Thế đứng nguy hiểm của Facebook tại Đông Nam Á

0
701

Facebook có thể sử dụng như một công cụ nhanh và cực kỳ hiệu quả để lan truyền tin tốt, hỗ trợ cho cộng đồng, nhưng cùng lúc đó Facebook cũng bị lạm dụng cho nhiều mục đích xấu.

Trang tin tức Rappler của Philippines được đưa vào hoạt động từ năm 2012. Đây cũng là một trong những trang tin nhiệt tình sử dụng dịch vụ Instant Article để tăng cường đẩy mạnh cung cấp thông tin đến người đọc.

Đến năm 2015, trang tin đã bổ sung thêm cả video, mức tăng trưởng về lượng người đọc đạt 3 con số khi mà hàng triệu người Philippines tìm đến các trang mạng xã hội để thỏa mãn nhu cầu tin tức.

Và sau đó, theo chia sẻ của CEO trang Rappler, bà Maria Ressa, Facebook đã gặp rắc rối. Tháng 5/2016, 6 tháng trước khi người Mỹ bầu ông Donald Trump lên làm Tổng thống, người Philippines bầu ông Rodrigo Duterte có quan điểm dân túy lên điều hành đất nước. Giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Duterte sử dụng mạng xã hội rất nhiều trong quá trình vận động tranh cử.

Những người ủng hộ vị tân tổng thống bắt đầu sử dụng Facebook để tấn công người có quan điểm phản đối Tổng thống như một số nhân vật đối lập, nhà báo và các nhà hoạt động dám chỉ trích chiến dịch chống ma túy mà Tổng thống triển khai. Từ khi ông lên nắm quyền, 12 nghìn người đã chết vì các chiến dịch này.

Theo một cuộc điều tra do chính Rappler thực hiện đối với một số hoạt động đáng ngờ trên Facebook, chỉ với 26 tài khoản ủng hộ Tổng thống Duterte, nhiều tài khoản trong số đó được tạo ra trong quá trình vận động tranh cử, nhiều tài khoản ảo, đã được sử dụng để gây ảnh hưởng đến quan điểm của hàng triệu người.

Trước khi vụ việc lạm dụng thông tin người dùng Facebook do Cambridge Analytica thực hiện bị phanh phui, (Cambridge Analytica thu thập thông tin từ khoảng 50 triệu cử tri Mỹ và sau đó dùng những thông tin này để sản xuất ra nội dung tác động đến quan điểm của nhiều cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016), nhiều nhà hoạt động, nhà báo và chuyên gia truyền thông đã cảnh báo về khả năng mạng xã hội sẽ có thể được sử dụng như công cụ của nhiều chính trị gia.

Tại Philippines, Campuchia và Myanmar, người ta đang tranh cãi ngày một nhiều về vai trò ngày một lớn của Facebook khi Facebook trở thành diễn đàn tin tức và chính trị. Với khoảng hơn 300 triệu người dùng, gần tương đương với một nửa dân số Đông Nam Á, Facebook có sức mạnh lớn.

Facebook cũng đang bắt đầu thừa nhận vấn đề. Phó chủ tịch phụ trách chính sách của Facebook ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Simon Milner, nói: “Chúng tôi cũng nhận thấy rằng mạng xã hội và Facebook đang giúp cho người ta nhanh chóng lan tỏa cả quan điểm tốt và quan điểm xấu. Có những người sử dụng hệ thống của tôi cho mục đích xấu, lan tỏa thông tin giả và gây chia rẽ cộng đồng”.

Đối với hàng triệu người dùng Facebook trong khu vực, Facebook xuất hiện ở thời điểm mà điện thoại di động và mạng Internet phát triển bùng nổ, dòng thời gian chính là nơi tiếp cận thông tin chính của nhiều triệu người dùng.

Tại Philippines, những người sử dụng điện thoại di động thậm chí còn có thể sử dụng Facebook theo một gói riêng đã được đăng ký trước, nhiều người trước đây chưa từng sờ đến tờ báo thì nay lại đọc tin tức và các bài đăng của cá nhân trên dòng thời gian của mình.

Tại Myanmar, Facebook đã dừng hoạt động trang Wirathu, một trang có nhiều những phát ngôn thù hận. Facebook cho biết họ sẽ dừng hoạt động những trang nào không ngừng đăng tải những nội dung gây thù hận, thế nhưng Facebook lại không giải thích tại sao mạng xã hội này lại chờ quá lâu mới hành động trong khi Wirathu đã vi phạm quy định này một thời gian dài.

Tại một số nơi khác trên thế giới, Facebook cũng đã nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung bạo lực. Cuối năm ngoái, Facebook cho biết hãng sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để có thể gỡ bỏ những nội dung liên quan đến nhóm hồi giáo cực đoan kiểu như ISIS hay al-Qaeda trong vòng một giờ.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên là chưa đủ, Facebook sẽ còn gặp khó rất nhiều nếu không thể quản lý sát sao và cân bằng được các nội dung trên nền hệ thống của công ty này.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here