Quên – vô tình hay cố ý?

0
657

Bao giờ cũng vậy, bán hàng thì theo tâm lý “tốt khoe xấu che” nhằm đánh bóng sản phẩm và nhãn hiệu của mình. Do đó, có rất nhiều sự thật đằng sau thành phần, cấu trúc và tác hại của sản phẩm mà nhà sản xuất cố tình “quên” không thông tin đến người tiêu dùng (NTD). Đây là một vấn đề vô cùng nhạy cảm mà không phải công ty nào cũng đủ dũng cảm đối diện và giải quyết bằng những nguyên tắc sách vở của đạo đức kinh doanh.

“Quên” cũng là lẽ dĩ nhiên do người tiêu dùng rất sợ hãi mỗi khi nghe nhắc đến thành phần hay cấu trúc nào có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như ung thư, béo phì, ảnh hưởng tim mạch… Từ việc sợ những ảnh hưởng dây chuyền này đến doanh số bán hàng mà các công ty tuyệt đối giấu nhẹm những tác hại có thể gây ra, thay vì thông báo những nguy cơ nên tránh cho NTD biết trước.

Từ việc sợ những ảnh hưởng dây chuyền này đến doanh số bán hàng mà các công ty tuyệt đối giấu nhẹm những tác hại có thể gây ra, thay vì thông báo những nguy cơ nên tránh cho NTD biết trước.

Một ví dụ gần gũi nhất là việc sử dụng bột ngọt (MSG) trong thực phẩm. Phần lớn chúng ta đều biết là bột ngọt (MSG) nếu sử dụng kéo dài là một trong những nguyên nhân gây béo phì, tiểu đường, nhức đầu… Tuy nhiên, do bột ngọt có tính năng gây nghiện cao và làm tăng mùi vị của thực phẩm, các nhà sản xuất thực phẩm chế biến như bột nêm, nước sốt, nước chấm, các loại bánh snack, đồ hộp…đều không “quên” sử dụng bột ngọt. Bạn cứ thử vào bếp và đọc thành phần trên nhãn của các sản phẩm thực phẩm chế biến mà xem, chắc chắn các bạn sẽ tìm thấy MSG trong rất nhiều sản phẩm mình đang sử dụng hàng ngày. Đây cũng là bí quyết xây dựng lòng trung thành của khách hàng các nhãn hiệu thức ăn nhanh. Do sử dụng bột ngọt gây nghiện nên các khách hàng trung thành đã ăn quen không thể không tìm về nhãn hiệu yêu dấu của mình. Vậy thử hỏi bạn có bao giờ được thông tin về tác hại có thể có của thành phần này không? Và có khi nào các công ty tự hỏi mình đang bán cái có lợi cho mình hay bán cái có hại cho người?

Một cái “sợ” thường xuyên thấy nữa là thành phần cấu tạo của kem dưỡng trắng da, một mặt hàng đang “hot” nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay cho giới nữ. Không biết từ bao giờ người da trắng đã xâm lăng thành công vào các nước châu Á bằng con đường tạo cảm giác tự ti qua màu da. Do đó, rất nhiều phụ nữ châu Á tin rằng đẹp và sang tương đương với da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Trong khi dân “da trắng” phải đi thẩm mỹ viện tốn khối tiền để nhuộm da nâu thì phụ nữ châu Á đua nhau đi mua kem tẩy trắng. Chính thức mà nói thì không biết có bao nhiêu loại kem dưỡng trắng da vì trên báo lâu lâu lại xuất hiện cả những nhãn hiệu tự chế kiểu thầy lang.

Có điều, đã trắng thì phải “tẩy”. Theo các bác sĩ phương Tây thì hoạt chất tẩy trắng hiệu quả nhất thường là những hoạt chất rẻ nhất và nguy hiểm nhất. Các hoạt chất này thường có cấu trúc gốc từ thủy ngân hoặc hydroquinone có giá trị thường khoảng 20 đôla Mỹ, tương đương 320.000 đồng Việt Nam một ký. Hydroquinone là một hoạt chất cũng được sử dụng rộng rãi trong qui trình tráng rửa phim, đã chứng minh có thể gây bệnh leukemia (bạch cầu). Khối liên minh châu Âu và Mỹ đã cấm không cho sử dụng hoạt chất này từ những năm 2001. Tuy nhiên hydroquinone vẫn được sử dụng rộng rãi trong cách sản phẩm tẩy trắng da tại châu Á.

