Nội Dung Chính
Dù chỉ mới hoạt động tại Việt Nam chưa đầy 2 năm, nhưng với những bước đi vững vàng, dưới sự chèo chống của thuyền trưởng Nguyễn Phương Anh, ZALORA đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu thống lĩnh thị trường thời trang trực tuyến.
Từ duyên thời trang…
Sinh ra ở Hà Nội, theo gia đình sang Đức từ năm 4 tuổi, trưởng thành với đam mê mãnh liệt về thời trang, yêu thích nghệ thuật, nhưng Nguyễn Phương Anh đã chọn chuyên ngành mỹ thuật công nghiệp tại Đức khi vào đại học.
Ra trường, cô chọn khởi nghiệp ở Mỹ, đến năm 2010 thì về Việt Nam trải qua tất cả các vị trí từ styling, nhiếp ảnh, đến thiết kế cho Tạp chí Elle. Năm 2012, khi ZALORA bắt đầu vào thị trường Việt Nam và Phương Anh đã “lọt vào mắt xanh” của lãnh đạo Tập đoàn với vị trí ban đầu là Giám đốc Marketing và năm 2013, chính thức trở thành “thuyền trưởng” ZALORA tại Việt Nam.
Tiếp chúng tôi vào buổi sáng tại tầng 2 tổng hành dinh ZALORA Việt Nam ở quận 4 (TP.HCM), trong một phòng được thiết kế rất phong cách, Nguyễn Phương Anh cho biết, ZALORA Việt Nam là một công ty thuộc hệ thống
ZALORA Group được thành lập từ tháng 1/2012, hiện đã có mặt ở 8 nước Đông Nam Á, cùng với Australia, New Zealand. ZALORA thuộc sở hữu của Rocket Internet, một tập đoàn lớn của Đức chuyên xây dựng những công ty khởi nghiệp và thương mại trực tuyến ở các thị trường đang phát triển.
Từ khi thành lập đến nay, Công ty đã qua 3 vòng góp vốn, vòng gần đây nhất là vào tháng 11/2013 với mức đầu tư lên đến 112 triệu USD – mức đầu tư cao nhất tính đến nay cho một công ty thời trang trực tuyến ở châu Á.
Ngoài ra, tháng 9 vừa qua, ZALORA nhận được một sự sáp nhập lớn vào Global Fashion Group. Đây là kết quả của việc sáp nhập 5 trang web thời trang trực tuyến trên toàn cầu của Rocket (Dafiti ở Nam Mỹ, Jabong ở Ấn Độ, Lamoda ở Nga, Namshi ở Trung Đông và ZALORA ở Đông Nam Á).
Giờ đây, ZALORA không chỉ là một công ty trong Đông Nam Á, mà thuộc vào một tập đoàn toàn cầu với số lượng nhân viên lên đến hơn 7.000 người. Global Fashion Group cũng là tập đoàn thời trang trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay, vượt qua cả thương hiệu thời trang đến từ Anh Quốc – ASOS.
“Nói cách khác, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nếu đưa lên ZALORA tức là được tiếp cận với một loạt cổng thông tin bán hàng trực tuyến khác trên quy mô toàn cầu”, Phương Anh cho biết.
… đến nghiệp thương mại điện tử
Ngay khi tiếp nhận cương vị thuyền trưởng, bên cạnh nghiên cứu nguyên tắc kinh doanh của Tập đoàn, Nguyễn Phương Anh còn phải trả lời câu hỏi: “Sự khác biệt của ZALORA Việt Nam là gì?”.
Cùng trăn trở với đội ngũ nhân viên, câu trả lời đã xuất hiện: Điểm đặc biệt của ZALORA so với những công ty thời trang trực tuyến khác trên thế giới chính là ZALORA sẽ hình thành từng trang web mua bán riêng cho từng thị trường mà ZALORA hiện diện và được thiết kế theo đúng gu của khách hàng bản địa. Nói cách khác, trang web của ZALORA Việt Nam sẽ khác với trang web của ZALORA Thái Lan, không chỉ ở ngôn ngữ, mà còn bởi những hàng hóa xuất hiện ở đó.
ZALORA có một công thức bất di bất dịch trong kinh doanh tại mỗi quốc gia, đó là “5+3+2”, 50% số lượng hàng trong kho của ZALORA sẽ đến từ những thương hiệu riêng tự thiết kế, tự sản xuất, 20% là các thương hiệu quốc tế lớn như Mango, Rayban, River Island… và 30% đến từ những thương hiệu trong nước. Nói cách khác, chính 30% này là điểm làm nên bản sắc riêng cho ZALORA ở Việt Nam.
Theo Nguyễn Phương Anh, với mục tiêu trở thành địa điểm mua sắm hàng đầu cho những người yêu thời trang, ZALORA có những tiêu chí chọn lựa sản phẩm để bán rất ngặt nghèo: phải có giá thành phù hợp (biên độ dao động 200.000 – 2.000.000 đồng/sản phẩm); phải có chất lượng tốt, kiểu dáng đa dạng và hợp mốt.
“Nhằm đa dạng những thể loại hàng hóa có trên website, cũng như hỗ trợ cho cộng đồng các nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam, tháng 4/2014, chúng tôi đã ra mắt Sàn giao dịch ZALORA Marketplace (gian hàng trực tuyến trên mạng ZALORA) theo mô hình B-2-C Marketplace (doanh nghiệp tới khách hàng)”, Nguyễn Phương Anh nói.
