Tinh thần “Không gì không thể” đã giúp Phạm Đình Nguyên vượt mặt nhiều “ông lớn” để trở thành thị trưởng người Việt đầu tiên của một thị trấn Mỹ. Tinh thần dám thách thức ấy đang tiếp lửa cho anh trong cuộc khởi nghiệp với cà phê PhinDeli.
Phạm Đình Nguyên kể với tôi về hành trình từ Buford tới PhinDeli của anh rằng, đó là một khởi hành cô độc, thậm chí có nhiều chông gai và cả thất bại. Nhưng với anh, mọi việc xảy ra đều có lý do của nó và chừng nào anh còn giữ vững tinh thần tự chủ của một người dám đi đến cùng lựa chọn của mình, chừng đó cuộc hành trình còn đang tiếp diễn. Tâm sự của anh làm tôi nhớ đến câu nói của ai đó, đại ý sự hạnh phúc không phải ở đích đến, mà nằm trên hành chính đến đích.
* Ý định tham gia đấu giá mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ – Buford – xuất phát từ niềm tự hào dân tộc của một người Việt Nam hay để phục vụ cho một kế hoạch kinh doanh dài hơi và tham vọng của anh sau đó? Tôi nghe nói, hai doanh nhân thân thiết với anh là ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên của Công ty Kinh Đô đã bày tỏ sự ủng hộ với anh ngay sau khi anh tham gia đấu giá?
Ý định đó đến từ cả hai. Đầu tiên, nó đến từ ý nghĩ của cá nhân tôi trong việc phát triển một thương hiệu Việt mang tính toàn cầu. Mà cụ thể là cái gì thì lúc đó tôi hoàn toàn không biết. Cho đến khi tình cờ đọc được tin trên báo điện tử VnExpress là có cuộc đấu giá thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, Buford, tôi tự nhủ: “Cũng hay, mình sẽ tham gia”. Một người sở hữu được thị trấn ở Mỹ, làm thị trưởng thị trấn đó chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để tạo dựng thương hiệu. Nói là làm, tôi quyết định xách vali lên đường. Khó khăn đầu tiên là xin visa, vì chỉ còn có hơn 10 ngày nữa là tới ngày đấu giá, trong khi bình thường xin visa vào Mỹ phải mất hơn hai tuần cho đến một tháng. Tôi nhớ hôm đó lại là ngày thứ bảy, nhưng vẫn nghĩ mình cứ cố gắng xem sao. Tôi mạnh dạn yêu cầu được phỏng vấn khẩn cấp trong vòng 24 tiếng. Chưa đầy sáu tiếng sau khi điền thông tin trên mạng cho Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, tôi nhận được hồi âm là tôi có thể đăng ký phỏng vấn bất kể ngày nào trong tuần sau.
Khi tham gia đấu giá thì lòng tự hào dân tộc của một công dân Việt Nam mới thực sự trỗi dậy mạnh mẽ. Có rất nhiều người đến tham gia từ nhiều quốc gia, đặc biệt là người Hoa. Đài CCTV của Trung Quốc đã cử hẳn một ê-kíp đến ghi hình buổi đấu giá. Họ rất ngạc nhiên khi biết tôi là người Việt và họ tìm cách tiếp cận tôi khi có kết quả buổi đấu giá với thông báo là một người Việt đã thắng đấu giá. Sau đó tôi đổi tên thị trấn thành PhinDeli Town Buford vì muốn giữ lại lịch sử đồng thời tôi muốn gắn thương hiệu PhinDeli của tôi vào.
Hai anh Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên của công ty Kinh Đô là những bậc đàn anh đáng kính. Lúc mua xong thị trấn, tôi có gọi điện về báo cho hai anh và cả hai đều rất ủng hộ ý tưởng này.
* “Không gì không thể” là một slogan hay và phù hợp với mục tiêu mua lại Buford của anh. Liệu mục tiêu đưa cà phê PhinDeli chinh phục thị trường Mỹ từ “cứ điểm” Buford PhinDeli có phải là điều “có thể” không?
Tôi còn nhớ, một ngày sau buổi đấu giá tôi có trả lời phỏng vấn một tờ báo. Đại ý là, người Việt chúng ta thường tự ti, hay nghĩ mọi việc là không thể! Sau đó tôi thấy câu slogan này cũng rất hay nên dịch sang tiếng Anh là “The Can-do coffee”. Nghĩa là cà phê Việt giúp bạn tỉnh táo, đem đến cho bạn một tinh thần “Không gì không thể”. Slogan cũng là một dạng văn hóa mới mà tôi muốn thiết lập cho công ty PhinDeli. Trong mọi hoạt động chúng tôi làm, từ bán hàng, tiếp thị cho đến phát triển sản phẩm, chúng tôi luôn “thách thức” những ý nghĩ truyền thống bằng cách đặt ra câu hỏi: chúng ta có thể làm cách khác được không, với chi phí thấp hơn, nhanh hơn nhưng cho kết quả tốt hơn không?
