Tỷ lệ hàng tồn kho thành phẩm của HTC đã vọt lên mức cao kỷ lục tới 2,35% tổng tài sản vào quý vừa qua. Trong suốt thời hoàng kim của công ty, con số này chỉ dao động ở mức trên 1%.
Đi sâu vào báo cáo kết quả kinh doanh của một tập đoàn – bỏ qua dữ liệu về biên lợi nhuận và tốc độ phát triển doanh thu, ẩn đằng sau bảng cân đối kế toán – là một con số nói cho bạn rất nhiều điều về sự sống yếu ớt của nhà sản xuất điện thoại di động HTC. Trong trận chiến điện thoại thông minh toàn cầu, các thương hiệu thông thường được đánh giá thông qua thị phần, doanh thu, lợi nhuận và quảng cáo. Tuy nhiên, một danh mục gọi là hàng tồn kho thành phẩm dùng để chỉ số lượng điện thoại di động đã được sản xuất nhưng chưa bán, có thể cho thấy HTC đang gặp vấn đề lớn.
Hiện số lượng điện thoại của HTC đang chất đống trong nhà kho và trên các kệ hàng. Cổ phiếu của công ty đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ sau khi giảm dự đoán doanh thu vào ngày 5/6 và ghi bút toán giảm 93 triệu USD.
Tỷ lệ hàng tồn kho thành phẩm của HTC đã vượt lên mức cao kỷ lục, chiếm tới 2,35% tổng tài sản vào quý vừa qua. Trong suốt thời hoàng kim của công ty, con số này chỉ dao động ở mức trên 1%.
“Mức độ gia tăng của tỷ lệ hàng tồn kho thành phẩm có thể là dấu hiệu cho thấy mẫu điện thoại cao cấp mới nhất của HTC là M9 có doanh số bán hàng không tốt như mong đợi. Chiếc điện thoại này gặp phải quá nhiều đánh giá tiêu cực từ các chuyên gia công nghệ và nó không thể đủ sức cạnh tranh với một số đối thủ được trang bị nhiều tính năng tốt như Samsung với S6 hay iPhone 6 và 6 Plus của Apple”, John Butler – một chuyên gia phân tích nói.
Hàng tồn kho, đôi khi được sử dụng như dữ liệu để đánh giá tình trạng kinh doanh thực tế bên trong của một công ty, nó được chia thành 3 loại: Nguyên vật liệu thô – những nguyên liệu dùng trong dây chuyền sản xuất; Sản phẩm chưa hoàn thành – vẫn trong quá trình sản xuất; Thành phẩm – những sản phẩm đã hoàn thành và được để trong nhà kho, đang vận chuyển hoặc thậm chí đặt trên các kệ hàng. Việc phân biệt rõ ràng giữa 3 loại này là vô cùng quan trọng.
Một công ty có hàng tấn nguyên vật liệu hay sản phẩm chưa hoàn thành không phải là thảm họa. Rất nhiều nguyên vật liệu có thể được dùng cho nhiều sản phẩm, vì vậy nếu trong trường hợp một chiếc điện thoại di động đối mặt với lượng cầu thấp, những nguyên vật liệu kể trên có thể được chuyển sang sản xuất sản phẩm khác một cách khá dễ dàng.
Tồn kho nhiều thành phẩm cho thấy tình trạng hết sức đáng lo ngại, nhất là trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng.
Tuy nhiên, tồn kho nhiều thành phẩm cho thấy tình trạng hết sức đáng lo ngại, nhất là trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Khi một chiếc điện thoại thông minh được lắp ráp và rời dây chuyền sản xuất, đồng hồ thời gian dường như bắt đầu đếm ngược. Trong ngành kinh doanh công nghệ với tốc độ di chuyển chóng mặt, những thiết bị tiêu dùng sẽ mất đi ánh hào quang nhanh chóng, doanh số bán hàng dần sụt giảm và những mẫu mã mới sẽ ra đời.
Bản thân Steve Jobs đã nhận ra Apple đang gặp phải vấn đề này khi quay lại công ty vào năm 1997. Thời điểm đó, Apple gần như sắp phá sản, ông đã nhận ra tỷ lệ hàng tồn kho thành phẩm của công ty đang ở mức 7,7%. Ngay lập tức, Jobs đã mời một bậc thầy trong lĩnh vực này từ IBM, chính là Tim Cook về để dọn dẹp mớ hỗn độn đó. Một năm sau, vào tháng 6/1998, tỷ lệ hàng tồn kho thành phẩm của Apple đã giảm xuống còn 1,7% – và một vài năm trở lại đây, con số này thậm chí không vượt quá 0,9%.
Motorola cũng gặp rắc rối tương tự. Vào cuối năm 2008, lượng tồn kho thành phẩm của công ty này đạt mức 6,1%. Cùng quý đó, họ công bố mức thua lỗ kỷ lục 3,6 tỷ USD, gây ra đợt sa thải nhân viên khổng lồ và cuối cùng kết thúc số phận của công ty 80 năm tuổi này.
Tuy vậy, có nhiều thành phẩm tồn kho không phải luôn luôn là tín hiệu xấu. Bằng chứng là Nokia. Lượng tồn kho thành phầm của công ty này đã leo lên mức 14% vào năm 1995 trước khi khơi mào cho thập kỷ doanh số bán hàng bùng nổ của công ty và lần đầu trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, HTC không cho thấy tốc độ phát triển bùng nổ và số lượng hàng tồn kho thành phẩm kể trên là tín hiệu đáng báo động với các nhà đầu tư. HTC từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Cũng phải nói thêm rằng, lượng dự trữ thấp dẫn đến không đủ khả năng cung cấp sản phẩm cũng là một vấn đề. Qualcomm đã rơi vào tình huống này 3 năm trước, buộc rất nhiều nhà sản xuất điện thoại phải đẩy lùi thời hạn ra mắt sản phẩm vì nhà cung cấp chip không đáp ứng kịp.
Thực tế, HTC đã đối mặt với sự thiếu hụt các thành phần lắp ráp vào năm 2011 – thời kỳ họ đang vượt qua cả Apple tại thị trường Mỹ – đẩy công ty đến quyết định ký hợp đồng cung cấp dài hạn với các nhà cung cấp để chắc chắn về nguồn cung và giá thành hợp lý. Như vậy, việc ghi giảm bút toán vào tháng này của HTC có thể liên quan đến những hợp đồng cung cấp được ký kết vào năm 2011.