Định danh cho công nghiệp sáng tạo

0
1188

Công nghiệp sáng tạo vẫn là khái niệm mơ hồ ở Việt Nam? Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT Le Group of Companies, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) nói: Đúng! Nhưng điều ấy sẽ thay đổi.

Trước khi gặp ông Lê Quốc Vinh, tôi đã làm một khảo sát nhỏ về cách hiểu thế nào là công nghiệp sáng tạo và doanh nhân sáng tạo, nhưng đa phần những người được hỏi đều nhận thức một cách mơ hồ về công nghiệp sáng tạo. Thậm chí, có người hoạt động trong lĩnh vực này mà vẫn không nhận mình là một doanh nhân sáng tạo. Có người khẳng định, đã là sáng tạo có nghĩa mang dấu ấn cá nhân, không thể là ngành công nghiệp được!?

Một cách ngắn gọn, ông cắt nghĩa thế nào là công nghiệp sáng tạo?

Muốn tạo dựng được công nghiệp sáng tạo thì sáng tạo phải trở thành hàng hóa. Quá trình kinh doanh chính là sử dụng chất xám của con người được bảo hộ sở hữu trí tuệ để tạo ra giá trị thặng dư cao.

Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT Le Group of Companies, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club)

Điều gì tạo nên sức phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo ở mỗi quốc gia, thưa ông? Tài năng của cá nhân hay thể chế chính sách?

Thực chất, ở nhiều nước công nghiệp sáng tạo đã phát triển mạnh mẽ, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều quốc gia. Nếu một quốc gia có chiến lược rõ ràng về phát triển nền kinh tế trí thức thì công nghiệp sáng tạo chính là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu thay vì trông vào công nghiệp truyền thống như giai đoạn lịch sử trước đây. Mỗi đất nước tùy theo thế mạnh của mình để đưa ra danh mục các ngành nghề nào thuộc lĩnh vực công nghiệp sáng tạo từ đó có cơ chế thích hợp. Có thể dẫn chứng câu chuyện từ Anh quốc với 13 ngành nghề rõ ràng, trong đó thú vị là có cả ngành nghề kinh doanh đồ cổ. Hay ở Indonesia, nấu nướng cũng được tính vào công nghiệp sáng tạo…

Điều tôi muốn nhấn mạnh, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân ở mỗi quốc gia đều là vô bờ bến, không hề có ranh giới, cho dù đó là quốc gia nào, trình độ phát triển ra sao. Nhưng để biến sáng tạo cá nhân thành giá trị thặng dư cho nền kinh tế lại là câu chuyện tầm cỡ quốc gia, liên quan đến thể chế, chính sách cho một ngành nghề.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam và của chính ông, với tư cách nhà cố vấn, nhà vận động cho công nghiệp sáng tạo, ông có cảm thấy, kết quả thu về khiến ông nhụt chí?

Không hề. Thực ra, việc Hội đồng Anh (BC) khởi xướng đưa khái niệm công nghiệp sáng tạo vào Việt Nam mới được 4 năm. Nếu bạn nói công nghiệp sáng tạo còn là khái niệm trên giấy, tôi cũng thừa nhận. Nhưng xin nói rõ rằng, đã có những chuyển biến từ chính cộng đồng các nhà sáng tạo, doanh nhân sáng tạo, và ngay chính từ các giới chức về nhu cầu thiết yếu phát triển ngành này. Bộ Văn hóa – Thông tin tiên phong xây dựng quy hoạch công nghiệp văn hóa tầm nhìn đến năm 2020 bao gồm các bộ môn như âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, điện ảnh, tạo hình… Hay đã có thành phố như Bình Dương quyết định đeo đuổi kế hoạch xây dựng thành phố sáng tạo… Hai thành phố đầu tàu TP HCM, Hà Nội cũng đang xúc tiến nghiên cứu, tiến tới lập bản đồ về công nghiệp sáng tạo, từ đó xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp sáng tạo…

Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định, công nghiệp sáng tạo là khái niệm rộng lớn, bao trùm lên nhiều ngành kinh tế khác nhau, phạm vi một bộ, ngành, một thành phố không thể bao quát hết được. Muốn tạo được môi trường cho công nghiệp sáng tạo phát triển cần sự vào cuộc từ cấp Trung ương xuống đến các bộ ngành, địa phương. Cần nhận thức rõ và quán triệt về vai trò của công nghiệp sáng tạo. Cần lập bản đồ công nghiệp sáng tạo để có được bức tranh hoàn chỉnh về quy mô, vị trí, khu vực của mỗi ngành nghề, thực chất và tiềm năng phát triển, trên nền tảng đó mới có thể xây dựng quy hoạch quốc gia cho ngành công nghiệp sáng tạo được.

