Uber, Grab cạnh tranh Mai Linh, Vinasun… là điều tất nhiên theo lịch sử tiến hóa loài người

0
693

Gọi cuộc cạnh tranh giữa Mai Linh, Vinasun…với Uber, Grab là điều tất nhiên theo lịch sử tiến hóa của loài người, Viện trưởng VEPR nghiêng phần thắng về những thứ tân tiến, hiện đại hơn.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng cách cạnh tranh của các hãng taxi Việt Nam lúc này là ‘hoàn toàn sai’, khi mà nó ‘cố kéo đội bạn về ngang tầm đội mình, chứ không phải là mình nâng cấp để đủ sức cạnh tranh với họ’.

Bên cạnh tăng trưởng hay lạm phát, buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý III/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng gây chú ý khi đề cập tới câu chuyện cũng đang rất nóng hổi tại Việt Nam: Cuộc chiến 3 bên giữa taxi truyền thống với Uber và với Grab – 2 công ty đến từ nước ngoài.

Diễn biến của cuộc chiến có phần khốc liệt khi Grab cạnh tranh với Uber và tuyên bố qua báo chí rằng đã giải quyết xong bài toán thị phần ở Việt Nam. Đồng thời, Giám đốc của Uber tại Việt Nam cũng rời vị trí với lời đồn đấu không lại Grab.

Về phía taxi truyền thống mang cả tinh thần tự hào dân tộc theo kiểu ‘người Việt đi taxi Việt’ ra làm vũ khí; hay tố Uber, Grab cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế để tạo lợi thế cho mình.

Còn đối với dư luận, cuộc đấu này được nhìn nhận như là giữa cái mới với cái cũ – nơi thứ tân tiến hơn thường sẽ chiến thắng. Đồng ý với quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành trong buổi công bố báo cáo cho rằng việc Mai Linh, Vinasun…cạnh tranh với Uber, Grab là một điều hiển nhiên như bao cuộc đấu trong lịch sử tiến hóa của con người.

Thế nhưng, Viện trưởng VEPR cũng cho rằng cách cạnh tranh của các hãng taxi Việt Nam hiện tại là hoàn toàn sai. “Nếu cứ cố kéo đội bạn xuống bằng tầm đội mình mà chối bỏ tầm nhìn thời đại thì rồi cũng sẽ thất bại thôi”, Tiến sỹ Thành nêu quan điểm.

Cạnh tranh là sự tiến hóa cái cũ lên cái mới: “Mô hình cũ sẽ ra đi thôi, đó là điều chắc chắn rồi!”

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành đồng ý với quan điểm của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh rằng sự xuất hiện của những làn gió mới nước ngoài tại thị trường Việt Nam sẽ tạo ra sự cạnh tranh, buộc những thứ cũ kỹ phải thay đổi.

Và trong thị trường taxi ở Việt Nam, sự cạnh tranh này còn mang một ý nghĩa mới. “Hơn cả cạnh tranh “giữa một ‘ông taxi mới’ với một ‘ông taxi cũ’, đây là cạnh tranh của cả một hệ hình kinh doanh mới với một hệ hình kinh doanh cũ” – Ông Thành nhấn mạnh.

Như thế, việc Uber, Grab có mặt tại Việt Nam được vị Tiến sỹ gọi là ‘một thứ rất rõ trong lịch sử tiến hóa của loài người’. Ông lấy những ví dụ tương tự có thể kể đến như động cơ đốt trong chiến thắng động cơ đốt ngoài, xe ô tô chiến thắng tàu hỏa xì khói, thuyền chạy bằng động cơ chiến thắng thuyền buồm.

Từ những phần thắng nếu trên, kết quả của cuộc cạnh tranh giữa Mai Linh, Vinasun…với Uber, Grab theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành dường như đã nghiêng hẳn về những ứng dụng gọi xe của thời đại mới, như bao lần lịch sử tiến hóa đã chứng minh.

Cuộc cạnh tranh này, phần thắng rút cục sẽ thuộc về cái mới thôi. Chúng ta sẽ thấy rằng các doanh nghiệp không lồ có những thời huy hoàng của ngành taxi như Vinasun hay Mai Linh nếu không thay đổi thì sẽ ra đi thôi. Đó là điều chắc chắn rồi”, Viện trưởng VEPR nhận định.

Về phần quản lý, ông cũng cho rằng vì lịch sử đã báo hiệu kết quả của cuộc đấu, việc đi ngăn cản những loại hình mới là một sự dại dột. Tiến sỹ Thành cho rằng điều quan trọng là làm sao tiếp cận, tiếp quản nó, sống chung cùng với nó.

Kiện đối thủ trốn thuế, treo băng rôn trên xe: Nếu cứ chối bỏ tầm nhìn của thời đại, Mai Linh, Vinasun sẽ thất bại!

Tuy khó khăn là vậy nhưng theo Tiến sỹ Thành, cơ hội để Mai Linh, Vinasun với vốn, kiến thức thị trường sẵn có cạnh trạnh với Uber, Grab là vẫn có. Điều cần là các hãng taxi Việt Nam phải nâng cấp mình để được đứng cùng với hệ hình kinh doanh mới của Uber, Grab.

“Chúng ta cũng không khỏi không xót xa, nhưng cách làm quan trọng là chúng ta phải làm sao tạo ra được những doanh nghiệp Việt Nam có thể bước vào hệ hình mới kia và cùng cạnh tranh với các công ty nước ngoài” – Ông Thành hiến kế.

Có thể sẽ có những tư duy kiểu như “họ đi trước mình rồi, họ vĩ đại như thế nên cạnh tranh là vô vọng” theo như Viện trưởng VEPR đề cập, thế nhưng ông cũng cho rằng thị trường vận tải hành khách Việt Nam vẫn còn rất nhiều ngách để các doanh nghiệp của chúng ta sử dụng công nghệ mới để chiếm lĩnh.

“Có những thị trưởng nhỏ hơn, ví dụ những nhóm người trẻ startup chỉ làm thị trường xe chạy sân bay nhưng lại sử dụng phần mềm tương tự Uber. Hay như Grab tuy chỉ là một công ty ở thị trường Đông Nam Á nhưng cũng đã cạnh tranh được với Uber trong khu vực Đông Nam Á này, hoặc một doanh nghiệp gọi xe tương tự Uber ở Trung Quốc (Didi – PV) còn đánh bật Uber ra khỏi Trung Quốc” – Ông Nguyễn Đức Thành kể ra các bằng chứng.

Điều quan trọng là các hãng taxi Việt Nam phải thực sự muốn mình thay đổi để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Uber, Grab. Vị Tiến sỹ cho rằng khi những tên tuổi Mai Linh, Vinasun…chịu làm điều này, Chính phủ rồi sẽ ủng hộ vì dù sao đây vẫn là những doanh nghiệp của người Việt đang cố phục vụ cho chính người Việt.

Điều quan trọng là các hãng taxi Việt Nam phải thực sự muốn mình thay đổi để có thể cạnh tranh sòng phẳng với Uber, Grab.

“Anh buộc phải có sự thay đổi, anh có thể vận động chính sách để anh bước vào sân chơi mới kia mà có sẵn những lợi thế. Tôi nghĩ là Chính phủ cũng không đến mức để cho các doanh nghiệp ấy đơn độc đâu” – Viện trưởng VEPR nhận xét.

Còn điều tuyệt nhiên không nên xảy ra là cung cách ứng xử theo kiểu kiện tụng, treo băng rôn trên xe, lấy tinh thần dân tộc ra làm vũ khí…của các hãng taxi truyền thống hiện tại.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here