TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, thách thức của các doanh nghiệp Việt từng “làm mưa làm gió” trên thị trường như Diêm Thống Nhất, Colusa – Miliket, Bông Bạch Tuyết hay Chương Dương là tư duy kinh doanh không chuyển đổi kịp với nền kinh tế hàng hóa.
Bên cạnh đó là sự chủ quan với ngôi vị hàng đầu trên thị trường và nhận thức xu hướng tiêu dùng quá chậm.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn là bệ đỡ bao cấp từng là nền tảng cho các doanh nghiệp “vang bóng một thời” này, bởi Nhà nước đã làm thay doanh nghiệp mọi thứ, từ cung cấp nguyên liệu, phân phối đến định giá, bán hàng, và đặc biệt là họ không chịu áp lực cạnh tranh.
“Những doanh nghiệp vừa kể phù hợp với tình hình kinh doanh thời bao cấp và có thể trụ được trong giai đoạn đất nước mới bắt đầu mở cửa, còn khi nền kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường mà không chịu đổi mới thì thua lỗ, mất vốn là tất yếu”, ông Hiếu nói.
Theo TS. Hiếu, có công thức chung là nhiều doanh nghiệp phát triển rồi suy thoái, nhưng cũng có doanh nghiệp tăng trưởng rồi phát triển ổn định vì có sản phẩm mới, tạo ra thị trường mới. Những doanh nghiệp suy thoái vì họ tiếp tục đưa ra thị trường những sản phẩm đã bão hòa, tức không có sản phẩm mới thay thế. Một số doanh nghiệp “vang bóng một thời” bị loại khỏi thị trường là vì thế.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, một số doanh nghiệp không phát triển nhưng vẫn giữ được thị phần nào đó để tồn tại, do sản phẩm truyền thống vẫn còn được sử dụng bởi những khách hàng ưa thích nhãn hiệu ngày xưa. Nhưng điều ấy chỉ phù hợp ở những doanh nghiệp linh hoạt được với thị trường, biết cắt giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi đối diện với các dòng sản phẩm có tính tiện dụng, phục vụ tối đa lợi ích người tiêu dùng thì việc bám trụ mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dẫn đến doanh thu và lợi nhuận suy giảm. Để tăng năng lực cạnh tranh, không con đường nào khác là phải thay đổi cách vận hành doanh nghiệp, tạo ra các tiện ích thu hút khách hàng.
“Chính cạnh tranh giúp tạo làn sóng đổi mới cho doanh nghiệp nhà nước một thời đã nhận quá nhiều ưu đãi. Sức ép tồn tại, đồng thời sở hữu được nền tảng kinh doanh khá tốt trước đây như nhà xưởng, đất đai, nhân sự, được ban lãnh đạo mới tận dụng tốt để kinh doanh, đã giúp Diêm Thống Nhất có những chuyển động dù còn chậm nhưng tích cực”, ông Hiếu phân tích.
Chuyên gia kinh tế – TS. Đinh Thế Hiển cho biết, các doanh nghiệp “vang bóng một thời” gần như có công thức chung là nổi tiếng sớm ở thời điểm “một mình một chợ”, khi chưa có nhiều sức ép cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài. Và khi đã có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa thì các công ty lại không linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, như Diêm Thống Nhất có sản phẩm giá trị không cao, dễ bị thay thế, khi hộp quẹt gas xuất hiện đã không nhanh chóng đổi mới nên kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi.
Các doanh nghiệp “vang bóng một thời” gần như có công thức chung là nổi tiếng sớm ở thời điểm “một mình một chợ”. Và khi đã có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa thì các công ty lại không linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, nên kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Tuân, nhiều doanh nghiệp có nguồn lực tài chính eo hẹp nên không thể đầu tư mạnh cho tiếp thị nên mức độ nhận biết sản phẩm trên thị trường mờ nhạt. Trong lúc đó, doanh nghiệp FDI có khả năng bao phủ hệ thống phân phối, liên tục tung ra nhiều chương trình tiếp thị hấp dẫn khiến khách hàng không còn nhớ đến sản phẩm cùng loại của các công ty Việt Nam. Do đó, có doanh nghiệp “vang bóng một thời” phải lây lất tìm đường sống.
“Nhiều doanh nghiệp bị vướng cơ chế quản lý cũ nên không phát huy hết thế mạnh, như Kem Thủy Tạ chỉ có lợi nhuận sau thuế bình quân hằng năm 6 tỷ đồng. Nguyên nhân là Nhà nước vẫn nắm giữ vai trò chi phối nên quá trình đầu tư chưa mạnh. Một khi Nhà nước thoái vốn thì các nhà đầu tư mới chắc chắn làm cho việc kinh doanh của Thủy Tạ chuyển mình”, ông Tuân khẳng định.