Nội Dung Chính
Trong buổi tọa đàm mới đây cùng CLB Doanh nhân sáng tạo, TS Phan Tất Thứ, trí tuệ của con người có thể chia ra 4 thiên hướng.
Theo đó, trí xảo là thiên hướng giúp con người thông minh, khéo léo và xảo trá khác thường. Những người có khả năng làm chính trị thường phát triển về trí xảo. Trí duy là khả năng khái quát mô hình tư duy logic, suy luận, thích nghiên cứu. Tuy nhiên điều đặc biệt, ở người làm kinh doanh chứa đựng cả trí duy và trí xảo, nếu thiếu một trong hai thành tố này thì không có khả năng kinh doanh. Trí giác lại là khả năng hiểu biết thế giới rất nhiều mà không cần đi đây đi đó. Những người có khả năng này thường giác ngộ, ngồi thiền mà biết được thế giới nhân sinh quan. Trí hành lại giúp con người có khả năng truyền được cảm xúc cho người khác. Vậy nên, những người làm nghệ thuật thì có thiên hướng về trí hành.
Tư duy và cấu trúc trí tuệ con người
Ông Thứ cho rằng, ở mỗi người có nhiều thiên hướng, tùy thời điểm nhất định, người ta có thiên hướng nào thì đi theo đó. Chẳng hạn, người có thiên hướng trí xảo thì làm quan chức, làm chính trị. Người có thiên hướng trí duy thì nên làm về nghiên cứu khoa học nếu cứ đi vào con đường kinh doanh là thất bại. Người có thiên hướng trí hành chọn làm nghệ thuật và thiên hướng trí giác thì đi tu.
Trên cơ sở nghiên cứu, ông Thứ cũng nhận thấy, cấu trúc nghiên cứu trí tuệ này song hành với những nghiên cứu của các nhà khoa học khi nhận định não trái tư duy cụ thể thực dụng, nhưng không có tầm nhìn xa. Não phải giúp tưởng tượng, mơ mộng mới có tầm nhìn xa được. Người sáng tạo chính là người phải tư duy não phải nhiều.
8 bước thúc đẩy sáng tạo
Ông Albert Einstein từng nói: “Thế giới khoa học là do chúng ta suy nghĩ hàng ngày”, do đó, bản chất các mô hình kinh doanh được hình thành là do chịu khó suy nghĩ. Không suy nghĩ, khó mà phát triển não bộ được. Mô hình Biz Mind sẽ giúp chuyển tư duy từ não trái sang não phải. Công nghiệp sáng tạo chính là ngành giúp con người phát triển bằng não phải, ông Thứ nhấn mạnh. Nói cách khác, mô hình Biz Mind dựa trên giả thuyết, khi giải quyết vấn đề gì cho doanh nghiệp thì buộc phải suy nghĩ, như ông bà thường nói cái khó ló cái khôn là vì vậy. Vì khó nên buộc phải suy nghĩ.
Người tư duy sáng tạo không lệ thuộc vào hệ thống, những ai đó dựa quá nhiều vào giả thuyết, phụ thuộc vào cơ chế không bao giờ sáng tạo được.
Tư duy sáng tạo có thể trải qua một quy trình 8 bước như sau: (1) xác định vấn đề như thế nào; (2) bạn có coi đó là vấn đề hay không và gọi tên nó là cái gì; (3,4) tìm ra được nguyên nhân và phân tích hậu quả; (5) đề xuất giải pháp (tư duy sáng tạo thường hình thành ở bước giải pháp này vì muốn sáng tạo phải tìm ra cách giải quyết vấn đề); (6,7,8) lên kế hoạch thực hiện, hành động và đúc kết.
Có thể kết luận, tư duy sáng tạo đóng vai trò giống như hệ thống định vị giúp chúng ta xác định ở đâu để biết phương hướng, để tìm đường; quyết định tại các bước ngoặt; lựa chọn phương tiện đúng và hình thành nếp nghĩ.
Các cấp độ tư duy
Dựa trên câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước, TS. Phan Tất Thứ xây dựng 4 phương thức tư duy, gồm: Phê phán, hệ thống, sáng tạo và chiến lược.
Nhìn sâu hơn vào bản chất, câu hỏi này gây tranh cãi liên tục, bất tận và thường phần thắng nghiêng về người có khả năng tranh luận tốt hơn. Trên cơ sở đó ông Thứ thấy rằng, có những người suốt ngày kêu ca, tranh luận, đưa ra lập luận sắc sảo mà có thể làm cho đối phương thấy mất mặt. Những người đó rơi vào mô thức thấp nhất là tư duy phê phán. Nếu trong môi trường mà mọi người tôn trọng lẫn nhau, phản biện không bị cố chấp, tập trung vào vấn đề tranh luận thì tư duy phê phán rất tốt. Người Việt thường yếu khi làm việc nhóm, hay tự ái và khó hợp tác. Những người liên tục tranh cãi kiểu con gà có trước hay quả trứng có trước thì thường rơi vào tư duy phê phán.
Vẫn có những người không trả lời vào chính câu hỏi mà hệ thống hóa những gì họ biết và làm tăng sự hiểu biết người khác, nhưng không gây tranh cãi. Tư duy này là tư duy hệ thống giúp người ta nhìn tổng thể các vấn đề, nó có ưu điểm là có tính bao quát, nhưng lại dài dòng.
Cách trả lời thứ 3 thoát ra khỏi hệ thống, đó là tư duy sáng tạo. Người tư duy sáng tạo nói rằng, cái gì có trước cũng được miễn là nó biến thành đồ ăn là tốt.
Người tư duy sáng tạo không lệ thuộc vào hệ thống, những ai đó dựa quá nhiều vào giả thuyết, phụ thuộc vào cơ chế không bao giờ sáng tạo được. Tư duy sáng tạo rất cần để vượt qua những gì đang tồn tại, nếu cứ lệ thuộc vào hệ thống thì không thoát ra được. Tuy nhiên, mô thức sáng tạo này phải đảm bảo hai yếu tố, đó là tính mới và hữu ích, thiếu một trong hai thì không thể biến thành sáng tạo.
Cuối cùng, quan trọng hơn cả chính là tư duy chiến lược. Người có tư duy chiến lược không quan tâm đến câu trả lời con gà hay quả trứng có trước mà quan tâm mục đích tiếp theo là gì. Nói cách khác, người tư duy chiến lược chỉ quan tâm đến mục đích và hành động, chứ không nặng về cá nhân. Nếu rơi vào phê phán nhiều thì bị mất bạn bè, mất quan hệ, phải tìm cách chuyển sang hệ thống hay sáng tạo hay chiến lược. Nhưng hay nhất vẫn là chiến lược. Vì thế chúng ta mới tạo nên hệ thống hợp tác, cộng đồng.