“Các đại gia ngoại mua không phải để tiêu diệt thương hiệu Việt”

0
797

Hiện nay có rất nhiều thương hiệu Việt Nam đã bị bán, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ không còn gì nếu các thương hiệu lớn do người Việt cất công xây dựng đang dần bị bán đi.

Nói về xu hướng này, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm thương hiệu, trường Đại học Thương Mại chia sẻ quan điểm khác với chúng tôi.

*Thời gian vừa qua các đại gia nước ngoài liên tiếp vào VN thâu tóm các thương hiệu lớn của VN. Nhiều người tỏ ra khá tiếc nuối khi các doanh nghiệp tự bán mình. Quan điểm của ông về xu hướng này ở VN?

Việc mua bán thương Việt thời gian qua diễn ra rất sôi động. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì việc mua bán doanh nghiệp là việc hoàn toàn bình thường. Đây là xu hướng chung của cả thế giới. Tuy nhiên, VN có lẽ chưa có nhìn nhận thực sự khách quan về việc này nên cho rằng việc doanh nghiệp VN bị bán cho nước ngoài dường như là một thất bại.

Việc các thương hiệu Việt bị mua lại rồi bị xóa sổ cũng là chuyện thường. Nếu các thương hiệu này không bị mua lại thì cũng sẽ bị mất đi trong bối cảnh cạnh tranh bởi ngày càng có nhiều thương hiệu nước ngoài mới, vượt trội hơn, thương hiệu Việt không chịu đổi mới sẽ dần bị đào thải.

Bài toán đặt ra là nước ngoài mua thương hiệu Việt không phải để giết chết thương hiệu VN mà họ thấy cái gì có lợi thì họ sẽ làm. Vì thế, phải nhìn khách quan, bản thân doanh nghiệp quá cũ, không còn cơ hội phát triển nên việc người ta xóa đi nên đừng tiếc nuối. Việc này là phải chấp nhận, trên thế giới cũng diễn ra như vậy thôi.

Ngày nay đã có những doanh nghiệp nghĩ đến việc sẽ xây dựng thương hiệu cho trưởng thành, rồi bán lại cho nước ngoài thu lợi nhuận. Đây là một phương thức kinh doanh đã có từ lâu trên thế giới, Việt Nam mình cũng đang bắt đầu có trào lưu này. Vì vậy nên đừng đau xót khi thương hiệu VN bị bán ra nước ngoài bởi vì nhiều khi đó là định hướng kinh doanh của người làm kinh doanh và của các doanh nghiệp lớn.

Bài toán đặt ra là nước ngoài mua thương hiệu Việt không phải để giết chết thương hiệu VN mà họ thấy cái gì có lợi thì họ sẽ làm.

* Ông đề cập đến việc các thương hiệu Việt bị xóa sổ sau khi được bán cho nước ngoài. Xin ông chia sẻ rõ hơn điều này?

Có một điều chắc chắn là sau các thương vụ mua bán số thương hiệu Việt được giữ lại không nhiều vì các thương hiệu đến một lúc bị suy thoái và không tồn tại trên thị trường được nữa họ sẽ thay thế bằng một thương hiệu mới hoàn toàn. Đó là quy luật !

Nên vấn đề đặt ra cho việc muốn giữ thương hiệu này phải duy trì tên tuổi, độ mới mẻ trên thị trường hoặc khi bán thì thương thảo các điều kiện nhất định. Đây là bài toán không đơn giản, liên quan đến nhiều vấn đề.

Tôi không e ngại thương hiệu Việt Nam mất đi mà e ngại những thương hiệu nào sẽ còn lại và làm thế nào để cạnh tranh tốt trên thị trường. Còn chuyện mất đi là chuyện đương nhiên, yếu thì phải bị thâu tóm, đó là tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập.

Các đại gia nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh và hệ thống quản trị chuyên nghiệp chắc chắn trong thời gian tới chúng ta sẽ thấy thương hiệu VN dần rời khỏi tay doanh nghiệp Việt.

* Gần đây các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Bằng chứng là xu hướng M&A trong lĩnh vực bán lẻ rất sôi động thời gian qua. Ông nhận định thế nào về chiến lược kinh doanh của các DN bán lẻ nước ngoài khi vào VN?

Sắp tới còn nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đến VN mua thương hiệu chứ không chỉ Nhật Bản hay Thái Lan. Ví dụ như Nhật Bản họ vừa xây dựng một thương hiệu mới hoàn toàn như Aeon mặt khác vừa mua lại các doanh nghiệp bán lẻ.

Chiến lược kinh doanh này thể hiện bước đi chắc chắn, có tác dụng hỗ trợ nhau rất nhiều. Một khi mua được thương hiệu khá nổi tiếng ở Việt Nam đồng nghĩa với việc bước được một chân vững chắc, ổn định doanh số, thu nhập… Việc này sẽ mang lại cho họ lợi ích kinh tế ngay trước mắt. Đây là bài toán rất khôn ngoan và có lẽ những nhà quản trị doanh nghiệp đều nhìn thấy, chủ yếu là họ triển khai thế nào, tiềm lực cho phép hay không?

Hơn nữa, việc các doanh nghiệp nước ngoài bán lẻ vào Việt Nam cũng có mặt lợi là người dân được tiêu dùng các sản phẩm chất lượng của nước ngoài qua các hệ thống phân phối chính thức.

* Như ông nói việc mua bán doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu. Vậy làm sao để các thương hiệu Việt được giá khi bán đi, thưa ông?

Để bán được giá có nhiều yếu tố: thời điểm bán, tìm đối tác để bán, bán cho người rất cần thì được giá hơn người không thực sự cần, bán bao nhiêu %, độ phủ sóng của thương hiệu sẽ bán… Các doanh nghiệp cần phải hệ thống lại trước khi có ý định bán thương hiệu.

* Có luồng ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt đang bị thâu tóm nhiều bởi vì Việt Nam đang có sức thu hút lớn với nhà đầu tư nước ngoài. Ông nhận định thế nào về sức hút của thương hiệu Việt ở thời điểm này? Việc gia nhập AEC, FTA, TPP…có tác động đến xu hướng M&A?

Rõ ràng cho đến thời điểm này các thương hiệu Việt đang có sức thu hút và lực hấp dẫn đối với các thương nhân nước ngoài.

Rõ ràng cho đến thời điểm này các thương hiệu Việt đang có sức thu hút và lực hấp dẫn đối với các thương nhân nước ngoài. Thứ nhất, thương hiệu Việt đã có chỗ đứng nhất định trên thị Việt Nam, thứ 2 là nước ngoài nhận định thị trường Việt Nam có xu hướng tăng trưởng mạnh.

Một số thương hiệu Việt đang có sức hút đặc biệt với người dân nên rất được nước ngoài săn đón và muốn mua lại. Đừng lo cho doanh nghiệp nước ngoài, họ đã mua thương hiệu Việt thì họ đã có tính toán cả rồi.

Đặc biệt, đừng quá bi quan về việc bán thương hiệu cho nước ngoài bởi chính doanh nghiệp Việt cũng đang đem tiền đầu tư sang Lào, Myanma, Campuchia…đây là cuộc cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp yếu sẽ bị đào thải. Nhìn vào thực tế Việt Nam còn rất nhiều thương hiệu mới năng động, triển vọng đang lớn dần.

Việc gia nhập TPP, AEC, FTA…có tác động rất lớn cũng như mang cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận Việt Nam và ngược lại. Chắc chắn xu hướng M&A sẽ sôi động hơn rất nhiều.

* Xin cám ơn những chia sẻ của ông!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here