Thương hiệu Việt có thể nhượng quyền ra thế giới?

0
691

Nội Dung Chính

Đã có hàng loạt các thương hiệu nước ngoài nhượng quyền ở Việt Nam. Ở chiều ngược lại, có bao nhiêu thương hiệu Việt Nam bước ra thế giới?

Khi đã xây dựng được một mô hình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mong muốn đi theo hướng mở rộng, phát triển lên. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SME khẳng định, họ cũng định hướng nhượng quyền ra nước ngoài, nhưng… chưa biết làm sao?

Lúng túng

Khi cánh cửa hội nhập mở ra, nhiều doanh nghiệp Việt có thể dễ dàng tiếp xúc với khách hàng bên ngoài và tiếp cận với nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, không ít lần, các doanh nghiệp cảm thấy phân vân, ăn ngủ không yên khi phải “tự bơi một mình”.

Chị Hồng Vân – CEO của Nấm Tươi Cười kể rằng, doanh nghiệp của chị đã xây dựng vùng nguyên liệu, nhờ chuyên gia, các nhà khoa học giúp tạo ra loại nấm có hàm lượng dinh dưỡng cao. Sản phẩm của công ty đã được tiêu thụ khá tốt tại thị trường phía Bắc. Chị Vân mong muốn có thể mở rộng hệ thống, xây dựng chuỗi cửa hàng và nhượng quyền cả trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên, chị nói: nhu cầu này là nhu cầu có thật của doanh nghiệp, nhưng cũng chưa biết nên bắt đầu ra sao và cũng chưa hình dung con đường sắp tới thế nào.

Tương tự, chị Trần Hạnh Thư, Giám đốc của Công ty Tam Sa cho biết, doanh nghiệp làm bánh tráng của chị đang trong giai đoạn phát triển tốt, khách nước ngoài đặt hàng và ngỏ ý muốn nhập khẩu. Khách cũng muốn doanh nghiệp demo nhiều loại món ăn có dùng nguyên liệu bánh tráng để thuận lợi cho họ bán hàng. Chị lúng túng vì mình không biết nên mở luôn mô hình “Gói và cuốn” rồi nhân rộng hay chỉ chuyên tâm cho việc sản xuất bánh tráng? Tất cả những ý kiến của khách hàng đều rất quan trọng, nhưng bắt tay vào làm thì chẳng đơn giản tí nào?

Nếu như trước đây, có một nỗi sợ của các doanh nghiệp Việt là không biết có ai chịu “mua mình”, thì bây giờ khi có người đến đặt vấn đề mua bán, doanh nghiệp lại có thêm nỗi lo mới: họ có muốn mua thiệt không hay chỉ muốn lấy công thức, bí quyết của mình rồi… chạy mất?

Chị L.H.K, một chủ doanh nghiệp kể rằng, đã từng có một doanh nghiệp Đài Loan, một doanh nghiệp Malaysia đến đặt vấn đề hợp tác. Ban đầu chị vô cùng hào hứng, nhưng đến khi khách hỏi sâu vào chi tiết: nguyên liệu mua ở đâu, công thức cho một nồi nước lèo ra sao? Chi phí, doanh thu mỗi ngày… Chưa chuẩn bị tất cả những điều này, chị K. lấy cớ bận quá, bất đồng ngôn ngữ để từ chối không tiếp xúc nữa!

Dễ hay không dễ?

Khi đã xây dựng được một mô hình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mong muốn đi theo hướng mở rộng, phát triển lên nhiều chi nhánh, cửa hàng hoặc làm chuỗi. Tuy vậy, việc tăng số lượng thì không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có một mô hình chuẩn để có thể chuẩn bị cho việc franchise. Chưa tính đến chuyện nhượng quyền ra nước ngoài, chuyện “nhượng quyền” trong nước cũng được doanh nghiệp khá “tùy cơ ứng biến”.

Chị N.N, người đồng sáng lập một hệ thống nhà hàng kiểu Nhật tại TP.HCM cho biết, hệ thống đang phát triển rất tốt và được nhiều đối tác ở các tỉnh thành trong nước đến đặt vấn đề hợp tác, mở nhà hàng. Mặc dù những người điều hành đã nhìn thấy có những thứ chưa chuẩn, nhưng vì cơ hội đến, ban giám đốc sẵn sàng chấp nhận hợp tác với đối tác để tăng số lượng nhà hàng. Hậu quả là mỗi khi đối tác gặp vấn đề A, B, C… họ liên tục khiếu nại và đôi khi hai bên cãi nhau kịch liệt.

“Chuyện kinh doanh nhức đầu lắm. Muốn thoát khỏi cái mớ bòng bong này cũng không dễ”, chị N. tâm sự.

Tửng là cổ đông trong một doanh nghiệp Việt Nam, từng đi mua franchise của hệ thống nhà hàng ở nước ngoài, chị Thanh Vân chia sẻ, mối quan hệ nào cũng vậy, cũng cần sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Nếu cả bên bán lẫn bên mua đều chưa chuẩn bị kỹ lưỡng mà đã vội mua, bán thì kết cục không vui là điều có thể thấy trước.

Thật ra, câu chuyện nhượng quyền ra thế giới là điều mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để doanh nghiệp có thể bước ra thế giới một cách bền vững, chủ động và tự tin đòi hỏi cả một quá trình chuẩn bị. Chị Ngô Hải Hậu, Giám đốc Công ty Nghệ thuật Magic nói rằng: “Trước đây khi chưa biết gì về nhượng quyền, tôi đã từng làm rất nhiều thứ không theo kế hoạch, nguyên tắc gì hết. Chính vì thế doanh nghiệp đã trả giá khá nhiều. Nếu tôi gặp chuyên gia sớm hơn, có thể doanh nghiệp không mất quá nhiều thời gian như vậy”.

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu cho rằng, để nhượng quyền ra thế giới, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp là phải tự trả lời câu hỏi mình có dám thay đổi không? Có đặt doanh nghiệp mình và đối tác cùng một tầm nhìn, cùng hỗ trợ phát triển chưa? Có xem thành công của đối tác là thành công của chính mình không? Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải xây dựng các nền tảng phù hợp và đi theo một lộ trình rõ ràng để bước ra thế giới theo 3 giai đoạn: (1) Tái cấu trúc; (2) Nhượng quyền nội địa; (3) Nhượng quyền ra thế giới. Doanh nghiệp không thể đốt cháy giai đoạn mà phải có từng bước đi thích hợp trong mỗi giai đoạn. Bà Vân cho rằng, những doanh nghiệp đang làm chủ nguồn nguyên liệu, có được chuỗi cung ứng sẽ có lợi thế để gia tăng giá trị khi xây dựng mô hình nhượng quyền. Với kinh nghiệm đã làm tư vấn cho Malaysia và nhiều doanh nghiệp quốc tế khác, bà Phi Vân nhấn mạnh doanh nghiệp Việt cần có tầm nhìn, đường đi, điểm đến và kế hoạch hành động cụ thể. Nếu ở giai đoạn đầu tiên, doanh nghiệp chưa xây dựng được mô hình chuẩn, chưa có một định hướng rõ ràng thì không nên vội vàng bởi sẽ dẫn đến vô vàn tranh cãi, thậm chí là kiện tụng làm hao tổn rất nhiều tiền bạc, năng lực.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here