Từ chiếc xe máy đến quả cà chua ở Việt Nam đều chịu chung số phận: một khi đã rời khỏi tay nhà sản xuất, giá bán thế nào là chuyện… hên xui.
Một hộ gia đình ở vùng nông thôn Thái Bình cho biết, nhiều gia đình trong khu vực đã quay trở lại đun rơm rạ thay vì đun gas, do giá gas tăng quá cao. Gần đây, giới báo chí cũng đề cập đến việc giá gas đã tăng một cách bất hợp lý khi tăng tới 74.000 đồng/bình chỉ trong vòng 1 tháng.
Nhiều nhận định đã được đưa ra theo hướng gas bị các nhà phân phối làm giá, trong khi các doanh nghiệp phân phối cho rằng giá gas tăng là do giá thế giới tăng. Trước phản ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, giá gas đã giảm nhẹ. Các công ty gas như Saigon Petro, Vinagas, MT gas cho biết từ ngày 3.3 giá gas bán lẻ trên thị trường giảm tương đương 16.000 đồng/bình 12 kg.
Loạn giá
Không chỉ gas, sữa – một mặt hàng thiết yếu khác – cũng tăng giá khá mạnh. Nhiều cửa hàng bán sữa tại Hà Nội cho biết, giá sữa đã đồng loạt tăng khoảng từ 10-15%. Chuyên gia thị trường giá cả Vũ Đình Ánh cho rằng thị trường sữa có nhiều hãng cạnh tranh với nhau (tức không phải là tăng giá do độc quyền). Trong khi đó, nhu cầu không tăng đột biến và cung cũng không thiếu. Cũng không thể là giá tăng do chi phí sản xuất tăng vì trên thực tế, theo Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, giá nguyên liệu sữa thế giới đã giảm khoảng 5% . Tất cả những điều này cho thấy nguyên nhân giá tăng nằm ở khâu phân phối.
Điều tương tự cũng diễn ra với mặt hàng thép. Lúc này, thị trường thép đang ảm đạm do thị trường bất động sản trầm lắng và khó khăn kinh tế vĩ mô. Nhưng câu chuyện thép bị làm giá xuất hiện khá nhiều, đặc biệt là năm 2008, khi có lúc chỉ trong 2 tháng, tăng tới 800.000-900.000 đồng/tấn. Hoặc hồi đầu tháng 3.2010, thép tăng khoảng 2 triệu đồng/tấn… Lý do là các doanh nghiệp thép chỉ có hệ thống phân phối cấp một; ít đơn vị nào có hệ thống phân phối bán lẻ đến khắp các địa phương. Chính việc bỏ mặc sản phẩm cho các đại lý không trực thuộc đã dẫn đến thép bị làm giá.
Có lẽ nhóm hàng lương thực, thực phẩm là nhóm được phân phối một cách tự phát nhất và rất khó kiểm soát. Giữa năm 2011, có thời điểm nông dân ở Thái Bình bán 1 kg cà chua chỉ được 500 đồng trong khi người tiêu dùng tại Hà Nội phải trả tới 8.000 đồng/kg. Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng đó là do nhà phân phối đẩy giá lên.
Gas, thép, sữa hay lương thực, thực phẩm chỉ là một vài trong số nhiều mặt hàng đang bị đẩy giá do khâu phân phối. Cơ quan quản lý thì không kiểm soát được, còn người tiêu dùng dù khó chịu vẫn buộc phải bỏ tiền ra mua.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, tính đến nay, cả nước có 450 siêu thị, 80 trung tâm thương mại, hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi, trên 8.500 chợ truyền thống. Giá trị hàng hóa được lưu thông qua hệ thống phân phối hiện đại chiếm 15-20%. Hầu hết các mặt hàng trong chuỗi phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đều được niêm yết giá. Còn các chợ truyền thống, các cửa hàng phân phối nhỏ lẻ thì không.
