Nghề diễn viên chỉ là vai diễn phụ của cuộc đời

0
730

Nổi lên từ nghiệp diễn, nhưng cô Trúc của “Những ngọn nến trong đêm” cho biết, kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông mới là niềm đam mê, là sự nghiệp của mình, còn nghề diễn viên chỉ là “vai diễn phụ của cuộc đời”.

Ấy thế nhưng, nếu tìm kiếm trên Google với từ khóa “diễn viên Mai Thu Huyền”, chỉ trong vòng 0,42 giây đã có được 729.000 kết quả. Còn với từ khóa “doanh nhân Mai Thu Huyền”, kết quả thu về là 616.000. Mặc dù kết quả không có nhiều sự khác biệt, nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy, phần lớn những gì mà truyền thông khai thác về cô chủ yếu với vai trò nghệ sĩ. Phải chăng sự nghiệp kinh doanh của Mai Thu Huyền vào loại “không có gì nhiều để nói”? Hay cái bóng của một nghệ sĩ vẫn quá lớn khiến một nữ doanh nhân trẻ khó có thể bước qua? Đáp án là: cả hai đều sai!

Mai Thu Huyền: Nghề diễn viên chỉ là vai diễn phụ của cuộc đời.

Mác diễn viên và chuyện bị ép “mặc chiếc áo doanh nhân”

* Từ một cô gái trẻ, còn non nớt về nhiều mặt, chị được cất nhắc vào những vị trí quan trọng của một tập đoàn lớn như Chánh văn phòng rồi đến Tổng giám đốc FPT Media. Chị tự đánh giá, có được vị trí đó là do mình có năng lực thực sự hay vì sự nổi tiếng của chị?

Cả hai! Ngay từ khi ra trường, tôi được mời vào FPT làm nhân viên PR. Và lẽ dĩ nhiên, họ biết đến tôi là vì trước đó tôi đã là một diễn viên. Nhưng ở FPT không có chuyện vì bạn là một người nổi tiếng mà được cất nhắc lên các vị trí cao hơn hay nói cách khác là FPT không bao giờ đặt người không có năng lực vào vị trí quan trọng. Trước khi được bổ nhiệm làm chánh văn phòng, tôi là nhân viên PR bình thường, tham gia vào nhiều hoạt động, nhiều sự kiện khác nhau và có được những thành tích nhất định. Sau đó 2 năm, khi tôi chuyển vào Nam sống và làm việc, Ban lãnh đạo FPT căn cứ vào những thành tích trước đó để đưa tôi lên vị trí Chánh văn phòng và sau đó là Tổng Giám đốc FPT Media. Tôi thấy mình là người may mắn thì đúng hơn. Còn xét về khía cạnh chuyên môn, tôi cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý và là người làm nghệ thuật lâu năm nên hiểu rõ được tính chất công việc trong lĩnh vực truyền thông. Ở FPT không có chuyện sống lâu lên lão làng đâu nhé. Một người có tiếng như tôi thì càng bị soi xét nhiều hơn ấy chứ. (cười)

* Điều đó có nghĩa là chị đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc ngồi vào vị trí cao nhất ở FPT Media?

Không. Lúc nhận được quyết định trở thành Tổng Giám đốc của FPT Media, tôi thật sự rất bất ngờ và hoang mang, bởi trước đó tôi chưa bao giờ làm kinh doanh. Vào thời điểm đó, khi tập đoàn có sự chuyển giao lãnh đạo, ban lãnh đạo tập đoàn hỏi tôi có thích hay không nếu làm người đứng đầu của Công ty Truyền thông FPT Media, và “thích” là câu trả lời của tôi. Mọi thứ đều xuất phát từ sở thích và cách nghĩ cảm quan chứ tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẵn sàng cho việc làm lãnh đạo. Tôi nhận quyết định và chuyển giao công việc từ người tiền nhiệm trong vòng đúng 1 ngày với biết bao bỡ ngỡ và lo lắng, thậm chí tôi ngây thơ đến mức ai giao gì mình cũng làm. Hai năm làm ở vị trí đó là quãng thời gian vất vả nhất với tôi. Do áp lực công việc quá lớn nên hầu như ngày nào tôi cũng chỉ ngủ 3-4 tiếng, vào Nam ra Bắc suốt để điều hành công việc. Lúc đó tôi mới vỡ ra rằng, làm tổng giám đốc không hề đơn giản, mọi thứ đều đến tay, từ việc đi ngoại giao để lấy hợp đồng, làm nội dung chương trình, kêu gọi tài trợ…

* Một người trẻ, lại khoác trên mình một chiếc áo quá rộng thì sẽ rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm. Chuyện này có xảy ra với chị?

