CEO và mạng xã hội

0
802

Đây chính là vấn đề được đề cập tại diễn đàn “Lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp 2013” do IBM và Doanh Nhân cùng tổ chức ngày 14/6/2013 tại TP.HCM. Xuất phát từ thực tế, hiện nay toàn cầu hóa công nghệ đã và đang thay đổi căn bản cách thức liên lạc, trao đổi thông tin và làm việc hàng ngày.

Một khảo sát mới của IBM với hơn 1.700 CEO trên toàn thế giới đã cho thấy, có một sự thay đổi mới trong nhận thức về văn hóa công ty theo tinh thần cởi mở, minh bạch và nâng cao năng lực của nhân viên.

Nắm bắt trí tuệ tập thể

Theo kết quả Nghiên cứu CEO toàn cầu năm 2012 của IBM, những công ty trở nên vượt trội là do đánh giá đúng tầm quan trọng của tính cởi mở, thể hiện ở mức độ sử dụng mạng xã hội – một nhân tố hỗ trợ quan trọng cho sự cộng tác và sáng tạo trong doanh nghiệp. Mức độ sử dụng mạng xã hội của họ cao hơn 30% so với các đối thủ cạnh tranh. Nhưng kết quả khảo sát cũng cho thấy, hiện nay mới chỉ có 16% các CEO đang sử dụng các nền tảng kinh doanh dựa trên mạng xã hội để kết nối với khách hàng. Con số đó được dự báo là sẽ tăng lên 57% trong vòng từ 3-5 năm tới. Xu thế này tại khu vực ASEAN được dự báo sẽ tăng lên tới 68% từ mức hiện tại là 25%.

Nghiên cứu của IBM cũng cho thấy, công nghệ có vai trò quan trọng trong việc đổi mới cấu trúc của tổ chức. 53% các CEO toàn cầu và ASEAN đang có kế hoạch sử dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động kinh doanh và cộng tác ở mức độ cao hơn với các đối tác ở bên ngoài tổ chức. Còn hiện tại, có tới 52% các CEO toàn cầu (ASEAN là 47%) đang thúc đẩy các hoạt động cộng tác nội bộ một cách mạnh mẽ hơn. Những CEO được IBM phỏng vấn đã cho biết: xu hướng “xã hội hóa” mà họ đang chứng kiến – Facebook, Renren, Twitter, Weibo, Foursquare hay những công nghệ khác mới nổi – đã và đang “đổ bộ” vào rất nhiều thị trường và ngành kinh tế khác nhau. Những nhà lãnh đạo tiến bộ này coi công nghệ như một nhân tố hỗ trợ hoạt động cộng tác và các mối quan hệ.

Tuy nhiên, các CEO cũng nhận thấy, vẫn cần tiếp tục kiểm soát để đảm bảo sự tuân thủ quy định, tiêu chuẩn hóa và tránh lãng phí. Bởi tính cởi mở (đặc biệt là thông tin) sẽ làm gia tăng rủi ro, nhất là thông qua các mạng xã hội. Dù vậy, xu thế nghiêng về tính cởi mở là những điều được các CEO cho là sẽ mang lại những tiềm năng to lớn – nâng cao năng lực nhân viên, tăng cường sáng tạo và đổi mới, khách hàng hài lòng hơn và kết quả cao hơn. Khi các CEO gia tăng sự cởi mở trong tổ chức thì việc đó cũng đồng nghĩa là họ đang phát triển những môi trường cộng tác, trong đó các nhân viên được khuyến khích phát biểu quan điểm của mình, thực hiện những sáng kiến cá nhân, kết nối với đồng nghiệp và sáng tạo.

Một điều cũng không kém phần quan trọng là các CEO nhận thấy nhu cầu phải có những giá trị của tổ chức. Để các tổ chức hoạt động có hiệu quả trong môi trường văn hóa công ty, nhân viên phải thấm nhuần và là hiện thân của những giá trị và sứ mạng của tổ chức, vì nhân viên đóng vai trò quan trọng trong thành công của doanh nghiệp. Trong rất nhiều ngành kinh tế và khu vực địa lý, các CEO liên tục nhấn mạnh về bốn đặc tính cá nhân quan trọng nhất để nhân viên có thể thành công trong tương lai đó là: cộng tác, chia sẻ, sáng tạo và linh hoạt. Nếu các CEO muốn gia tăng tính cởi mở trong doanh nghiệp của mình thì điều họ tìm kiếm là những nhân viên có thể phát triển trong những môi trường thay đổi nhanh như vậy.

Hành động thích hợp

Trong một môi trường kinh doanh nhiều biến động, khách hàng ngày càng trở nên khó tính hơn thì đối với các CEO, câu hỏi không còn là: “Liệu tổ chức của họ có nên cởi mở và cộng tác hơn không” mà là ‘Làm thế nào để vận hành một tổ chức mở”? Cuộc khảo sát của IBM chỉ ra rằng, có những cách “trong tầm tay” mà doanh nghiệp có thể áp dụng và mang lại hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp được nêu ra:

Khi các CEO gia tăng sự cởi mở trong tổ chức thì việc đó cũng đồng nghĩa là họ đang phát triển những môi trường cộng tác, trong đó các nhân viên được khuyến khích phát biểu quan điểm của mình, thực hiện những sáng kiến cá nhân, kết nối với đồng nghiệp và sáng tạo. 

Thay thế quy tắc nội bộ bằng sự tin tưởng chung: Những bộ nguyên tắc là cần thiết, nhưng chưa đủ khi trong môi trường kinh doanh thường xuyên thay đổi. Đây là một vấn đề thực tế, các CEO không thể đơn độc quản lý tính mở bằng một quy trình. Về phía nhân viên, phải biết rõ cách thức xử lý những tình huống bất thường. Những lựa chọn và hành động của họ được định hướng tốt nhất bởi sự tin tưởng và giá trị chung.

Phát triển những nhân viên tương lai: Để phát triển được lực lượng lao động thế hệ mới, các tổ chức cần phải chủ động tuyển dụng và thu hút những nhân viên có thể hoạt động xuất sắc trong những môi trường làm việc nhóm cởi mở. Các CEO có thể khuyến khích phát triển các nhóm làm việc khác biệt; các phương pháp học tập kinh nghiệm và hỗ trợ việc sử dụng những mạng lưới nhân viên có giá trị cao.

Cung cấp các phương tiện cộng tác trên quy mô lớn: Những phương pháp này có thể bao gồm việc triển khai các công nghệ cộng tác trên mạng xã hội, đưa ra những ưu đãi để khuyến khích cộng tác hoặc chỉ đơn thuần là thiết kế lại “hộp thư đóng góp ý kiến” của nhân viên bằng cách sử dụng các công nghệ mạng xã hội để khuyến khích những ý tưởng mới. Việc xây dựng một môi trường làm việc tuyệt vời không phải là điều có thể thực hiện được ngay lập tức đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này có thể thành công nếu một tổ chức triển khai những khoản đầu tư dài hạn vào con người và triển khai những công cụ và quy trình thích hợp để giúp họ thành công.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here