Về hình thức phân phối, một phần được nhà sản xuất trực tiếp đưa đến tận tay người tiêu dùng, một phần là kết hợp giữa hệ thống phân phối cấp 1 của nhà sản xuất với hệ thống trung gian và bán lẻ. Nhưng hình thức phân phối chủ yếu vẫn là doanh nghiệp bán hàng hóa cho một hệ thống phân phối không trực thuộc doanh nghiệp mình.
Trong ngành thép, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết trừ Công ty Gang thép Thái Nguyên, ít doanh nghiệp nào có hệ thống phân phối cấp 2 trở đi, mà chủ yếu là phân phối qua một công ty cấp 1. Làm như vậy là để giảm rủi ro cho doanh nghiệp thép vì ở Việt Nam, hình thức bán trả chậm khá phổ biến, khiến vốn bị đọng ở khách hàng. Tuy nhiên, hình thức phân phối theo kiểu mua đứt bán đoạn này có nhược điểm là khó quản lý về giá. “Công ty phân phối cấp 1 bán cho ai thì doanh nghiệp thép không rõ. Nhà sản xuất không kiểm soát được giá và cũng không có đủ nguồn để quản lý giá” ông Nghi nói.
Vì vậy, mới có chuyện từ Thái Nguyên về đến Bắc Giang, giá thép đã tăng 300.000 đồng/tấn, dù quãng đường chỉ 30 km. Thực ra, từ năm 2004, Bộ Công Thương đã có đề án xây dựng một hệ thống phân phối, tránh tình trạng mua đứt bán đoạn. Song lúc đó, nhiều doanh nghiệp phản đối và cho đến nay, mua đứt bán đoạn vẫn là hình thức phân phối phổ biến đối với thép.
Nuông chiều
Ông Thắng, Bộ Công Thương, cho rằng việc doanh nghiệp để sản phẩm trôi nổi trên thị trường sẽ đặt họ vào thế rủi ro. Đó là dễ bị đối thủ cạnh tranh vươn lên chiếm lĩnh thị trường bằng hệ thống phân phối chuyên nghiệp với giá cả hợp lý hơn.
Mặc dù vậy, ông Thắng lại không cho rằng doanh nghiệp cần phải tự tổ chức hệ thống phân phối. “Không phải đơn vị nào cũng tổ chức được hệ thống phân phối riêng, vì còn phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, nhân lực, khả năng quản lý. Hơn nữa, trên thị trường, tính chuyên môn hóa ngày càng cao. Các nhà sản xuất, chẳng hạn, chỉ nên tập trung vào việc nghiên cứu và làm ra sản phẩm chất lượng”, ông nói.
Tuy nhiên, vì không được quản lý chặt chẽ, các nhà phân phối độc lập có thể nâng giá bán hoặc liên kết làm giá và nhiều khi nhà sản xuất cũng không thể can thiệp. Nhiều năm nay, người dân ở một số tỉnh phía Bắc gần thủ đô Hà Nội luôn phàn nàn chuyện xe máy của một số hãng, trong đó có Honda, thường bị các nhà phân phối bán với giá cao hơn giá được sản xuất khuyến cáo. Nhất là khi xuất hiện các dòng xe mới, giá có thể bị đội lên tới 4-5 triệu đồng/xe. Trong khi đó, từ Vĩnh Phúc, nơi Honda đặt nhà máy lắp ráp, về Hà Nội chỉ 50 km.
Nhà sản xuất không phải không biết điều này, nhưng họ khó can thiệp vì không có cơ chế ràng buộc các đại lý. Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các hãng xe, nhà sản xuất không dại gì quy kết trách nhiệm hay trách mắng đại lý. Vì nếu làm thế, đại lý sẽ bỏ nhà sản xuất và chuyển sang phân phối sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Do đó, nhà sản xuất cũng bỏ lơ việc giá bán của đại lý cao hơn giá khuyến cáo. Điều tương tự cũng diễn ra ở các mặt hàng khác như sắt, thép, xăng dầu, gas, hay sữa. Nghĩa là hệ thống phân phối phần nào đã được chính các doanh nghiệp sản xuất nuông chiều.