* Kinh nghiệm làm việc cho Tập đoàn ICP và IDS (công ty phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh do Phạm Đình Nguyên thành lập – PV) chắc chắn có ích cho công việc điều hành PhinDeli của anh hiện giờ? Có thông tin không chính thức là PhinDeli phân phối cả một số sản phẩm hàng tiêu dùng khác, ngoài cà phê, sang Mỹ thông qua IDS. Điều đó có chính xác không?
Kinh nghiệm làm cho X-Men/ICP của tôi ít nhiều ảnh hưởng đến cách nghĩ cũng như cách làm của tôi ở PhinDeli. X-Men là câu chuyện tạo nguồn cảm hứng theo kiểu David đấu với người khổng lồ Goliath về một thương hiệu Việt Nam đấu với các “đại gia” đa quốc gia như Unilever. Tôi còn nghe nói, sau đó Unilever có đánh tiếng mua X-Men, nhưng bên ICP không chịu bán.
PhinDeli cũng là một hành trình đầy cảm hứng tương tự với cốt lõi là đem tinh hoa cà phê Việt đến nước Mỹ, được xem là thị trường cà phê lớn nhất thế giới hiện nay. IDS hiện nay phân phối một số sản phẩm như Castrol, X-Men, L’Oreal, Vissan… tại Việt Nam, nhưng chỉ tập trung phân phối PhinDeli tại thị trường Mỹ.
* Thực chất “Tuyên ngôn cà phê Việt” là gì: một chiêu thức marketing cho cà phê PhinDeli, giống như một thương hiệu cà phê khác chọn chiêu thức “Niềm tự hào dân tộc” hay nó là con đường để chinh phục thị trường Mỹ?
Chúng tôi muốn khẳng định sứ mệnh đem tinh hoa cà phê Việt đến với nước Mỹ. Và sứ mệnh đó được chúng tôi sáng tạo thông qua “Tuyên ngôn cà phê Việt”.
Nếu nói nó là chiêu thức marketing thì cũng chẳng sai. Cốt lõi là chúng tôi muốn khẳng định sứ mệnh đem tinh hoa cà phê Việt đến với nước Mỹ. Và sứ mệnh đó được chúng tôi sáng tạo thông qua “Tuyên ngôn cà phê Việt”, lấy ý tưởng từ Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tuyên ngôn này được chúng tôi in to lên mặt sau túi giấy đựng hộp quà PhinDeli tại buổi lễ giới thiệu thị trấn Cà phê Việt PhinDeli. Nhiều khách mời rất bất ngờ với cách sáng tạo của PhinDeli, thậm chí có tờ báo còn trích dẫn đầy đủ tuyên ngôn này.
* Việc mời Tập đoàn Kinh Đô tham gia đầu tư và trở thành cổ đông chiến lược của PhinDeli có thể coi là một quyết định đúng đắn của anh không? Tại sao anh sớm chấm dứt sự hợp tác này dù đang cần có bạn đường xa?
Triết lý của tôi là: muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi với bạn. Tôi đã đi một phần đường, mặc dù chỉ một đoạn chưa dài. Phần còn lại cần phải đi chung với bạn, những người chia sẻ được tầm nhìn, hỗ trợ bổ sung cho mình những gì mình còn yếu, không phải là sở trường.
Phần mà PhinDeli chưa mạnh là hệ thống phân phối, khâu tổ chức sản xuất. Đó là lý do tôi muốn tìm một người bạn đường. Vì nhiều lý do, chúng tôi không đi tiếp được với nhau. Kinh Đô lúc đó rất bận rộn với việc tiếp quản của Tập đoàn Mondelez International cho nên việc hợp tác chưa được đặt lên hàng đầu.
* Thiếu sự hậu thuẫn của một cổ đông lớn, PhinDeli có lo ngại khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và mục tiêu kinh doanh của mình tại Mỹ bị ảnh hưởng? Có khả năng PhinDeli sẽ bắt tay với một đối tác mới hay không?
Đúng là chúng tôi đang thiếu hai mảnh ghép quan trọng trong bức tranh PhinDeli. Đó là mảng phân phối, hậu cần ở Việt Nam và một sự hậu thuẫn mạnh tại thị trường Mỹ. Bây giờ là lúc chúng tôi cần có bạn đường để có thể đi xa hơn nữa. Tôi cũng để ngỏ cơ hội hợp tác với một đối tác mới có thể hỗ trợ chúng tôi để khắc phục điểm yếu, giúp PhinDeli tập trung vào phát triển sản phẩm mới, công tác tiếp thị, quảng cáo…
* Mảng cà phê rang xay của PhinDeli hiện nay hoạt động thế nào? Theo tôi biết, các đối thủ lớn trên thị trường cà phê đã chiếm gần hết thị phần rồi. Mảng cà phê hòa tan của PhinDeli trong tương lai có phải là mảng cốt lõi không?
