Nội Dung Chính
Lễ ra mắt iPad Mini hồi năm 2012 là thời điểm quan trọng với giám đốc điều hành (CEo) Apple Tim Cook. Đó là sản phẩm ông trực tiếp phát triển từ đầu đến cuối. Sự thành bại của iPad Mini cũng đánh dấu sự thành bại của Tim Cook trong việc điều hành Apple và hơn hết là kế nhiệm nhà sáng lập lỗi lạc Steve Jobs sau khi ông này qua đời hồi năm 2011. Đây sẽ là lúc Cook bước ra khỏi cái bóng của Jobs và vẽ ra con đường tương lai cho Apple.
Jobs từng cho rằng máy tính bảng có kích thước màn hình nhỏ hơn 7 inches không phải là ý tưởng hay, rằng sản phẩm sẽ bị chết yểu ngay khi ra đời. Ông thậm chí còn mỉa mai: “Đừng bao giờ cho rằng máy tính bảng có màn hình 7 inches sẽ có có hiệu suất bằng 70% của máy tính bảng màn hình 10 inches”.
Sự thành bại của iPad Mini cũng đánh dấu sự thành bại của Tim Cook.
Bước đi chiến lược
Mức giá thấp của iPad Mini khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. So với các sản phẩm có mức giá “hàng hiệu” trong bộ iOS, như iPhone, máy tính Mac, iPad, iPod thì iPad Mini giá thấp hơn hẳn. Nhiều người cho rằng mức giá này là chấp nhận được. Điều đó cho thấy quyết tâm của Apple trong việc triệt tiêu cạnh tranh từ các đối thủ sản xuất máy tính bảng màn hình 7 inches giá rẻ sử dụng hệ điều hành Android, trong đó có Nexus của Google.
Truyền thống của Apple luôn là định giá sản phẩm ở mức cao. Thế nhưng với iPad thì lần đầu tiên, Apple biết rằng câu hỏi dành cho sản phẩm sẽ không chỉ là “bao nhiêu tiền một chiếc” mà sẽ là “chỉ còn bao nhiêu tiền một chiếc”.
Với dự trữ tiền mặt lên tới 100 tỉ USD “không biết dùng vào việc gì”, có vẻ động thái bán hàng phá giá sẽ không phải là một thách thức lớn với Apple. Việc chịu lãi thấp hơn một chút sẽ giúp Apple có nhiều lợi thế cạnh tranh. Thực tế cho thấy Apple cũng quan tâm đến phân khúc giá rẻ. Sản phẩm iPod (trình làng năm 2001) đã có sản phẩm kế tục xuất sắc ở phân khúc này là iPod Nano (2005) và iPod Mini (2004). Đó đều là các sản phẩm có doanh số bán rất cao.
Thành công ngoài dự đoán
Số máy bán ra của iPad Mini tính riêng trong quý IV năm 2012 có thể đạt tới con số 10 triệu, khiến cho hoài nghi của các nhà sản xuất và giới quan sát tan biến.
Thời điểm ra mắt iPad Mini hồi năm 2012 là lúc Cook bước ra khỏi cái bóng của Jobs và vẽ ra con đường tương lai cho Apple.
Theo công ty nghiên cứu NPD Display, trong năm 2013, iPad Mini có thể bán được 40 triệu chiếc, bên cạnh 60 triệu sản phẩm iPad loại 9.7 inches. Thế nhưng ngay tháng 1.2013, NPD đã ghi nhận được rằng doanh thu của iPad Mini đã vượt iPad và sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến hơn. Họ đã điều chỉnh số bán thành 55 triệu cho iPad Mini và 33 triệu cho iPad.
Phát biểu về việc iPad Mini lấn vào thị phần của iPad, Tim Cook cho rằng nếu iPad Mini không như thế thì các đối thủ cũng sẽ lấn vào.
Bí quyết thành công của iPad Mini thực ra rất đơn giản: thân thiện với người dùng. Mặc dù hiệu suất kém hơn nhưng trọng lượng nhẹ hơn khiến người dùng iPad Mini chỉ cần sử dụng một tay để nâng sản phẩm. Màn hình nhỏ nên bàn tay không phải vươn quá xa để bấm. Kích thước nhỏ hơn cũng là ưu điểm khác của iPad Mini. Có thể để sản phẩm gọn trong túi xách và thậm chí túi áo.
Cơ hội trước mắt
Phát biểu tại Hội nghị của ngân hàng Goldman Sachs về Công nghệ 2013, Cook cho biết thị trường máy tính bảng vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai và sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh. Theo ông, người sử dụng máy tính sẽ sớm chuyển sang máy tính bảng và điện thoại thông minh vì các sản phẩm này gọn nhẹ, thân thiện, tiện lợi.
Cook so sánh, trong quý IV năm 2012, nếu tổng số iPad của Apple bán ra là 23 triệu thì hãng sản xuất máy tính HP chỉ bán được 15 triệu máy tính. Đây là sự chênh lệch khá lớn; điều đặc biệt là sự chênh lệch này không hề được thu lại mà chỉ ngày càng lớn thêm.
Nói về tiềm năng của Apple, Cook cho biết mình tự hào vì quản lý một nhóm tài năng. Cook cho rằng Apple là trung tâm của sự đổi mới, Jonathan Ive là nhà thiết kế số một thế giới và Bob Mansfield là chuyên gia hàng đầu tại thung lũng Silicon. Bằng thành công của iPad Mini, Cook cũng đã tự đưa mình vào vị trí các tổng giám đốc hàng đầu, không hổ danh là người kế nhiệm Steve Jobs.