Quyền uy của siêu thị

0
912

Để một mặt hàng được lên kệ của một siêu thị có khi kéo dài cả năm, lên kệ rồi doanh nghiệp (DN) lại phải gánh thêm các khoản phí, hỗ trợ… Thế nhưng, một ngày đẹp trời, DN vẫn bị buộc rời khỏi siêu thị.

Quyền đưa lên kệ

“Để đưa được hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp (DN) đều phải trải qua các khâu thủ tục, giấy tờ vô cùng khắt khe, rườm rà!”, giám đốc một DN hàng tiêu dùng nhanh cho biết. Thủ tục “liên hệ” đầu tiên là DN phải gửi mail, giới thiệu công ty, sản phẩm. Khi mail gửi đi, phải kiên nhẫn chờ phản hồi.

Khi được đồng ý chào hàng, phía siêu thị yêu cầu phải có tem của nhãn hàng đính kèm theo sản phẩm, sau đó phải photo và công chứng các loại giấy phép kinh doanh, mã số thuế, giấy đăng ký nhãn hàng hóa. Khi đã đủ hồ sơ, giấy tờ, phải chờ thêm vài tuần để siêu thị đặt hàng…

Thông thường các thủ tục này phải mất vài tháng, riêng giấy đăng ký hàng hóa có thể bổ sung sau vì phải mất một năm. Chưa hết, với thực phẩm, hàng nhập khẩu phải có hồ sơ công bố chất lượng của Bộ Y tế, tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Nhà cung cấp hàng vào siêu thị là nhà nhập khẩu trực tiếp hàng hóa phải bổ sung hợp đồng phân phối, đại lý hoặc hóa đơn mua hàng với bên thứ ba. Hàng có nhãn hiệu độc quyền được bảo hộ tại Việt Nam hoặc có tính chất đặc trưng phải có chứng thư nhượng quyền kinh doanh, phân phối tại Việt Nam và giấy phép lưu hành của các cơ quan quản lý chuyên ngành…

Đưa được hàng vào đã trần ai nhưng trụ lại trong siêu thị còn khó hơn. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty 7B, cho biết: “Sau khâu thủ tục, DN phải cam kết đầu tư quảng bá cho sản phẩm thì siêu thị mới cho hàng vào”.

Tuy nhiên, ngay cả khi được cấp mã hàng nhưng sản phẩm của mình vẫn chưa chắc đã nằm trên kệ siêu thị mà rải rác đâu đó trong “vòng thử thách” từ 1 – 3 tháng, nếu có doanh số mới được xếp lên quầy kệ như các nhãn hàng khác.

Song, những vị trí tốt thì đa số đã được các công ty liên doanh, nước ngoài chiếm hết, thậm chí có tiền cũng không thuê được. Bởi DN nước ngoài có kinh phí quảng cáo nhiều hơn, hàng bán chạy hơn, ổn định hơn”.

Bà Lâm Hương, Giám đốc Công ty Hoàng Hương, cũng cho rằng, ngoài kinh phí, siêu thị còn có rất nhiều quyền lực, mối quan hệ khác. Chẳng hạn, hàng nhãn riêng của siêu thị giành hết những vị trí đẹp, ép hàng của DN trong nước vào góc trong, không bắt mắt, không dễ chọn nên khó được người tiêu dùng chú ý.

Đơn cử trước đây, sản phẩm của SG Food thường bị siêu thị dời vào những vị trí khuất nên việc tìm mua rất khó, doanh số bán chậm, nhưng từ ngày gia công nhãn hàng riêng cho siêu thị đến nay, công ty mới được ưu đãi về vị trí.

Quyền thanh lọc

“Mỗi siêu thị ít nhất cũng có khoảng 4.000 – 5.000 nhà cung cấp, nếu một nhà cung cấp đóng ít nhất 100 triệu đồng loại phí thì một năm siêu thị cũng có khoảng 400 – 500 tỷ đồng, chỉ cần thu phí này thôi cũng đã đủ sống chứ chưa nói đến lợi nhuận từ kinh doanh”.

Hiện diện của một mặt hàng tại siêu thị thường rất ngắn ngủi, tối thiểu khoảng ba tháng đã bị… thanh lọc. Lý do đơn giản là có quá nhiều DN đang xếp hàng vào siêu thị mà diện tích lại có hạn.

