Đối thủ duy nhất của chúng tôi là chính mình

0
727

Vào Việt Nam từ tháng 2/2014, ứng dụng gọi taxi trên điện thoại thông minh GrabTaxi đang thay đổi ngành vận tải nội địa nhờ mang lại tiện ích gia tăng, chất lượng dịch vụ và chiến lược giá hợp lý cho khách hàng. DOANH NHÂN trao đổi thẳng thắn với bà Emily Thư Đỗ, Giám đốc Marketing Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam, xung quanh hoạt động của hãng.

GrabTaxi là một công ty công nghệ khởi nghiệp tại Malaysia vào tháng 6/2012, không phải hãng taxi. Sau khi được giới thiệu tại 4 nước ASEAN (Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan), ứng dụng gọi taxi trên điện thoại thông minh này đã ra mắt tại Việt Nam vào tháng 2/2014. Hiện nay, GrabTaxi tiếp tục đặt trọng tâm hoạt động của mình vào thị trường vận tải Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây cũng là ứng dụng đặt taxi lớn nhất và phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Không chỉ cạnh tranh bằng khuyến mại

* GrabTaxi có vẻ như đã nắm vững tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam, đó là thích được khuyến mãi, giảm giá. Có đúng là hãng đang áp dụng chiến lược cạnh tranh bằng giá, dựa vào “vũ khí” khuyến mại, nhằm hạ giá dịch vụ xuống thấp hơn so với mặt bằng của thị trường để thu hút khách hàng hay không?

Cạnh tranh về giá cả là một trong các hình thức cạnh tranh được nhiều công ty lựa chọn. Tuy nhiên, nhận định rằng chiến lược cạnh tranh của GrabTaxi hoàn toàn dựa vào chính sách khuyến mại là chưa hoàn toàn chính xác. Theo tôi, việc khuyến mại hàng hóa dịch vụ mới trong thời gian đầu là cách tiếp thị phổ biến để khuyến khích người tiêu dùng thử sản phẩm mới. Dịch vụ đặt taxi qua điện thoại thông minh, như GrabTaxi, còn khá mới mẻ trên thế giới chứ không riêng gì tại Việt Nam. Các chính sách khuyến mại là cần thiết, nhằm giúp công ty tạo lập thói quen đặt xe mới cho cộng đồng dân cư, thay vì vẫy xe trên đường hay gọi điện thoại đến tổng đài. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ cho phép phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử cho dịch vụ vận tải.

Các chính sách khuyến mại về giá chưa thể đủ để hấp dẫn người tiêu dùng hoặc để thuyết phục họ tiếp tục sử dụng dịch vụ này lâu dài nếu chất lượng dịch vụ không tốt. Vì thế, GrabTaxi chú trọng cải tiến chất lượng dịch vụ, nhằm đảm bảo an toàn, dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện cho khách hàng thông qua nhiều tính năng như chia sẻ hành trình, nhận phản hồi trực tiếp, hỗ trợ đào tạo lái xe…

* Theo quan sát trực tiếp của tôi, các mã giảm giá từ 30.000-35.000 đồng/tuần, kể cả mã giảm 20.000 đồng/tuần của GrabTaxi đã giảm nhiều hơn so với thời gian ban đầu. Thực tế này là do hãng phải bù đắp chi phí quá lớn hay theo lộ trình đã vạch sẵn của mình là sau khi thương hiệu GrabTaxi trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam hơn thì các mã giảm giá sẽ bị cắt bớt?

Công ty vẫn đang trong giai đoạn đầu tư để gây dựng thương hiệu, hình thành thói quen sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng nên các mã giảm giá vẫn tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, như anh nhận xét rất đúng, việc dần dần giảm bớt giá trị các mã giảm giá là một hướng đi đã được ban lãnh đạo GrabTaxi lên kế hoạch từ trước. Nhưng quá trình này sẽ được thực hiện song song cùng với chiến lược dài hạn của công ty là nâng cao chất lượng, tính tiện ích của dịch vụ vận tải.