Vì là hoạt chất nền nên NTD chẳng bao giờ thấy nó trong thành phần trên bao bì. Mà có đọc bao bì thì cũng chẳng có NTD nào có thể hiểu được những chất có tên khoa học rất dài và hiện đại đó là gì và có tác hại ra sao. Bao bì một sản phẩm kem trắng da đang quảng cáo rầm rộ trên thị trường hiện tại có thể đếm được 25 thành phần khác nhau với những cái tên khoa học đọc hoa cả mắt. Đố ai mà biết được hoạt chất “tẩy” có hại nằm đâu trong những cái tên kia.

Các chất phụ gia, chất bảo quản trong thực phẩm đóng hộp cũng là một hình thức sử dụng thành phần có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người nếu không được quản lý chất lượng đúng mức. Ví dụ như propyl gallate là chất bảo quản thường được sử dụng để kéo dài tuổi thọ của các loại mỡ, dầu trong các loại thực phẩm như dầu ăn, singgum, các loại thịt cá đóng hộp. Hoạt chất này đã được chứng minh có thể gây ung thư. Một ví dụ điển hình nữa là dạng đường hóa học saccharin, ngọt hơn đường thiên nhiên 350 lần. Saccharin được sử dụng nhiều trong các loại nước ngọt và thực phẩm ăn kiêng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh đường hóa học này có thể gây ung thư bàng quang, tử cung, buồng trứng, mạch máu, da và một số bộ phận khác. Thực tế đã có những trường hợp ung thư bàng quang do saccharin gây ra. Tuy nhiên, nước ngọt vẫn được quảng cáo là thức uống của thế hệ trẻ, rất sành điệu và “mát”.

Một vấn đề đang được đề cập nóng hổi trên thế giới về nước ngọt có ga nữa là nồng độ benzene trong thức uống. Benzene được hình thành do tác động hóa học của sodium benzoate và axit ascorbic là hai thành phần có trong hầu hết các loại nước ngọt có ga. Benzene cũng là thành phần nguy hiểm dẫn đến ung thư máu. Những thông tin như thế này có bao giờ được thông tin đến NTD, trừ trường hợp có khủng hoảng thông tin do báo chí chỉ trích hoặc do bị đối thủ cạnh tranh tìm cách “chơi”.

Không cần bàn cãi thì chúng ta cũng có thể nhận thấy các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu hiện đại ngày càng phổ biến và không ít thì nhiều đều sử dụng các hóa chất, hoạt chất có thể gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, vấn đề tác hại, cách hạn chế và phòng ngừa cần phải được thông tin rõ rang đến NTD thay vì bị “lơ đẹp” và thay thế bằng những kiểu quảng cáo thúc đầy bán hàng. Vấn đề đặt ra ở đây là các hãng có trách nhiệm như thế nào khi biết mà không giải quyết? Các công ty có trách nhiệm như thế nào khi hiểu rõ mình đang gây ung thư, béo phì hay bệnh hoạn các kiểu cho NTD mà không hề có ý định đưa ra biện pháp giải quyết?

Song song đó, ngày nay tại các nước phát triển, khuynh hướng sử dụng thực phẩm có lợi cho sức khỏe đã và đang được đặc biệt chú trọng. Xu hướng này bắt đầu thịnh hành tại thị trường châu Á, các công ty cũng nhanh chóng liên tục tung ra thị trường các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu này.

Vấn đề tác hại, cách hạn chế và phòng ngừa cần phải được thông tin rõ rang đến NTD thay vì bị “lơ đẹp” và thay thế bằng những kiểu quảng cáo thúc đầy bán hàng.

