5 lý do Tencent có thể vượt qua Apple, Samsung trong 10 năm tớ

0
727

Tập đoàn Trung Quốc Tencent Holdings (gọi tắt là Tencent) đã âm thầm vươn lên thành công ty lớn nhất châu Á về mặt giá trị vốn hoá thị trường, và đến tháng 4 vừa qua đã lọt vào danh sách 10 công ty lớn nhất thế giới. Theo thống kê gần đây nhất thì công ty đến từ Trung Quốc này có giá trị lên đến hơn 500 tỷ USD.

Theo FintechNews, Tencent vốn nổi tiếng bởi ứng dụng tin nhắn Wechat (Weixin), vốn là ứng dụng mạng xã hội và tin nhắn số 1 tại Trung Quốc. Đây cũng là công ty game lớn nhất trên thế giới về mặt doanh thu và là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm sinh lời nhiều nhất trên thế giới.

Thông qua hệ sinh thái Wechat, Tencent có lợi thế ở rất nhiều ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ như thanh toán di động, cho vay trực tuyến, quảng cáo di động và game di động.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua 5 lý do mà nhiều chuyên gia tin rằng Tencent (Trung Quốc) sẽ trở thành công ty lớn nhất thế giới vào năm 2025.

1. Thanh toán di động

Tính tới tháng 8/2017, thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc đạt mức 5,5 tỷ tỷ USD, tức là cao gấp 50 lần so với thị trường Mỹ. Trong khi truyền thông quốc tế đang tập trung vào Apple Pay và Android Pay, chẳng ai để ý rằng chúng chẳng có nghĩa lý gì khi so với những gã khổng lồ khác đến từ Trung Quốc như Wechat Pay và Alipay. Hiện đang có 425 triệu người Trung Quốc sử dụng smartphone như một chiếc ví điện tử, chiếm đến 65% tổng số người dùng di động, trong khi trước đó 5 năm thị trường này còn chưa từng tồn tại. 44,5% người sử dụng thanh toán di động cho biết họ không còn mang theo tiền mặt khi ra khỏi nhà nữa.

Wechat Pay của Tencent đã gần như bắt kịp với Alipay, chiếm 40% thị phần trong Quý 1/2017 (so với 16% trong Quý 4/2015), và theo một nhà phân tích thì trong năm 2017, thị phần của tiện ích thanh toán di động của Wechat đã ngang ngửa với Alipay.

Chẳng có lý do gì để tin rằng mức tăng trưởng này sẽ ngừng lại, và thậm chí nhiều người còn tin rằng Wechat Pay sẽ sớm chiếm lĩnh vị trí đầu bảng của Alipay. Doanh thu các dịch vụ khác của Tencent, bao gồm cả thanh toán di động và dịch vụ đám mây, đã tăng hơn gấp 3 lần so với hồi quý 4/2016.

Ngân hàng hàng đầu nước Mỹ JP Morgan đã ước tính các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến có thể tăng doanh thu lên đến 42% hàng năm, đạt mức 29,3 tỷ USD vào năm 2020. Và theo tờ The Economist thì “tài nguyên quý giá nhất trên thế giới không còn là dầu lửa nữa, mà là dữ liệu”.

Với kho dữ liệu khổng lồ của hơn 938 triệu người dùng Wechat và 860 triệu người dùng QQ, Tencent không chỉ biết những người dùng này theo dõi người nổi tiếng và thương hiệu nào, mà còn biết họ chat với ai, họ đọc gì (như Facebook chẳng hạn), và thậm chí là biết cả những gì họ mua ngoại tuyến và trực tuyến thông qua Wechat Pay.

Thông qua các mối đầu tư khác như công ty dịch vụ vận chuyển Didi, công y chia sẻ xe máy Mobike, công ty cung cấp thức ăn Meituan – Dianping… và hàng tá các công ty khác nữa, Tencent thậm chí còn biết cả nơi bạn đang đi và đồ ăn bạn đang ăn.

Có thể thấy, Tencent không chỉ đang cố gắng kết nối các dịch vụ ngoại tuyến vào nền tảng Wechat Pay, họ còn đang tìm cách tạo ra một trong những cơ sở dữ liệu chính xác nhất thế giới về người tiêu dùng. Không giống như tại Mỹ và châu Âu, việc thiếu các điều luật về quyền riêng tư, cũng như sự thật là người dùng chẳng mấy khi quan tâm đến tính riêng tư trực tuyến, đã biến Trung Quốc trở thành một nơi lý tưởng để khai thác hàng núi tiền từ các kho dữ liệu khổng lồ.

2. Cho vay trực tuyến

Bên cạnh thanh toán di động, Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới trong lĩnh vực cho vay và đầu tư trực tuyến. Người dùng Wechat đã đầu tư hơn 15 tỷ USD vào một quỹ tiền tệ thông qua ứng dụng Wechat. Webank của Tencent, ngân hàng tư nhân trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc, hiện đang cho các khách hàng vay các khoản tiền lên đến 200.000 Nhân dân tệ (khoảng 690 triệu đồng) mà không cần kiểm tra thẻ tín dụng truyền thống, tất nhiên là cũng thông qua ứng dụng Wechat.

