Chuyện không chỉ của Kinh Đô

0
793

Nếu gạt giá trị tài sản cố định này ra ngoài không ghi nhận, có nghĩa cũng là gạt bỏ cái tên “Kinh Đô”.

Trường hợp một doanh nghiệp kiên trì ghi nhận giá trị thương hiệu vào bảng cân đối kế toán liên tục trong 6 năm có lẽ là hy hữu.

Vào mùa doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính (BCTC), các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã quá quen với thông tin kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị kéo xuống, lỗ từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng sau soát xét, kiểm toán. Họ cũng đã quá quen với những lưu ý, ngoại trừ mà các kiểm toán viên đưa ra trong các BCTC của doanh nghiệp. 

Riêng với trường hợp của Công ty CP Kinh Đô (KDC), sự kiên trì của cả doanh nghiệp lẫn đơn vị kiểm toán, đã khiến không ít nhà đầu tư phải đặt câu hỏi: Tại sao biết sẽ bị kiểm toán “lưu ý” mà KDC vẫn cố tình kê khoản mục giá trị thương hiệu Kinh Đô vào phần Thuyết minh 9 – Tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp, nhất là khi đây không phải là lần đầu Ernst& Young (E&Y) đưa ra lưu ý này?

Trả lời Doanh Nhân về việc liệu KDC có cố tình ghi giá trị thương hiệu vào tài sản cố định làm tăng tổng tài sản công ty, tăng vốn chủ sở hữu và làm giảm lợi nhuận, như trong nội dung mà phía kiểm toán đã lưu ý, một thành viên trong Hội đồng Quản trị của KDC cho biết, KDC không thể không ghi nhận giá trị thương hiệu “Kinh Đô”, mặc dù cũng “dư biết” là phía kiểm toán sẽ lại tiếp tục căn cứ “theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và công văn của Bộ Tài chính để xác định “thương hiệu được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản cố định vô hình”. 

Bởi lẽ, nếu không ghi nhận giá trị thương hiệu Kinh Đô thì sẽ không có thương hiệu Kinh Đô gắn với tên của tập đoàn là công ty cổ phần đang niêm yết hiện nay.

Kinh Đô trước đây vốn là của Công ty TNHH Xây dựng và chế biến thực phẩm Kinh Đô, nay từ việc được xác định như phần vốn góp vào KDC trong 20 năm mà KDC có thể sử dụng như một thương hiệu chung của cả tập đoàn. Do đó, nếu gạt giá trị tài sản cố định này ra ngoài không ghi nhận, có nghĩa cũng là gạt bỏ cái tên “Kinh Đô”, trong khi giá trị tài sản cố định vô hình này lại đang trong giai đoạn chưa hoàn tất khấu hao.

Quy định hiện hành bao giờ hết lỗi thời?

Có lẽ nếu không có sự thay đổi nào từ các quy định hiện hành thì nhà đầu tư và cổ đông của KDC sẽ còn tiếp tục được chứng kiến cảnh “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” từ hai phía. Một cổ đông của KDC cho biết: “Riết rồi cũng quen, không quan tâm nữa. Có chừng đó tài sản thì có giảm lỗ, tăng lãi thêm chút đỉnh, lợi nhuận phân phối có bớt đi chút đỉnh, xem như cũng chẳng ảnh hưởng… hòa bình thế giới”. Nhưng giả định nhà nước ra quy định không cho phép doanh nghiệp ghi nhận giá trị thương hiệu vào vốn góp thì liệu tranh chấp có xảy ra và phải xử lý như thế nào với cái tên “Kinh Đô”?

Rõ ràng là dù đã quen, nhưng những ai đang tâm huyết với KDC cũng không khỏi có lúc “bực mình”. Một thương hiệu lớn, có uy tín, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì nếu định giá độc lập có thể giá trị tăng cao gấp mấy lần, thậm chí mấy chục lần giá trị thương hiệu 50 tỷ đồng mà nội bộ Kinh Đô đã định giá, tại sao lại không được ghi nhận vào bảng cân đối kế toán, để tránh gây ra những hiểu lầm cho các cổ đông vốn đang rất mong mỏi sự minh bạch từ doanh nghiệp niêm yết?

