Quảng cáo: Gõ sao cửa mới mở?

0
714

“Em tốt nghiệp đại học chuyên ngành không liên quan, lỡ có dịp tìm hiểu và yêu môi trường năng động sáng tạo của Quảng cáo. Em đã gửi đi mấy chục cái CV mà chỉ nhận lại sự im lặng. Đã mấy tháng thất nghiệp chờ đợi trong vô vọng rồi, mong chị giúp em một lời khuyên.”

Bạn thân mến,

Các công ty tôi từng làm trước đây luôn trong tình trạng thiếu người, xoay sở đủ cách từ Head Hunt, đến đăng quảng cáo tuyển dụng, đến rao tuyển trên trang facebook cá nhân, đến treo giải thưởng giới thiệu bạn bè cho nhân viên, mà vẫn không sao trám đủ các lỗ hổng nhân sự. Chị Diệu Anh – Giám Đốc AIM Academy, người rất nhiệt tình làm cầu nối – lần nào gặp tôi cũng hỏi: “Công ty A,B,C đang tuyển D,E,F, em biết ai giới thiệu không?”. Cách đây ít lâu, có dịp gặp anh D, Executive Creative Director của một Creative Agency tên tuổi, tôi tò mò hỏi: “Ủa, anh có gặp khó khăn trong tuyển dụng không vậy?” D chắt lưỡi “Khó khăn chung mà em, không phân biệt above hay below, không quan trọng global hay local, người đi đâu hết rồi”. Về sau, tôi nhận ra câu chuyện tuyển dụng không chỉ là vấn đề nhức nhối riêng của những người đứng đầu công ty. Các bạn quản lý cấp trung cũng nháo nhào, cào cấu tìm người – để tự cứu mình khỏi chết chìm trong đống công việc ngồn ngộn không đủ người phụ giúp – mà theo lời các bạn “đợi HR thì chỉ có nước thác, tự bơi là hơn”.

Nhưng thiếu là thiếu người “tốt”, tốt ở đây có thể hiểu là giỏi nghề và có thái độ tích cực trong công việc, trong cách cư xử.

Một vài chia sẻ để bạn thấy bức tranh của thị trường lao động trong ngành Quảng Cáo: nhìn chung là cung không đủ cầu. Nhưng thiếu là thiếu người “tốt” (từ chúng tôi hay dùng). Tốt ở đây có thể hiểu là giỏi nghề và có thái độ tích cực trong công việc, trong cách cư xử. Và không ai có thể giỏi nghề nếu không có kinh nghiệm. Khi xem hồ sơ xin việc, người tuyển dụng sẽ lướt nhanh qua phần kinh nghiệm trong CV trước, xem bạn đã từng làm ở đâu, ở những vị trí nào để phân loại. Thứ tự lọc hồ sơ ưu tiên sẽ là những ứng viên đang làm việc ở công ty đối thủ, rồi mở rộng sang những công ty quảng cáo trong các lĩnh vực gần gũi khác. Những loại hồ sơ “em mới tốt nghiệp, rất yêu thích Quảng Cáo, nhiệt tình và siêng năng…” như của bạn đến 80% sẽ bị cho vào thư mục Không tiềm năng.

