Đương nhiên vật đổi sao dời, thế gian thay đổi âu cũng là lẽ thường tình, vậy có gì mà phải hoảng hốt.
Không, đã có một sự chuyển động rung chuyển làm thay đổi hết đến tận gốc rễ tất cả. Những suy nghĩ hành động trước nay được cho là đúng đắn là thông minh thì giờ đây có thể là “ngớ ngẩn”. Tất cả chỉ có trong mấy tháng ngắn ngủi.
Để câu chuyện được mạch lạc buộc phải quay về thế kỷ trước.
Con người ta thường gắn với kinh nghiệm cũ.
Tôi có thời gian làm việc với một nhà công nghiệp hàng tiêu dùng lừng lẫy. Đầu những năm 90 chỉ với hai bàn tay trắng, anh đã dựng nên một doanh nghiệp hàng nhiều triệu đô la doanh số hàng năm. Người tư sản thời đó chỉ nghĩ đến kiếm thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt. Khi người ta bắt đầu sự nghiệp với cái đoạn kết là tiền thì câu chuyện đó sẽ mãi không có đoạn kết. Anh bán doanh nghiệp cho một công ty nước ngoài – lấy tiền – lại dựng thêm một công ty nữa thấy được giá, lại bán – lấy tiền. Thời gian sau có kinh nghiệm rồi lại dựng nên công ty mới nữa – mà muốn có lời nhiều – thì chỉ nên bỏ ít vốn, sơn phết bên ngoài rồi lựa thời cơ bán gấp… lấy tiền. Tôi nhớ anh hỉ hả chỉ tôi một chiêu rằng ở khu công nghiệp có hàng trăm những đứa thất nghiệp, tụm thành từng đàn, đạp xe loanh quanh các xí nghiệp trong khu vực ai kêu gì làm nấy. Tụi nó toàn là dân tứ chiếng kéo về đây tìm kế sinh nhai, chỉ cần có việc làm, trả bao nhiêu cũng được, rẻ lắm. Một hôm tôi nói với anh ý rằng có quá nhiều việc cần quyết định mà ông chủ thay vì tập trung chỉ huy ngoài thị trường lại mãi cắm đầu cắm cổ hì hục ở dưới xưởng. Anh than thở “hôm qua một đứa công nhân mở lộn cái vòi, 4 tấn dầu gội, thay vì được đóng chai lại xổ luôn xuống cống, không trông coi tụi nó sao được?”. Tôi nghĩ bụng cậu ta là nông dân chứ có phải công nhân đâu. Anh ta đã từng làm giàu bằng kinh nghiệm này thì việc anh dựng công ty lên để bán thêm nhiều lần nữa cũng chẳng sao. Nhưng lần này vì tham lời làm ẩu quá, tô vẻ hàng mã lộ liễu lại bán ngay vào lúc lúa còn non, nên chẳng ai mua. Giờ đây ôm cái nhà máy hiện đại, không có thương hiệu nào ra hồn, anh khác nào đang ngồi trên đống sắt vụn.
Tôi lại thấy một nhà công nghiệp khác, cùng tôi bàn việc kinh doanh suốt từ trưa đến mãi chiều tối một ngày chủ nhật. Giờ này văn phòng nhà máy xung quanh quạnh quẽ không một bóng người. Tôi cảm thấy quá vô lý, tại sao cả thế giới đang lao vào giải trí ngày cuối tuần thì lại có những gã dỡ hơi ngồi nói chuyện kinh doanh. Rồi đột nhiên ông đứng dậy chẳng nói chẳng rằng cởi phanh ngực áo, bước nhanh vào phòng cô thư ký đã chuẩn bị sẵn từ lúc nào cắm phập vào bắp tay một mũi insuline điều hoà lượng đường trong máu. Đối với ông này, sinh mạng, cuộc sống, tiền bạc chẳng là nghĩa lý gì. Doanh nghiệp và sự lớn mạnh của nó mới là quan trọng. Ông giải thích. “tôi có được cơ ngơi bề thế cả ngàn tỉ này là nhờ dám đâm đầu vào những rủi ro tầm cỡ. Càng rủi ro tôi càng hăng máu, càng thắng lớn.”