Một chuyên gia tư vấn về nhượng quyền thương mại đặt vấn đề: giả dụ doanh nghiệp A muốn bỏ vốn để kinh doanh phở với thương hiệu Phở 24, trong hợp đồng nhượng quyền được ký với Phở 24 thì đến cuối năm bút toán sổ sách, ngoài tổng tài sản bao gồm tài sản cố định hữu hình hiện có, doanh nghiệp đó có được tính tiền thuê thương hiệu Phở 24 vào tổng tài sản của mình và ghi nhận trong bảng cân đối kế toán hay không? 

Hoặc, đặt một giả thiết khác, Highland Coffee của VTI đã mua lại Phở 24 với trị giá thương vụ 20 triệu USD, thì một câu hỏi mà có lẽ ai cũng có thể trả lời được là cái gì đã làm nên giá trị thương vụ lớn đến vậy – đó chính là thương hiệu Phở 24, chứ không hẳn chỉ là tài sản cố định hữu hình! Hơn thế, VTI chắc chắn không thể bỏ ra 20 triệu đô la Mỹ cho một thương vụ M&A mà không được ghi nhận con số đó vào bảng cân đối kế toán của mình. Nếu không được ghi nhận, thử hỏi họ sẽ bút toán 20 triệu USD đó vào đâu?

Như vậy, cả hai giả thiết mà vị chuyên gia đặt ra đều có điểm tương tự như trường hợp của KDC. Và đúc rút lại, lý do mà KDC “kẹt” trong việc ghi nhận giá trị thương hiệu – một việc vốn đã rất phổ biến trong các hoạt động định giá doanh nghiệp để M&A – vẫn là “các quy định hiện hành”. 

Theo qui định hiện nay, việc ghi nhận giá trị thương hiệu như một phần vốn góp vẫn chưa được các cơ quan quản lý cho phép. Cách đây vài năm, câu chuyện góp vốn bằng thương hiệu cũng từng được Bộ Tài chính xới xáo lên một lần trong dự thảo thông tư về định giá thương hiệu, đồng ý về nguyên tắc để doanh nghiệp dùng giá trị quyền sử dụng nhãn hiệu đầu tư góp vốn. Đáng tiếc là điều này cho đến nay vẫn chưa được hợp thức hóa trong bất kỳ thông tư chính thức nào. 

Và cũng trước đây, Văn phòng Chính phủ từng cho phép thí điểm thực hiện việc góp vốn bằng thương hiệu, nhưng về sau lại không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về vấn đề trên. Mọi kỳ vọng của doanh nghiệp về vấn đề này xem như vẫn “chìm xuồng” !

Nhận xét về trường hợp của KDC cũng như các trường hợp tương tự khác trên TTCK, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán MayBank Kim Eng Phan Dũng Khanh nên quan điểm: “Trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp đại chúng tính giá trị thương hiệu vào giá trị tài sản. 

Tuy nhiên, việc này không có ý nghĩa khi doanh nghiệp định giá bán vốn, cổ phần bằng mệnh giá, mà chỉ có nghĩa khi doanh nghiệp có giá trị thương hiệu mạnh, được nhà đầu tư mua cổ phần với giá cao hơn thị giá. Ở những trường hợp bị kiểm toán đưa ra lưu ý như KDC, nhìn chung đối tượng chịu thiệt vẫn là doanh nghiệp. Vì tính theo kiểm toán, tổng tài sản của doanh nghiệp sẽ bị giảm và điều đó đương nhiên tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư.

Làm thế nào để giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp được đánh giá, công nhận như một giá trị, lợi thế cạnh tranh không chỉ của chính doanh nghiệp, mà còn của cả quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay? Câu trả lời chung quy vẫn là: Chờ luật!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here