Thực phẩm có lợi cho sức khỏe được sản xuất dưới nhiều dạng từ thực phẩm cho người ăn kiêng trị bệnh tiểu đường cho đến thực phẩm dành cho người giảm béo. Theo thống kê của AC Nielsen, 18 trong số 24 ngành hàng thực phẩm và đồ uống có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới thuộc về những ngành hàng dược đưa vào dạng “tốt cho sức khỏe”. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy sự xuất hiện của các dạng sản phẩm “kiêng” như Diet Coke, Diet Pepsi, sữa ít béo, sữa không béo (skim milk), yaourt không đường, ít béo, trà xanh không đường, các loại nước ép trái cây 100% juice (100% nước trái cây chế biến không thêm đường), các loại bánh, snack không cholesterol…

Ngay cả Công ty kẹo sing gum Wrigley tháng 3-2006 vừa qua cũng vào cuộc bằng cách thành lập Viên khoa học Wrigley nhằm đầu tư ngân sách nghiên cứu việc ứng dụng các vấn đề giảm cân, giẩm căng thẳng mà vẫn làm trắng răng vào các sản phẩm của mình. Viện sẽ được giáo sư Gilbert A. Leveille, giáo sư ngành khoa học thực phẩm và dinh dưỡng của Trường đại học Michigan điều hành.

Công ty thực phẩm Nestle, một công ty nổi tiếng về cà phê và sôcôla, cũng chuyển hướng nghiên cứu các loại thực phẩm dành cho người bị tiểu đường loại 2 và bị béo phì. Tại Viện Nghiên cứu dinh dưỡng Bean sườn núi gần Lausane, Thụy Sĩ, các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu các sản phẩm có thể làm thay đổi cách hấp thu đường của cơ thể, giảm axit béo trong máu và đốt hydrat carbon nhanh hơn trong quá trình tiêu hóa. Sản phẩm đầu tiên ra đời là thanh ngũ cốc ăn kiêng được tăng cường chất xơ giúp bình ổn lượng đường sau khi ăn. Sản phẩm đã được tung ra tại châu Á năm 2005 và đang được đưa ra thị trường thế giới.

Đối thủ của Nestle, Unilever cũng không kém phần nhanh chóng trong việc nghiên cứu phát triển quá trình thay đổi cấu trúc mô của các chất nhũ tương có chứa chất béo làm cho ruột hấp thu chất béo chậm hơn, trì hoãn các cơn đói. Chất này đã được sử dụng trong sản phẩm sữa lắc Slim-Fast Optima được tung ra thị trường đầu năm 2006.

Công ty thực phẩm lớn của Pháp, Danone cũng tung ra thị trường một loại yaourt có tên Saciactiv được bổ sung chất xơ. Chất xơ này khiến bao tử sản xuất các hoóc môn mà Danone cho rằng có tác dụng tạo cảm giác no. Coca Cola, Pepsico và Kraft Food, các đại gia trong ngành thực phẩm đã tuyên bố sẽ ghi rõ hơn thành phần dinh dưỡng trên nhãn hiệu. Công ty thức ăn nhanh McDonald cũng tung ra thị trường Mc Veggie Burger nhân làm từ đậu nành, không chứa cholesterol và chỉ cung cấp 8 chất béo và 370 calorie thay vì 600 calorie trong một phần Big Mac.

Mặc dù được bắt đầu từ những nền tảng tốt nhằm phục vụ cho sức khỏe người tiêu dùng, xu hướng này vẫn có khả năng bị các công ty chuyên copy lạm dụng bằng cách quảng cáo ầm ĩ về những lợi ích cho sức khỏe không được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học hẳn hoi như trong trường hợp của các công thức khoa học giả mạo.

Do đó, nhà nước cần có một bộ phận chuyên môn liêm chính để kiểm duyệt sự thật về các công trình hay nghiên cứu khoa học có liên quan đến sức khỏe, nhằm đảm bảo sức khỏe thật sự cho NTD trong giai đoạn kiến thức tiêu dùng còn hạn chế.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here