Ra mắt ngày 15/7, video ca khúc “Gangnam Style” của rapper Hàn Quốc PSY đang tạo nên cơn sốt trên khắp thế giới. Nhiều show truyền hình nổi tiếng như Today, Ellen và Saturday Night Live đã có chương trình riêng nói về điệu nhảy lạ mắt này. Thậm chí, clip chính thức của PSY đứng đầu bảng xếp hạng iTunes của Apple.
Các chuyên gia của Tạp chí Kinh doanh Harvard (Harvard Business Review – HBR) cũng nhanh nhạy nghiên cứu hiện tượng này, phân tích những yếu tố làm nên thành công của Gangnam Style ngoài âm nhạc bắt tai và điệu nhảy độc đáo. Tác giả Bill Lee của HBR nhận định mô hình marketing truyền thống kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng đang trở nên lạc hậu. Thành công của Gangnam Style đến từ việc chọn thông điệp đúng, phát triển chiều sâu nội dung và quảng bá trên kênh truyền thông xã hội có định hướng.
Vũ đạo cưỡi ngựa đặc trưng của Gangnam Style
Được đưa lên Youtube ngày 15/7, đến nay, Gangnam Style đã đạt gần 300 triệu lượt xem. Nếu tính cả những clip ăn theo, thì số lượng còn gấp nhiều lần như thế.Ngay từ đầu, bài hát đã chủ định không đăng ký bản quyền. “Style” lại là một hậu tố rất dễ thêm ghép và cải biến. Vì vậy, mọi người có thể thoải mái “chế” clip cho riêng mình theo công thức “XYZ Style”, như “Lifeguard Style” (Phong cách vệ sĩ) hay “Oregon Duck Style” (của Đại học Oregon, Mỹ).
Một thủ thuật khác được PSY sử dụng là tận dụng đám đông để mô phỏng điệu nhảy cưỡi ngựa nổi tiếng. Thay vì chỉ dùng người của công ty, PSY đã tham khảo và mời thêm rất nhiều nhân vật nổi tiếng tại Hàn Quốc tham gia vào điệu nhảy của mình. Tuy nhiên, chiến lược của anh chỉ giới hạn trong những người biết nhảy. Việc chỉ lấy ý tưởng từ những người hiểu biết cho phép PSY tăng tính sáng tạo, đồng thời đảm bảo clip không sa đà vào những điều phi thực tế.
PSY dường như không giống với những nghệ sĩ có ngoại hình bắt mắt tại Hàn Quốc. Ngoại hình của PSY và phong cách trào phúng trong Gangnam Style khiến mọi người thích thú khi nhận ra đó là cách một người bình thường tự làm cuộc sống của mình trở nên vui vẻ.
Nội dung phê phán lối sống vật chất trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng giúp ca khúc này trở nên nổi tiếng.
HBR khuyên các doanh nghiệp cũng nên tìm ra một thông điệp có tính quốc tế. PSY nói rằng ca khúc của anh chỉ dành cho người dân nước mình. Tuy nhiên, sau đó, cả video và PSY đều trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, dù cả ngôn ngữ và diễn viên đều là người Hàn Quốc.
Khi tham gia thị trường quốc tế, các sản phẩm mới luôn phải cạnh tranh với những nhãn hiệu đã trở nên nổi tiếng. Vì vậy, các công ty đến sau có thể học theo chiến lược định vị của PSY, đó là vui nhộn, không quá để ý đến hình tượng và trên hết là chân thành.