Samsung: Cửa nào cho nhà cung cấp nội?

0
753

Chuyện dài tập giữa các doanh nghiệp nội sản xuất linh kiện và đại gia samsung electronics vietnam (SEV) vẫn tiếp tục thu hút dư luận khi SEV công bố danh sách linh kiện mà tập đoàn này muốn mua ở Việt Nam.

Theo đó, Bộ Công Thương mới vừa công bố danh mục gần 170 loại linh – phụ kiện mà SEV muốn doanh nghiệp trong nước tham gia cung cấp. Thế nhưng, các hiệp hội và doanh nghiệp điện tử nội lại tỏ ra không mấy mặn với đề nghị này vì lo không thể đáp ứng được công nghệ và giá thành của SEV.

Giấc mơ còn xa

Thông tin từ yêu cầu đặt hàng của SEV cho thấy, các linh phụ kiện này sẽ dùng cho điện thoại thông minh Galaxy S4 và sản phẩm máy tính bảng Tablet 7 inch được sản suất tại Việt Nam với các chi tiết từ đơn giản đến phức tạp như sạc pin, tai nghe, thiết bị lưu dữ liệu USB, keo cách nhiệt, cáp truyền dữ liệu, vỏ điện thoại… Trong đó, chỉ riêng sản phẩm sạc pin các loại, nhu cầu của SEV cần khoảng 400 triệu chiếc mỗi năm.

“Một cái sạc pin lãi khoảng 0,5 USD thì mỗi năm Việt Nam đã có 200 triệu USD. Đây là cơ hội lớn nếu nắm bắt được”, ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), tính toán.

Chỉ riêng khoản sản xuất sạc pin cho SEV mà Việt Nam dự kiến sẽ thu về hơn 200 triệu USD mỗi năm. Nếu các doanh nghiệp nội chỉ cần đáp ứng được 50% nhu cầu của danh mục gồm 170 loại linh, phụ kiện nói trên, nguồn doanh thu từ việc trở thành nhà cung cấp cho SEV sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Vậy tại sao các công ty Việt Nam lại không muốn (hoặc không thể) nắm bắt cơ hội lớn này?

Thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tuy đã có chiến lược phát triển nhưng vẫn cứ mãi loay hoay trong hơn 15 năm qua là chuyện có thật. Nay lời đề nghị của SEV tiếp tục bị các nhà cung cấp linh kiện nội từ chối càng cho thấy, Việt Nam vẫn khá chậm chân trong cuộc đua trở thành một mắt xích quan trọng thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu của các đại gia ngành điện tử thế giới như Samsung.

Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), thì đề nghị của SEV là khá thiện chí bởi việc tìm các nhà cung cấp linh kiện nội địa có lợi cho cả Việt Nam lẫn Samsung. Phía Việt Nam, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận, kích thích công nghiệp hỗ trợ phát triển, nguồn thu thuế cũng tăng theo. Với Samsung, họ được giảm thuế, phí vận chuyển, phí nhân công…

Samsung Việt Nam muốn mua 170 loại linh-phụ kiện từ nhà cung cấp trong nước, nhưng doanh nghiệp Việt khó nắm được thời cơ.

Tuy nhiên, về phía SEV, với quy mô đầu tư lên tới hàng tỉ USD, họ đã có các nhà cung cấp linh – phụ kiện (hay còn gọi là các vệ tinh). Hiện đại gia này đã thu hút được khoảng 60 vệ tinh tại Việt Nam gồm 45 nhà cung cấp Hàn Quốc, 10 nhà cung cấp từ các nước khác và chỉ có 5 nhà cung cấp nội địa. Và các công ty Việt Nam chỉ mới dừng ở mức cung cấp bao bì, hộp xốp chứ không phải là linh – phụ kiện điện tử.

Hiển nhiên, nếu phải lựa chọn linh – phụ kiện từ 2 nhà cung cấp có chất lượng và giá ngang nhau, nhà cung cấp nội luôn được ưu tiên vì Samsung không phải mua bằng ngoại tệ, không phải làm thủ tục nhập khẩu. Nhưng với quy mô sản xuất linh kiện cực lớn cung ứng cho thị trường toàn cầu, SEV sẽ khó lòng “mạo hiểm” thay thế nhà cung cấp truyền thống bằng nhà cung cấp địa phương nếu không có sự thay đổi đặc biệt về giá cả hay lý do khác.

Một số chuyên gia lại cho rằng, SEV vẫn tìm kiếm và đặt hàng doanh nghiệp Việt. Nhưng khi doanh nghiệp trong nước tiếp tục “bó tay” như trường hợp của danh mục 170 loại linh – phụ kiện nói trên thì các công ty vệ tinh Hàn Quốc sẽ càng thuận lợi hơn, được hưởng ưu đãi nhiều hơn khi đi theo SEV do doanh nghiệp Việt không sản xuất được.