Có dịp nghe trăn trở của chị H – HR Director của môt tập đoàn quảng cáo lớn – chia sẻ, bạn sẽ hiểu vì sao chúng tôi rất ngại hé cửa cho sinh viên bước vào. Để đào tạo một nhân viên mới keng xà beng cần không dưới 6 tháng – tương đương một chu kỳ trung bình của dự án. Một, hai tháng đầu chạm ngõ Quảng Cáo là giai đoạn ngơ ngác, nói gì cũng không hiểu (vì toàn từ chuyên môn), nội phải giải thích cho bạn thôi cũng…phát mệt. Hai tháng này chủ yếu để cho bạn quan sát, “sống và thở” trong môi trường để làm quen, còn công việc thì …sai vặt là chính. Sang tháng thứ ba, thứ tư, với sự giám sát chặt chẽ của người hướng dẫn, bạn có thể bắt tay vào làm những việc lon con, ví như những con ốc trong cỗ máy khổng lồ. Hai tháng cuối, (hy vong) bạn có thể hiểu được nguyên tắc vận hành chung của bộ máy để tham gia nhịp nhàng với các bộ phận khác và hoàn tất phần việc được giao một cách độc lập. Khó khăn là tuyển 10 bạn, có đến 8 trường hợp thất bại. Nếu không tính tới nguyên nhân từ phía Agency – tuyển lính mới mà không có sẵn chiến lược, phương pháp vận hành và con người để đào tạo hiệu quả, thì nguyên nhân thất bại còn lại nằm ở các bạn. Vấn đề hay gặp nhất là các bạn…tự tin quá. Tự tin đến nỗi chỉ thích làm “việc lớn”. Bạn không hiểu, và nôn nóng nhảy cóc trong quy trình đào tạo nên dễ nản. Tâm lý đòi hỏi, so sánh khiến bạn dễ dao động trước một cơ hội nào khác mà nghe thì có vẻ hấp dẫn hơn. Hệ quả là Agency mất tiền (lương), mất thời gian. Đặc biệt ở môi tường BTL, khi mọi việc đều liên quan đến tiền, việc chưa có kinh nghiệm của bạn có thể dẫn đến một quyết định sai gây thiệt hại hàng chục triệu đồng của công ty. Khổ nhất là lâu lâu vớt được một bạn hay ho, đào tạo xong lại bị Agency khác cuỗm mất. Bởi vậy, Agency nào đi chiến lược đào tạo là tự làm khó mình. Còn lại, hầu hết nhà tuyển dụng, nhất là những công ty tuổi đời còn non trẻ, sẽ thích chiến lược tuyển người kinh nghiệm, có thể dùng được ngay. Kinh nghiệm giờ đây trở thành chiếc chìa khóa vạn năng để mở cánh cửa Agency. Có kinh nghiệm rồi, bạn hầu như chắc chắn sẽ sống được với nghề, không ở Agency này, thì ở Agency khác. Nên điều quan trọng là…đưa được một chân vào cửa!

Không hiểu, nôn nóng nhảy cóc, tâm lý đòi hỏi, so sánh của “lính mới” là nguyên nhân agency tự làm khó mình khi theo một chiến lược đào tạo.

Đương nhiên đối với các công ty dùng chiến lược đào tạo, kinh nghiệm không phải là điều kiện tất yếu, nhưng sẽ là yếu tố cạnh tranh. Nó hầu như chắc chắn giúp bạn dành được một vé phỏng vấn. Vậy, nếu muốn làm Tổ chức Sự Kiện, hãy tìm thông tin và tham gia làm Promoter cho một Agency bất kỳ. Đó sẽ là một kinh nghiệm đáng quý, đặc biệt nếu bạn xác định rõ mục tiêu không đi làm vì tiền, dễ dẫn đến việc không hết mình. Hãy là người đến sớm nhất và xăng xái phụ giúp trưởng nhóm trong quá trình dàn dựng. Hãy là người về trễ nhất và xung phong nhiệm vụ thống kê hàng hóa. Hãy quan sát cách tổ chức công việc và đừng ngại hỏi những anh chị đi trước lời giải cho thắc mắc của mình. Hãy làm bài thu hoạch sau mỗi chương trình để hệ thống hóa các thông tin đã quan sát được, cho mình thôi dù không ai đỏi hỏi. Hãy giữ liên lạc với người trưởng nhóm thật tích cực trên facebook, biết đâu khi công ty tuyển, anh/chị ấy nhớ đến bạn đầu tiên. Nếu muốn làm digital, hãy tìm cơ hội làm admin cho một fanpage nào đó, của trường cũng được. Nếu muốn làm PR, hãy viết bài gửi cho các báo, hay làm cộng tác viên cho mấy website dành cho tuổi teen. Nếu muốn làm cho các Advertising Agency, hãy tìm cơ hội internship….

Điều quan trọng là đừng nghĩ muốn “làm Quảng Cáo” một cách chung chung, hãy xác định mình muốn làm gì trong ngành.

