Chủ đầu tư chuỗi nhà hàng Coca Suki: “Đừng đặt giới hạn cho mình”

0
704

Mở 6 nhà hàng chỉ trong hơn hai năm và không ngại đóng cửa các điểm vắng khách, đó là kết quả kinh doanh của bà Nguyễn Thanh Thủy – Chủ đầu tư chuỗi nhà hàng Coca Suki.

Bà là người ưa trải nghiệm, thích khám phá và chinh phục các đỉnh núi cao, từ Tây Côn Lĩnh, Ngọc Linh, Fansipan cho đến Everest Base Camp, Annapurna Circuit… Qua đó bà nhận ra khả năng con người là không giới hạn, và không nên đặt giới hạn cho bản thân mình.

Bà Thủy cho biết, bà bắt đầu niềm đam mê leo núi từ 5 năm gần đây. Trước đó, bà cùng nhóm bạn hay chạy xe máy lang thang khám phá vùng núi Tây Bắc, và tiếp tục là những chuyến leo núi Ngọc Linh, Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử, Tây Côn Lĩnh, Núi Chúa, Bidoup, Tà Năng…, hay khám phá thế giới hang động ở Quảng Bình.

Bà Thủy bộc bạch: “Leo núi là một cách tốt để xả stress vì không còn lo nghĩ đến các con số hay chuyện kinh doanh. Lúc đó, trong đầu chỉ nghĩ đến cách làm sao để vượt qua con suối trước mặt mà không bị cuốn trôi, hay vượt qua dốc núi cao mà không bị ngã và đủ sức đến đỉnh. Giây phút chinh phục được một đỉnh cao mới, từ đó ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thật là tuyệt”.

* Nhưng phụ nữ U50 liệu có đủ sức khỏe để tham gia những chuyến khám phá mạo hiểm?

Có người cho rằng, phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên bị giới hạn bởi sức khỏe nên không phù hợp với du lịch mạo hiểm. Nhưng leo núi cũng giống như thử thách trong kinh doanh, đều không có giới hạn, có thể vượt qua nếu có đủ quyết tâm và sự kiên trì.

Còn nhớ chuyến đi Everest Base Camp cách đây mấy năm. Lúc đó, tôi đột ngột bị ốm nên nghĩ mình khó có thể lên đến đỉnh. Tôi đã phải cố gắng rất nhiều để có thể chinh phục được Everest Base Camp, và tôi đã khóc không phải vì thấy đỉnh Everest ngay trước mắt mà vì đã vượt qua được giới hạn của bản thân. Từ đó tôi chợt nhận ra rằng, trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, khó mấy mà quyết tâm và có phương pháp đúng là làm được.

* Hẵn những chuyến khám phá như vậy đã cho bà những trải nghiệm thú vị không chỉ trong cuộc sống?

Những chuyến đi giúp tôi vượt qua giới hạn của bản thân. Trong một chuyến leo núi ở Nepal cuối tháng 4/2015, chúng tôi đang nghỉ ăn trưa để chuẩn bị hành trình đến Pokhara chinh phục núi Annapurna Circuit mà không biết bất cứ thông tin gì về trận động đất ở thủ đô Kathmandu mạnh đến 7,9 độ Richter. Mãi sau mới nhận được tin tòa tháp Dharahara – một biểu tượng của thủ đô Nepal bị sụp đổ, và chỗ chúng tôi cách tâm chấn chỉ 30km.

Trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, khó mấy mà quyết tâm và có phương pháp đúng là làm được.

Lúc này, chúng tôi phải lựa chọn một trong hai: đi tiếp hoặc quay lại. Nếu đi tiếp, chúng tôi sẽ vượt qua đoạn đường 120km để đến chân núi Annapurna Circuit, trong khi quay về chỉ mất 90km. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định đi xuyên qua tâm chấn chứ không quay lại Kathmandu. Sau bao khó khăn trắc trở trên đường, chúng tôi cũng tới nơi, thực hiện đúng lịch trình đã vạch ra.

Cũng như trong kinh doanh, khi gặp khó khăn, mình phải lựa chọn hoặc là tiếp tục, hoặc dừng lại. Và nếu đã lựa chọn đi tiếp thì phải hiểu thị trường như thế nào, đối thủ cạnh tranh ra sao, cơ hội thành công là bao nhiêu.

* Đó cũng là cách mà bà áp dụng trong điều hành Coca Suki?

– Đã chọn kinh doanh là phải đối diện với thách thức và chúng tôi không ngại điều này. Khi ra thị trường vào giữa năm 2007, nhà hàng Coca Suki ở đường Mạc Thị Bưởi khá thành công vì được nhiều người biết đến. Hiệu ứng tốt từ nhà hàng đầu tiên, chưa đầy 5 tháng sau, tôi mở nhà hàng thứ hai ở Parkson CT Plaza và tiếp đó là nhà hàng thứ ba tại Parkson Hùng Vương, tất cả đều ở TP.HCM.