Vì vậy, để xếp chỗ cho DN mới, siêu thị sẽ phải liên tục thanh lọc, đẩy đi các DN có doanh số bán thấp hoặc ít tổ chức chương trình khuyến mãi, hỗ trợ siêu thị.

Một DN sản xuất thực phẩm bức xúc: “Chạy bở hơi tai mới vào được siêu thị gần bốn tháng, nay đã bị siêu thị loại ra, dù doanh số bán của chúng tôi tại siêu thị khá tốt”. Qua tìm hiểu, việc “thanh lọc” doanh số được siêu thị so sánh từ trên xuống dưới với các sản phẩm khác chứ không tính đến chuyện sản phẩm đó đang bán được hoặc có triển vọng bán tốt. Chị Nga, Giám đốc DNTN Trà S.H, chia sẻ: “Sau ba năm cầm cự, đến nay tôi phải quyết định ngưng cung cấp hàng vào siêu thị Metro vì riêng khoản phí hỗ trợ mỗi năm đã mất vài trăm triệu, xem như hết lời!”.

Được biết, bảng chiết khấu thương mại, chỉ tiêu hợp tác kinh doanh của một số siêu thị đưa cho nhà cung cấp gồm rất nhiều khoản: hỗ trợ quảng cáo, thưởng thêm, chi phí thuê kệ, hỗ trợ sửa kho, đến chiết khấu quý cho trung tâm thu mua, chiết khấu quý cho từng siêu thị, chiết khấu quý tham gia chương trình khuyến mãi, hỗ trợ sinh nhật siêu thị, hỗ trợ khai trương siêu thị mới, hỗ trợ mở rộng siêu thị, chi phí thuê cột đèn; chiết khấu theo doanh số…

Chị Nga tính toán, mỗi hệ thống siêu thị hiện nay đều có hơn 20 siêu thị trên cả nước, chỉ tính riêng khoản hỗ trợ sinh nhật cho mỗi siêu thị, mỗi năm DN đã phải đóng góp hơn 20 triệu đồng.

Một DN khác cho biết: “Mỗi siêu thị ít nhất cũng có khoảng 4.000 – 5.000 nhà cung cấp, nếu một nhà cung cấp đóng ít nhất 100 triệu đồng loại phí thì một năm siêu thị cũng có khoảng 400 – 500 tỷ đồng, chỉ cần thu phí này thôi cũng đã đủ sống chứ chưa nói đến lợi nhuận từ kinh doanh”.

Quyền được công bằng

Ông Ngô Trung Quân, Giám đốc Công ty Đại Việt Hương, lý giải: “Siêu thị không thể nở ra được về không gian trưng bày, trong khi lưu lượng hàng hóa thì lại rất lớn, do đó việc phải loại bỏ một số nhãn hàng là đương nhiên.

Theo tôi, siêu thị cũng phải kinh doanh và sứ mạng của siêu thị cũng là kiếm lời. Vì vậy, họ phải chọn sản phẩm mà hệ thống siêu thị khác ít có nguy cơ đe dọa họ. Ví dụ, kem đánh răng của Unilever đã có thị phần 65% thì siêu thị bán lẻ nào cũng muốn duy trì mặt hàng này để đảm bảo doanh số. Đó là logic tự nhiên”.

Nhìn nhận một cách tổng thể, một chuyên gia cho rằng, suy cho cùng, việc các siêu thị mở rộng quyền lực cũng là việc cạnh tranh bình thường. Vấn đề là Nhà nước muốn lợi ích cho toàn xã hội và DN thì phải có văn bản luật rõ ràng.

Chẳng hạn, để hỗ trợ DN trong nước nhiều hơn, có thể ra quy định tỷ lệ 50% là DN nước ngoài và 50% là trong nước; Quốc hội phải đặt ra luật chống hạn chế cạnh tranh trên khoảng không gian bày hàng.

Phải quan niệm rằng, bán lẻ cho dù ở kênh tuyền thống hay siêu thị, đều là thành tố trong hệ thống bán lẻ quốc gia. Tuy siêu thị có quyền lực để ấn cho DN, nhưng hiện nay luật bán lẻ không thấy đâu, rồi nghị định hướng dẫn Luật Chống cạnh tranh cũng không rõ ràng.

Trong khi đó, sự ưu tiên không gian bán lẻ cũng là cách tiếp tay khống chế đường cung thị trường, đồng nghĩa tình trạng độc quyền và tất cả đều gây hại cho người tiêu dùng.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here