Điều quan trọng là đừng nghĩ muốn “làm Quảng Cáo” một cách chung chung, hãy xác định mình muốn làm gì trong ngành? Có nhiều thể loại công việc, nhiều loại Agency lắm, không phải cứ Quảng Cáo là làm sáng tạo. Hãy tham dự các buổi hội thảo hướng nghiệp miễn phí (AIM Academy rất hay tổ chức), rồi soi rọi lại tính cách, thế mạnh của mình để định hướng. Sau đó, nếu điều kiện kinh tế cho phép, hãy đi học nghề. Đi học, không phải vì “mớ kiến thức khổng lồ” các trường hay hứa, mà để networking (mặc dù kiến thức cũng rất tốt nhưng đừng tự, hoặc bị huyễn hoặc học xong là nhà tuyển dụng trải thảm đỏ). Bạn biết đó, không ít giảng viên đi dạy lại vì mục đích tuyển dụng. Anh Trần Hùng Thiện, Giám Đốc điều hành của GCOMM là một ví dụ hay. Qua một buổi phỏng vấn, khó “nhìn” người lắm. Là học viên của chính mình, anh có nhiều dịp tiếp xúc hơn, “nhìn” rõ hơn, và bạn ấy cũng là một tay anh đào tạo. Vì vậy, rủi ro tuyển sai gần như bằng không và quá trình cầm tay chỉ việc (ồ, tôi dịch thoát của từ “on-job training”) sau đó có thể được rút ngắn. Bạn nghĩ đi, các anh chị giảng viên hầu hết đều có kinh nghiệm và đã/đang ngồi ở những vị trí quan trọng. Quen họ, xin việc trong công ty họ, xin được làm intern không lương, nhờ họ giới thiệu (do tính chất của ngành là rất hay tuyển dụng qua kênh giới thiệu) hay xin họ viết cho cái Thư đề cử… tất cả đều là những phương cách tốt.

Cuối cùng, hãy thôi viết Thư xin việc rằng em “siêng năng, cầu tiến, rất mong được tham gia công ty để học hỏi” đi. Đó là những lá thư rập khuôn, mờ nhạt trong hàng trăm thư gửi về. Điều quan trọng là bạn đóng góp gì, chứ sao tôi lại phải trả lương cho bạn học hỏi nhỉ? Một số bạn còn sai lầm đến mức thú thật là“em không có kinh nghiệm” ngay từ dòng đầu tiên. Những CV gửi kèm email đó, tôi nghĩ hầu như không có cơ hội được mở ra để đọc. Cũng hãy thôi gửi những CV để tên cha, tên mẹ, để quê quán đi. Trời ơi! Ai quan tâm? Hãy cho tôi biết bạn là cây văn nghệ của trường. Hãy cho tôi biết bạn đã làm lớp trưởng suốt thời học phổ thông, hay bạn là chủ nhiệm của các câu lạc bộ gì đó… Và cũng đừng cố viết email bằng tiếng Anh, khi chính tả và ngữ pháp sai be bét. Nếu không chắc đó là điểm mạnh, hãy cứ dùng tiếng Việt thôi để tránh một điểm trừ tổ bố. Hãy:“Chào chị Ivy” thay cho “Dear Ivy Nguyễn” (được xem là rất thô lỗ trong tiếng Anh)

“Em là Tùng, khi nào chị sắp xếp được thời gian thì gọi em nha” thay cho “I am Mr. Tùng, I’’ll be waiting for your call” (Trời ạ, không ai tự gọi mình “Tôi là Ông Tùng” cả, và cách dùng tiếng Anh của bạn, nghe kẻ cả mất cảm tình gì đâu)

Lời khuyên kinh điển nhé: trước khi đặt bút viết, hãy cẩn thận với từng câu chữ, hãy đặt mình vô vị trí nhà tuyển dụng và trả lời câu hỏi: “Vì sao tôi muốn gặp và cho ứng viên này một cơ hội?”

Sáu năm trước, tôi nhận được thư xin việc của một bạn gái tên là PA, và đó là một ấn tượng sâu đậm. PA không email mà gửi thư bảo đảm đến công ty. Trong phong bì là một CV viết tay, vẽ hoa văn của biển, và những cái vây cá mập. Em ví mình là loại sinh vật được xem là hung thần biển cả – với tất cả những đặc tính hay ho ít được biết đến, kèm bài tiểu luận phân tích vì sao những đặc tính đó lại phù hợp với công việc mà tôi đang tuyển. Sáng tạo quá phải không? Khỏi phải nói là cánh cửa đã mở toang. PA giờ là trưởng nhóm của một công ty tổ chức sự kiện đình đám, chịu trách nhiệm hàng chục tỷ doanh số mỗi năm và một đội 5-6 bạn dưới quyền. Câu chuyện nhỏ có cho bạn cảm hứng gì không?

Chúc bạn tìm được cách riêng của mình và hẹn gặp lại – như một đồng nghiệp, hay như một đối thủ, trong tương lai gần, nhé!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here