“Thuyền trưởng” con tàu Saigon Co.op

0
2316

Ngày siêu thị đầu tiên xuất hiện, mọi người đổ xô đến xem vỡ cửa kính, hàng hóa bị đánh cắp, nhiều người khuyên nên đóng cửa chứ nếu không sẽ nhanh chóng sạt nghiệp…, người sáng lập Saigon Co.op Nguyễn Thị Nghĩa nhớ lại những ngày đầu.

Vào những năm 1990, Sài Gòn có khoảng 300 hợp tác xã nhưng dần dần rơi rụng chỉ còn trên 100 đơn vị.

“Lúc đó Ban quản lý hợp tác xã buôn bán của chúng tôi cũng trong tình thế khó khăn. Tôi như “đứt từng khúc ruột” khi các hợp tác xã cứ kéo nhau giải thể”, bà Nghĩa kể.

Sự đổ vỡ của mô hình này buộc giới kinh doanh thời bấy giờ phải tự đổi mới, nếu muốn tiếp tục tồn tại trên thương trường.

Người phụ nữa 40 tuổi ngược xuôi tìm cách liên hiệp các hợp tác xã lại với nhau, nhưng đường hướng kinh doanh có nhiều nét khác biệt, chịu khó học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Từ đó Liên hiệp hợp tác xã mua bán TP.HCM được thành lập.

Nhân sự thời kỳ đầu khoảng 60-70 người và không nhận ngân sách Nhà nước, sống chủ yếu nhờ vào hoạt động buôn bán lẻ và mở rộng xuất nhập khẩu.

Từ đó, hợp tác xã quen biết nhiều hơn với các hợp tác xã khác trên thế giới như châu Âu, Singapore, các nước tư bản phát triển. Cũng nhờ thế mà ý tưởng hình thành siêu thị bùng cháy trong bà.

Tuy nhiên, điều kiện vật chất những năm đầu thế kỷ 20 không đủ nên theo bà Nghĩa chỉ có cách liên doanh với công ty nước ngoài mới huy động được vốn mở siêu thị.

Đại gia bán lẻ đến từ Nhật là đối tác nước ngoài đầu tiên của siêu thị nhưng “lương duyên” này không thành. Phía Nhật đòi rút vốn trước hạn và chấp nhận đền bù một khoản tiền.

Không đành lòng từ bỏ ước mơ lập siêu thị, bà lấy 3 tỷ đồng trong khoản đền bù này để tìm kiếm mặt bằng, xây dựng địa điểm kinh doanh và 1 tỷ đồng mua hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Gò Vấp, cha và các anh chị em đều tham gia kháng chiến. Bà đã bắt đầu đi theo cách mạng từ tháng 8/1964 trong phong trào học sinh sinh viên chống Mỹ tại Sài Gòn.

Năm 1970 bị địch bắt và trao trả tù binh 1973. Năm 1975 bà tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó là Ủy viên ban chấp hành, Ủy viên thường vụ thành đoàn và đến năm 1981 bà được làm Phó ban quản lý Hợp tác xã (HTX) mua bán TP.HCM và cũng chính từ đây cái tên Nguyễn Thị Nghĩa gắn liền với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM-Saigon Co.op. Từ năm 2005, bà nghỉ hưu và chuyển sang làm cố vấn cho hệ thống siêu thị này.

Saigon Co.op có mặt trên thị trường từ năm 1996, sau nhiều năm cạnh tranh và phát triển, đến nay, đơn vị này đã có 61 siêu thị trên cả nước. Năm nay, Saigon Co.op dự kiến mở thêm 10 siêu thị ở TP HCM và các tỉnh lân cận, đồng thời, liên kết với “ông lớn” bán lẻ Singapore mở thêm đại siêu thị.

Sau hơn một năm chuẩn bị mọi công đoạn từ đơn giản đến phức tạp, đến năm 1996, bà quyết định cho siêu thị của mình xuất hiện. Đó là Saigon Co-op trên đường Cống Quỳnh, quận 1, TP HCM, với diện tích 1.200m2, trong đó khu tự chọn 800m2, 400m2 còn lại là dịch vụ, trưng bày trên 10.000 mặt hàng.

“Chúng tôi nghiên cứu biết được tâm lý người tiêu dùng miền Nam thích nhanh gọn nên đồ hộp chiếm ưu thế trên kệ hàng và cũng là sản phẩm bán chạy nhất thời bấy giờ”, bà hồi tưởng những ngày hình thành siêu thị vào năm 1996.

Cho ra mắt kiểu mua bán vẫn còn lạ lẫm với nhiều người, thể hiện ở không gian mua sắm, chủng loại hàng hóa, cung cách phục vụ khác hẳn chợ truyền thống, ban lãnh đạo vừa làm vừa run.

Không có những công cụ quảng bá hiện đại như thời nay, cách để mọi người biết tới sự ra đời của Co.op mart là phát tờ rơi xung quanh khu vực quận 1 và 3, chứ cũng không đủ lực lượng để đi tiếp thị rộng rãi.

Diễn biến ngày đầu khai trương trở thành sự kiện đáng nhớ với tất cả người dân Sài Gòn lúc bấy giờ. Mọi người kéo nhau đến xem, phần đông vì hiếu kỳ dẫn tới cảnh xô đẩy nhau vỡ cả cửa kính.

