Giám đốc WB: Việt Nam sẽ có nhiều bà Mai Kiều Liên và bà Thái Hương!

0
820

Trong lĩnh vực kinh doanh, Việt Nam có rất nhiều CEO nữ thành công và được thế giới biết đến, điển hình là bà Mai Kiều Liên (CEO Vinamilk) và bà Thái Hương (CEO TH True Milk). Việt Nam sẽ còn nhiều nữ doanh nhân thành công như vậy.

Sáng ngày 6/3, tại Hà Nội, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN 2015 với chủ đề “Doanh nhân nữ ASEAN trong cộng đồng kinh tế ASEAN: Biến cơ hội thành hiện thực”.

Bên lề hội thảo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong nền kinh tế hiện nay.

* Bà nhận định thế nào về những khó khăn mà phụ nữ gặp phải trong kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính? Theo bà, phụ nữ làm trong lĩnh vực tài chính có khó khăn gì hơn so với nam giới?

Tôi muốn nói đến những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trước. Điều quan trọng nhất là họ phải nhận thức được những khó khăn mà họ cần đối mặt. Nhận thức được những khó khăn, thách thức phía trước sẽ giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc tìm ra cách giải quyết vấn đề.

Tại hầu hết các nước trên thế giới, số lượng doanh nhân nữ vẫn còn khá nhỏ, trong khi nam giới chiếm đa số. Nhiều phụ nữ vẫn còn cảm thấy khó khăn và ngại tham gia sân chơi kinh tế. Đôi khi, họ gặp phải những khó khăn về nhận thức xã hội, bình đẳng giới, áp lực cân bằng giữa gia đình và công việc…

Phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội cũng như trong nền kinh tế. Chính vì vậy, cần có những tổ chức hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ và vì quyền lợi của phụ nữ. Phụ nữ cần có quyền bình đẳng như nam giới trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế mỗi quốc gia, cũng như trong các vấn đề xã hội.

Trong lĩnh vực tài chính, phụ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nam giới, một phần bởi vì phụ nữ phải dành rất nhiều thời gian cho gia đình, các công việc nội trợ, chăm sóc con cái… Như vậy, về thời gian dành cho công việc, phụ nữ đã không thể bằng nam giới.

Phụ nữ thường “yếu đuối” hơn nam giới và đôi khi họ cho rằng mình cần được hỗ trợ. Do vậy, trong sân chơi kinh tế, phụ nữ cần chủ động tiến lên vì họ cũng có vai trò quan trọng không khác gì nam giới. Phụ nữ không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà còn có thể đóng góp, tham gia vào các hiệp hội, tổ chức phát triển kinh tế.

Hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ trong lĩnh vực tài chính ngày càng quan trọng và được quan tâm. Phụ nữ, ở bất cứ độ tuổi nào, cũng đều có những thế mạnh riêng và họ cần phát huy thế mạnh của mình trong những lĩnh vực nào mà họ tham gia. Phụ nữ cần được khuyến khích tham gia vào lĩnh vực kinh tế, tài chính. Hiện nay, tỷ lệ nữ giới trong lĩnh vực tài chính cũng đang ngày càng tăng lên.

* Với vai trò là Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, đã từng tiếp xúc và làm việc với các nữ doanh nhân Việt Nam, bà đánh giá thế nào về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong nền kinh tế hiện nay?

Nói về phụ nữ Việt Nam, tôi nghĩ có rất nhiều điều đáng để học hỏi. Theo những gì tôi được biết, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa để khuyến khích doanh nhân nữ tại Việt Nam.

Chính phủ đặt mục tiêu thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo kinh tế. Chính phủ, Quốc hội luôn quan tâm đến sự phát triển của phụ nữ, tìm kiếm những phụ nữ trẻ tiềm năng giữ các vị trí quan trọng trong một số cơ quan, bộ máy nhà nước.

Trong lĩnh vực kinh doanh, Việt Nam cũng có rất nhiều CEO nữ thành công và được thế giới biết đến, điển hình là bà Mai Kiều Liên (CEO Vinamilk) và bà Thái Hương (CEO TH True Milk) mới được tạp chí Forbes vinh danh “Top 50 nữ doanh nhân quyền lực Châu Á 2015”. Việt Nam sẽ còn nhiều nữ doanh nhân thành công như vậy.

