Nội Dung Chính
Hẹn với N.Lê, một “phóng viên” có thâm niên viết cho các báo mạng giải trí vào 8g sáng, nhưng đến 10 giờ chúng tôi mới có thể gặp qua… Facebook. N.Lê nói: “Tôi dậy từ 6g sáng, nhưng đến giờ chưa ăn sáng vì bận viết tới bốn bài giải trí cho tờ báo mạng đang làm!”.
Tốc độ làm việc kinh khủng này được N.Lê thừa nhận là không thể có bài sâu mà chỉ dựa vào sự giật gân của sự kiện, nếu sự kiện không giật gân thì tít tựa phải giật gân. Cốt sao để người đọc càng nhiều càng tốt.
Bị chế tài nếu không đưa tin “lộ hàng”
Hiện nay bên cạnh một số tờ báo chuyên giật tít tựa “gây sốc” và một số báo điện tử “giật gân”, một số trang mạng dù không được phép xuất bản thông tin cũng vào cuộc đưa thông tin “giật gân” để câu view và biến “phóng viên”, “biên tập viên” của các trang mạng này thành những người mà dư luận gọi nôm na đầy tính chỉ trích là “những con kền kền”.
Nhưng N.Lê cho rằng ngay cả “phóng viên” khi đã quyết định theo vào làm ở một tờ báo kiểu lá cải thì họ cũng không có lựa chọn nào khác là phải “vồ” lấy những tin giật gân, câu khách và tìm cách khuếch đại nó lên nếu không muốn bị cấp trên của mình chế tài. Nếu không “phóng viên” đó cũng sẽ phải tìm cách để xin lại hình ảnh, thông tin từ đồng nghiệp khác, hoặc xào xáo thông tin rồi thêm mắm thêm muối vào để đạt được yêu cầu mà “tờ báo” đặt ra. Chính vì vậy theo N.Lê, sẽ khó có chuyện chấm dứt hay giảm bớt việc đưa tin, giật tít câu view với một người đã trót tham gia vào một tờ báo chạy theo giật gân. Chuyện đó sẽ ngày càng diễn ra với mức độ dày hơn, tính chất “lá cải” đậm đặc hơn, cho đến khi từ bỏ công việc của mình làm.
P. mới tốt nghiệp đại học được một năm nhưng đã có kinh nghiệm viết bài cho một trang thông tin tổng hợp gần hai năm. “Mỗi ngày tôi phải sản xuất 15 tin bài, trong đó có khoảng 40% tin bài copy từ báo khác”. Thay vì được đào tạo về cách kiểm nghiệm thông tin thì P. cùng các bạn được dạy về cách giật tít câu khách: “Chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật để post bài lên mạng, đồng thời cũng được các anh chị phụ trách trong công ty dặn dò phải làm sao cho tin bài của mình hấp dẫn, câu view gây sốc”. Cụ thể, P. kể để có được tít hấp dẫn bạn đọc, P. và các bạn không nhất thiết phải rút tít đúng với nội dung: “Quan trọng là tít nào gây được sự tò mò cho bạn đọc thôi, còn lại nội dung không quan trọng. Và nhuận bút được chấm phụ thuộc rất nhiều vào lượng view của bài đó. Thường sẽ được trả từ 50.000-80.000 đồng/bài”. P. nói và lấy ví dụ: một cô ca sĩ nhưng làm DJ, và đương nhiên DJ là công việc cô ấy cũng được học song song với học hát nhưng có thể giật tít là: “Ca sĩ H. bỏ hát làm DJ”. Tít này gây tò mò cho người đọc và có cớ để viết bài, chứ nếu chờ vào sự kiện để viết thì quả thật không thể có đủ tin bài để viết.
“Quan trọng là tít nào gây được sự tò mò cho bạn đọc thôi, còn lại nội dung không quan trọng.”
Tương tự, trang thông tin tổng hợp S ra đời đã được sáu năm và thường xuyên đưa tất cả thông tin kinh tế xã hội, văn hóa giải trí và pháp luật. Cũng giống nhiều trang thông tin mạng khác, S hướng đến tiêu chí là số lượt truy cập nên những người trẻ tham gia viết bài cho trang mạng này khá đông đảo. Những người viết của trang thông tin tổng hợp S phải sản xuất hàng trăm tin bài mỗi tháng. “Nói là không định mức gì nhưng nếu một tháng không đạt chỉ tiêu nhuận bút thì bị cắt lương cứng đấy”, Lan M., một người chuyên viết mảng an ninh pháp luật trên trang mạng, cho biết. Bởi không được coi trọng về nguyên tắc làm tin bài nên việc sai sót xảy ra khá thường xuyên. “Đứa này viết một chiều, người ta kiện thì đứa kia phải đi viết lại, thanh minh cho người ta là bình thường. Nhất là chuyện tranh chấp đất đai, nhà cửa, tài sản… là có sai sót”, M. – một người viết 30 tuổi – cho biết.
Áp lực của “biên tập viên”
Một “biên tập viên” của trang thông tin điện tử cho rằng để câu được view, trong khi những người chạy tin phải chạy hết sức, “biên tập viên” ngồi nhà phải vắt óc nghĩ đến tít bài sao cho hấp dẫn. “Phần lớn là các em trẻ không có kinh nghiệm gì, một sự kiện xảy ra các em phải chụp được thật nhiều ảnh để biên tập viên xử lý. Nhận bài viết của các em phải biên tập rất nhiều vì sai lỗi chính tả chi chít, văn nói văn viết lẫn lộn lung tung. Lại bị áp lực tin bài nên tin bài mang về cho biên tập viên thường là một mớ hổ lốn”, “biên tập viên” này nói.
Theo “biên tập viên” này: “Giờ thì có rất nhiều cách để đẩy lượng pageview lên thông qua những công ty chuyên về lĩnh vực này. Ví dụ chúng tôi có thể bỏ tiền làm hợp đồng đối với một số đơn vị để người ta thực hiện các thủ thuật đẩy trang thông tin lên thuộc hàng top những trang được truy cập nhiều. Và cũng thông qua những công ty chuyên quảng cáo mạng để “bán” quảng cáo trọn gói cho họ. Họ sẽ tính theo năm, nhưng cũng yêu cầu đảm bảo pageview hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng”.
Để đảm bảo được số lượng bài vở “hút” bạn đọc, trong khi rất nhiều bạn đọc không chọn lọc thông tin này từ nguồn nào, có đáng tin hay không thì đội ngũ làm báo mạng “kền kền” cho rằng trang mạng của họ là một lợi thế: “Chúng tôi cung cấp những thứ bạn đọc cần mà báo chí chính thống không có. Những thông tin đó có thể đúng, có thể chưa đúng nhưng bạn đọc chỉ cần có thông tin để đọc và giải trí”. Nhưng lâu dần thì ngoài các thông tin giải trí và “cướp hiếp giết”, các trang mạng nhảy vào đề tài luật pháp với “tình, tiền, tù, tội”. “Xảy ra những vụ tranh chấp liên quan đến pháp luật, không tránh khỏi chuyện tiền bạc và bài đăng. Đôi khi biên tập viên cũng không thể kiểm soát được chuyện đó”, lời thừa nhận của “biên tập viên” này.