Phải chăng Ông đã có thể đại diện cho một thế hệ doanh nhân mới! Có nhiều lý do để thấy rằng điều này cũng không phải là sai hoàn toàn. Trứơc hết đối với Ông này công ty đa quốc gia không có là nghĩa lý gì hết. Thách thức những thương hiệu hàng đầu, những tổ chức kinh doanh phân phối hùng mạnh, những sản phẩm có chất lượng tuyệt vời dường như là trò chơi ưa thích của ông. Khi trao đổi về những thách thức gay gắt tôi chỉ nhìn thấy ở ông sự hào hứng chứ không sợ hãi, thấy những con số ngân sách chóng mặt phải chi ra thì đối với ông chỉ là những con số xoàng xĩnh. “Vốn tôi có thể lo được” ông nói không phải trong trạng thái mê sảng mà hết sức tỉnh táo. Tuy nhiên hai tính chất sau đây mới là quan trọng. Trứơc hết ông sẵn sàng nói nhiều và không ngừng lặp đi lặp lại về những sai lầm của mình, sẵn sàng dành nhiều giờ để mổ sẻ sai lầm và tìm hướng sửa sai. Thứ hai ông – đích thân ông, không phải và không được là ai khác – cũng như không có gì ngăn cản được ông dù là đêm tối hay nửa khuya, dù cho phải tới chổ hẹn bằng xe tải, xe ôm, cho dù trời long đất lở ông không chịu lỡ dịp hẹn gặp một nhân tài. Ông sẵn sàng hào sảng uống bia đến nữa khuya với người tâm đắc bất kể căn bệnh trầm kha đang tàn phá bản thân. Ông sẵn sàng bỏ hết họ hàng tết nhất để lao đến chỗ họp mặt của những “hào kiệt” đời nay, đó là những người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong các tập đoàn đa quốc gia, chỉ vì ông muốn một ngày nào đó có họ làm việc cho mình.
Dám chấp nhận rủi ro, sẵn sàng trả giá, quý trọng nhân tài, hiểu rõ những việc mình làm… là những điều dẫn dắt ông hành động đã mang lại những thành công cho ông cũng nhiều và lớn lao như những thất bại của ông. Tuy nhiên theo thời gian, công ty ngày càng mạnh mẽ hơn, kinh nghiệm hơn và tự tin hơn, còn những số tiền khổng lồ kiếm được dường như đã vừa đủ trả cho những số lỗ khổng lồ gây ra. Không phá sản, vẫn tồn tại và tiến lên, thế vẫn là tốt rồi.Tôi không chút nghi ngờ về sự thành công của doanh nghiệp này trong nay mai, và không phải ngẫu nhiên tên doanh nghiệp của ông đã “vinh dự” nằm trong số những công ty Việt Nam ít ỏi, được những công ty đa quốc gia hàng đầu trong ngành hàng đưa vào danh mục “đối thủ cạnh tranh then chốt” đứng trên cả các công ty đa quốc gia cạnh tranh truyền thống của họ. Còn ông ư? Ông không được kể đến ở đây vì chính ông ta, chưa bao giờ là quan trọng hơn doanh nghiệp của ông.
