Làm việc trong không gian mở của môi trường quốc tế, ngồi trước máy tính 16 giờ/ngày chỉ là “chuyện nhỏ”.
Đó là suy nghĩ hơn 6 năm về trước của Bạch Dương, một trong những người Việt Nam đầu tiên làm việc cho Google châu Á.
* Lý do nào khiến anh đầu quân về Google?
Sau vài năm làm kỹ sư phần mềm, tôi nhận thấy kỹ năng giao tiếp của mình thui chột dần do ngày nào cũng “ôm” máy tính khoảng 16 tiếng đồng hồ. Gửi hồ sơ dự tuyển vị trí nhân viên kinh doanh của Google nhưng tôi không nghĩ mình có cơ hội.
Khá bất ngờ, tối thứ Sáu tôi gửi hồ sơ đi, sáng thứ Hai đã có người gọi phỏng vấn. Ba năm sau đó, tôi chuyển sang làm quản lý dự án cho Google ở các nước đang phát triển.
Làm việc ở Google hơn 6 năm, kinh qua một số vị trí, tôi thấy mỗi công việc đều có những thuận lợi, khó khăn riêng. Chẳng hạn, nhóm quản lý dự án của Google Maps có gần 20 người ở khắp thế giới nên bị ảnh hưởng về giờ giấc làm việc.
Khi muốn trao đổi về một vấn đề nào đó, tôi ở châu Á nên phải dậy sớm hơn, hoặc phải thức khuya. Còn muốn làm việc với đồng nghiệp ở châu Mỹ, tôi phải thức đêm mới gặp được.
Tuy nhiên, cái hay là ở Google, mọi người đều tự chủ trong công việc của mình. Mỗi người tự đặt ra mục tiêu và chủ động làm việc để đạt được mục tiêu đó. Vì vậy, Google chỉ thích hợp với một số người.
* Theo kinh nghiệm của anh, yếu tố nào là cần thiết khi làm việc trong môi trường quốc tế?
Qua phỏng vấn tuyển dụng hơn 100 người làm việc cho Google và kinh nghiệm bản thân, tôi thấy kỹ năng cần nhất là tiếng Anh lưu loát. Người Việt có một số lợi thế nhưng tiếng Anh so với các nước trong khu vực chưa tốt lắm. Thêm vào đó là tư duy độc lập, Google đánh giá cao yếu tố này.
Google là môi trường làm việc quốc tế, nhân viên đến từ các nước khác nhau, văn hóa khác nhau, cách làm việc khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến mục đích chung.
Cái hay là ở Google, mọi người đều tự chủ trong công việc của mình. Mỗi người tự đặt ra mục tiêu và chủ động làm việc để đạt được mục tiêu đó.
Ở Google cũng không có nhiều cấp bậc, mọi người đều bình đẳng, có thể đưa ra ý tưởng của mình, đúng hay sai không quan trọng, nhưng chúng tôi tranh luận rất gay gắt để tìm ra các giải pháp thực thi ý tưởng một cách tốt nhất.
So với các tập đoàn lớn trên thế giới, Google vẫn là một đứa trẻ hơn 10 tuổi, song chính điều này khiến nó đi nhanh hơn.
* Hiện số lượng nhân viên người Việt làm việc tại Google châu Á – Thái Bình Dương khá nhiều so với các quốc gia khác. Ngoài yếu tố địa lý, còn có lý do nào không?
Thực ra có nhiều lý do. Ở Google, người Việt được đánh giá là thông minh, tư duy tốt, khả năng học hỏi nhanh.
Những yếu tố này giúp người Việt có thể đảm nhận các vị trí khác nhau ở đây. Ngoài ra, thị trường Việt Nam giành được nhiều sự quan tâm của Google. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam cả về sản phẩm và con người để hỗ trợ cho người dùng Việt Nam.
* Nhưng điều gì khiến Google chưa đặt văn phòng chính thức tại Việt Nam, thưa anh?
Đây là câu hỏi luôn được đặt ra không chỉ từ Việt Nam mà còn từ các nước khác trong khu vực châu Á và châu Phi. Google chưa mở văn phòng ở Việt Nam vì nhiều lý do, nhưng việc mở văn phòng hay không không quan trọng, quan trọng hơn là làm thế nào để có sản phẩm tốt nhất cho người dùng Việt Nam.
* Dưới góc nhìn của anh, lãnh đạo Google đánh giá thế nào về khả năng, trình độ cũng như sự cống hiến của người Việt làm việc tại đây?
Google không phân biệt quốc tịch hay màu da, cũng không thống kê cụ thể người Việt, người Philippines, hay người Úc làm tốt hơn, mà rất công bằng, ai làm tốt người đó có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Người Việt nổi tiếng là thông minh và làm việc chăm chỉ, tất nhiên ở đây chỉ nói đa số chứ không phải tất cả.