“Dược Việt Nam”: Đẹp nhưng chưa khỏe!

0
681

Cú bắt tay hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Sanofi Việt Nam (Sanofi Việt Nam) của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) mới đây được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới Vinapharm – vốn được coi là “trùm sò” của ngành dược trong nước.

Tuy nhiên, việc cổ phiếu Vinapharm (mã DVN) đuối dần kể từ khi lên sàn đang cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào “sức khỏe” của doanh nghiệp này.

Hợp tác chiến lược giữa Vinapharm và Sanofi bao gồm việc sản xuất và tiếp thị tất cả dược phẩm trong nước và xuất khẩu của Sanofi.

Sanofi hiện là công ty đứng đầu trên thị trường dược phẩm Việt Nam, dẫn đầu trong các danh mục dược phẩm kê toa, không kê toa và vắc-xin. Công ty này hiện sở hữu một nhà máy dược phẩm có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, công suất tới 150 triệu hộp sản phẩm/năm tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinapharm cho biết, việc hợp tác với một đối tác lớn như Sanofi trong ngành dược phẩm sẽ đảm bảo cung cấp những sản phẩm thuốc tiên tiến, được sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất dành cho người dân Việt Nam.

Những cú bắt tay như trên được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới, cho doanh nghiệp, nhưng vì sao nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với DVN.

Cổ phiếu DVN của Vinapharm lên sàn UPCoM từ tháng 5/2017. Những ngày mới lên sàn, DVN trở thành điểm nóng khi liên tục được nhà đầu tư hồ hởi mua vào và thị giá cổ phiếu này trong những phiên cuối tháng 5/2017 có thời điểm đã vọt lên mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, thị giá của DVN đuối dần, đến tháng 10/2017 đã sụt xuống quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu, trước khi phục hồi nhẹ lên mốc khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Vinapharm đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào tháng 6/2016 và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 12/2016, với vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Y tế nắm giữ 65% vốn cổ phần và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nắm giữ 17% vốn cổ phần.

Trước cổ phần hóa, Vinapharm đầu tư vốn tại 4 công ty con, 11 công ty liên kết và đầu tư tài chính dài hạn tại 8 công ty khác. Giá trị đầu tư của Vinapharm vào các công ty con, công ty liên kết theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp là 1.547 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, các chỉ tiêu kinh doanh của Vinapharm khá ổn định, với doanh thu thuần đạt 4.957 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 189 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào cơ cấu tài chính, nợ phải trả của Vinapharm đang ở mức 3.696 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với vốn chủ sở hữu (2.459 tỷ đồng), có thể thấy sự hiện hữu của những rủi ro tiềm tàng về khả năng thanh toán.

Tiền và các khoản tương đương tiền của Vinapharm có xu hướng giảm mạnh từ mức 952,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 341,4 tỷ đồng thời điểm cuối quý III/2017.

Đáng chú ý là, phần lớn nợ của Vinapharm là nợ ngắn hạn, với giá trị lên đến 3.643 tỷ đồng. Trong khi đó, phần lớn trong tổng tài sản ngắn hạn (4.262 tỷ đồng) của Vinapharm nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (2.226 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.434 tỷ đồng). Tiền và các khoản tương đương tiền của Vinapharm có xu hướng giảm mạnh từ mức 952,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 341,4 tỷ đồng thời điểm cuối quý III/2017.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hiện có giá trị không lớn, với 215 tỷ đồng, trong khi Vinapharm không có tài sản ngắn hạn gì khác có tính thanh khoản cao để đảm bảo khả năng có thể chuyển đổi nhanh chóng thành tiền khi có nhu cầu thanh toán trong ngắn hạn.

Vinapharm hiện quản lý và sử dụng nhiều khu đất vàng, với tổng diện tích lên đến 9.869 m2. Trong đó, nhiều khu đất nằm ở các vị trí đắc địa như 95 – Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội); 60B – Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội); 178 – Điện Biên Phủ và 126A – Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM)…

Tiềm năng là vậy, nhưng với nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc mua cổ phiếu DVN để chờ đất vàng đẻ ra vàng có vẻ là một giấc mộng xa xăm, nên không nhiều nhà đầu tư đủ kiên nhẫn chờ đợi.

Ngoài ra, Công ty Statista dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2015-2018 của ngành dược tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ đạt mức cao nhất khoảng 6,1%. Tuy nhiên, theo thang phân loại 5 mức phát triển của UNIDO thì công nghiệp dược của Việt Nam mới chỉ ở mức 3 nghĩa là ”công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”.

Theo các chuyên gia, đây có lẽ là một trong các nguyên nhân khiến, dù tiềm năng và tài chính ổn định, người ta vẫn chưa thực sự tin tưởng vào DVN.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here