Chọn Kido, Đông Á Bank được gì?

0
692

Vì sao một công ty thực phẩm như Kido Group lại muốn nhảy vào ngành ngân hàng thông qua một cái tên đang sa sút như Đông Á?

Những trận bão kinh tế dài đằng đẵng vừa qua khiến không ít ngân hàng phải bước đi xiêu vẹo. Ngay cả những ngân hàng một thời oanh liệt cũng phải tạm giã từ hào quang để xắn tay vào công cuộc phục hồi cơ đồ. Bài học Ngân hàng Á Châu, Sacombank, Eximbank… trở thành những bằng chứng sống động. Và ngày hôm nay, câu chuyện đó đang diễn tiến tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), một ngôi sao sáng giá từng lọt vào mắt xanh của định chế tài chính quốc tế Citibank nhiều năm về trước. Tuy vậy, Citibank đã không cưới được “cô vợ” đẹp Đông Á ngày ấy.

Trong những thông tin mới nhất của tháng 7 này, Đông Á sẽ “gật đầu” với Kido (tên cũ là Kinh Đô – KDC), một ông lớn trong lĩnh vực thực phẩm. Cuộc “hôn nhân” này diễn ra trong tình trạng giá cổ phiếu của Đông Á duy trì ở mức thấp, xấp xỉ khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu. Tin thương trường rộ lên cho rằng, Kido sẽ bỏ ra 1.000 tỉ đồng để mua cổ phiếu ngân hàng này với giá lên đến 10.000 đồng/cổ phiếu. Câu chuyện chưa đến hồi ngã ngũ, nhưng giới đầu tư đều chưng hững trước thông tin trên, không chỉ bởi mức giá mua mà vì “chú rể” lại là người chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. Ẩn sâu trong thương vụ này là gì?

Đông Á thời vang bóng

Cách đây 3 năm, trong khi những ngôi sao sáng như Ngân hàng Á Châu, Sacombank tự lên “bàn mổ” để chữa bệnh thì Đông Á dường như chưa có động thái gì. Trong những lần được báo chí đề cập, đại diện Đông Á là ông Trần Phương Bình vẫn ít nói về việc hợp tác quốc tế, thay vào đó là sự nỗ lực tự thân vận động của chính ngân hàng.

Từ năm 2011 đến nay, tổng tài sản của Đông Á tăng trưởng 34% nhưng lợi nhuận lại bắt đầu giảm dần và có những thời điểm lỗ như quý IV/2014. Báo cáo tài chính của Đông Á cho thấy, ở quý này, Ngân hàng đã phải chịu khoản lỗ 122 tỉ đồng, khiến cho lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 chỉ còn 27 tỉ đồng, giảm 92% so với năm 2013. Nguyên nhân là hoạt động tín dụng giảm cùng với việc phải trích lập dự phòng nợ xấu lớn.

Liên quan đến tín dụng, năm 2014, Đông Á cho vay gần 52.000 tỉ đồng, giảm 2,4% so với năm trước. Năm 2013, mức tăng trưởng tín dụng cũng duy trì ở mức thấp. Ngược lại, số vốn huy động không ngừng tăng lên. Tổng tiền gửi khách hàng cuối năm 2014 của Đông Á đạt hơn 77.000 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2013 và 2012, tổng tiền gửi khách hàng cũng tăng lần lượt là 28% và 40%. Tỉ lệ dư nợ cho vay khách hàng/nguồn vốn huy động từ mức 91% năm 2011 đã giảm xuống còn khoảng 65% năm 2014.

Nhưng khó khăn của Đông Á không chỉ dừng lại ở đó, khi Ngân hàng còn phải đối mặt với tình trạng nợ xấu. Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 và kế hoạch năm 2015, ngân hàng này công bố nợ xấu đến cuối năm 2014 là 3,76%, tương đương 1.947 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa bao gồm 3.921 tỉ đồng nợ xấu đã bán cho tổ chức mua bán nợ quốc gia VAMC. Vậy nếu tính cả khoản này thì tỉ lệ nợ xấu của Đông Á lên mức hơn 11%.