Trước mắt, mảng cà phê rang xay của PhinDeli tham gia vào thị trường trong nước với mục tiêu xây dựng hình ảnh thương hiệu hơn là đem lại doanh số, lợi nhuận trong ngắn hạn. Hiện tại, phần cốt lõi của PhinDeli là mảng cà phê hòa tan mà chúng tôi vừa tung ra. Nhờ có sự hỗ trợ phát triển thị trường của tập đoàn phân phối DKSH nên chúng tôi đã phủ nhanh hơn, rộng hơn so với thời kỳ đầu tự mình phải lo phân phối.
* Anh hãy chia sẻ ngắn gọn về ý tưởng mở chuỗi quán cà phê PhinDeli?
Chuỗi quán cà phê là một phần trong kế hoạch xây dựng thương hiệu, quảng bá PhinDeli nhưng không nhất thiết chúng tôi phải vội vàng làm ngay. Chúng tôi muốn suy nghĩ, nghiên cứu cho thật thấu đáo. Chuỗi quán cà phê đó phải độc đáo, khác biệt, theo đúng tinh thần “Không gì không thể”. Tôi không muốn làm cho có như người khác. Tôi hy vọng sẽ sớm giới thiệu được mô hình này đến với các khách hàng yêu cà phê.
* Tôi muốn câu chuyện “Không gì không thể” của anh khích lệ tinh thần khởi nghiệp khôn ngoan của các bạn trẻ Việt Nam. Trong thực tế, khởi nghiệp cần được hiểu một cách đầy đủ, tỉnh táo là một cuộc chơi khắc nghiệt, chứ không phải một thứ “mốt”, do vậy nó cần được nghiên cứu kỹ lưỡng từ ý tưởng, vốn, nhân lực, khảo sát thị trường, chiến lược thương hiệu và kinh doanh… Một cuộc khởi nghiệp cần các yếu tố nào để thành công, ngoài đam mê và sự tập trung?
Thất bại là chuyện bình thường, là lẽ đương nhiên. Vấn đề là bạn phải tránh không mắc lại sai lầm trước đó.
Nói thật là tôi khởi nghiệp chậm hơn so với những người khác. Sau khi đã đi làm hơn 12 năm, tôi mới bắt đầu thành lập Công ty IDS, sau đó là PhinDeli. Trong thời gian đó tôi cũng đã tích lũy đủ kinh nghiệm, mối quan hệ cùng những kỹ năng cần thiết cho việc khởi nghiệp. Anh nói rất đúng, khởi nghiệp là hành trình rất dài, đòi hỏi ở người khởi nghiệp sự bền bỉ và một cam kết lâu dài. Có rất nhiều lý do để người khởi nghiệp bỏ cuộc giữa chừng. Bản thân tôi cũng có nhiều lúc cảm thấy ngã lòng, trách mình thiếu gì con đường không đi, tại sao mình chọn cho mình con đường khó vậy? Nhưng rồi những giây phút đó trôi qua nhanh. Tôi lại tìm thấy một nguồn năng lượng mới từ việc đọc báo, trò chuyện với những người đồng nghiệp, những người bạn đáng kính. Và thế là tôi tiếp tục những công việc dang dở của mình.
* Trong khi nhiều bạn trẻ chưa hình dung hết chặng đường chông gai khi khởi nghiệp, anh có lời khuyên nào để khởi nghiệp không phải là “xây lâu đài trên cát”, giúp các bạn có ý định khởi sự kinh doanh tránh những cú sốc khi thất bại?
Thất bại là chuyện bình thường, là lẽ đương nhiên. Vấn đề là bạn phải tránh không mắc lại sai lầm trước đó. Quan trọng hơn là phải chuẩn bị nguồn lực trước – từ ý tưởng, kinh nghiệm, mối quan hệ, tài chính… trước khi bắt đầu khởi nghiệp Bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho một sự hy sinh lớn. Khi mọi người vui vẻ dùng bữa tối thì có thể lúc đó bạn đang phải cô độc trên đường ở đâu đó hoặc phải bù đầu làm việc trong văn phòng. Đừng bao giờ xem khởi nghiệp là “mốt” thời thượng như nhiều người thường tô vẽ.
Lời khuyên của tôi cho những ai thật sự muốn khởi nghiệp là: nếu bạn vẫn còn đi học thì hãy tìm xem mối quan tâm của mình là gì, bạn thật sự đam mê cái gì và bạn muốn làm gì trong cuộc đời. Hãy bắt đầu đeo đuổi mối quan tâm của bạn hơn là sáng đến giảng đường chiều đi về. Và nên đi làm trước khi khởi nghiệp. Tốt nhất là dấn thân đi làm trong những ngành bạn thực sự yêu thích. Cuộc đời là trường đại học lớn nhất và… miễn phí. Sai lầm là giá phải trả cho thành công sau đó.
* Xin cảm ơn anh!