* Bà có thể giải thích rõ ràng hơn về chiến lược giá của hãng? So với các thị trường khác như Indonesia và Malaysia, chiến lược tại Việt Nam có nhiều khác biệt hay không?

Chúng tôi sẽ tự thua nếu dịch vụ của chúng tôi không mang lại lợi ích cho khách hàng và đối tác của mình.

Như tôi đã nói ở trên, cạnh tranh về giá chỉ là một khía cạnh trong chiến lược phát triển của GrabTaxi. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc cạnh tranh dựa vào chất lượng dịch vụ, nhằm gây dựng giá trị và thương hiệu lâu dài tại Việt Nam. Mỗi thị trường trong khu vực này đều có những đặc điểm riêng. Ví dụ như trình độ phát triển ngành vận tải tại mỗi nơi khác nhau, mức độ phát triển dịch vụ taxi khác nhau, sẽ dẫn đến nhu cầu và thói quen sử dụng dịch vụ vận tải của người dân cũng khác nhau. Đó là chưa kể chính sách quản lý và định hướng phát triển ngành vận tải của từng chính phủ cũng có những khác biệt. Do đó, với mỗi thị trường chúng tôi đều có những chiến lược phát triển riêng trong từng thời kỳ. Tại nhiều thị trường – không phải chỉ riêng tại Việt Nam – GrabTaxi đều đưa ra chính sách khuyến mại để khuyến khích người dùng thử nghiệm dịch vụ. Nhưng điểm thống nhất trong toàn bộ chiến lược phát triển của công ty tại tất cả các thị trường là đặt ưu tiên cao hơn vào việc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ.

Đầu tư có kiểm soát

* Bà có thể tiết lộ cho đến nay GrabTaxi đã phải bù lỗ bao nhiêu tiền để duy trì hoạt động tại Việt Nam? Theo những chia sẻ chưa được kiểm chứng của các lái xe taxi đang sử dụng ứng dụng GrabTaxi với tôi, mỗi ngày ước tính tổng số tiền mà GrabTaxi bị hụt có thể lên tới hàng tỷ đồng? Bà hãy xác nhận điều này đúng hay sai?

Tôi cho rằng khái niệm “bù lỗ” mà anh nhắc tới ở đây chưa chính xác. Những chi phí mà chúng tôi bỏ ra hiện nay được coi là sự đầu tư có kiểm soát. Công ty hiện đang ở trong giai đoạn phát triển, ưu tiên đầu tư để gây dựng thương hiệu và phát triển thị trường. Đây là một chiến lược kinh doanh của Công ty Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam – nên khái niệm “được” và “mất” nhiều khi rất khó để quy đổi và so sánh.

Vốn đầu tư ban đầu của GrabTaxi tại Việt Nam là bao nhiêu? Nếu tính cả khoản vốn 250 triệu USD mà Softbank (Nhật Bản) rót vào thì tổng giá trị của GrabTaxi đã vượt qua 1 tỷ USD. Bà có thể xác nhận con số này là đúng hay sai?
Tính đến nay, Công ty GrabTaxi đã công bố 4 vòng gọi vốn, lần lượt vào tháng 4/2014, tháng 5/2014, tháng 10/2014 và tháng 12/2014. Sau vòng gọi vốn thành công 250 triệu USD vào tháng 12/2014, tổng vốn đầu tư trong vòng 14 tháng gần nhất của công ty đã lên đến 340 triệu USD.

* Khoản vốn từ nhà đầu tư Softbank có thể giúp GrabTaxi chịu lỗ trong bao lâu tại Việt Nam? Áp lực lớn nhất từ nhà đầu tư này đối với công ty của bà là gì?

Như tôi đã nói ở trên, khái niệm “được”, “mất”, lỗ, lãi rất khó để quy đổi trong giai đoạn đầu tư của mọi công ty, đặc biệt là những công ty công nghệ khởi nghiệp như GrabTaxi. Các nhà đầu tư của chúng tôi, trong đó có Softbank, đều nắm được thông tin về tình hình phát triển của công ty, bao gồm chiến lược, định hướng kinh doanh ngắn và dài hạn để đồng hành cùng công ty trong quá trình phát triển này.

