Theo chuyên gia Marketing thương hiệu Võ Văn Quang, sở dĩ các hãng mì không lên tiéng vì con số 100% tức là tất cả đều bị kết luận “có tội”
Đã 1 tuần trôi qua sau khi thông tin “100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có acid oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận” được công bố khiến dư luận xôn xao, người tiêu dùng hoang mang, lo lắng… tuy nhiên, dường như các đại gia mì tôm đều “án binh bất động”, không có động thái nào giải thích với khách hàng.
Nhiều “tín đồ” của sản phẩm mì tôm thắc mắc: Tôi và gia đình tôi ăn mì tôm từ rất lâu, trong nhà tôi không lúc nào thiếu 1 thùng mì. Trong thời gian qua, tôi mua mì một phần do khẩu vị, phần khác quan trọng hơn là tin tưởng vào thương hiệu, nhãn hàng… vậy khi có một thông tin như thế, tại sao các hãng mì lại không lên tiếng? Tôi nghĩ, chính sự im lặng này càng khiến những khách hàng như tôi hoang mang hơn.
Thông tin 100% mỳ tôm nhiễm acid oxalic khiến người tiêu dùng hoảng hốt
Đồng quan điểm này, chị Nguyễn Loan (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên trên truyền hình liên tục quảng cáo nào các loại mì Hảo Hảo, Sagami, Omachi… Mì nào cũng tốt, nhưng giờ tôi không dám dùng. Không thấy nhà sản xuất nói gì, tôi nghĩ chắc trong mì có chứa loại chất gây sỏi thận”.
Cho đến thời điểm này, ngoại trừ Vina Acecook – chủ sở hữu thương hiệu mì Hảo Hảo, mì Đệ Nhất, mì Lẩu Thái, mì không chiên ăn liền Mikochi… giải thích một cách dè dặt chung chung rằng đang kiểm tra, khi có kết quả sẽ công bố và không khẳng định trong sản phẩm của mình có chứa acid axolic hay không, còn lại những thương hiệu chiếm thị phần lớn tại Việt Nam khác như Asia Foods (với thương hiệu mì Gấu đỏ, Gấu yêu, Shangha); Masan (với thương hiệu mì Kokomi, Sagami, Omachi)… đều “thờ ơ” với thông tin mì tôm chứa chất gây sỏi thận.
Phải chăng việc những Vina Acecook, Masan, Asia Foods, Miliket… chậm lên tiếng đang vô hình chung thừa nhận sản phẩm của mình chứa acid axolic? Và liệu rằng việc không dám ra mặt của các thương hiệu có làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng?
Phân tích động thái này, chuyên gia Marketing thương hiệu Võ Văn Quang, người có trên 20 năm hoạt động trong lĩnh vực Marketing thương hiệu cho các nhãn hàng nổi tiếngcho rằng: Thông tin 100% mì tôm chứa acid oxalic là thông tin có ý nghĩa trên phương diện cảnh báo tốt cho người tiêu dùng, đóng góp cho sự phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, “các hãng mì không dám ra mặt vì dường như họ đã bị quy là vi phạm. Ở đây thông tin công bố là 100% thì đó không phải là sự cố cá biệt theo kiểu mì tôm A có chứa chất độc, mì tôm B không chứa chất độc… Nếu như vậy thì nó trở thành tình huống khẩn cấp, nếu các nhãn mì bị nghi vấn không lên tiếng đó mới là điều đáng bàn”.
“Tôi rất đồng ý với ý kiến của lãnh đạo Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định rằng, đây là thông tin chưa đầy đủ nên việc các hãng sản xuất mì tôm không lên tiếng là điều dễ hiểu”, ông Quang cho biết thêm.
Điểm mấu chốt của vấn đề là người công bố số liệu này phải làm rõ một số thông tin quan trọng khiến người tiêu dùng và nhà sản xuất mì băn khoăn. Thứ nhất, trong kết luận 100% mì tôm có chứa acid oxalic tuy nhiên chưa làm nguồn gốc acid oxalic là từ nguyên liệu hay do nhà sản xuất mì cho vào trong quá trình chế biến. Thứ hai, acid oxalic có hai dòng có hại và vô hại.
“Vì vậy kết quả phân tích phải được làm rõ hơn, bởi vì muốn chứng minh một chất gây hại phải có phân tích kết quả lâm sàng bên ngành y tế chứ không riêng một kết quả về hóa chất. Nếu như ngành y tế chứng minh thành phần một axit oxalic nào gây hại cho sức khỏe là lâm sàng thì khi đó kết quả mới đáng tin cậy”, chuyên gia Võ Văn Quang nhận định.
Ủng hộ phong trào bài trừ chất độc hại bài trừ thực phẩm bẩn ra khỏi sạp hàng là việc phải làm, tuy nhiên bên cạnh đó không thể gây xáo trộn cuộc sống, gây hại tới các nhà sản xuất chân chính, tức là nó không làm gây hại tới cả một ngành công nghiệp.
“Chúng ta phải xem xét đa chiều như vậy mình mới thấy rõ vấn đề. Nhiệm vụ của người đưa ra thông tin này là phải phân tích công bố cụ thể hơn. Thứ hai, nhiệm vụ của bên y tế cộng đồng họ phải có kiểm chứng lâm sàng cụ thể hơn chứ không nói đơn thuần chất đó gây hại mà còn phải chỉ rõ chất đó gây hại theo cơ chế y học như thế nào. Chúng ta nói chất này gây hại nhưng cả hai bên cơ quan chưa có chứng cứ y học nào chứng tỏ khả năng gây hại cũng như cơ chế gây hại, rõ ràng thông tin đến bây giờ vẫn rất mù mờ”, ông Quang cho biết thêm.
Theo ông Quang, khi có kết quả phân tích rõ thì trong số 100% nhà sản xuất mì, sẽ làm rõ acid oxalic có hại trong mì tôm là do nhà sản xuất đưa vào hay tự có trong nguyên liệu. Nếu có trong nguyên liệu là bột mì thì cần làm rõ nguồn gốc từ nguyên liệu xuất xứ từ nước nào. Ví dụ như bột mì nhập từ nước nào đó chưa acid oxalic cao gây hại, cần phối hợp với cơ quan hải quan để tiến hành kiểm tra để ngừng nhập bột mì từ nước đó. Điều này tránh được sự xáo trộn trên thị trường và trong cộng đồng.
“Vấn đề ở đây không còn là ở đơn vị sản xuất mì tôm mà là quản lý nhà nước và nguyên liệu đầu vào sản xuất mì. Qua công bố của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, tôi thấy lâu nay tiêu chuẩn của mình về vệ sinh an toàn thực phẩm hơi thấp giờ đây phải nâng lên. Ở đây là sự vấn động của nhu cầu cuộc sống đi lên, từ đó chất lượng cuộc sống phải được nâng lên”, chuyên gia Võ Văn Quang nói.
Đặt trường hợp là chủ thương hiệu mì, chuyên gia Marketing Võ Văn Quang cho biết: “Lúc này tôi sẽ không lên tiếng, sẽ đợi, đồng thời âm thầm làm một dòng sản phẩm mì cao cấp, đến thời điểm thích hợp khi câu chuyện lắng xuống, nhận thức người tiêu dùng nâng lên. Lúc đó tôi sẽ tung dòng sản phẩm mới với chất lượng cao hơn phù hợp với chi phí sản xuất với chất lượng sản phẩm cao hơn”.