Nội Dung Chính
Ngày cuối tuần, tại một trung tâm thương mại của thủ đô, nhóm bạn trẻ đã hẹn nhau từ sớm ở tầng 1 để được trải nghiệm với công nghệ tương tác ảo siêu thực, với không gian bao kín là màn hình trình chiếu và tương tác đa điểm chạm.
Tại đây, họ cùng nhau khám phá thế giới giả lập có các sinh vật kỳ ảo, hay trải nghiệm bông hoa khổng lồ sử dụng công nghệ VR… Dù ban đầu chỉ định dành một ít thời gian gặp gỡ nhau tại đây, nhưng cuối cùng, nhóm bạn đã dành gần cả một ngày cuối tuần để cùng nhau khám phá, trải nghiệm và mua sắm ở trung tâm thương mại này. Đó là hình ảnh điển hình cho mô hình trung tâm mua sắm hiện đại Việt Nam. Trước sự cạnh tranh khốc liệt và nhiều thử thách, mô hình One – Stop Shopping đã xuất hiện những cách làm sáng tạo, khác biệt, với mục tiêu thu hút khách hàng, khiến họ ở lại lâu hơn và chi nhiều tiền để mua sắm hơn.
Trung tâm mua sắm và những siêu kết nối
Theo số liệu từ Euro Monitor, trong giai đoạn dự báo đến năm 2022, doanh số bán hàng tại các trung tâm thương mại sẽ tăng trưởng bình quân hàng năm là 27%, đạt khoảng 27.457 tỷ đồng. Nếu so với các thị trường khác trong khu vực, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, để khai phá được tiềm năng thị trường này, đòi hỏi một cách tư duy khác và cách làm khác.
Sự thay đổi của ngành bán lẻ hiện đại không chỉ là câu chuyện ở Việt Nam, làn sóng thay đổi đó cũng đã thể hiện rõ trên cục diện toàn cầu. Những thương hiệu xa xỉ như Tiffany & Co., Cartier, Boucheron, Audemars Piguet… cũng đang cách mạng hóa các khái niệm truyền thống của họ thành trải nghiệm bán lẻ đa kênh. Tiffany & Co.là một trong những thương hiệu dẫn đầu trong xu hướng thay đổi này với nhiều tiện ích mới sáng tạo như máy bán hàng tự động hay trạm cá nhân hóa #MakeItTiffany, nơi khách hàng có thể vẽ bất kỳ thiết kế nào mà họ ưa thích trên iPad và sao chép trực tiếp lên tài khoản của họ.
“Bán lẻ hiện đại là một tập hợp các điểm tiếp xúc và chúng là không gian vật lý, con người và kỹ thuật số.”
Trong khi đó, nhà phát triển trung tâm mua sắm Westfield khi công bố tầm nhìn “Điểm đến 2028” của mình cũng nhấn mạnh, các trung tâm mua sắm sẽ trở thành những “siêu kết nối”. Hình ảnh trong tương lai của các trung tâm mua sắm của Westfield được vẽ ra sẽ là: “Lối đi được truyền bằng AI, máy quét cá nhân hóa lượt truy cập của khách hàng, các khu vực tổ chức sự kiện sẽ tổ chức các sự kiện và hoạt động tương tác”. Một chuyên gia cũng nhận định “Trung tâm mua sắm sẽ thất bại nếu tất cả những gì họ có chỉ đơn thuần là về mua sắm”. Thực tế, việc mua sắm của khách hàng chỉ là kết quả từ trải nghiệm và cảm xúc của họ tại trung tâm mua sắm. Họ chỉ đến trung tâm mua sắm, khi ở đó có những hoạt động thu hút và có tính giải trí cao, sau đó, họ chỉ mua sắm khi họ thực sự cảm thấy thú vị và hứng khởi. Bởi vậy, yếu tố cốt lõi quyến định sự thành công của một trung tâm mua sắm hiện nay, nằm ở khâu trải nghiệm khách hàng. Giờ đây, khách hàng đến với các trung tâm mua sắm, không chỉ để mua một món đồ, mà hơn thế, để giải trí, để khám phá và để kết nối. Và khi nhu cầu, thị hiếu khách hàng thay đổi, sự chuyển mình để tồn tại và phát triển của các trung tâm mua sắm là điều tất yếu.