Những con số tài chính “biết nói” này dù chưa thể lột tả hết các vấn đề nội tại của Đông Á nhưng cũng cho thấy phần nào khó khăn mà Ngân hàng đang gặp phải. Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu tăng vốn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Và có thể nhìn thấy được rằng “Đông Á cần tiền, Kido thì có tiền”.

Thực tế, tại Đại hội cổ đông năm ngoái, Đông Á đã đưa ra 2 phương án là tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu hoặc tăng trưởng quy mô bằng cách sáp nhập ngân hàng. Đến đầu năm 2015, có thông tin về việc Đông Á và Ngân hàng An Bình sẽ sáp nhập, song ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đông Á, người vừa tham gia Hội đồng Quản trị ngân hàng này không lâu, lại cho biết hai bên vẫn đang trong quá trình tìm hiểu.

Cho đến nay, thông tin về quá trình “tìm hiểu” chưa có kết quả. Còn giới đầu tư thì đánh giá sự kết hợp giữa hai ngân hàng này không dễ dàng (ít nhất trong năm nay). Một chuyên gia trong ngành (không muốn nêu tên) còn cho rằng, hai ngân hàng tốt kết hợp với nhau chưa chắc tạo ra một điều gì đó tốt hơn, huống hồ cả Đông Á và An Bình, cũng như nhiều ngân hàng khác đang phải đối mặt với chuyện nợ xấu và văn hóa quản trị khác biệt.

Trong lúc mối lương duyên giữa hai ngân hàng còn là ẩn số thì Đông Á công bố thông tin về việc Kido sẽ đầu tư 1.000 tỉ đồng vào Ngân hàng. Nếu Đại hội thường niên 2015 diễn ra ngày 21.7 tới đây thông qua thương vụ này và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì Đông Á sẽ tăng vốn thành công lên 6.000 tỉ đồng vào quý III/2015 như dự kiến. Số tiền thu được sẽ dùng cho việc đảm bảo và tăng cường khả năng thanh toán trên toàn hệ thống Đông Á.

Đó là câu chuyện của bên bán, còn bên mua thì sao?

Kido trong cuộc chơi ngân hàng

Kido là cái tên gây sốc trong thời gian gần đây, sau khi bán phần lớn mảng bánh kẹo cho một công ty Mỹ và lấn sân sang lĩnh vực thực phẩm với 3 mảng chính là mì gói, dầu ăn và cà phê. Tưởng chừng “bộ đôi” quyền lực Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, giới đầu tư lại bất ngờ trước thông tin Kido đầu tư vào Ngân hàng Đông Á. Lý do đầu tư, việc chọn lựa đối tượng mua bán và các khoản mục giao kèo có lẽ người trong cuộc mới rõ. Tuy vậy, có thể xem xét một số nguyên nhân (mang tính kịch bản) lý giải vì sao anh em nhà họ Trần lại đầu tư vào Đông Á.

Trước hết, việc đầu tư vào Ngân hàng Đông Á thời điểm này có thể xem xét dưới góc độ Kido đang “thừa tiền hiện tại” nhưng “thiếu tiền tương lai”. Kido vừa bán mảng bánh kẹo và thu về lượng tiền mặt lớn, lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng số tiền này có thể chẳng thấm tháp vào đâu khi tương lai, Kido sẽ đẩy mạnh vào mảng thực phẩm, vốn cạnh tranh cực kỳ khốc liệt và đương đầu với nhiều ông lớn. Nếu là cổ đông lớn của một ngân hàng, Kido có lợi thế hơn so với các khách hàng doanh nghiệp thông thường.

Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh của Kido là “mở rộng quy mô dựa trên phương thức mua bán – sáp nhập (M&A) doanh nghiệp khác”. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này nhưng nếu có một công ty “người nhà” chuyên trách sẽ đem lại hiệu quả cao mà vẫn đảm bảo bí mật các thương vụ cho Kido. Như vậy, Đông Á và công ty con là Chứng khoán Đông Á có thể hỗ trợ tốt vấn đề này.

Một ẩn số khác còn liên quan đến bất động sản. Tập đoàn Kido dù nổi tiếng với mảng bánh kẹo và giờ đây là mì gói, dầu ăn, nhưng lại “kém duyên” với lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn đã đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực không thuộc thế mạnh này và chưa thấy thành công vang dội.