“Cảnh náo loạn vượt tầm kiểm soát, anh em trong siêu phải đóng cửa lại không cho vào nữa, phản ứng hiếu kỳ này duy trì cả nửa tháng”, bà kể.

Phải tới 22h đêm hôm đó, Ban lãnh đạo mới rảnh rỗi ngồi lại đúc rút kinh nghiệm sau một ngày làm việc mà theo bà là “vượt sức tưởng tượng”. Ngày đầu tiên số hóa đơn tính tiền lên tới 1.000.

Hệ thống quá tải buộc một số nhân viên phải tính tiền bằng tay cho khách. Đây cũng là vướng mắc khiến siêu thị khó xác định được doanh thu bán hàng ngay tức khắc.

Do chưa có hệ thống kiểm soát tốt nên ngoài những người đến xem vì tò mò, mua hàng, còn có những người đến trục lợi lấy cắp hàng hóa. Nhiều bác hưu trí gọi điện cho bà khi chứng kiến cảnh mất cắp và đưa lời khuyên chân tình “cô dẹp đi chứ nếu không sẽ thua lỗ nặng đấy”.

“Lúc ấy, tôi lập tức huy động lực lượng kiểm tra lại hàng tại kho nhưng thật may mắn, chỉ mất khoảng 2% trên doanh số trong thời gian đầu khai trương”, bà cười nói.

Một trong những buổi giao bạn tại Saigon Co.op thời kỳ đầu hoạt động 

Năm 1996 đã có Maximark và Citimart nhưng đó chẳng phải là đối thủ của bà. Bởi lẽ, hai đối tượng này tập trung vào hàng ngoại nhập, hướng tới giới nhà giàu. Còn siêu thị Co.op mart tập trung vào phân khúc bình dân, bán hàng Việt Nam, giá cả vừa phải.

Mục tiêu chính của bà lúc bấy giờ là cố gắng chiếm lĩnh thị trường ở TP.HCM, chứ không có ý định lấn sang các tỉnh thành khác. Đến năm 2003, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt động viên bà nên đem loại hình mua bán “văn minh” tới những vùng đất mới. Kết quả, 2 siêu thị đầu tiên được đóng chốt tại 2 tỉnh Bình Định và Cần Thơ.

Cũng chính năm 2003, Saigon Co.op tạo ra bước đột phá quan trọng định hình tiêu chí kinh doanh là chú trọng thực phẩm an toàn. Siêu thị liên kết với Sở nông nghiệp nhờ Sở làm cầu nối với các hợp tác xã sản xuất để chỉ cung cấp rau an toàn cho Saigon Co.op.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan kiểm tra thực phẩm, thường xuyên kiểm nghiệm hàng hóa để nếu phát hiện hàng hóa, thực phẩm chế biến không an toàn sẽ trả lại đơn vị cung ứng. Thế nên, thực phẩm trong siêu thị đắt hơn so với chợ nhưng nhờ đánh đổi bằng chi phí cho an toàn nên siêu thị có được niềm tin từ người tiêu dùng.

Khi nhắc tới mối lương duyên với nhà bán lẻ lớn của Singapore là NTUC FairPrice, ký ức về thời kỳ đầu của hợp tác xã này ùa về với bà. Thời kỳ đầu thành lập siêu thị bà đã biết đến FairPrice và từng mơ ước về hệ thống siêu thị ấy.

Bà cảm thấy không có gì đáng lo ngại khi liên doanh với FairPrice, bởi lẽ đơn vị này cũng là tiền thân từ hợp tác xã. Măt khác, khi liên doanh với Fairprice, Saigon Co.op sẽ học hỏi cách kinh doanh trên quy mô lớn.

Thêm vào đó, về cơ cấu vốn, Saigon Co.op sở hữu 64%, trong khi đó FairPrice chỉ có 36% nên vấn đề thâu tóm là khó xảy ra và không có chuyện hệ thống siêu thị truyền thống của Saigon Co.op “lép vế”.

Căn cứ cho nhận định này là siêu thị truyền thống luôn nằm ở vị trí trung tâm và thuận lợi, còn đại siêu thị cách xa khu trung tâm. Đại siêu thị đòi hỏi quy mô rộng nên để kiếm mặt bằng phù hợp là điều không tưởng trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề vẫn khiến bà không khỏi trăn trở trong thời gian làm việc ở Saigon Co.op là mặt bằng và nhân sự. Cho tới tận bây giờ mặt bằng ở các siêu thị đa số là thuê (đối với mặt bằng của Nhà nước được thuê 50 năm còn mặt bằng của quân đội 15-20 năm).

Còn nhân sự, lực lượng cán bộ có đủ tay nghề để đẩy mạnh khâu mua hàng đạt tiêu chuẩn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Quá trình luân chuyển cán bộ các giữ tỉnh và thành phố còn gặp nhiều khó khăn…

Mặc dù đã nghỉ hưu và chuyển sang làm cố vấn cho Saigon Co.op từ năm 2008 và nay sức khỏe đã yếu nhưng cựu “thuyền trưởng” dẫn dắt con tàu này cho hay, bà sẽ luôn dõi theo từng bước đi của chúng cho tới hơi thở cuối cùng.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here