Năm 2009, chúng tôi mở hai nhà hàng ở Hà Nội và Hải Phòng. Thế nhưng chỉ ba năm sau, hai nhà hàng này phải đóng cửa vì thời điểm đó, người tiêu dùng phía Bắc có tâm lý ngại vào các nhà hàng trong trung tâm thương mại.

Tháng 4/2017, khi đã nghiên cứu kỹ về thị trường, Coca Suki đã quay lại Hà Nội với một nhà hàng khang trang ở khu trung tâm, khá đông khách. Coca Suki sẽ mở thêm những nhà hàng bên ngoài trung tâm thương mại để khách hàng có thêm trải nghiệm không gian sang trọng và khác biệt. Tôi tin rằng những thực khách thích món Thái và lẩu sẽ đón nhận.

* Điều gì khiến bà tự tin như thế?

Mỗi năm, chúng tôi dều làm mới thực đơn và những dịp như vậy, tôi và các bếp trưởng lại đi khảo sát các nhà hàng khác để biết mình đang ở đâu, món ăn mình chế biến như thế nào so với họ. Nhờ cách này mà những món ăn ở Coca Suki luôn phong phú và hấp dẫn. Không chỉ là lẩu Thái với công thức bí truyền từ Thái Lan mà menu còn có nhiều món ăn đặc trưng Thái, Hoa cho phù hợp với thực khách Việt.

Chúng tôi cũng thay đổi cách bài trí không gian nhà hàng sau vài ba năm một lần để khách hàng “thấy lạ”. Nhu cầu ẩm thực hiện nay là ngoài món ăn ngon còn phải trình bày thẩm mỹ và thưởng thức trong một không gian đẹp. Mới đây, chúng tôi ra concept mới với việc thay đổi thiết kế nhà hàng Coca Suki ở Trung tâm Thương mại Vincom để thực khách cảm thấy sự mới mẽ trong món ăn cũng như cách phục vụ của Coca Suki.

* Vấn đề cốt yếu trong lĩnh vực nhà hàng là nguyên liệu, chất lượng thực phẩm. Làm thế nào để chuỗi Coca Suki có sự đồng nhất các món ăn, thưa bà?

Chúng tôi mua franchise nên nguyên vật liệu chính, gia vị phải nhập từ Thái Lan. Công thức chế biến cũng theo công thức chung từ đối tác nhượng quyền, có sự thay đổi cho phù hợp với gu ẩm thực của người Việt. Để đảm bảo sự đồng nhất của các món ăn của chuỗi, bếp trung tâm của chúng tôi làm gia vị pha sẵn và chuyển đến từng nhà hàng. Dĩ nhiên, với các món xào, nấu thì phải huấn luyện đầu bếp để đảm bảo món ăn giữ được hương vị đặc trưng.

* Là một trong những nhà hàng đầu tiên nhận nhượng quyền thương hiệu từ nước ngoài, bà thấy mô hình này hiện nay ra sao? Để kinh doanh nhượng quyền thương mại thành công, doanh nghiệp phải làm gì?

Cách đây 10 năm, có rất ít những thương vụ nhượng quyền thương hiệu nhà hàng nhưng 5 năm gần đây, các thương hiệu thức ăn nhanh, đồ uống nổi tiếng thế giới như McDonald, Starbucks… xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Mô hình nhà hàng nhượng quyền với nhiều món ăn như Coca Suki thì mới bắt đầu.

Người lãnh đạo chỉ cần tạo động lực cho họ làm việc và khi họ thành công sẽ được tôn vinh, khi họ thất bại, lãnh đạo phải là người nhận trách nhiệm.

Trong xu hướng sắp tới, những chuỗi nhà hàng nhượng quyền với nhiều món ăn cao cấp hơn sẽ phát triển. Với thực khách, sự ra mắt ngày càng nhiều nhà hàng nước ngoài tại Việt Nam là niềm vui vì có thêm sự lựa chọn, nhưng với giới kinh doanh sẽ có nhiều sự cạnh tranh hơn. Tất nhiên, cạnh tranh cũng có cái tốt vì buộc doanh nghiệp phải luôn làm mới mình.

Một thương hiệu franchise thành công, trong đó có đến 80% sự đóng góp từ phía nhượng quyền, 20% còn lại là doanh nghiệp mua nhượng quyền phải hiểu được thị trường, đáp ứng đúng thị hiếu tiêu dùng. Lâu nay, nhiều người thường cho rằng, có thương hiệu mạnh, có hệ thống, cứ thế mà làm thì sẽ thành công. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Người Việt Nam khác với người Singapore, khác người Thái Lan, khác người Hồng Kông, nên khi đưa mô hình kinh doanh của những nước này về Việt Nam phải nghiên cứu sở thích của người Việt để thay đổi cho phù hợp, không phải thay đổi tất cả mà điều chỉnh cho phù hợp với khách hàng. Khi một thương hiệu được nhượng quyền thì người được nhận nhượng quyền phải nghiên cứu kỹ thương hiệu và người tiêu dùng để tìm ra được điểm khách hàng thích để đáp ứng.

