Ai bảo phim truyền hình thì không cần quảng cáo!

0
744

Ngày 20 tháng 9 tới đây sẽ diễn ra Giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực truyền hình Mỹ – Giải Emmy lần thứ 67, và ngay sau đó sẽ là bắt đầu mùa phim mới trên sóng truyền hình.

Trước thời điểm quan trọng đó một tháng, ngay lúc này, các nhà đài đang ra sức quảng bá, PR cho các bộ phim của mình. Nếu bạn chưa từng nghĩ phim truyền hình cần phải quảng cáo rầm rộ, đã đến lúc bạn nên nghĩ lại!

1. Cuộc chạy đua đông đảo

Mỗi năm trên khắp các kênh sóng đài truyền hình Mỹ có cả trăm bộ phim được phát sóng các tập mới. Cuộc chạy đua của Big4 đài truyền hình lớn là NBC, ABC, FOX, CBS cùng các đại cáp nổi tiếng khác như HBO, AMC, Showtime,… là vô cùng khắc nghiệt khi tới phân nửa các bộ phim này sẽ không được tiếp tục phát sóng vào năm sau. Có hai thời điểm quảng cáo phim quan trọng nhất là vào đầu mùa chiếu phim và vào mùa đề cử Emmy. Một đợt nhằm thu hút khán giả xem phim để kéo rating và một đợt nhằm thu hút khán giả bình chọn để hy vọng có một đề cử giải thưởng. Đây là hai cách chắc chắn nhất để đảm bảo phim không bị khai tử.

Billboard của bộ phim truyền hình Game of Thrones của đài HBO thay thế một Billboard của đài CBS

Lẽ dĩ nhiên không phải phim nào cũng được chi một đống tiền quảng cáo mà chỉ những bộ có tiềm năng nhất. Tuy nhiên một khi đã được lựa chọn thì cả chiến dịch PR, quảng cáo này sẽ vô cùng rầm rộ và hoành tráng thậm chí không thua kém gì các bộ phim chiếu rạp. Từ các cách truyền thống bao gồm Billboard, bảng hiệu, các hình thức quảng cáo ngoài trời cho đến các cách online hiện đại nhất. Những ngày này dàn diễn viên trong phim sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi để quảng bá cho bộ phim: trên sóng truyền hình (dĩ nhiên rồi) tham dự phỏng vấn, gameshow; trực trả lời câu hỏi trực tiếp trên Twitter; tích cực đăng hình lên các trang mạng xã hội của cá nhân và của bộ phim;… Tất cả được lên lịch và chuẩn bị một cách chi tiết và bài bản với những đội ngũ riêng của nhà đài.

Banner cho chiến dịch quảng bá online các chương trình truyền hình của hãng WB

2. Quay lại chuyện trong nhà

Không ít thì nhiều, gần đây chắc hẳn bạn cũng đã bắt gặp một quảng cáo phim truyền hình tại Việt Nam mà không phải ở trên tivi. Trước đây thì không có, nhưng gần đây thì chắc hẳn là bạn có bắt gặp rồi. Từ các biển hiệu ngoài trời, ở trạm chờ xe buýt, các booklet phát tận cửa,… Hoặc dễ dàng hơn thì chắc là ở các banner, pop-up,… tại các trang mạng nổi tiếng; hay bất thình lình nhảy ra khi bạn đang xem một video khác. Không biết lần đầu bắt gặp bạn có cảm thấy lạ hay bất ngờ không? Hay cũng chẳng quan tâm và cho qua như bao thể loại quảng cáo khác? Sự thực thì nó có lạ vì chuyện quảng cáo cho phim truyền hình tại Việt Nam mới diễn ra mấy năm gần đây thôi.

Các bộ phim truyền hình Mỹ nếu không kể các đài cáp (vốn thu phí khá đắt đỏ) thì cũng sống nhờ quảng cáo như chúng ta. Đặc điểm phim được chia theo nhiều mùa trong nhiều năm của phim Mỹ chính là để các nhà đài xem xét khi nào phim còn bán quảng cáo được thì làm tiếp, còn khi nào phim có ít người xem quá không bán được quảng cáo nữa thì cho nghỉ luôn! Hệ thống khắc nghiệt này chính là nguyên nhân khiến ngoài việc đầu tư chăm chút nội dung, chất lượng phim thì nhà đài cũng phải dốc sức quảng bá phim để cố gắng thu hồi vốn từ tiền bán quảng cáo của phim(!) Không như vậy, phần lớn phim ở Việt Nam được làm trọn gói rồi bán trọn gói cho nhà đài để phát sóng trọn gói rồi mới tính đến chuyện bán quảng cáo lời lỗ sau.

Quảng cáo phim tại trạm chờ xe buýt tại Việt Nam

Hầu hết các quảng cáo phim truyền hình tại Việt Nam ta thấy hiện nay là của các đài truyền hình cáp mới nổi như HTV2 hay Let’s Việt,… Các đài như VTV cũng tham gia nhưng ít hơn. Không như các đài quốc gia luôn có tỷ lệ người xem nhiều không phải nghĩ (hay đôi khi ít người xem nhưng vẫn không phải nghĩ), các đài nhỏ hơn này bắt đầu quan tâm đến chuyện làm sao bán được quảng cáo cho bộ phim nhiều hơn. Các quảng cáo phim ta thấy không phải hoàn toàn là phim Việt Nam mà chủ yếu lại là quảng cáo cho các phim nước ngoài nhiều hơn. Điều này cũng là từ quy tắc đào thải khắc nghiệt như ở truyền hình Mỹ, phim nào có tiềm năng thu hút khán giả nhiều hơn thì càng dễ bán quảng cáo hơn và do vậy càng phải đầu tư “lăng xê” hơn.

Cái vòng luẩn quẩn quảng cáo cho một bộ phim để kiếm tiền bán quảng cáo từ bộ phim đó vậy mà trị giá hàng đống tiền chứ không ít gì. Trong tương lai xu hướng này sẽ còn phát triển nữa và sẽ đến lúc các đài quốc gia cũng phải vào cuộc để cạnh tranh, hay các phim Việt Nam cũng sẽ phải chi thêm tiền để tự quảng bá cho mình. Biết đâu cái vòng luẩn quẩn khắc nghiệt đó lại góp phần giúp nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam thì sao? Còn ở khía cạnh quảng cáo, một sự phát triển cả hai chiều thế này rõ ràng là có lợi và đáng để mong chờ.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here