Tôi là một người trẻ, nhưng sống theo ý chí nhiều hơn là bản năng nên một khi đã làm gì thì sẽ nghiên cứu cẩn thận, suy nghĩ rất chín chắn. Vì lẽ đó tôi chưa bao giờ ân hận về mọi quyết định mình đưa ra. Lẽ dĩ nhiên, để có thể mặc vừa chiếc áo đó, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều và học hỏi nhiều thứ. Tôi đã tham gia rất nhiều khóa đào tạo để tích lũy kinh nghiệm như: lớp đào tạo dành cho CEO, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, truyền thông, và đặc biệt là khóa đào tạo Mini MBA của Đại học FPT trong 2 năm và đã nhận được bằng tốt nghiệp. Việc tham gia các khóa đào tạo đã giúp tôi hệ thống hóa lại được kiến thức và áp dụng với tình hình công việc thực tế nên rất hiệu quả.

* Chuyện chị rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc FPT Media cũng là một quyết định sáng suốt?

Năm 2011, FPT lại một lần nữa có sự chuyển giao lãnh đạo và chiến lược kinh doanh của tập đoàn cũng vì thế mà thay đổi. Thay vì phát triển đa ngành nghề như trước, FPT tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ thông tin, các lĩnh vực khác như bất động sản, mỹ phẩm, truyền thông… đều bị ngưng hoạt động. Sau khi công ty giải thể, ban lãnh đạo cũng đã sắp xếp cho tôi vào một số vị trí khác, nhưng 2 năm làm kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông đã đủ để tôi nhận ra rằng, đó mới là thứ hợp nhất với mình. Rời bỏ một nơi sau 10 năm gắn bó, tôi đã rất buồn và hoang mang, bởi đó không chỉ là nỗ lực của riêng mình mà còn của cả một tập thể. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đi tìm một công việc phù hợp là không dễ dàng với rất nhiều nhân viên của tôi lúc bấy giờ. Là một người lãnh đạo, tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm với nhân viên. Tình yêu nghề và trách nhiệm đã thôi thúc tôi thành lập Công ty Tincom Media chỉ trong vòng 1 tháng ngay sau đó. 80% nhân viên của tôi hiện nay là người cũ của FPT Media.

Tiềm năng của thị trường truyền thông là rất lớn

Tính đến thời điểm này, công ty riêng của Mai Thu Huyền chỉ mới chính thức đi vào hoạt động được hơn 1 năm. Thế nhưng Mai Thu Huyền đã kịp làm bộ phim truyền hình “Vòng tròn cạm bẫy” với 52 tập phát sóng vào giờ vàng trên truyền hình, 1 phim chiếu rạp “Gia sư nữ quái”, 4 chương trình truyền hình phát sóng trên một số kênh truyền hình có tiếng nhất hiện nay. Chi phí đầu tư, tình hình kinh doanh lỗ lãi thế nào, Huyền xin phép được giữ bí mật. Cô chỉ tiết lộ: thời gian đó chỉ để thử nghiệm, làm thương hiệu và năm 2013 sẽ là năm bùng nổ của công ty.

* FPT Media đã phải đóng cửa vì không tìm thấy tiềm năng ở thị trường này. Con đường chị đi lại đúng theo vết xe đổ đó. Phải chăng chị đang “cố đấm ăn xôi” hay đã nhìn thấy tia sáng nào đó cuối đường hầm?

