Nội Dung Chính
Trước khi xuất hiện tại Việt Nam, OPPO chưa phải là một thương hiệu điện thoại thông minh (smartphone) được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, đây lại là một thương hiệu “non trẻ” hiếm hoi thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng nhờ biết cách tạo ra những lợi điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Point – USP) trên các dòng sản phẩm của mình.
Nhớ lại hồi tháng 4.2013, thời điểm OPPO chính thức ra mắt tại TP. HCM, sản phẩm đầu tiên hãng này giới thiệu chính là Find 5, chiếc điện thoại được định vị là smartphone sở hữu màn hình Full HD có giá rẻ nhất Việt Nam. Thực tế, mức giá công bố khi đó của sản phẩm này cũng khá hấp dẫn so với các đối thủ nổi tiếng cùng phân khúc như Xperia Z (Sony) hay Butterfly (HTC); và đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý của thị trường dù OPPO chưa phải là một thương hiệu mạnh.
Không lâu sau đó, hãng này tiếp tục tung ra N1, chiếc điện thoại đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được định vị là smartphone dành riêng để chụp hình “tự sướng”. Nhằm hỗ trợ cho tính năng này, N1 được trang bị một camera độ phân giải lên đến 13MP và có thể xoay tròn 260o. Ngoài ra, người mua N1 còn nhận được một thiết bị điều khiển camera từ xa cho phép họ “tự sướng” mà không phải cầm chiếc điện thoại trên tay.
Đến cuối tháng 6 vừa qua, OPPO lại tung ra Find 7, sản phẩm được quảng bá là chiếc smartphone đầu tiên sở hữu màn hình có độ phân giải 2K tại Việt Nam.
Có thể nói, gần như đối với mỗi sản phẩm được OPPO tung ra, hãng này đều định vị được ít nhất là một USP để tạo sự khác biệt. Bên cạnh khả năng tài chính để thực hiện những hoạt động quảng bá rầm rộ, chiến lược phát triển sản phẩm có USP rõ ràng là yếu tố quan trọng giúp OPPO thu hút được người dùng Việt. Theo thông tin OPPO công bố vào cuối năm 2013, mỗi tháng hãng này có tốc độ tăng trưởng sản phẩm tiêu thụ đạt 100% tại thị trường Việt Nam.
Có thể thấy, sử dụng USP để định vị sản phẩm là rất quan trọng khi doanh nghiệp phải đối đầu trực diện với các đối thủ. Ở những lĩnh vực cạnh tranh gay gắt, vòng đời sản phẩm ngắn mà công nghệ lại na ná nhau như điện thoại di động, USP càng quan trọng vì giúp sản phẩm tạo khác biệt rõ ràng trong mắt người tiêu dùng.
Được khởi xướng ở Mỹ từ những năm 1940, quảng bá sản phẩm dựa trên những lợi điểm bán hàng độc nhất – USP – vẫn đang tiếp tục giúp các doanh nghiệp tạo cho thương hiệu của họ hình ảnh và định vị độc lập trên thị trường. USP có thể được ứng dụng hiệu quả bởi các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng tựu trung lại có thể chia thành một số nhóm nội dung dưới đây.
Giá cả
Đa số người tiêu dùng luôn muốn mua được sản phẩm có giá tốt. Với các sản phẩm cùng chủng loại, chất lượng, mẫu mã và tính năng ít có sự khác biệt, thì khách hàng thường sẽ chú ý đến sản phẩm có giá tốt nhất, hoặc sản phẩm đang có khuyến mãi. Đây là cách được các nhà sản xuất điện thoại di động sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, những doanh nghiệp bán lẻ quy mô lớn và có quyền lực tác động lên các nhà cung cấp cũng sử dụng USP này để thu hút người tiêu dùng, ví dụ như Walmart ở Mỹ hay Co.opmart, BigC ở Việt Nam.
Lợi ích
Thị trường càng đông đúc đồng nghĩa với việc doanh nghiệp càng khó tìm ra những lợi ích khác biệt mới mẻ để làm USP cho sản phẩm, tuy nhiên vẫn có cách để thực hiện. Đó là trường hợp sản phẩm nước tinh khiết Aquafina. Cũng là nước uống bình thường, làm sao để sản phẩm này tạo sự khác biệt so với đối thủ? Các nhà tiếp thị của Aquafina đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nước đối với con người; và liên kết việc sử dụng sản phẩm này với một cơ thể khỏe mạnh. Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải hiểu rõ về thị trường đang phục vụ, cũng như khả năng sản xuất của bản thân để xây dựng được USP thực sự khác biệt.
Dịch vụ
Hãy nhìn vào cuộc cạnh tranh giữa các chuỗi pizza ở Mỹ. Chuỗi Domino Pizza tuy ra đời sau Pizza Hut và chất lượng cũng không quá đặc biệt so với các đối thủ, nhưng họ vẫn thành công nhờ USP “Cam kết giao pizza trong vòng 30’, nếu không chiếc bánh sẽ miễn phí!”. Đương nhiên, để thực hiện được USP này thì Domino Pizza đã phải đầu tư hệ thống sản xuất và quy trình giao nhận cực kỳ hợp lý. Quảng bá rầm rộ mà không thực hiện được chắc chắn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Độ bền/Chất lượng
Sản phẩm nệm cao su Kymdan của Việt Nam đã quá nổi tiếng vì độ bền đáng kinh ngạc. Hãng này cũng thực hiện những mẩu quảng bá tập trung vào định vị khác biệt đó. Ví dụ như TVC quay cảnh nệm Kymdan bị xe lu 10 tấn cán qua lại 200 lần vẫn giữ nguyên hình dáng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm cần thời gian sử dụng lâu dài, ví dụ như vật liệu xây dựng, định vị USP về độ bền và chất lượng sản phẩm có thể giúp tạo được ấn tượng với khách hàng.
“Độc quyền”
Các thương hiệu cao cấp tung ra những sản phẩm đắt tiền, hướng đến một lượng nhỏ khách hàng có khả năng chi trả. Đối với nhóm này, tâm lý chung là mong muốn được sở hữu sản phẩm độc, hiếm, lạ… Vì vậy, các nhãn thời trang hoặc xe hơi cao cấp rất hay vận dụng USP dạng này. Ví dụ, khách hàng mua Rolls-Royce sẽ được thay đổi tùy chọn đi kèm như nội thất hay màu sơn để thêm phần “độc quyền” cho mỗi sản phẩm.