* Nhưng trên thực tế nhiều thương hiệu đã nghiên cứu thị trường kỹ nhưng vẫn thất bại…

Đó là một thực tế. Có nhiều thương hiệu vào Việt Nam thời gian đầu phát triển ồ ạt nhưng sau đó phải dừng lại, thậm chí thoái lui. Có thể họ tiếp cận người tiêu dùng chưa đúng, cũng có thể nghiên cứu thị trường chưa tới. Chúng tôi cũng phải mất mấy năm để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thị trường. Việc phải đóng cửa hai nhà hàng ở Hà Nội và Hải Phòng một phần cũng do chúng tôi chưa nghiên cứu kỹ thị trường.

* Nghe nói bà rất thích nấu ăn, có phải vì sở thích này mà bà mở nhà hàng?

Tôi thích nấu ăn nhưng không phải là người hay nấu. Những người thích nấu ăn hoặc làm đầu bếp, khi kinh doanh thường chỉ thành công với những mô hình nhà hàng nhỏ, nhưng khi đã xây dựng thành chuỗi nhà hàng thì cần hơn ở tầm nhìn và khả năng quản lý.

* Từng có 10 năm làm việc trong lĩnh vực marketing có hỗ trợ cho bà trong việc kinh doanh?

Làm marketing là lựa chọn của thời thanh niên còn kinh doanh nhà hàng là cái duyên. Mười mấy năm trước, lâu lâu tôi cùng nhóm bạn sang Thái Lan du lịch và mỗi lần như thế đều đến nhà hàng Coca Suki để ăn. Thích món ăn Thái và nghĩ chắc cũng có nhiều người thích như mình, vì thế, khi biết Coca Suki bán nhượng quyền thương hiệu, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội. Mất hơn một năm phía đối tác thẩm định về khả năng tài chính, marketing…, mới được ký hợp đồng.

Các nghiên cứu cho thấy, với những người tự mở nhà hàng thì sau 3 đến 5 năm đầu tiên, 70% là thất bại. Những doanh nghiệp mua nhượng quyền thương hiệu thì 90% là thành công. Khi nhượng quyền thương hiệu là mình đã mua kinh nghiệm của họ và một khi thành công bao nhiêu năm thì có nghĩa sản phẩm của họ đã được ưa thích và nhu cầu của khách hàng đã được khẳng định.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những đơn vị nhượng quyền thương hiệu không chỉ chăm chăm vào việc lấy tiền của bên mua. Đối tác rất muốn chúng tôi thành công, nếu thất bại sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của họ trên thế giới vì Coca Suki đã có ở nhiều nước. Với sự hỗ trợ rất nhiều từ đối tác cùng với kinh nghiệm hơn 10 năm về marketing, sau một thời gian, chuỗi nhà hàng Coca Suki kinh doanh hiệu quả và khả năng quản lý của tôi cũng được nâng cao.

Mười năm trước, người ta cho rằng F&B là ngành dịch vụ vất vả, nhất là kinh doanh nhà hàng. Và lúc đó, tôi cũng từng nghĩ tại sao mình không tiếp tục với ngành marketing. Nhưng đến giờ, ngành nhà hàng đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp. Còn tôi, sau 10 năm kinh doanh, giờ đã thảnh thơi…

Thương hiệu franchise thành công có đến 80% sự đóng góp từ phía nhượng quyền, 20% còn lại là hiểu được thị trường, đáp ứng đúng thị hiếu tiêu dùng.

* Nhưng kinh doanh nhà hàng phải rất tỉ mỉ, để ý đến từng chi tiết nhỏ, làm sao để có thể thảnh thơi?

Người lãnh đạo kinh doanh bây giờ không phải cầm tay chỉ việc mà chỉ cần định hướng cho cấp dưới và nhân viên. Khi đã xây dựng được hệ thống tốt thì cấp dưới và nhân viên biết phải làm gì. Người lãnh đạo chỉ cần tạo động lực cho họ làm việc và khi họ thành công sẽ được tôn vinh, khi họ thất bại, lãnh đạo phải là người nhận trách nhiệm. Tôi tự hào có một đội ngũ gắn bó nhiều năm. Họ đã có kinh nghiệm nên vắng mặt tôi, vẫn làm tốt. Có lẽ vì thế mà hiện nay tôi có thời gian du lịch cùng gia đình và thời gian để chơi thể thao.

* Vậy là bà đã hài lòng với lựa chọn của mình?

Sau 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng nhượng quyền, tôi thấy lựa chọn của mình là đúng. Hiện nay, Coca Suki đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng. Nhưng có một điều khiến tôi chưa thỏa mãn là số lượng nhà hàng chưa được nhiều như mong muốn. Điều bất lợi của hình thức nhượng quyền là khi mở điểm mới phải được sự cho phép của đối tác. Hiện tại, đối tác của chúng tôi bên Thái Lan không quá chú trọng về số lượng nhà hàng mà đòi hỏi tập trung đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu bền vững.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here