Vậy với cá nhân sáng tạo, doanh nhân sáng tạo, cần được hỗ trợ thế nào, thưa ông?

Công nghiệp sáng tạo như đã nói, sử dụng chất xám, năng lượng sáng tạo của con người là chính. Vì vậy, cần tạo nên không gian sáng tạo cho cá nhân, hỗ trợ thông qua các chính sách giúp người sáng tạo có thể chuyển tải công trình của mình ra công chúng. Ví dụ như ở Indonesia, có quy hoạch trung tâm trưng bày ý tưởng sáng tạo, nơi các cá nhân, tổ chức có thể trưng bày công trình của mình miễn phí, từ đó phục vụ công chúng và các nhà đầu tư tìm kiếm dự án rót vốn đầu tư. Nhà nước đóng vai trò bà đỡ còn thể hiện ở việc ban hành hệ thống pháp lý và thực thi hiệu quả bảo hộ ý tưởng sáng tạo. Nếu không được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, bản quyền thì mọi sự sáng tạo đều trở nên vô ích.

Ông có nghĩ vướng mắc lớn nhất lại chính là từ nhận thức về công nghệ sáng tạo của người dân và cụ thể là các nhà sáng tạo, các nhà hoạch định chính sách?

Tôi chia sẻ quan điểm này từ thực tế của TP HCM, có được đề án phát triển công nghiệp sáng tạo nhưng chỉ cần sự thuyên chuyển cán bộ thôi đã đủ để đề án treo đó. Câu chuyện Bình Dương trở thành Thành phố sáng tạo là ý hay nhưng xem chừng duy ý chí. Ở Hà Nội bắt tay vào xây dựng cơ chế cho lĩnh vực này từ năm ngoái, nhưng ở cấp cao thì quyết tâm, cấp dưới lại chưa thông, có những đơn vị cấp ngành còn chưa hiểu thấu suốt về công nghiệp sáng tạo.

Còn nói từ góc độ thị trường, người ta cũng chưa đánh giá đúng mức vai trò, vị trí của sáng tạo. Từ đơn giản như may bộ quần áo, người ta sẵn sàng trả tiền vải, tiền công nhưng lại nói không với ý tưởng thiết kế. Tổ chức một hội thảo, không có barem tài chính nào tính cho phần sáng tạo ý tưởng, chỉ có chi trả cho phần tổ chức sự kiện thuần túy. Trong ngành quảng cáo, ý tưởng vô cùng quan trọng nhưng lại bị định giá thấp nhất… Không chỉ vướng từ nhận thức mà còn vướng cả cơ chế tài chính – kế toán… Tất cả những điều này khiến cho giá trị gia tăng của công nghiệp sáng tạo trở nên rất thấp. Nếu không thay đổi nhận thức và biến thành hành động thì Việt Nam rất khó có thể cạnh tranh được trong sân chơi quốc tế.

Chúng ta không thể cứ mãi dựa vào tài nguyên, xuất khẩu thô, hay làm gia công được. Như vậy, là chấp nhận miếng bánh lợi nhuận rơi vào tay các nhà nhập khẩu, các nhà chế biến, sáng tạo của nước ngoài. Nếu không đánh giá cao hàm lượng trí tuệ, không đủ khả năng thuyết phục được thị trường.

Nhưng để thay đổi nhận thức không hề đơn giản. Liệu Việt Nam có tạo dựng được nền công nghiệp sáng tạo?

Tôi khẳng định, Việt Nam hoàn toàn làm được. Bằng chứng là từ bài học của các quốc gia xung quanh ta. Thái Lan, chỉ 4 năm trở lại đây, đã đạt được nhận thức nhất quán từ Chính phủ xuống đến tận ngành, địa phương về phát triển công nghiệp sáng tạo với cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể. Indonesia lập hẳn ra Bộ Công nghiệp Sáng tạo và Văn hóa. Hàn Quốc chính là bài học thành công ngoạn mục nhất. Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc là nhà thiết kế chính của tất cả các chương trình đưa văn hóa Hàn, sản phẩm Hàn ra thế giới. Họ là minh chứng cho việc cùng với sự phát triển của công nghiệp sáng tạo, các ngành công nghiệp khác cũng mạnh theo.

Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo là một sân chơi quy tụ những con người làm sáng tạo lại, kết nối các doanh nghiệp sáng tạo, để từ đó tạo dựng sức sống, sự lan tỏa trong cộng đồng. Tin rằng, môt khi những người trong cuộc có được tâm thế chủ động hơn sẽ tác động đến nhận thức chung của cộng đồng, của các cơ quan quản lý, từ đó một chính sách quốc gia cho công nghiệp sáng tạo sẽ hình thành.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here