buộc phải từ bỏ chiếc ghế chủ tịch tổng giám đốc.

Đâu là bí quyết phát triển của Uber? Giới đầu tư liệu đã hết kiên nhẫn vì chiến lược phát triển do Travis Kalanick, Garett Camp và Oscar Salazar vạch ra từ 2009 chậm mang lại kết quả? Hay đơn giản là nhân viên, khách hàng của Uber không còn chấp nhận cung cách làm ăn của Kalanick?

Trả lời RFI, giáo sư Benjamin Coriat, thuộc đại học Paris 13 và cũng là thành viên của tập hợp Les Economistes Atterrés, bao gồm các chuyên gia, các nhà trí thức lần lượt trả lời các câu hỏi trên.

Benjamin Coriat nói: “Mô hình phát triển của Uber đến bây giờ mọi người đều biết quá rõ, chủ yếu dựa trên chính sách khai thác giới tài xế taxi để kiếm lời. Thực ra Uber là một nhà môi giới, dùng mạng internet để tạo điều kiện cho người sử dụng dịch vụ đi taxi và bên cung cấp dịch vụ gặp nhau. Ở giữa, Uber ăn lời. Không chỉ có thế, Uber ấn định giá cả của mỗi cuốc xe và lấy của tài xế taxi 25 %. Ở đây cần lưu ý là Uber không có trách nhiệm bảo đảm một mức lương tối thiểu cho tài xế, không đóng bảo hiểm, không đóng an sinh xã hội cho họ. Tiền bảo quản xe, hay bảo hiểm xe, tiền mua xe, tiền xăng đều do bên cung cấp dịch vụ – tức là tài xế xe – phải chịu hết.

Về phương diện luật pháp, Uber không bị gò bó về thời gian: nhân viên của hãng này có sức thì cứ đi làm. Không có giới hạn 35 giờ một tuần như điều kiện trong luật lao động ở Pháp… Còn với các tài xế lái xe, thì đúng là tay làm hàm nhai.

Nguyên tắc này giúp cho Uber thu vào rất nhiều tiền. Thế nhưng công ty khởi nghiệp này sau gần 9 năm hoạt động chưa bao giờ có lời. Bởi vì Uber đang trong giai đoạn phát triển, mở địa bàn ở rất nhiều nơi trên thế giới, tuyển dụng thêm rất nhiều tài xế Uber ở khắp 5 châu. Ban điều hành có trụ sở tại California này chấp nhận lỗ vốn hàng tỷ đô la mỗi năm để theo đuổi một mục đích lâu dài: như một con cá mập Uber muốn nuốt dần hết các đối thủ, để trong tương lai chiếm thế gần như độc quyền. Khi đó, Uber sẽ một mình một chợ và áp đặt luật chơi, với cả người tiêu dùng, với cả nhân viên “.

“Ngoài yếu tố vừa nêu, phải nói thêm là Uber cất giấu tiền ở những thiên đường thuế khóa, không đóng thuế nhiều tại bất kỳ nơi nào họ hoạt động. Bên cạnh đó, ngoài chuyện mô hình phát triển của Uber bị chỉ trích về phương diện xã hội, về quan hệ giữa chủ và nhân viên, thì ngay cả về mặt đạo đức hãng này cũng chịu nhiều tai tiếng.

Về mặt quản lý nhân sự, Uber rõ ràng là bóc lột giới tài xế, đối xử bất bình đẳng với nữ giới và không hề tôn trọng một ai. Tất cả những điều đó đã được phơi bày qua hàng loạt những vụ tai tiếng liên tục xảy ra gần đây. Có lẽ vì thế mà chủ tịch tổng giám đốc của công ty là Travis Kalanick bị đẩy ra cửa để Uber tổ chức lại và tô điểm lại hình ảnh của mình.

Tôi xin lưu ý một điều về mặt chính thức, sáng lập viên Uber này phải từ chức chủ tịch tổng giám đốc vì lý do đạo đức. Nhưng tôi tin là cả mô hình quản lý và chiến lược phát triển của Uber đang khiến các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại”, Giáo sư Benjamin Coriat nói.

* Giáo sư muốn nói là các nhà đầu tư chính của Uber không còn muốn công ty môi giới về dịch vụ thuê bao taxi này luồn lách luật như từ trước tới nay, để rồi phải đương đầu với mấy trăm vụ kiện?

Cá nhân tôi cho là, ngoài những lý do về mặt đạo đức ra thì đấy là cốt lõi của vấn đề. Các đối thủ bị Uber đe dọa trong lĩnh vực này đang mở cờ trong bụng. Thống kê mới nhất cho thấy thị phần của họ đang được nới rộng ra hơn, trong lúc doanh thu của Uber thì có khuynh hướng giảm đi. Đâu đó, đây là một tín hiệu với ban quản trị của Uber.

* Từ trường hợp của Uber, ta có thể rút ra được bài học nào thưa giáo sư? Liệu có quá sớm để kết luận rằng, chiến lược phát triển do công ty môi giới thuê bao dịch vụ taxi này vạch ra, đang vấp phải những giới hạn?

Chính xác. Chúng ta đang đi thẳng vào vấn đề. Mô hình kinh tế mới do Uber phác họa ra dựa trên một cái plateforme, tức là một trung tâm kết nối các dịch vụ đa nguồn mà ở đó Uber là một trung gian giữa người mua và người bán. Nhiều dịch vụ khác đã sử dụng mô hình của Uber.

Tôi muốn nói tới AirBnB trong lĩnh vực thuê nhà chẳng hạn. Mô hình này còn đang được mở rộng ra tới nhiều lĩnh vực khác, từ dịch vụ cố vấn về pháp luật, đến y tế, mua bán dược phẩm.

Chúng ta cũng thường nói tới một nền kinh tế đang trên đà được “Uber hóa”. Dù vậy các plateforme kiểu của Uber hay AirBnB ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Họ phải đối mặt với rất nhiều các vụ kiện. Thành phố Berlin cấm AirBnB hoạt động. Barcelona tăng cường kiểm tra các hoạt động của AirBnB.

Nhưng trước mắt một số các cơ quan nhà nước vẫn để cho mô hình này phát triển, vì họ tin vào phép lạ của một nền kinh tế hoạt động như Uber. Có điều, cái giá phải trả về mặt xã hội khá đắt nếu như AirBnB chẳng hạn lấy mất khách của các khách sạn, không đóng góp cho quỹ an sinh xã hội, trốn thuế và tạo ra những công việc bấp bênh cho cả một tầng lớp những cộng tác viên với các trung tâm kết nối dịch vụ đa nguồn theo kiểu này.

Uber được lập ra năm 2009. Tất cả xuất phát từ một năm trước đó, khi Travis Kalanick và Garett Camp khổ sở để gọi được một chiếc taxi ở Paris. Cả hai thực hiện giấc mơ: gọi taxi bằng 1 “click” trên điện thoại di động. San Francisco là thí điểm đầu tiên và cặp bài trùng Kalanick-Camp đã mời thêm Oscar Salazar cố vấn về mặt kỹ thuật.

Tám năm sau, công ty khởi nghiệp của ba “chàng ngự lâm pháo thủ” trong thế giới high tech này hiện diện tại 626 thành phố trên thế giới, 70 quốc gia. Trị giá của Uber được ước tính lên tới gần 70 tỷ đô la.

2 triệu tài xế của Uber bảo đảm 1 tỷ cuốc xe, phục vụ hàng chục triệu khách hàng, trong đó 40 triệu là những hành khách “thường xuyên”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here