Đối với các doanh nghiệp nội địa, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, đặt vấn đề: “Liệu SEV có thực sự muốn nhà cung cấp trong nước hay không?”.

Ông này cho rằng, mặc dù giá trị vỏ điện thoại thấp với chỉ vài USD, nhưng để sản xuất hàng trăm triệu chiếc mỗi năm đủ cung ứng cho SEV và chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung thì chắc chắn các doanh nghiệp trong nước không bao giờ kham nổi chứ chưa bàn tới giá cả hay chất lượng sản phẩm.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, 2 nhà máy của SEV tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã đạt kim ngạch xuất khẩu 21,5 tỉ USD. Vì vậy, mục tiêu xuất khẩu 28 tỉ USD cho cả năm là khả thi. Cộng thêm 2 dự án mới của SEV vừa được cấp phép tại Thái Nguyên trị giá hơn 3 tỉ USD, mức kim ngạch này sẽ còn lớn hơn trong những năm tới. Như vậy, tiềm năng đối với các doanh nghiệp nội địa trong việc tham gia cung cấp linh kiện cho SEV là vô cùng lớn. Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ từ các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Ðầu tiên, vấn đề cơ bản hiện nay đối với các doanh nghiệp nội địa là còn hạn chế về năng lực vốn, công nghệ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đi kèm và giá thành so với các doanh nghiệp ngoại đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Tiếp đến, chính sách vĩ mô đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là một thách thức không nhỏ, khiến ngành này vẫn tiếp tục loay hoay chưa tìm thấy lối ra trong hơn 15 năm qua.

Tiềm năng trong việc tham gia cung cấp linh kiện cho SEV là vô cùng lớn. Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ từ các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Ông Hoài, Bộ Công Thương cho rằng, do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa thể phát triển, phải dựa vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc nên đã làm tăng chi phí sản xuất, tăng nguy cơ nhập siêu, khiến tính cạnh tranh của sản phẩm thấp.

“Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định về Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp hỗ trợ để thống nhất chỉ đạo điều hành, trong đó sẽ thành lập các trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ tại các vùng kinh tế trọng điểm. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ chuyên gia, thiết kế mẫu mã, sản xuất thử nghiệm sản phẩm, kết hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để doanh nghiệp kịp điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài”, ông Hoài cho hay.

Về thách thức chủ quan đối với ngành này, giám đốc một doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương cho biết, ông từng có lần tìm cách tiếp cận một nhà đầu tư Nhật chuyên sản xuất cụm dây điện lắp đặt trong ôtô tại Khu Công nghiệp Đại An thuộc tỉnh nhà. Mục đích của vị giám đốc là muốn làm nhà thầu phụ để cung cấp các giắc cắm bằng nhựa trong cụm sản phẩm của doanh nghiệp Nhật. Tuy nhiên, công ty của ông đã bị từ chối. Nhưng cũng nhờ lần đó, vị giám đốc này mới hiểu vì sao doanh nghiệp nội địa đôi khi khó chen chân làm thầu phụ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông này cho biết, khi nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam, các hãng nước ngoài thường quan tâm tới hệ thống thuế và ưu đãi thuế, sau đó là ưu đãi về cơ sở hạ tầng. Nếu tương quan giữa sản lượng sản xuất và tổng ưu đãi tính thành tiền có lợi cho chi phí của họ, thì hãng nước ngoài mới tiến hành đầu tư.

Ngoài ra còn phải tính tới trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành đầu tư nhằm chuyển giá ngay trong nội bộ với tập đoàn mẹ. Trong các trường hợp này, họ ít khi có ý định thuê công ty trong nước gia công chi tiết vì điều họ cần là ổn định đơn giá linh kiện, đã được tính ngay trong bảng cân đối dự án khi đầu tư.

Ví dụ, một cụm dây điện trong ôtô có giá thành khoảng 800 USD, trong đó các loại giắc cắm nhựa (tức linh kiện rời của cụm dây điện) có giá nhập khẩu do doanh nghiệp ngoại khai báo là 120 USD. Nếu sản xuất trong nước thì chỉ không quá 40 USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngoại sẽ từ chối mua của công ty nội địa vì việc nhập khẩu linh kiện là thuộc chiến lược kinh doanh của tập đoàn mẹ để được hưởng ưu đãi thuế của từng nước. “Chỉ khi doanh nghiệp ngoại tính toán sẽ xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Việt Nam, hoặc quy mô sản xuất rất lớn, vượt cả lợi ích từ ưu đãi thuế của Việt Nam mang lại, thì họ mới thuê công ty nội làm thầu phụ cung cấp linh kiện”, vị giám đốc doanh nghiệp tại Hải Dương giải thích.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here