* Hãng kỳ vọng gì vào thị trường Việt Nam trong dài hạn và mục tiêu trong 5 năm tới, nếu đứng vững được trước áp lực cạnh tranh gay gắt, là gì?

Thị trường Việt Nam là một trong các thị trường trọng điểm của GrabTaxi. Nhu cầu vận tải hành khách tăng nhanh, công nghệ thông tin ngày càng phát triển với số lượng người sử dụng Internet và điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh chóng, đã khiến GrabTaxi xác định Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của GrabTaxi trong vòng 5 năm tới tại Việt Nam là tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng bằng cách cải tiến ứng dụng công nghệ và nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ lái xe.

* Nghe qua có vẻ tình hình rất thuận lợi với GrabTaxi. Tuy nhiên, tôi lại nghe được thông tin không chính thức cho rằng, một số hãng taxi truyền thống đã cấm lái xe của họ không được tham gia với GrabTaxi nữa, do lo ngại bị mất thương hiệu. Ngoài ra, có tin không chính thống nói rằng, GrabTaxi bắt buộc các lái xe phải mặc đồng phục của hãng, khiến cho khoảng 2.000 lái xe (???) “tẩy chay” GrabTaxi. Bà nhận định thế nào?

Mục tiêu của GrabTaxi trong vòng 5 năm tới tại Việt Nam là tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trước hết, cần phải thống nhất khái niệm GrabTaxi là một dịch vụ kết nối người tiêu dùng với dịch vụ taxi, mang lại lợi ích cho cả khách hàng, lái xe và các hãng taxi. Bởi vậy, tôi cho rằng suy nghĩ GrabTaxi khiến các hãng taxi mất dần thương hiệu chỉ là cảm tính. Theo tôi, việc kết nối được với nhiều đối tượng khách hàng hơn cũng là một cách giúp các hãng taxi là đối tác của GrabTaxi quảng bá thương hiệu của mình. Số lượng người sử dụng Internet và điện thoại thông minh tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển hướng sang sử dụng các thiết bị di động để truy cập Internet, đạt tỷ lệ 65% vào năm 2014. Phải thừa nhận thực tế là một bộ phận khách hàng có xu hướng chuyển sang sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để đặt xe, thay vì cách truyền thống như gọi điện thoại, vẫy xe trên đường. Tôi cũng xin đính chính thông tin công ty bắt buộc lái xe taxi mặc đồng phục GrabTaxi, khiến 2.000 lái xe “tẩy chay” hãng là không chính xác.

* Một đối thủ cùng sử dụng nền tảng gọi taxi trên điện thoại thông minh như GrabTaxi là EasyTaxi đang có nguy cơ “biến mất” tại Việt Nam. Vậy đối thủ nào đang làm cho GrabTaxi phải e ngại?

GrabTaxi không phải là ứng dụng công nghệ duy nhất giúp kết nối dịch vụ vận tải hiện có tại thị trường Việt Nam. Ngoài ứng dụng EasyTaxi mà anh nhắc, ngay tại Việt Nam cũng có một số ứng dụng kết nối khác của các công ty nước ngoài hoặc của các hãng taxi trong nước đang triển khai. Chúng tôi coi đây là một xu hướng phát triển tất yếu để đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng phát triển của người dân – đòi hỏi phải có những hình thức vận tải được hỗ trợ bởi các giải pháp công nghệ thông minh. Đây cũng là quá trình cạnh tranh lành mạnh, giúp cả công ty cung cấp giải pháp công nghệ và đơn vị vận tải cải tiến chất lượng dịch vụ vì khách hàng. Vì thế, để trả lời câu hỏi khó của anh về đối thủ (cười), chúng tôi cho rằng, đối thủ duy nhất của chúng tôi là chính mình. Bởi lẽ, chúng tôi sẽ tự thua nếu dịch vụ của chúng tôi không mang lại lợi ích cho khách hàng và đối tác của mình.

*Xin cảm ơn bà!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here