Điểm khác biệt của Marketplace so với trang chủ
ZALORA là những thương hiệu nhỏ mới thành lập, thương hiệu thời trang thiết kế, không sản xuất hàng hóa với số lượng lớn, vẫn có thể tham gia và trực tiếp đăng các sản phẩm của mình lên bán trực tuyến. Bài toán kinh doanh thời trang sẽ trở nên đơn giản hơn, vì các nhãn hiệu khi đó chỉ cần tập trung vào thiết kế, những khâu còn lại từ tiếp thị, thanh toán, giao nhận đều đã được ZALORA hỗ trợ.
“Đã có hơn 200 nhãn hiệu khác nhau trên Marketplace và 250 nhãn hiệu trên trang chủ ZALORA”, Phương Anh cho biết và khẳng định.
“Đã có hơn 200 nhãn hiệu khác nhau trên Marketplace và 250 nhãn hiệu trên trang chủ ZALORA.”
ZALORA là trang web trực tuyến duy nhất trên thị trường hiện nay kinh doanh thời trang theo mô hình B-2-C và là công ty thời trang trực tuyến duy nhất tại châu Á có sở hữu nhãn hiệu thời trang riêng, mang tên ZALORA. Hướng tới phân khúc khách hàng là phụ nữ văn phòng, độ tuổi 25-35, chỉ sau gần 3 năm hoạt động, trên trang ZALORA Việt Nam hiện đã có hơn 250 thương hiệu của Việt Nam, quốc tế và thương hiệu độc quyền, riêng khu vực B-2-C Marketplace có khoảng 200 người với 7.000 sản phẩm, với lượng truy cập duy trì 200.000 người/ngày.
Ngoài ra, do thuộc về một tập đoàn lớn – ZALORA Group, nên những sự hỗ trợ chuyên môn từ trụ sở chính ở Singapore trong việc phân tích các số liệu, thu thập và xử lý dữ liệu lớn và sự phát triển về công nghệ, như xây dựng phiên bản dành riêng cho điện thoại, ZALORA app cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm nên sự thành công của ZALORA như hiện nay.
Từ điển không có từ “không thể”
Để có thể kéo Phương Anh ra khỏi “suối” thông tin về thời trang và thương mại điện tử, tôi chuyển đề tài: “Phương Anh có một triết lý kinh doanh gì cho riêng mình?”. Phương Anh nheo mắt nhìn tôi, rồi trả lời ngay: “Tôi rất tâm đắc một câu châm ngôn: ‘Never take no for an answer’. Khi giao việc, tôi không luôn nói với họ là đừng trả lời không, hãy chịu khó tìm, bạn sẽ thấy đường đi. Tôi quan niệm rằng, không có chuyện gì là không thể, chỉ cần bản thân mình đủ kiên nhẫn, khôn ngoan, hoặc khéo léo, thì chắc chắn mình sẽ đảo ngược tất cả mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống”.
Đánh giá về tiềm năng thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Phương Anh cho biết, Việt Nam có rất nhiều điểm thuận lợi để phát triển thương mại trực tuyến. Việt Nam có hơn 34 triệu người sử dụng Internet, 20 triệu người sở hữu smartphone và dự báo, năm 2020, số lượng người có khả năng chi tiêu thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp đôi. Khi đó, thời trang chắc chắn sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu.
Tuy nhiên, để thành công, ZALORA sẽ phải giải quyết khó khăn lớn nhất là thói quen mua sắm truyền thống “tiền trao, cháo múc” của người Việt. Mọi người không quen trả tiền trước, cũng như ấn tượng không tốt với “mua hàng qua mạng”, vì một số website không uy tín. Điều này khiến việc trả tiền khi nhận hàng rất phổ biến và cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi phải điều chỉnh dòng vốn luân chuyển. Khó khăn nữa là về giao nhận, do chất lượng đường sá và dịch vụ vận chuyển chưa phát triển ở một số nơi và sự cạnh tranh về giá ngày càng khốc liệt trên thị trường trực tuyến.
Nhưng dù vậy, Phương Anh rất lạc quan về tương lai. Mục tiêu của ZALORA trong những năm tới là tập trung mở rộng thị trường, đưa sự hiện diện của thương hiệu
ZALORA đến khắp mọi nơi trên toàn quốc. Hiện nay, khách hàng của ZALORA có khoảng 40% đến từ TP.HCM, 30% ở Hà Nội, 40% còn lại là đến từ các tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…
“Mặc dù hàng hóa của ZALORA có thể được giao đến khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng chúng tôi nhận ra rằng mình cần phải tăng sự hiện diện hơn nữa ngoài offline, như mở thêm showroom để có thể đến gần hơn với khách hàng. Tháng trước, ZALORA vừa mở showroom đầu tiên trên đường Kim Mã (Hà Nội). Mục đích của showroom này chính là để các khách hàng có thể đến xem, chạm vào và trực tiếp thử các sản phẩm. Sau đó, khách hàng có thể đặt mua qua các máy tính bảng và laptop ngay tại nơi trưng bày. Từ nay đến đầu năm sau, kế hoạch của chúng tôi sẽ mở thêm 2 showroom tại các thành phố lớn ở Việt Nam”. Phương Anh nói.