Dấu ấn Trần Bảo Minh: “Phù thủy marketing” không… chung thủy?

0
843

Dấu ấn Trần Bảo Minh gắn liền với chữ “tai” nhiều hơn “tiếng”?!

Liên tục rời các công ty để đến một nơi làm việc mới, thậm chí là công ty cùng ngành đối thủ của đơn vị rời đi, đã từ lâu, cái tên “phù thủy marketing” Trần Bảo Minh đã được gắn mác là… không chung thủy.

Trần Bảo Minh đã từng tâm sự: “Một khi tôi còn cảm thấy bản thân có thể giúp ích cho doanh nghiệp, tôi sẽ tiếp tục ở lại để đóng góp vào sự lớn mạnh của nó”.

Cũng như nhiều lần “phù thủy marketing” Trần Bảo Minh đến và đi, dư luận lại luôn đặt câu hỏi: Tại sao. Lý do lần này cho sự chia tay của Trần Bảo Minh tại Asia Foods, phải chăng bởi vì dấu ấn của anh gắn liền với chữ “tai” nhiều hơn “tiếng”?!

Quảng cáo Mì Gấu đỏ và mì Gấu yêu đều bị “ném đá”

Rời công ty TH Milk, Trần Bảo Minh sang đầu quân cho Asia Food, dành 150 tỉ đồng để làm marketing cho sản phẩm mì ăn liền, trong khi mức chi cho marketing những năm trước đó chỉ khoảng 30 tỉ đồng.

Tuy nhiên, quảng cáo mì Gấu đỏ – “đứa con cưng” của Trần Bảo Minh ngay từ khi ra đời đã gặp phải những phản ứng trái chiều của cộng đồng. Nhiều khách hàng cho rằng: Họ không ưa kiểu nhân danh từ thiện trong bán hàng của mì Gấu đỏ” với họ, tình thương và lòng trắc ẩn không thể là miếng đất màu mỡ để kinh doanh.

Quảng cáo mì Gấu đỏ, mì Gấu yêu – “đứa con cưng” của Trần Bảo Minh ở Asia Foods liên tục bị “ném đá”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện KH&XH Việt Nam) thì nhận xét: Gấu đỏ đang “vay mượn” những giọt nước mắt. “Trong công nghệ Marketing thì đó là sự thành công về mặt hình thức”, tuy nhiên về đạo lý nhân văn thì đoạn clip này là một sự hư cấu một câu chuyện đánh vào lòng trắc ẩn của người xem để hô hào bán hàng.

Ghi nhận những lời khen – chê về mì Gấu đỏ, Trần Bảo Minh đã khẳng định với báo Giaoduc.net.vn rằng: Việc phản biện của cộng đồng về quảng cáo này là hết sức bình thường. “Mỗi người một ý, trăm người trăm ý”, đâu thể mong muốn tất cả đều hoàn toàn ủng hộ thông điệp và chương trình của mình được!” – ông nói.

Bên cạnh những tranh luận không ngớt về mì Gấu đỏ, quảng cáo mì Gấu yêu – một sản phẩm của công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu cũng bị hoài nghi vì quảng cáo không đúng sự thật. 

Sản phẩm này được quảng cáo là dành cho trẻ em với tiêu chí 3 không: Không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phẩm màu và không sử dụng chất điều vị (tạo ngọt).

Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm mì Gấu Yêu có 2 thành phần muối phosphate là 451i và 452i. Theo Quyết định số 3742 của Bộ Y tế, 451i và 452i là 2 phụ gia thực phẩm cũng có chức năng bảo quản, ổn định trong chế biến thực phẩm. Khách hàng đặt câu hỏi: Vậy có hay chăng mì Gấu Yêu công bố không sử dụng chất bảo quản nhưng lại sử dụng các chất phụ gia thực phẩm có công dụng tương tự để thay thế ?

Hơn thế nữa, mì Gấu Yêu công bố là không sử dụng chất điều vị. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Khoa học Công nghệ sắc ký Hải Đăng phân tích mẫu gia vị của gói mì này thì tổng hàm lượng 2 chất disodium inosinate và disodium guanylate lên đến 8,38g/kg và hàm lượng bột ngọt (monosodium glutamate) là 0,49%.

Theo Quyết định số 3742 của Bộ Y tế, 2 chất disodium guanylate (627) và disodium inosinate (631) không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng. 

Trước sự phản ứng của dư luận, trả lời báo chí, “cha đẻ” của quảng cáo Gấu yêu chỉ khẳng định: Sản phẩm hoàn toàn theo đúng tiêu chuẩn công bố. Ông cho rằng dường như có một “âm mưu” nào đó liên quan đến sản phẩm Gấu Yêu và có kẻ đang “chơi xấu sau lưng” ông.

“Phù thủy marketing” Trần Bảo Minh không… chung thủy

Liên tục rời các công ty để đến một nơi làm việc mới, thậm chí là công ty cùng ngành đối thủ của đơn vị rời đi, đã từ lâu, cái tên “phù thủy marketing” Trần Bảo Minh đã được gắn mác là… không chung thủy.