Đại diện của Lotte Department Store, một trong những thương hiệu đang có sự thay đổi mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam nhận định, trong giai đoạn hiện tại, định nghĩa về bán lẻ hiện đại đã khác: “Bán lẻ hiện đại là một tập hợp các điểm tiếp xúc và chúng là không gian vật lý, con người và kỹ thuật số”. Đó là lý do mà những thương hiệu muốn bứt phá trên thị trường này phải sáng tạo hơn, khác biệt hơn và nắm bắt được thị hiếu của khách hàng.
Và làn sóng thay đổi mạnh mẽ tại Việt Nam
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu tiêu dùng, giải trí ngày càng cao, Việt Nam đã và đang là thị trường hứa hẹn đối với nhiều thương hiệu bán lẻ. Đó là lý do mà trong vòng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã có sự hiện diện của rất nhiều những cái tên lớn trong nước và quốc tế như: Vincom, Takashimaya, Lotte, Aeon Mall, Crescent Mall… Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường cũng như sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ online, thời gian qua, các nhà bán lẻ tại Việt Nam đã không ngần ngại chi cho việc đầu tư vào trải nghiệm mua sắm tại các trung tâm thương mại. Không phải ngẫu nhiên mà những thương hiệu đạt được mức tăng trưởng tốt trên thị trường thời gian qua đều gắn liền với những đầu tư về tiện ích, thiết kế – bài trí và ứng dụng công nghệ, hướng đến nâng cao trải nghiệm mua sắm, cùng với đó là các sự kiện giải trí và hoạt động cộng đồng.
Gần đây, một số nhà bán lẻ còn mạnh tay đầu tư ứng dụng công nghệ để tạo nên những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng trẻ, có nhu cầu mua sắm và giải trí cao. Điển hình như Lotte Department Store. Những không gian giải trí ứng dụng công nghệ như: “Phòng công nghệ tương tác ảo siêu thực” giả lập một thế giới tương lai kỳ diệu với nhiều hiệu ứng sinh động cùng “Vườn hoa khổng lồ” tích hợp công nghệ VR mà trung tâm mua sắm này ra mắt vừa qua đã tạo nên một cơn sốt với rất nhiều nhóm bạn trẻ và các gia đình hiện đại tại thành phố. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ cảm ứng tương tác Smart Hanger và Smart Brochure, sở hữu những chức năng hữu ích như cung cấp thông tin sản phẩm dựa trên màn hình cảm ứng và chip cảm biến, gợi ý phối đồ dựa trên tuổi tác của người dùng, hướng dẫn vị trí cửa hàng, Lotte đang biến trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên thú vị và dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong chiến dịch làm mới Lotte Department Store này, cách thiết kế, bài trí không gian bên trong và ngoài cửa hàng của Lotte cũng được đội ngũ thiết kế Hàn Quốc thay đổi lại hoàn toàn theo hướng trẻ trung, sáng tạo hơn, và thú vị hơn với những khu phố mua sắm và ăn uống như 102 Village hay khu Downtown Food, Gourmet Terrace.
Được biết, Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đã chi 80 tỷ đồng cho cuộc cách mạng toàn diện mang tên New Lotte này. Đại diện Lotte Department Store tại Việt Nam cho biết, dự án nâng cấp lần này của Lotte Department Store nằm trong chiến lược chuyển mình hòa nhập vào xu hướng của các trung tâm mua sắm nổi tiếng thế giới, kết hợp mua sắm online và offline. Với chiến dịch thay đổi này, thương hiệu có bề dày 39 năm trong lĩnh vực bán lẻ đến từ Hàn Quốc đặt mục tiêu: Lọt vào top 5 Global Department Store.
Trong bối cảnh thị trường Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn về phương thức mua sắm, đã qua rồi thời sản phẩm là trung tâm, để thắng trong cuộc đua này, khách hàng cần được coi là yếu tố trung tâm cho những đổi mới, sáng tạo của các nhà bán lẻ. Ai thấu hiểu được khách hàng, biết cách thu hút và làm họ hạnh phúc, thương hiệu đó sẽ có cơ hội chiếm giữ thị phần.