Huấn luyện viên Alex Ferguson là một hình mẫu mà các nhà quản lý doanh nghiệp có thể tham khảo.
Ferguson là một hình mẫu mà các nhà quản lý có thể tham khảo. Khi Ferguson bắt tay dẫn dắt Manchester United vào tháng 11.1986, Liverpool đang là một thế lực rất lớn. Lúc đó, khó tưởng tượng được sẽ có một đội bóng nào của Anh lật đổ được sự thống trị này. Tuy nhiên, chính Ferguson và Manchester United đã làm được điều đó. Và cái cách mà ông tiếp cận để giúp câu lạc bộ của mình thành công cũng phản ánh chiến lược phát triển của những công ty hàng đầu trên thế giới.
Con người là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất được Ferguson chú trọng đầu tư. Ông đã tạo ra được ở Manchester United một môi trường mà tất cả mọi người đều dễ dàng cảm thấy gắn bó, dù là các cầu thủ thi đấu hay những người làm việc sau hậu trường. Ví dụ, mặc dù kỷ luật là ưu tiên hàng đầu, nhưng khi Eric Cantona (cựu danh thủ người Pháp từng thi đấu cho Manchester United) bị treo giò dài hạn vì hành vi bạo lực, ông vẫn đi đến tận Paris để động viên và đảm bảo rằng anh này không cảm thấy bị bỏ rơi.
Đó gọi là sự gắn kết với nhân viên, một khái niệm chỉ có thể tìm thấy được ở những doanh nghiệp có môi trường làm việc lý tưởng hàng đầu thế giới. Hãng công nghệ SAS (Mỹ) là một ví dụ.
Trong bối cảnh rất nhiều công ty ở Mỹ đều cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt vào thời điểm kinh tế suy thoái, SAS vẫn đảm bảo được công ăn việc làm cho toàn bộ 13.000 nhân viên trên toàn cầu. Theo khảo sát của tổ chức Great Place to Work thì SAS chính là công ty đáng đầu quân thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Google. Và họ cũng đang giữ được mạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận liên tục kể từ khi thành lập vào năm 1976.
Con người là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất được Ferguson chú trọng đầu tư.
Cũng giống như SAS, Ferguson luôn chăm sóc các cầu thủ của mình rất chu đáo. Một phần quan trọng trong thành công của ông chính là sự thấu hiểu khi nào một cầu thủ cần sự khuyến khích. Ngược lại, ông chưa bao giờ nhân nhượng đối với những cầu thủ không toàn tâm toàn ý với đội bóng, cho dù họ có là công thần. Có lẽ người hâm mộ vẫn còn nhớ sự ra đi đột ngột của Roy Keane vào năm 2005 sau khi anh này công khai chỉ trích ban huấn luyện. Dù là trụ cột, Keane đã không thoát khỏi bàn tay sắt của Ferguson.
Khả năng truyền cảm hứng là một yếu tố khác quyết định thành công, nhất là khi đội bóng đang gặp khó khăn. Ferguson biết chính xác phải làm thế nào để truyền lửa cho các cầu thủ trong 15 phút nghỉ giữa hiệp. Người ta kể rằng ông thường vẽ ra trước mắt học trò một bức tranh sinh động để họ thấy được cảm giác khi bị đối phương cướp mất chiến thắng.
Có lẽ không cần phải hỏi chúng ta cũng hiểu được rằng tại sao nhân viên của Apple hay Microsoft luôn tự hào về công việc của họ. Cả Steve Jobs lẫn Bill Gates đều là những nhà lãnh đạo đầy cảm hứng và có tầm nhìn chiến lược đi trước thời đại. Rõ ràng, chỉ riêng việc được là một phần trong những tổ chức như vậy cũng đã là sự kích thích to lớn đối với mỗi người lao động. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Manchester United khi mà việc được khoác lên mình chiếc áo đỏ truyền thống chính là niềm vinh dự lớn lao cho bất kỳ cầu thủ nào trên thế giới. Người nhấn mạnh liên tục thông điệp đó không ai khác hơn chính là Ferguson.
Về mặt quản trị chiến lược, như chúng ta đều biết, để sở hữu được một cầu thủ nổi tiếng thế giới thì các câu lạc bộ đều phải chi ra một số tiền không nhỏ. Trong kinh doanh cũng vậy, không nhà quản lý nào có được nguồn tài nguyên vô hạn. Hiểu được điều đó, từ những ngày đầu ở Manchester United, Ferguson đã tập trung tìm kiếm, phát hiện và đào tạo lớp cầu thủ trẻ thay vì vung tiền vào thị trường chuyển nhượng. Và ông đã được đền đáp rất hậu hĩnh trong kết quả thi đấu lẫn lợi nhuận từ việc chuyển nhượng những tài năng từ Manchester United. Một số danh thủ đã trưởng thành dưới triều đại này như David Beckham, Paul Scholes, Ryan Giggs hay Gary Neville. Có thể nói, quyết định sử dụng lượng lớn các cầu thủ trẻ để bổ sung vào đội hình chính là bước đi chiến lược tuyệt vời của ông.
Khả năng truyền cảm hứng là một yếu tố khác quyết định thành công, nhất là khi đội bóng đang gặp khó khăn.
Khả năng lập kế hoạch và chuẩn bị trước mọi tình huống cũng là một đặc sản mà Ferguson đem đến cho Manchester United. Ví dụ, ông bắt các cầu thủ thực hành những tình huống khó khăn như khi chỉ còn 3-5 phút cuối trận mà họ đang bị dẫn bàn. Kết quả là cả đội bóng được trui rèn tinh thần cực kỳ vững vàng để có thể cống hiến cho đến khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Trên thực tế, Manchester United đã từng nhiều lần lật ngược thế cờ trong vài phút cuối mà tiêu biểu là bàn thắng ở phút bù giờ của tiền đạo Ole Gunnar Solskjær đem về cho họ chức vô địch Champion League năm 1999. Mùa giải 2013 này cũng vậy, rất nhiều lần đội bóng của ông bị dẫn bàn và rồi lật ngược tình thế ở cuối trận.
Bóng đá cũng giống như chuyện kinh doanh luôn có đầy thách thức. Không đội bóng nào có thể giành chiến thắng tất cả các trận đấu. Tuy nhiên, đội bóng chiến thắng thường là tập thể những con người thể hiện quyết tâm tuyệt đối trước mục tiêu mà họ muốn đạt được. Vì vậy ở vai trò người quản lý, luôn cần những bước đi chiến lược kín kẽ như Alex Ferguson đã và đang làm.