Tencent có thể sử dụng dữ liệu mà họ thu thập được để tạo ra một bảng chỉ số tín nhiệm của người tiêu dùng, và đưa ra những đề nghị cho vay “béo bở” trong bối cảnh tại Trung Quốc vẫn còn rất nhiều người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vẫn không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Các ngân hàng lớn của Nhà nước thường bỏ qua số người tiêu dùng nhỏ lẻ, tập trung cho các tập đoàn lớn thuộc sở hữu Nhà nước vay, vô tình lại khiến Tencent (và Alibaba) nắm được vị trí độc quyền trên thị trường tiềm năng này.

JP Morgan ước tính thị trường cho vay trực tuyến có thể tăng trưởng lên mức 95 tỷ USD vào năm 2020, giúp các bên cho vay có thể sinh lời 11,3 tỷ USD trong tổng doanh số.

“Tập đoàn Alibaba và Tencent sẽ cùng nhau chiếm giữ 50-60% thị trường tài chính công nghệ, thêm vào giá trị vốn hoá thị trường của họ từ 326 đến 391 tỷ USD nếu bộ đôi này giao dịch ở mức 25 lần thu nhập vào năm 2020. Nếu các nhà đầu tư tính cả tiềm năng phát triển tài chính công nghệ của họ thì thị phần của Alibaba và Tencent sẽ giúp tăng thêm giá trị của họ khoảng 65% đến 78%”, JP Morgan cho biết.

Hồi tháng 3 vừa qua, khi JP Morgan đang soạn thảo phân tích của mình, Tencent có giá trị 262 tỷ USD. Nếu chúng ta tính thêm triển vọng tăng trưởng trung bình 71,5% thì JP Morgan tin rằng Tencent sẽ có giá trị lên đến 450 tỷ USD vào năm 2020. Đến ngày 22/11/2017, Tencent đã có giá trị hơn 500 tỷ USD.

3. Quảng cáo di động

Cũng như các nước phương Tây, tại Trung Quốc dữ liệu người dùng cũng có thể được sử dụng cho mục đích quảng cáo. Trong khi Facebook đã thực hiện hoàn hảo chiến lược quảng cáo di động vào năm ngoái thì Tencent, với toàn bộ dữ liệu mà Facebook có được cộng với các dữ liệu thanh toán di động, mới chỉ tham gia vào lĩnh vực này mà thôi.

Tencent mới chỉ tung ra dịch vụ quảng cáo hướng đối tượng vào năm 2016, và hơn 938 triệu người dùng Wechat và 860 triệu ngườ dùng QQ vẫn chưa bị quảng cáo bủa vây. Người dùng Wechat thường chỉ thấy duy nhất một quảng cáo mỗi ngày nhắm vào các sở thích của họ khi sử dụng phần mềm.

Có thể thấy Facebook kiếm tiền từ người dùng tốt hơn gấp 5 lần so với Wechat. Điều này không đáng ngạc nhiên vì Tencent chỉ mới bắt đầu kiếm tiền thông qua quảng cáo trực tuyến trong hai năm trở lại đây. Nếu Tencent thành công trong việc đi theo con đường của Facebook thì lợi nhuận mang lại từ quảng cáo di động sẽ thực sự khổng lồ.

4. Game di động

Thị trường game di động Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đạt 21,3 tỷ USD trong năm 2019, tăng từ 11,2 tỷ USD trong năm 2016, với Tencent dẫn đầu thị trường này. Trong nửa đầu năm 2016, Tencent chiếm đến 44,7% thị phần của thị trường game di động tại Trung Quốc, và mức tăng trưởng này vẫn rất mạnh mẽ. Trong quý 4, doanh thu từ game di động của Tencent tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

5. Đầu tư mạo hiểm

Tencent là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm năng động và sinh lời nhất trên thế giới. Hiện hãng đang đầu tư vào 21 trong tổng số 210 unicorn (công ty khởi nghiệp xuất sắc) trên thế giới, và họ chưa có ý định dừng lại. Chỉ từ 5/2017 đến nay, họ đã đầu tư vào 19 công ty khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là Go-Jek, một công ty cung cấp dịch vụ cho đi cùng xe đứng đầu thị trường Indonesia. Thực lực của Tencent cho phép họ vay mượn các quỹ với giá rẻ mạt, sau đó dùng số tiền này đầu tư và mang về những kết quả cực kỳ “hoành tráng”.

Tencent đầu tư vào Snap trong năm 2013, hiện có giá trị khoảng 15 tỷ USD; đầu tư vào Didi năm 2015, hiện có giá trị 50 tỷ USD; đầu tư vào Lyft năm 2015, hiện có giá trị 7,5 tỷ USD; và còn nhiều công ty khác nữa. Không chỉ đầu tư ở nước ngoài, khi đầu tư ở trong nước, Tencent cung cấp cho các công ty được đầu tư sự tiện lợi và phạm vi ảnh hưởng của Wechat, như trong trường hợp của Mobike và Didi: cả hai công ty này hiện đều tích hợp ví Wechat, thông qua đó cho phép 938 triệu người dùng của Tencent có thể đi xe Didi và thuê xe của Mobike một cách dễ dàng.

Các công ty mà Tencent đầu tư vào cũng đã tích hợp Wechat Pay vào trong ứng dụng của họ, gián tiếp giúp tăng doanh thu của dịch vụ thanh toán di động của Tencent và cải thiện hệ sinh thái của gã khổng lồ này.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here