Sao hạng A đến Việt Nam: Không chỉ là giải trí

0
689

Đứng sau mỗi chương trình tại Việt Nam của các sao quốc tế thường là tên của một ngân hàng, một hãng hàng không, một hoặc một vài thương hiệu.

Sự kiện ngôi sao đương đại Ariana Grande có tầm ảnh hưởng thế giới, đến Việt Nam biểu diễn vào tháng 8 là một chấn động lớn không chỉ với người hâm mộ nữ ca sĩ này mà còn là tin vui với người yêu nhạc. Họ hoàn toàn có thể hy vọng một ngày rất gần, những ca sĩ, ngôi sao yêu thích hạng A sẽ có mặt thường xuyên hơn ở Việt Nam.

Hiệu ứng những ngôi sao

Trong lĩnh vực biểu diễn đại chúng, Việt Nam vẫn thường được coi là “ga xép” dừng chân của nghệ sĩ quốc tế, bởi hầu hết những ca sĩ/nhóm nhạc đến Việt Nam trong 4 năm đổ về trước đã qua thời vàng son. Kể cả trong năm 2016, mặc dù số lượng ca sĩ/nhóm nhạc quốc tế đến Việt Nam có gia tăng đáng kể, thì Boney M. và Chris Norman của Smokie, Shane Filan của West Life, Scorpions (Monsoon 2016), Modern Talking, Michael Learns to Rock hay Richard Marx,… tất cả đều là những gương mặt âm nhạc của thập niên 80, 90 đã qua thời hoàng kim. Sự sôi động và cuồng nhiệt của âm nhạc thế hệ đương đại là cái gì đó thật xa vời. Bạn muốn xem The Chainsmokers, Britney Spears hay Maroon 5 ư? Xin mời mua vé máy bay sang Thái Lan, Singapore hoặc Malaysia.

Tuy nhiên, trước đó 5, 7 năm, chuyện mời được một gương mặt trong số những cái tên đã kể ở trên càng trở nên không tưởng! Tiền nong đương nhiên là yếu tố quan trọng đầu tiên, nhưng đáp ứng được sân khấu biểu diễn với hệ thống âm thanh có chất lượng đạt chuẩn cùng vô số điều kiện phụ theo của nghệ sĩ không phải là điều dễ dàng. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, để mời được Scorpions biểu diễn trong Monsoon 2016, bên cạnh yếu tố tài chính, đáp ứng yêu cầu từ phía ban nhạc, anh đã phải mất 3 năm để thuyết phục. Mãi đến Monsoon 2015, khi nhìn thấy tiềm năng từ chương trình, ban nhạc mới nhận lời.

Phụ trách marketing một ngân hàng cũng cho biết, dù tìm mọi cách nhưng cơ hội mời ban nhạc Maroon 5 hay các ca sĩ Taylor Swift, Rihanna và Katy Perry đến biểu diễn tại Việt Nam là không thể vì ngoài chi phí lên đến trên 2 triệu USD, còn rất nhiều điều khoản ràng buộc khác mà các đơn vị tổ chức tại Việt Nam không thể đảm đương. Ngoài chi phí về bảo vệ an ninh, ăn ở, đi lại…, để tổ chức được đêm diễn cho các ngôi sao này đúng đẳng cấp của sao thế giới thì có lẽ chi phí thật sẽ đội lên nhiều lần. Chẳng hạn, nghệ sĩ piano Richard Clayderman khi đến Việt Nam vào năm 2014 yêu cầu phải ở phòng Tổng thống tại khách sạn Metropole với 3.000 USD/đêm. Ban Tổ chức đã phải liên hệ với hãng đĩa Universal Music trước đó 2 năm để “đặt lịch” nghệ sĩ này… Theo ông Phillip Nguyễn, Giám đốc IPP, Ban tổ chức đã mất đến 2 năm lên kế hoạch đưa nữ ca sĩ hàng đầu thế giới Ariana Grande đến Việt Nam.

