WeChat đã thành công ở Trung Quốc thế nào?

0
685

Ứng dụng WeChat đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân Trung Quốc, nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro khó tránh.

Bất kỳ khách du lịch nào đến Trung Quốc đều nhận thấy rằng ở đây, ứng dụng được sử dụng nhiều nhất không phải là Facebook, Instagram… mà chính là WeChat. Nguyên nhân ngoài việc các mạng xã hội trên bị cấm, WeChat – sản phẩm của tập đoàn Tencent – có quá nhiều ưu điểm.

Không giống các phần mềm mạng xã hội khác, WeChat có những tính năng cần thiết với đời sống hàng ngày của người dân Trung Quốc, giúp việc tiếp cận thông tin, giao dịch, mua sắm… thuận tiện hơn bao giờ hết.

Tốc độ phát triển của phần mềm này tại quốc gia đông dân nhất thế giới là cực nhanh. Theo Bloomberg Businessweek, đã có tới hơn 900 triệu người sử dụng WeChat. Để biết con số này lớn tới mức nào, hãy so sánh với dân số châu Âu (khoảng hơn 743,1 triệu người năm 2015) hay dân số châu Mỹ (1 tỷ người năm 2016).

Điểm khởi đầu của WeChat, tương tự WhatsApp, Line, Signal hay Facebook Messenger, là ứng dụng nhắn tin qua Internet (OTT). Tuy nhiên, theo thời gian, nó dần tích hợp nhiều tính năng hơn. Giờ đây, nó không còn là một phần mềm dùng để trò chuyện nữa, mà đã trở nên đa năng, tích hợp mọi chức năng hữu ích với đời sống vào một giao diện duy nhất.

Với WeChat, bên cạnh một mạng xã hội, ứng dụng trò chuyện (nhắn tin, gọi điện, gửi đa phương tiện…) người dùng có thể đặt và thanh toán tiền taxi, vé máy bay, tàu hỏa hay vé xem phim, đặt phòng khách sạn, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền cho người khác… một cách nhanh chóng trên giao diện phần mềm, miễn là có liên kết với tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, nó còn cùng cấp các công cụ giúp quản lý tài chính, thời gian, lịch trình để mọi thứ được đơn giản hơn. Trên ứng dụng này, tin tức, các cập nhật từ cơ quan, tổ chức sẽ được hiển thị trên nguồn cấp dữ liệu có tên là Moments, giúp người dùng có thể xem nhanh thông tin các lĩnh vực mình quan tâm mà không cần vào một tờ báo cụ thể nào.

WeChat đã có tới hơn 900 triệu người sử dụng.

Quả thực, WeChat đã thay đổi gần như hoàn toàn thói quen của nhiều người dân Trung Quốc. Ví dụ, ở việc tiêu tiền, không ít người ra đường mà không bao giờ mang theo ví, vì họ đã có WeChat Pay. Hơn 600 triệu người dùng đang lựa chọn cách thanh toán hiện đại này và rất nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng thời trang, cửa hàng gia dụng… đều chấp nhận thanh toán qua hình thức mới. Thậm chí, bạn cũng có thể cho tiền người vô gia cư, bằng cách lấy điện thoại họ quét mã QR thay cho tiền mặt.

Riêng về thanh toán kỹ thuật số, có thể xem Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu và xu hướng này đang lan rộng trên toàn thế giới. Để làm được điều đó, công lớn là nhờ vào WeChat và AliPay. Cả hai đã cho phép thanh toán số hóa gần 3.000 tỷ USD vào 2016, gấp 20 lần so với 4 năm trước đó.

Các nhà phân tích tại Học viện Toàn cầu McKinsey nhận định, việc chuyển từ tiền mặt và thẻ sang thanh toán số sẽ làm tăng GDP ở các nền kinh tế đang phát triển thêm 6%, tạo ra 3,7 nghìn tỷ USD và khoảng 95 triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu trước năm 2025. Những gì WeChat và AliPay đã làm được có ý nghĩa vô cùng lớn. Không những thế, nó còn kích thích các ngành nghề, lĩnh vực khác phát triển theo thay vì duy trì phương thức vận hành truyền thống.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lo lắng khi sử dụng WeChat, nhất là cơ chế kiểm soát chặt chẽ và nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư rất cao. Theo Diplomat, để có thể hoạt động, công ty tạo ra ứng dụng này – Tencent – đã phải cho phép Bộ An ninh và Cục An ninh Công cộng của Trung Quốc can thiệp, truy cập và kiểm tra dữ liệu người dùng. Các chương trình giám sát cũng được tích hợp nhằm lọc từ khóa, chặn tin nhắn, cũng như ngăn chặn truy cập vào các trang web liên quan đến vấn đề “nhạy cảm” như Pháp Luân Công hay Thiên An Môn.

Nếu Facebook ngăn chặn tin tức giả mạo một cách nghiêm túc và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm điều này, thì WeChat có thể biến chúng theo hướng sai lệch có chủ đích và người dùng rất dễ bị đánh lừa. Nhưng nhờ những biện pháp đó, WeChat đã trở thành một phần của chính quyền trong việc duy trì sự ổn định và có kiểm soát.

Việc hoạt động song hành với chia sẻ dữ liệu cho chính quyền Trung Quốc cũng có thể tạo ra những rủi ro không gian mạng cho người dùng WeChat. Đơn cử, người dùng có thể vô tình quét mã QR và điện thoại tự động tải về phần mềm độc hại, từ đó thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng… có thể rơi vào tay kẻ xấu, bởi mọi thứ đã được liên kết. Ở mức độ vĩ mô hơn, nếu các thế lực thù địch chiếm được quyền kiểm soát WeChat, nguy cơ 900 triệu người phải đọc các tin tức giả không có lợi cho chính quyền là rất cao, từ đó gây ra những hậu quả khó lường khác. Với số lượng người lớn như thế, việc kiểm soát là không hề dễ dàng.

Nhìn chung, WeChat là ứng dụng đã thay đổi bộ mặt và thói quen người dùng của quốc gia đông dân nhất thế giới một cách tích cực ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc kiểm soát thông tin cá nhân rất quan trọng với các nước phương Tây và bên ngoài Trung Quốc, nhưng có vẻ như người dùng nơi đây đã quen thuộc và chấp nhận nó.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here