“Dám chấp nhận rủi ro, sẵn sàng trả giá, quý trọng nhân tài, hiểu rõ những việc mình làm…”
Người thứ ba, tôi biết anh từ ngày tôi chập chững những bước đầu tiên vào nghề kinh doanh. Một doanh nhân rất mực văn nghệ, vô cùng đứng đắn, trọng chữ tín, hiểu biết nhiều, giao thiệp rộng, giỏi cả kỹ thuật, lẫn quản trị, và ngoại giao, lại thông thạo ngoại ngữ. Lẽ đương nhiên anh học nhiều, bíêt rộng. Tới nhà anh chơi, một biệt thự đẹp nhất thành phố, thoạt trông thì anh ăn mặt xoàng xĩnh, nhưng nhìn kỹ thì chiếc áo T-shirt cũ kỹ bên ngực thêu logo và chữ Stanford Univeristy bên dưới. Thật vậy anh tham gia nhiều không kể siết những khóa học về quản trị tại hàng chục trường đại học danh tiếng hàng đầu trên thế giới, cũng như làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng anh không phải là Việt kiều, mà xuất thân cũng bình thường như mọi kỹ sư ra đời từ lò bách khoa thành phố Hồ chí Minh, trải hết cuộc sống cơ cực đời bao cấp. Rồi với hai bàn tay trắng với lòng yêu nghề, – và có phần nào đó tôi nhìn thấy trong tim anh – là lòng yêu nước dạt dào, anh dựng nên nghiệp lớn trở thành nhà công nghiệp tiếng tăm sớm nhất và hùng mạnh nhất…
Cuộc sống cá nhân ư? Anh yêu những thú chơi tao nhã, dầu bận rộn cách mấy anh vẫn dành cho mình được thỏa niềm đam mê chơi môn thể thao yêu thích. Cái hay là anh không bao giờ có vẻ tất bật lu bu, có lẽ nhờ tài khéo léo sử dụng thời gian và sử dụng con người làm việc cho mình một cách hài hòa. Dù ít gặp nhưng mỗi dịp cùng làm việc tôi luôn thấy ở anh toát ra vẻ nhàn nhã và thành công. Tôi trông anh không khỏi tìm thấy niềm tự hào trong tôi. Anh làm cho người Việt được nở mày nở mặt vì anh trông coi vịêc kinh doanh tại nhiều quốc gia của một tập đoàn toàn cầu. “Người Việt mình chuyện gì mà làm chẳng đuợc” nhìn sự nghiệp của anh tôi không khỏi có ý nghĩ đó.
Anh đang ở độ chín nhất của tuổi tác và đời người. Anh trẻ trung, mạnh khỏe và rắn rỏi. Anh thông minh, trí thức, hào hiệp và nghệ sĩ. Một hôm tôi đi dự đám cưới con trai anh. Trong đám tiệc tôi không thấy một ai trong số khách mời là người giàu có. Nhưng nhìn vào đám quan khách thì nếu đó là MC, nếu là ca sĩ, là giáo sư, kịch sĩ, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học… thì đều là trong hàng hạng nhất đất nước. A ra là anh quý người giỏi hơn người giàu à. Tôi chỉ đoán mò thế.
“Ai nhìn thấy trước tương lai và nắm bắt lấy cơ hội sẽ chiến thắng”
Với anh có lẽ hai chữ viên mãn không diễn tả hết cái tuyệt đích giang hồ anh đã đạt tới, thế mà anh lại buồn!? Đúng vậy, nổi buồn này đến với anh chỉ mới có mấy tháng gần đây thôi. Đất nước thay đổi nhanh quá. Thị trường chứng khoán tăng trưởng theo chiều thẳng đứng. Hàng loạt công ty chứng khóan, quỹ đầu tư ra đời. Ngân hàng giàu lên với tốc độ tên lửa. Những kẻ hôm trước còn tép riu thì hôm nay đã được liệt vào hàng top 100 người giàu nhất quốc gia. Anh kể về một vài dịp nhỏ anh lỡ bỏ qua, mà tim tôi muốn ngừng đập. Hàng trăm tỉ mỗi một dịp đầu tư anh bỏ lỡ chứ ít gì. Nhưng không sao tôi hiểu rằng anh đã nhìn thấy dịp đã bị bỏ qua nghĩa là anh sẽ nhất định không để cho một cơ hội nào sắp tới có thể bị trôi mất. “Phải hiểu xu thế thời đại các em à” anh nhắn chúng tôi thế, để nhắc rằng trong thời đại thông tin này, ai nhìn thấy trước tương lai và nắm bắt lấy cơ hội sẽ chiến thắng.