Thế mới thấy nỗ lực không hề nhỏ của nhà tổ chức Việt Nam khi đưa các ngôi sao đến với người hâm mộ trong nước. Họ tận dụng mọi nguồn lực, mối quan hệ với các nhà sản xuất quốc tế để gầy dựng niềm tin trong lòng nghệ sĩ, chứng minh năng lực tài chính cũng như thuyết phục họ rằng đây là điểm đến thân thiện, cuồng nhiệt và thú vị không hề kém cạnh các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Sự thành công của một chương trình đã tạo thành làn sóng đưa Việt Nam trở thành cái tên được nhiều nghệ sĩ chú ý và quan tâm hơn. Đằng sau các hoạt động mang tính giải trí sẽ là những động lực cho ngành du lịch, thương mại của Việt Nam phát triển hơn.

Vì vậy, sự kiện Ariana Grande hay tiếp theo đó là The Chainsmokers đến Việt Nam trình diễn vào tháng 9 năm nay là kết quả của chuỗi domino này. 

Càng không có gì ngạc nhiên nếu thông tin “hoàng tử nhạc Pop” Justin Bieber đến Việt Nam vào tháng 10.2017 được xác thực.

Động lực nhà tài trợ

Tùy vào mức độ “phủ sóng” của các nghệ sĩ mà chi phí tổ chức mỗi chương trình đều ở con số từ vài trăm ngàn đến vài triệu USD. Giá vé để xem sao nổi tiếng thế giới biểu diễn đương nhiên cũng phải xứng tầm với nghệ sĩ. Dẫu vậy, tiền vé thu về so với kinh phí và công sức nhà tổ chức bỏ ra chỉ là muối bỏ biển, kể cả khi khách mời là thần tượng K-Pop. Không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu được thị hiếu khán giả cộng với thói quen nghe nhạc bằng vé mời của công chúng Việt Nam là hai yếu tố cốt lõi khiến nhiều nhà tổ chức gần như mất dạng khỏi thị trường biểu diễn sau một chương trình. Năm 2007, show diễn của Bi Rain tại TP.HCM được coi là sự kiện hoành tráng nhất làng giải trí Việt. Nhưng cuối cùng nhà tổ chức thừa nhận lỗ tới 1 triệu USD. Tiếp theo tới show của Backstreet Boys năm 2011, dù đã giảm giá vé xuống còn vài trăm ngàn đồng nhưng lượng khán giả cũng không đủ bù khoản lỗ quá lớn của chương trình.

Từ đó đến nay, nhiều đơn vị tổ chức thừa nhận các show mời nghệ sĩ, ca sĩ quốc tế đến Việt Nam chưa bao giờ thành công về mặt tài chính. Không quá ngạc nhiên khi thời điểm hiện tại, phần lớn đứng sau mỗi chương trình của các sao quốc tế là tên của một ngân hàng, một hãng hàng không, một hoặc một vài thương hiệu. Nói cách khác, đó là hình thức truyền thông và marketing thông minh, dễ đi vào lòng người mà các “đại gia” này nằm lòng bài bản. Khác chăng, cách làm này mở rộng đối tượng hơn để khán giả cùng dự vào bằng cách mua sản phẩm trúng vé hoặc bán vé trực tiếp ở mức giá có thể chấp nhận được. Chẳng hạn, một ngân hàng lên kế hoạch bỏ cả triệu USD mời Maroon 5 về Việt Nam sẵn sàng tặng vé cho khoảng 30.000 khán giả với điều kiện những khán giả này phải mở thẻ tín dụng của ngân hàng.

Mặc dù vậy, nếu việc tổ chức vẫn quá dựa dẫm vào nguồn kinh phí tài trợ, bài toán kinh tế của việc đưa nghệ sĩ quốc tế về Việt Nam biểu diễn là chưa có lời giải cho những chương trình nghệ thuật quốc tế thường xuyên hơn. “Bắt đúng thị hiếu số đông khán giả và giá vé phù hợp hơn có thể là lời giải”, đại diện một đơn vị tổ chức nghệ thuật tại TP.HCM cho biết.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here