Tôi rất thích câu hỏi này. Nếu xét theo xu hướng chung của thế giới thì truyền thông vẫn là một thị trường tiềm năng. Bằng chứng là các show truyền hình thực tế vẫn mang về cho nhà sản xuất tiền tỉ. Do đó làm hay không làm là do chiến lược, cách nhìn của từng công ty chứ không chỉ dừng lại ở con số. FPT là một tập đoàn quá lớn nên lợi nhuận mà FPT Media mang lại không thấm vào đâu so với các ngành nghề khác. Đó là lý do mà họ quyết định đóng cửa dịch vụ này. Với các doanh nghiệp khác, tôi nghĩ cơ hội phát triển, vẫy vùng trên thị trường này là còn rất lớn. Vấn đề chỉ là ở chỗ có chọn đúng hướng để đi hay không mà thôi. Đương nhiên trong kinh doanh ai cũng phải tính đến hiệu quả, nhưng tôi xác định đầu tư vào truyền thông không phải giống ngắn ngày, làm rồi thu về ngay được. FPT Media cũng đã phải mất 7 năm để xây dựng hình ảnh. Còn tôi không đặt cụ thể mục tiêu là bao nhiêu mà xác định đó là sự nghiệp của mình, là thứ sẽ gắn bó cả đời. Tôi đã tìm ra được kinh doanh truyền thông là niềm đam mê của mình và tin rằng sẽ đi được đoạn đường rất dài với nó.

* Vậy chắc hẳn chị đã có một chiến lược riêng biệt nào đó để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế hiện nay?

Khó khăn của người này là cơ hội cho người khác. Trong cái khó sẽ ló cái khôn, trong nguy có cơ và tôi không cảm thấy quá lo lắng về bất cứ điều gì. Quan điểm kinh doanh của tôi là vậy. Trong thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục sản xuất phim truyền hình, phim chiếu rạp và một số chương trình truyền hình. Tôi không thể tiết lộ cụ thể ở đây nó là cái gì, nhưng có thể đảm bảo nó mang dấu ấn khác biệt so với các chương trình, bộ phim hiện nay. Tôi cũng chơi khá thân với Á hậu quý bà thế giới Thu Hương và diễn viên Ngô Thanh Vân. Chúng tôi cùng sinh năm 79 và đang lên kế hoạch cho một dự án phim chiếu rạp mang tên Project 79 và hứa hẹn sẽ rất thú vị.

“Kinh doanh nghệ thuật không giống như những ngành nghề khác, đòi hỏi phải có một sức sáng tạo. Và tiêu chí đánh giá cho sự khác biệt của sức sáng tạo thì không có một công thức chung nào cả.” 

* Xét trên bối cảnh thị trường thì phim truyền hình đã gần như bão hòa, phim chiếu rạp thì thường rơi vào cảnh: lỗ nặng hoặc lãi khủng. Bài toán kinh doanh cho nhà sản xuất trong thời điểm này vì vậy cũng không dễ dàng?

Đây là một thực tế mà ngay từ khi bắt tay vào làm tôi đã lường trước được. Đầu tư một bộ phim đòi hỏi vốn rất lớn, được tính bằng tiền tỉ, thời gian kéo dài ít nhất một năm. Một bộ phim có khả năng thu tiền về hay không phụ thuộc rất nhiều vào giờ chiếu và kênh phát sóng. Những khung giờ vàng trên VTV vẫn là đích ngắm hàng đầu mà những người làm sản xuất hướng đến để có thể dễ dàng kêu gọi quảng cáo, tài trợ. Muốn có được điều đó, phim của bạn phải chất lượng: nội dung hay, diễn viên diễn xuất tốt, đạo diễn giỏi, cảnh quay đẹp… Đối với phim chiếu rạp, tiềm năng của thị trường này tôi đánh giá vẫn còn rất lớn. Lẽ dĩ nhiên, phim phải đáp ứng được nhu cầu của khán giả, đánh vào đúng cái họ cần thì mới có thể tạo ra sức hút. Vì vậy, việc khảo sát tâm lý, nhu cầu thị trường là rất cần thiết đối với một nhà sản xuất.

* Người Việt thường “cả thèm chóng chán” nên sản phẩm nghệ thuật mà chị làm ra phải luôn mới và có sức hút. Thứ “mì chính” mà chị sẽ bỏ vào trong mỗi sản phẩm của mình hẳn sẽ phải có nhiều khác biệt?

