Vì sao Apple và IBM bỗng nhiên “mặn nồng” trở lại?

0
773

Từng đứng ở hai bờ chiến tuyến trong cuộc chiến PC, Apple và IBM bỗng nhiên bắt tay nhau thân mật với hàng loạt thỏa thuận hợp tác. Điều gì đã xảy ra với hai ông lớn này?

IBM – Apple: hai ông lớn trong làng công nghệ từng là đối thủ “không đội chung trời”, giờ đây đang làm lành với nhau trở lại. Hồi đầu tháng 6/2015, IBM lần đầu tiên khuyến khích nhân viên của họ sử dụng máy tính Mac trong công việc – điều mà người ta tưởng chừng sẽ không bao giờ xảy ra bởi IBM là ông tổ của những chiếc máy tính PC. CEO Apple là Tim Cook thường xuyên có các cuộc gặp gỡ bàn thảo về việc hợp tác giữa hai bên, trái ngược với thái độ “căm ghét” IBM của Steve Jobs trước đây. Điều gì đã xảy ra giữa hai tên tuổi này?

Khởi nguồn từ Steve Jobs, Apple và IBM đã có thời kỳ đứng hai đầu chiến tuyến. Những chiếc PC của IBM thống trị thị trường máy tính trong thập niên 80, khiến cho máy tính Mac gần như không có chỗ đứng. Jobs không tiếc lời chê bai những chiếc PC của IBM, cho rằng chúng quá phức tạp và gây khó khăn cho người dùng. “Nếu vì một lý do nào đó mà Apple phạm sai lầm và để thua IBM, cảm nghĩ cá nhân của tôi đó là chúng ta sẽ có một kỷ nguyên bóng tối trong khoảng 20 năm đối với ngành công nghiệp máy tính” – Steve Jobs cho biết. Apple về sau còn không sử dụng con chip của IBM trên máy tính của mình mà chuyển sang bắt tay với Intel.

Thế nhưng, có một yếu tố đã làm thay đổi lịch sử, thúc đẩy Apple và IBM hàn gắn quan hệ với nhau: iPad. Liên tiếp những quý gần đây, doanh số iPad tụt giảm. Trong quý I/2015, hãng chỉ bán được 21,1 triệu máy, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước đó. Sang quý II, con số còn tồi tệ hơn với chỉ 12,6 triệu máy. Chu kỳ nâng cấp iPad quá dài, cùng với việc tablet này không có những thay đổi cách mạng để thu hút người dùng là những nguyên nhân chính của sự tụt giảm. Apple nhận thấy họ cần làm gì đó để vực dậy tình hình. Và Tim Cook nghĩ tới một thị trường khác cho sản phẩm này: doanh nghiệp. Đây là thị trường mà khách hàng có túi tiền rủng rỉnh và sẵn sàng chi ra những số tiền khổng lồ để mua sắm thiết bị có logo Apple, nếu chúng được việc.

Apple có thể rất nổi tiếng trên thị trường người dùng phổ thông, nhưng họ chưa bao giờ được giới doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Từ trước đến nay, mảng doanh nghiệp được coi là rất phức tạp và khó khăn, và nó cũng không phải là thế mạnh của Apple so với những công ty lớn khác như Microsoft, Dell, HP, Lenovo. Thiết bị sử dụng trong môi trường này phải là BlackBerry, là máy tính của Lenovo… Bởi vậy, nếu một mình tham chiếm, hãng sẽ gặp muôn vàn khó khăn và có nguy cơ thất bại rất cao. IBM là cái tên xuất hiện trong suy nghĩ của Tim Cook khi ông muốn khám phá miền đất mới.

Kể từ khi bán mảng máy tính cá nhân cho Lenovo năm 2005, cái tên IBM dần biết mất khỏi thị trường người dùng phổ thông. Tuy nhiên, trong giới doanh nghiệp và các tổ chức trên thế giới, cái tên IBM lại là một tên tuổi lớn. IBM có nhiều giải pháp để giúp các công ty, tổ chức lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân tích số liệu. Họ còn sở hữu những công cụ giúp đơn giản hóa việc phát triển phần mềm xuyên suốt nhiều hệ điều hành khác nhau.

Đây chính là điểm mạnh mà Apple muốn khai thác từ IBM. Apple muốn IBM sử dụng năng lực và hiểu biết của mình về các yêu cầu của doanh nghiệp để chỉnh sửa lại các ứng dụng chạy trên iOS. Sự xuất hiện của IBM sẽ đánh tan những hoài nghi về việc iOS không hỗ trợ cho các mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, một khi sản phẩm của việc hợp tác này được chính thức ra mắt. Trên thực tế, hàng loạt các ứng dụng dành cho doanh nghiệp, tổ chức đã được Apple và IBM công bố: Plan Flight dành cho các công ty du lịch và vận chuyển; Advise & Grow phục vụ các ngân hàng và công ty tài chính; Retention dành cho các công ty bảo hiểm; hay Case Advice dùng trong chính phủ các quốc gia.

IBM cũng được hưởng lợi từ sự bắt tay với Apple. Mảng phần cứng không còn là lợi thế của công ty, sau khi bán nốt bộ phận máy chủ cho Lenovo với giá 2,3 tỷ USD. Làm thế nào để IBM giữ vững vị trí hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ và phần mềm cho doanh nghiệp, trong khi không có bộ phận phần cứng thuộc quyền sở hữu của mình? Hợp tác với Apple là một ý hay. Giống như thị trường phổ thông, tương lai của điện toán doanh nghiệp cũng sẽ là thiết bị di động được kết nối vào các dịch vụ đám mây nào đó, xoay xung quanh là nhiều dịch vụ hỗ trợ. Apple là ông vua của làng di động, và bắt tay với “Táo khuyết” sẽ là sự kết hợp hoàn hảo nhất dành cho IBM.

Thế nhưng, không phải con đường sẽ trải đầy hoa hồng cho sự hợp tác này. Hiện nay 97% trong số các công ty thuộc top Fortune 500 đang sử dụng thiết bị iOS; tuy nhiên Tim Cook từng thừa nhận rằng mức độ thâm nhập thị trường còn thấp, nhất là với các sản phẩm di động.

Trên thực tế, có một số lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn đang dùng iPhone và iPad. Tuy nhiên, đây chỉ là thiểu sổ so với lượng nhân viên đang làm việc trong nhóm Fortune 500 này. Số lượng công ty thật sự sử dụng cả hàng nghìn thiết bị Apple cho công việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nó đồng nghĩa với việc cuộc “giải cứu” iPad của Apple, và tham vọng dẫn đầu mảng doanh nghiệp của IBM, vẫn còn nhiều thách thức, chông gai trước mắt.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here