Tính đến nay, Kido với công ty liên quan (Địa ốc Kinh Đô) đã thoái vốn khỏi một số công ty con và chuyển nhượng vài dự án. Tập đoàn đã thoái vốn khỏi Công ty Thành Thái (1,8 tỉ đồng – 30% vốn điều lệ); ngừng dự án Signature One – An Phú; thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần tại Đông Á Land (dự án Golden Square, Đà Nẵng); Công ty Bắc Bình (dự án 11 Sư Vạn Hạnh, quận 10); Eximland. Theo Địa ốc Kinh Đô, đây là các dự án khai thác sử dụng vốn chưa hiệu quả.

Trong số các dự án lớn, phải kể đến dự án Domec Plaza với vốn đầu tư ước tính ban đầu lên đến hơn 2.000 tỉ đồng và cũng đã ngưng triển khai vào năm 2012. Nhiều dự án “khủng” khác liên quan đến Kido cũng đều phải gia hạn thêm thời gian so với kế hoạch ban đầu như tòa nhà Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam trên đường Hàm Nghi (Địa ốc Kinh Đô góp 50% vốn điều lệ, tương ứng 360 tỉ đồng); Lavenue Crown sở hữu 3 mặt tiền Lê Duẩn – Hai Bà Trưng – Nguyễn Văn Chiêm (Kido góp 50% vốn điều lệ, tương ứng 1.050 tỉ đồng). Cũng trong năm này, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, ông Trần Lệ Nguyên cho biết “sẽ tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính là thực phẩm, còn các dự án bất động sản hầu như đều ngừng lại”.

Như đã nói ở trên, Kido có thể thừa tiền mặt thể hiện trên báo cáo tài chính, nhưng sắp tới, để triển khai mảng thực phẩm và bất động sản (với các dự án đang xúc tiến), rõ ràng công ty này sẽ cần lượng tài chính nhiều hơn. Dĩ nhiên, việc sở hữu một ngân hàng mang lại lợi thế nhất định. Song lịch sử ngành ngân hàng cũng cho thấy, một số ngân hàng được chi phối bởi các cổ đông chính (thuộc ngành khác) có thể tạo nên những khoản nợ xấu, đặc biệt có những ngân hàng mang tỉ lệ nợ xấu sau kiểm toán cao hơn hẳn so với tự công bố. Ngân hàng Phương Nam có thể được xem là một ví dụ khi số liệu kiểm toán nhà nước mới đây cho thấy tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này tại tháng 11.2013 là 55,31%, cao hơn nhiều so với con số Phương Nam tự công bố hồi tháng 12.2013 là 3,39%.

Trong những vấn đề vừa phân tích, câu hỏi đặt ra liệu Kido có thực sự là một cổ đông phù hợp với Đông Á. Một điều có thể thấy rõ là trong khi Đông Á cần nâng cao năng lực quản trị, nhất là quản trị rủi ro tiền cho vay thì cổ đông Kido lại không có kinh nghiệm hoặc nền tảng liên quan. Không khó để thận thấy rất nhiều ngân hàng danh tiếng Việt Nam đều đã có cổ đông nước ngoài (là các định chế tài chính) với khả năng hỗ trợ tốt hệ thống điều hành ngân hàng. Vì sao Đông Á không làm điều này? Hay Kido chỉ là bước đệm cho một nước cờ khác sâu hơn kế tiếp?

Câu chuyện Kido và Ngân hàng Đông Á sẽ còn viết thêm nhiều chương hồi nữa. Nhưng ít ra, Đông Á đã bắt đầu thể hiện thông điệp “tự cứu” khi nhận thấy sức khỏe của mình. Ngân hàng Á Châu, Sacombank đã mất 3 năm để tái cấu trúc và hiện đang bình ổn để lấy lại phong độ. Đông Á mất bao lâu sẽ còn tùy thuộc vào “lượng ôxy” bơm vào, nhưng chắc chắn rằng, sẽ không ngắn để ngân hàng này lấy lại hào quang ngày trước.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here