Parkson thua lỗ và bài học tiền tỷ trên thị trường bán lẻ

0
765

Mô hình kinh doanh của Parkson không phù hợp dẫn đến tình trạng thua lỗ liên tục và buộc phải đóng cửa một số trung tâm thương mại. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp muốn tiếp tục cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Thất bại của mô hình kinh doanh hàng hiệu cao cấp

Trung thành với chiến lược bán hàng hiệu, chọn những khu vực đắc địa tại trung tâm thành phố đã khiến cho việc kinh doanh của Parkson ngày càng khó và bị lép vế.

Kể từ khi vào Việt Nam, doanh nghiệp này luôn trung thành với mô hình hoạt động Department Store, còn gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các trung tâm mua sắm quy mô lớn đã khiến Parkson lép vế rất nhiều so với đối thủ mới trên thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những đối thủ cạnh tranh lớn mạnh, việc phải gánh chi phí mặt bằng đắt để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.

Không những thế, một số gian hàng bán tại Parkson còn từng nhận không ít phàn nàn về chất lượng hàng hoá. Điều này khiến lượng khách hàng ngày càng sụt giảm, đè nặng lên kết quả kinh doanh của công ty.

Sau 8 năm hoạt động, hơn nửa năm thu hẹp kinh doanh, trung tâm thương mại Parkson Flemington (TP.HCM) tuyên bố đóng cửa.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Parkson đã lần lượt đóng cửa nhiều trung tâm thương mại mua sắm tại Hà Nội và TP.HCM. Đi cùng với đó, việc kinh doanh của họ ở Việt Nam cũng liên tục sa sút trong những năm gần đây.

Như vậy, tính đến nay Parkson đã đóng cửa 4 trung tâm thương mại ở Việt Nam gồm Parkson Keangnam hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon tháng 5/2016, Parkson Viet Tower tháng 12/2016 và Parkson Lê Đại Hành nói trên.

Trước khi thu hẹp mạng lưới bán lẻ của mình, Parkson từng có những năm tháng cực kỳ thành công ở Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2010. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh này bắt đầu bộc lộ một vài nhược điểm khi xuất hiện các trung tâm thương mại kiểu mới đa chức năng.

Theo giới quan sát, các trung tâm thương mại của Parkson được cho là thiếu tính giải trí, ẩm thực kém phong phú, không chào đón đối tượng khách “dạo xem hàng hóa, chụp hình check-in”… dẫn đến lượng khách đến trung tâm giảm dần.

Ngoài ra, xu hướng thương mại điện tử thắng thế, người tiêu dùng dễ dàng mua được những món hàng hiệu từ các trang thương mại điện tử ở nước ngoài cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng hiệu trung cấp ở Parkson.

Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm…

Theo số liệu được Parkson Retail Asia công bố, tổng doanh thu năm 2017 của nhà bán lẻ Malaysia ở Việt Nam đạt gần 500 tỷ đồng, tuy nhiên tổng số lỗ lũy kế đã lên đến hơn 60 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong quý IV/2017, Parkson đã lỗ hơn 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2016, nhà bán lẻ này lỗ đến 25 tỷ đồng.

Parkson thất bại: Ai sẽ lên ngôi?

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm…

Cùng với đó, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng khá nhanh, có thể đạt doanh thu gần 180 tỷ USD năm 2020. Đây được xem là địa chỉ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều làn sóng các “đại gia bán lẻ” từ các nước tham gia vào “nhận đất” trong thị trường 93 triệu dân là Việt Nam. Thông qua những con đường như M&A, điển hình như doanh nghiệp Thái Lan mua Nguyễn Kim, BigC, Metro, hay doanh nghiệp Nhật Bản mua cổ phần Fivimart, Citimart. Bên cạnh đó là kênh tiếp cận trực tiếp, thiết lập hệ thống từ đầu. Chẳng hạn, Aeon (Nhật Bản) mở tới 20 trung tâm lớn, Lotte (Hàn Quốc) với các trung tâm cao cấp tại vị trí đắc địa.

Đặc biệt, với cam kết WTO, việc gia nhập FTA, số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong tương lai, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Trong khi đó, các thương hiệu bán lẻ trong nước như Vincom, Vinmart, với ưu thế mặt bằng cũng đã cấp tập “phủ sóng” tại nhiều vị trí đắc địa.

Với cam kết WTO, việc gia nhập FTA, số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong tương lai, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.

Điều đáng nói, khi Parkson chọn cách duy trì một mô hình phát triển suốt cả thập kỷ thì những làn sóng mới như Vincom Center, Royal City, Times City, Lotte, Aeon Mall… lại xuất hiện với mô hình “one-stop shopping”, tức là mô hình mua sắm một điểm đến.

Mô hình này thường có quy mô lớn, tích hợp nhiều tiện ích, đáp ứng đầy đủ các loại nhu cầu, tiện ích cho khách hàng, thậm chí cả gia đình. Ở đó có sự kết hợp linh hoạt từ mua sắm, đến ăn uống, vui chơi, xem phim… từ các thương hiệu bình dân đến cao cấp, do vậy kích thích được sức mua, mở rộng được nhóm khách hàng.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại điện tử cũng đang rất hấp dẫn đối với thị trường có đến 70% người tiêu dùng trẻ như Việt Nam.

Trước đây, đại diện của Parkson Việt Nam – ông Tham Tuck Choy từng chia sẻ đã nhìn thấy sự thay đổi trong mô hình bán hàng, như thương mại điện tử bắt đầu phát triển, đồng thời sự ra đời của các shopping mall quy mô lớn, tích hợp cùng lúc ẩm thực, giải trí, mua sắm… đã thu hút nhiều khách vì đáp ứng được nhu cầu, xu hướng mua sắm, giải trí của người tiêu dùng hiện đại.

Còn theo ông Sebastian Skiff – Giám đốc điều hành Dịch vụ bán lẻ của CBRE cho rằng, môi trường bán lẻ đang dần trở nên cạnh tranh hơn, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải nâng cao các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, đối sách cạnh tranh và kế hoạch chiến lược. Các nhà bán lẻ cũng nên tập trung rà soát danh mục đầu tư và hợp nhất, mặc dù họ đang chú ý đến bất động sản hoàn thiện và các địa điểm thu hút đầu tư trên thị trường.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here