Kinh doanh nghệ thuật không giống như những ngành nghề khác, đòi hỏi phải có một sức sáng tạo. Và tiêu chí đánh giá cho sự khác biệt của sức sáng tạo thì không có một công thức chung nào cả. Mỗi dự án phim mang dấu ấn không chỉ của một người, mà nó là sản phẩm sáng tạo của cả tập thể. Tôi không chạy theo số lượng, phim tôi làm ra thì phải chất lượng và tôi tự tin về điều đó. Tôi là một nghệ sĩ nên rất hiểu nghề và công việc của nhân viên. Vì vậy tôi không bao giờ “tận thu” nhân viên theo kiểu bắt họ cống hiến 100% sức lực cho mình. Những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn tạo điều kiện cho nhân viên đi làm thêm ở những nơi khác để kiếm thêm thu nhập và thỏa sức sáng tạo theo cách riêng của mình. Có lẽ đó là điều mà tôi có thể nghĩ ra trong lúc này để nói về sự khác biệt của mình so với các doanh nhân khác chăng. (cười)

Không quan tâm đến đối thủ

* Đẹp, nổi tiếng nên dễ được ưu ái là lợi thế mà một doanh nhân như chị có được. Còn điểm bất lợi của một nghệ sĩ khi tự mình kinh doanh là gì, thưa chị?

“Khó khăn của người này là cơ hội cho người khác. Trong cái khó sẽ ló cái khôn, trong nguy có cơ và tôi không cảm thấy quá lo lắng về bất cứ điều gì.”

Đúng như bạn nói, tôi là người nổi tiếng nên có được những ưu ái nhất định. Chẳng hạn có những khách hàng nhất định bảo chỉ muốn gặp tôi mới chịu làm việc và ký hợp đồng. Chính vì sự ưu ái đó mà uy tín của người nghệ sĩ khi làm kinh doanh cần phải cực kỳ được gìn giữ. Các cụ nói rồi, “mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” nên người nghệ sĩ khi đặt chân vào thương trường luôn phải tâm niệm điều này. Chỉ một phút sai lầm là mọi nỗ lực của trong suốt chặng đường trước đó đều đổ vỡ hết. Trong giới nghệ sĩ, cũng có rất nhiều người mở công ty cùng lĩnh vực với tôi, nhưng tôi không bao giờ quan tâm đến đối thủ cạnh tranh của mình là ai, bởi thị trường này đủ rộng để mỗi người có thể tự đi trên đôi chân của mình.

Rõ ràng là việc chen chân vào giờ vàng trên đài truyền hình có tiếng sẽ giúp nhà sản xuất thu về lợi nhuận cao, nhưng không phải vì đạt mục tiêu đó mà tôi có thể giẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Tôi có 2 đối tượng khách hàng mà mình phải ưu tiên quan tâm. Với doanh nghiệp thì giữ quan hệ tốt, giữ chữ tín. Với khán giả thì phải làm ra những sản phẩm tốt, mỗi sản phẩm là một giá trị khác biệt. Còn việc lên được giờ vàng hay không không quá quan trọng đối với tôi.

* Không đặt mục tiêu kinh doanh quá cao, cũng không lo lắng nhiều về tình hình kinh tế khủng hoảng, chị tự tin như vậy có phải là do chị đã có một hậu phương vững chắc từ chồng – doanh nhân Thang Văn Lương?

Chồng tôi chắc chắn là hậu phương vững chắc và là người quan trọng nhất với tôi rồi (cười). Nhưng không phải vì lẽ đó mà tôi có thể ỷ lại, trông chờ vào anh ấy được, vì tôi còn phải lo cho các nhân viên của mình và anh ấy cũng phải điều hành nhiều công ty cùng một lúc. Đến giờ, mặc dù Công ty Tincom Media của tôi trực thuộc Tincom Group của chồng, nhưng tôi tự tin để nói rằng, chúng tôi hoàn toàn độc lập với nhau, tự công ty của tôi đã có thể nuôi được nó mà không bị phụ thuộc vào bất cứ ai.

Khép lại cuộc trò chuyện với Doanh Nhân, Mai Thu Huyền tiết lộ sắp tới cô sẽ tham gia vào một bộ phim truyền hình dài 30 tập có tên là “Đời như tiệc” do công ty cô sản xuất. Vừa đóng phim, vừa quản lý công ty sẽ là một áp lực rất lớn với người nữ doanh nhân – diễn viên trẻ tuổi này. Nhưng khi được hỏi cô sẽ sắp xếp công việc thế nào để mọi thứ quay theo đúng guồng của nó, Huyền cười nhẹ: “Tất cả đã có bộ máy, ê-kip riêng, và điều quan trọng của người lãnh đạo là phải biết đặt nó vào đúng vị trí”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here