Bàn về phong cách lãnh đạo của những người phụ nữ hiện đại

0
584

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng phụ nữ ở các vị trí cấp cao cũng có những tố chất lãnh đạo tương đồng với nam giới, đặc biệt là ở khả năng đặt những mục tiêu cao và truyền cảm hứng, tạo động lực giúp cấp dưới hoàn thành một cách thuận lợi.

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt nhất định giữa phong cách lãnh đạo của nữ giới so với nam giới. Những điểm khác biệt này được xem là những “điểm cộng” cho việc đưa ra quyết định.

Theo bà Joanna Barsh, đối tác cấp cao tại McKinsey & Company – người đứng đầu đội tư vấn trong việc nỗ lực phát triển khả năng của các nhà lãnh đạo nữ, phụ nữ thường sẽ tập trung vào mục tiêu và ý nghĩa của công việc trong khi nam giới thường chú ý đến việc phân tích lợi ích, thiệt hại cũng như chức vụ của họ. Phụ nữ cũng thường thể hiện cảm xúc nhiều hơn tại nơi làm việc và không thích sự mạo hiểm trong công việc.

Đồng thời, trong cuốn sách “How Remarkable Women Lead: A Breakthrough Model for Work and Life” mà bà là đồng tác giả, đã đề cập đến cuộc gặp mặt giữa các lãnh đạo nữ được tổ chức bởi hiệp hội National Center for Reseach on Women. Họ là những người tự tin thể hiện cái tôi, cá tính cũng như xem những điểm đặc trưng của phái nữ cũng là những điểm mạnh trong việc lãnh đạo.

Một trong những câu hỏi nổi bật tại buổi gặp mặt đó là “Liệu phụ nữ có nên thể hiện sự mềm mỏng trong công việc?” và đa số mọi người đồng ý rằng phụ nữ không nên cố gồng mình và hãy tận dụng sự mềm mỏng đó trong việc dẫn dắt đội ngũ của mình.

Linda Tarr-Whelan, đồng tác giả của cuốn “Women Lead the Way” cũng đồng tình với quan điểm trên và còn bổ sung rằng “phụ nữ nên tự thúc đẩy những quyền lợi của mình” và nên được tập trung đánh giá kĩ lưỡng về chất lượng công việc thay vì quá chú ý vào cách thể hiện thái độ của họ. Đơn cử như trường hợp của bà Hillary Clinton trong đợt tranh cử Tổng thống của mình, bà đã bị chỉ trích khi quá cứng rắn và cả khi yếu lòng trước công chúng.

Theo bà Barsh, một vấn đề khác đối với các lãnh đạo nữ hiện nay là dù họ đang giữ hơn một nửa số vị trí lãnh đạo cấp trung và số chuyên gia tại Mỹ, thì phụ nữ vẫn không nhận được cơ hội ngang bằng với nam giới để thể hiện tài năng lãnh đạo của mình.

Trong nghiên cứu về các vấn đề của phụ nữ do McKinsey thực hiện cho thấy chỉ có 28% trên tổng số 800 công ty là xếp “sự đa dạng trong vị trí lãnh đạo” nằm trong top 10 vấn đề ưu tiên của công ty và 40% công ty tham gia khảo sát cho rằng “vấn đề này không hẳn là một sự ưu tiên”.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng phụ nữ và nam giới có quan điểm khác nhau về những mức tối thiểu để đạt được sự cân bằng giới tính trong đội ngũ lãnh đạo. Trong đó, 70% lãnh đạo nữ được phỏng vấn cho rằng phụ nữ nên giữ ít nhất 30% vị trí cấp cao trong công ty, bộ máy chính phủ và các cơ quan khác, những vị trí được trao quyền quyết định và có ảnh hưởng. Tuy nhiên, phần lớn lãnh đạo nam được phỏng vấn nghĩ rằng việc tăng số lãnh đạo nữ tại các vị trí cấp cao không tạo ra quá nhiều ảnh hưởng cho công ty.

Khi bạn cho phụ nữ cơ hội “được” thất bại và không quá khắt khe, chỉ trích những sai lầm đó thì họ sẽ chứng minh rằng mình vẫn có thể cứng rắn xử lý và cải thiện vấn đề không thua kém cánh mày râu.

Không chỉ vậy, bà Barsh cho rằng nhiều công ty thường có “nhận định sai lầm khi nghĩ việc họ cho các nhân viên nữ một lịch làm việc linh hoạt để họ có thể dễ dàng sắp xếp xử lí việc nhà và công việc tại công ty là đủ đáp ứng nhu cầu về bình đẳng giới tại văn phòng”. Tuy nhiên, bà cho rằng bên cạnh việc có một lịch làm việc linh hoạt, các công ty nên tập trung phân tích và phát triển những hoạt động, cơ hội nhằm giúp phụ nữ phát triển kĩ năng, tăng nguồn thu nhập và tăng khả năng gắn bó của họ với công ty.

Một phép thử dành cho những công ty muốn có nhiều lãnh đạo nữ hơn đó là hãy “rộng lượng” với những thất bại của nữ giới như cách bạn làm với thất bại của nam giới. Bà Barsh giải thích rằng, mọi người thường e ngại khi giao việc cho phụ nữ bởi họ lo sợ rằng khi phụ nữ thất bại, họ sẽ khó lòng vực dậy, giải quyết vấn đề như nam giới. Nguyên do cho định kiến này đến từ đặc tính mềm yếu của phái nữ. Tuy nhiên, bà Barsh cũng khẳng định, khi bạn cho phụ nữ cơ hội “được” thất bại và không quá khắt khe, chỉ trích những sai lầm đó thì họ sẽ chứng minh rằng mình vẫn có thể cứng rắn xử lý và cải thiện vấn đề không thua kém cánh mày râu.

Bà Barsh nhấn mạnh “đã đến lúc chúng ta nhìn nhận phụ nữ ở vị thế ngang bằng với nam giới, cả nam giới và nữ giới đều sẽ phạm sai lầm và những sai lầm này nên được nhìn nhận, đánh giá như nhau. Sẽ thật bất công nếu chúng ta chỉ khắt khe với những sai lầm của phụ nữ.”

Kết

Tại các quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu, phụ nữ làm lãnh đạo đã không còn quá xa lạ và tại Việt Nam phụ nữ cũng ngày càng khẳng định khả năng và lợi thế của mình ở vị trí đầu tàu. Phụ nữ đang nỗ lực nâng cao tiếng nói, chứng minh năng lực bản thân và tích cực đóng góp cho những phát triển của xã hội. Những quan điểm, ý kiến về cuộc sống, vai trò, và hướng phát triển cho phụ nữ trong nhịp sống hiện đại cũng sẽ được thảo luận tại sự kiện Forbes Women’s Submit sắp tới do Forbes tổ chức. Đây cũng sẽ là dịp để chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về vai trò của phái nữ trong cuộc sống hiện đại.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here