Trong công tác quản trị, tôi cũng đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam có nhiều điểm mạnh như: chăm chỉ, chịu khó, luôn tìm cách vượt qua khó khăn, thử thách. Phụ nữ Việt Nam có tính cách dịu dàng nhưng trong những trường hợp quan trọng, họ cũng rất mạnh mẽ và quyết đoán. Đó là những lợi thế của phụ nữ Việt Nam trong công tác lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp.

Phụ nữ Việt Nam thường có nhiều nguyên tắc hơn nam giới, do vậy họ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam sẵn sàng đoàn kết với nhau, thành lập những đoàn thể, hiệp hội để hỗ trợ nhau phát triển.

* Hội nhập đang trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo bà, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, doanh nhân nữ Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?

Phụ nữ có thể làm tốt và thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Phụ nữ sẽ có những thế mạnh nhất định và cần phát huy những thế mạnh ấy đúng nơi, đúng thời điểm. Hội nhập thì cơ hội mang đến sẽ rất nhiều. Nếu như biết nắm bắt tốt cơ hội, phụ nữ Việt Nam hoàn toàn có thể tiến xa.

Tất nhiên, trong bối cảnh hội nhập, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên và khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Do đó, doanh nhân nữ Việt Nam cần tìm kiếm những “mảnh đất” tiềm năng, những thị trường mà doanh nghiệp của họ có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh để phát huy tốt lợi thế.

* Theo bà, những lĩnh vực nào mà phụ nữ có lợi thế hơn so với nam giới?

Mỗi người có một niềm đam mê riêng nên sẽ rất khó để khẳng định, lĩnh vực nào phụ nữ có lợi thế hơn nam giới. Tất nhiên, chúng ta thường quan niệm rằng, phụ nữ thường chu đáo, tỉ mỉ hơn nam giới nên họ sẽ thành công trong những công việc cần sự kiên nhẫn như kế toán, kiểm toán, thiết kế thời trang…

Nhưng theo tôi, nếu có đam mê và niềm tin, phụ nữ có thể thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào. Công nghệ, sáng tạo,… những lĩnh vực nào mà nam giới làm được thì phụ nữ cũng làm được.

Một xu hướng khá thú vị mà tôi thấy hiện nay là ngày càng có nhiều cô gái trẻ chọn lĩnh vực khoa học kỹ thuật – lĩnh vực mà chúng ta thường quan niệm chỉ dành cho nam giới, để theo đuổi. Phụ nữ có đầy đủ khả năng và kiến thức để làm bất cứ việc gì mà nam giới làm được, cũng như lĩnh vực khoa học kỹ thuật không chỉ dành riêng cho nam giới!

* Một số người cho rằng các yếu tố về thể chế, chính sách đang “kìm hãm” sự phát triển của doanh nhân nữ Việt Nam. Với cương vị là người đứng đầu một tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam, bà đánh giá thế nào về điều này?

Tôi không nghĩ vậy. Những chính sách của Chính phủ Việt Nam đều hỗ trợ cả nam giới và phụ nữ. Tất nhiên, chính sách thì chưa thể đầy đủ, trọn vẹn mà cần phải có thời gian để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn.

* Bà có lời khuyên nào dành cho phụ nữ Việt Nam trong kinh doanh không?

Hãy luôn theo đuổi ước mơ. Chăm chỉ và ham học hỏi là những yếu tố giúp mang lại thành công. Bên cạnh đó, phụ nữ Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu thị trường mà họ sẽ kinh doanh, những cơ hội và thách thức là gì. Đừng bao giờ từ bỏ và đầu hàng trước khó khăn.

Trong thời gian tới, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, cơ hội cho phụ nữ Việt Nam sẽ nhiều hơn và họ cần nắm bắt được những cơ hội đang tới. Họ cần thiết lập những mạng lưới quan hệ, nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để chủ động hội nhập sâu rộng.

Là phụ nữ, hãy luôn quan niệm rằng: Chúng ta có thể làm tốt hơn. Chúng ta cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước như nam giới.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here