Khởi nghiệp bằng công việc bán hàng cho Công ty Intel một thời gian ngắn, Trần Bảo Minh quyết định rời Intel về làm việc tại Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC), một liên doanh giữa Việt Nam và công ty con của PepsiCo.

Năm 2006, cuộc cạnh tranh thị phần của Vinamilk diễn ra rất ác liệt, khi đó Dutch Lady là đối thủ rất mạnh từng bước chiếm mất thị phần của Vinamilk về sữa nước, trong khi đó một số đối thủ sữa ngoại khác là Dumex, Mead Johnson,…có chiến lược marketing rất lớn và cũng chiếm thị phần của Vinamilk về sữa bột.

Lúc đó, thông qua công ty head-hunter có đặt vấn đề về làm cho Vinamilk, tháng 10/2006 Trần Bảo Minh đã về phụ trách mảng chiến lược marketing cho Vinamilk. Khi đó ông được ngồi vào chiếc ghế Phó Tổng giám đốc của Vinamilk phụ trách kinh doanh, và marketing.

Sau khoảng thời gian làm việc cho Vinamilk cỡ 3 năm, giữa năm 2009 Trần Bảo Minh quyết định rời Vinamilk sang TH Milk.

Trần Bảo Minh chia sẻ: “Rời Vinamilk một phần cũng do “máu phiêu lưu” của tôi. 

Ông Minh chỉ giải thích ngắn gọn: “Ba năm là đủ cho một cuộc đổi dời, một cuộc làm mới chính mình”. Tuy nhiên, dư luận khá khắt khe khi đặt vấn đề “đạo đức kinh doanh” khi Minh rời một công ty sữa để về làm cho một công ty sữa khác, tạm coi là đối thủ của công ty hiện tại. 

Tuy nhiên, cũng chỉ vẻn vẹn 1 năm sau, lại thấy Trần Bảo Minh rời TH Milk để đi tìm cho mình một bến đỗ mới. Asia Foods là nơi ông dừng chân với chiếc ghế Giám đốc điều hành.

Khi được hỏi về sự đầu quân này, Trần Bảo Minh đã từng tâm sự với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam: “Một khi tôi còn cảm thấy bản thân có thể giúp ích cho doanh nghiệp, tôi sẽ tiếp tục ở lại để đóng góp vào sự lớn mạnh của nó, đặc biệt là một doanh nghiệp Việt Nam có hoài bão lớn như công ty Thực phẩm Á Châu”. Tuy vậy, chưa đầy 1 năm làm việc tại Asia Foods, người ta lại hay tin: ông đã ra đi…

Có nhiều đồn đoán, bàn tán xung quanh mỗi lần ông ra đi này. Tuy nhiên, có một điều mà giới kinh doanh đều nhận thấy: Cái tên Trần Bảo Minh vừa gắn liền với “hiện tượng” và cũng vừa là “sự cố”.

Trước khi đến với Asia Foods, tại Vinamilk, Trần Bảo Minh đã để lại ấn tượng mạnh bằng một chiến lược vô cùng thông minh, ông đưa sữa ngoại và sữa Việt về cùng một mặt bằng, và tiến hành “test” lâm sàng bằng việc đặt hàng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiến hành thử nghiệm. Sau đó, đưa ra kết luận làm thay đổi hẳn hành vi tiêu dùng của các bà mẹ khi đó rất “chuộng” sữa ngoại. Các chỉ số của 2 loại sữa là tương đương nhau. Từ đó, doanh số bán của Vinamilk tăng gấp 3 lần so với trước, và ý tưởng này được xem như là một chiến lược làm thay đổi cục diện thị trường sữa tại Việt Nam khi đó.

Ông cũng từng góp công đưa TH Milk lên hàng top trong ngành sữa tại thị trường Việt Nam với slogan quảng cáo “sữa sạch” đánh mạnh vào thị hiếu sử dụng của các bà mẹ trẻ Việt Nam khi môi trường đang ngày càng ô nhiễm. Và cũng không ai phủ nhận việc ông đã góp phần làm “bật” nhãn hiệu Mì Gấu Đỏ trong lĩnh vực mì ăn liền thông qua việc thay đổi bao bì và tung chiến dịch quảng bá mang tên “Gắn kết yêu thương”.

Khi hỏi cảm xúc riêng của Trần Bảo Minh khi mọi người gọi ông bằng những cụm từ đặc biệt như “kỳ tích” hay “sự cố”, Trần Bảo Minh chỉ ngắn gọn trả lời báo Giáo Dục Việt Nam: “Đó là những “cụm từ” mà giới truyền thông hay dùng để “giật tít” lôi kéo sự chú ý của mọi người cho bài viết của họ thôi! Riêng tôi, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là một “hiện tượng” hay “sự cố” gì cả. Tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình và cảm thấy vui và hạnh phúc với điều đó”.

Rời Asia Foods, giới marketing đang chờ đợi thông tin xem đâu sẽ nơi tiếp theo ông dừng chân và “sự cố” nào sẽ tiếp tục tái diễn khi ông bật mí: Ông vẫn gắn bó với ngành hàng tiêu dùng nhanh nhưng ở một nơi khác.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here