Giám đốc thiết kế Jony Ive của Apple đã có một buổi trò chuyện và trả lời những câu hỏi tại New York vào hôm 06/10 vừa qua. Đây là một trong số những lần hiếm hoi vị giám đốc thiết kế của Apple xuất hiện công khai để trả lời phỏng vấn.
Nhà thiết kế người Anh có ảnh hưởng ít hơn tới các sản phẩm của Apple trong những năm gần đây, tuy nhiên anh vẫn là một người vô cùng quan trọng tại Apple. Jony Ivey đã từng dẫn dắt đội ngũ thiết kế của Apple, phát triển từng sản phẩm quan trọng nhất của công ty bao gồm cả những chiếc iPhone và iPad.
Cuộc nói chuyện vào hôm thứ 6 vừa qua của Jony Ive có nhắc tới cựu CEO Steve Jobs, iPhone X và quá trình thiết kế tại Apple.
Người phỏng vấn Jony Ive trong sự kiện lần này chính là David Remnick – tổng biên tập của New Yorker. Mở đầu cuộc phỏng vấn, David Remnick đã ví giám đốc thiết kế của Apple giống với Michelangelo – một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng Ý.
Jony Ive bắt đầu với việc chia sẻ quá trình thiết kế các sản phẩm tại Apple: “Tôi cho rằng đó là một cái gì đó rất quan trọng, khi mỗi một sản phẩm được tạo ra, nó chứng tỏ giá trị và sự đầu tư, nỗ lực rất lớn của những người thiết kế. Tuy nhiên rất khó để mọi người có thể nhìn thấy được những nỗ lực ở phía sau”.
Remnick: Điều gì mà anh ghét nhất?
Ive: “Hầu hết mọi thứ, thật vậy. Hầu hết mọi thứ được xây dựng theo một cách mà chúng ta gọi là cơ hội, chúng tôi quan tâm đến chi phí và các kế hoạch. Không phải như mọi người nghĩ, chúng không được xây dựng hướng đến con người. Chúng ta có thể không lý giải được vì sao mình lại thích một thứ gì đó, cũng tương tự chúng ta không biết lý do vì sao mình không thích một thứ gì đó.
Remnick: Công việc của anh là sự giao thoa giữa công nghệ, kinh doanh và nghệ thuật?
Ive: Đôi khi có những điều làm bạn phát điên và bạn nghĩ rằng phải tìm ra một cách làm tốt hơn. Thiết kế của iPhone ra đời như vậy, một phần động lực của chúng tôi đến từ sự hổ thẹn khi sử dụng những chiếc điện thoại cũ. Tôi nghĩ rằng những chiếc điện thoại cũ đã phá hủy linh hồn và là minh chứng cho sự thiếu tham vọng.
Điều thú vị nhất tôi thấy ở Steve Jobs, đó là mục tiêu của Apple không phải là tiền. Khi gia nhập công ty vào năm 1992, tôi bị hấp dẫn bởi nền văn hóa. Và khi Steve Jobs quay trở lại vào năm 1996, tất cả những gì ông tập trung không phải là lợi nhuận mà là tạo ra một sản phẩm tốt nhất.
Steve Jobs đã đến phòng thiết kế, ngay lập tức ông ấy nhận ra những điều bất ổn. Ông ấy nói rằng chúng tôi làm việc không hiệu quả, và tôi người đứng đầu phòng thiết kế phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Tôi đã đi ăn trưa với Steve Jobs mỗi ngày. Ông ấy nói rằng nếu một ngày thứ ba mà không có một ý tưởng mới, nó chỉ đơn giản là một ngày thứ ba nhàm chán.
Remnick: Hậu quả của việc sử dụng iPhone là gì?
Ive: Đó là việc sử dụng liên tục, bạn không thể đặt nó xuống.
Remnick: Anh đang chờ đợi những xu hướng công nghệ nào tiếp theo?
Ive: Có rất nhiều công nghệ mới xoay quanh màn hình hiển thị trên smartphone, những con chip silicon cũng trở nên nhỏ hơn và mạnh hơn. Chiếc iPhone mà chúng tôi vừa ra mắt vài tuần trước là kết quả của quá trình làm việc trong 5 năm. Có những xu hướng sẽ xảy đến và tôi biết điều đó, hầu hết là những gì chắc chắn sẽ xảy đến.
Remnick: Cái giá mà bạn phải trả cho sự tập trung vào công việc là gì?
Ive: Đó là sự mệt mỏi.
Remnick: Sự thất bại thú vị nhất của anh là gì?
Ivey: Một câu hỏi rất hay, mặc dù tôi không chắc chắn rằng thất bại là một điều thú vị. Tôi nghĩ rằng mình đã mắc nhiều sai lầm. Hầu hết chúng được sinh ra từ sự lười biếng và tự mãn. Không ai có thể biết chắc rằng một ý tưởng có thể thành công, cho đến khi nó thành công. Khoảng 99% những gì chúng tôi làm là những thứ không thành công.
Remmick: Bạn có còn cảm thấy khao khát? (nguyên văn: Do you still feel hungry – với ý nghĩa của từ hungry trong câu nói nổi tiếng của Steve Jobs)
Ive: Hoàn toàn có. Chúng tôi có một số ý tưởng và đang chờ đợi công nghệ phát triển để có thể bắt kịp những ý tưởng đó.