CEO Cisco: Biến động của thị trường – cơ hội của doanh nghiệp

0
693

Gia nhập Cisco vào năm 1991 với vai trò Phó chủ tịch điều hành toàn cầu, John Chambers chính thức dẫn dắt Cisco với vai trò CEO vào năm 1995. John Chambers sẽ trao ghế CEO Cisco cho Chuck Robbins vào ngày 26/7/2015, sau 20 năm ở vị trí này.

Trong vòng 20 năm tại vị, John Chambers đã đưa Cisco từ công ty có doanh thu thường niên 1,2 tỷ USD lên 48 tỷ USD như hiện nay. Cũng trong vòng 20 năm này, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu Cisco đã tăng hơn 3.000%.

Dưới đây là những chia sẻ của John Chambers về việc nắm bắt những làn sóng thay đổi lớn trong ngành công nghệ toàn cầu và cách ông dẫn dắt tập đoàn này qua những làn sóng đó:

Trong những năm vừa qua, tôi đã chứng kiến những doanh nghiệp từng là biểu tượng cho thị trường biến mất, như Compaq, Sun Microsystems, Wang, Digital Equipment – bởi các doanh nghiệp này đã không thành công trong việc dự đoán thị trường mình đang tham gia sẽ đi về đâu.

Ngày nay, chúng tôi đang lèo lái những làn sóng thay đổi lớn trong thế giới công nghệ, như điện toán đám mây, di động và Internet hoá mọi thứ. Những sự thay đổi này buộc chúng tôi và khách hàng của chúng tôi nghĩ về dữ liệu, tính an ninh và mô hình kinh doanh một cách hoàn toàn khác. Điều đó có nghĩa rằng chúng tôi phải đưa ra những quyết định khó khăn và dấn thân vào những quy trình đột phá thị trường và đôi lúc, đột phá chính doanh nghiệp.

Khi bạn là một doanh nghiệp lớn với thị phần lớn trên thị trường, một điều cám dỗ khó tránh khỏi, chính là bạn thường có xu hướng nhìn nhận những đột phá hay biến động thị trường là những nguy cơ, những rủi ro, nhưng chúng tôi lại coi đó là cơ hội.

Khi một thị trường không nằm ở giai đoạn biến đổi, việc chiếm được thị phần là rất khó – bạn cần phải đấu tranh quyết liệt chỉ để giành được 1 hoặc 2 điểm từ đối thủ. Do vậy, những biến động thị trường lại hoàn toàn có thể nhìn nhận là cơ hội cho doanh nghiệp bạn.

Đó là lý do tại sao chúng tôi đổi mới toàn bộ doanh nghiệp, mở rộng để nắm bắt tăng trưởng và suy nghĩ khác biệt về tương lai ngành công nghệ thông tin.

Bắt nhịp những thay đổi lớn

Tôi đã từng không đam mê lĩnh vực công nghệ. Tôi từng theo học đại học, rồi bằng luật, rồi bằng quản trị kinh doanh và quyết định rằng tôi muốn làm việc trong một công ty lớn trong lĩnh vực tài chính và luật. Nhưng một người bạn của tôi ở IBM đã quyết thuyết phục tôi gia nhập IBM bằng được. Cuối cùng tôi đã đồng ý làm việc tại IBM với vai trò đại diện bán hàng và dành 6 năm cuộc đời tại đó.

Thậm chí những công ty lớn, thành công, cũng có thể sụp đổ nếu như họ “lỡ nhịp” những biến động lớn của thị trường.

Từ IBM, tôi gia nhập Wang – nơi tôi có cơ hội làm việc với An Wang, người sáng lập Công ty Wang và là người thông minh nhất tôi từng gặp. Ông ấy chính là người phát minh ra những cấu phần cơ bản của nền công nghiệp máy tính và đã xây dựng một công ty rất lớn và thành công.

Điều quan trọng nhất tôi học được trong thời gian làm việc tại IBM và Wang chính là, thậm chí những công ty lớn, thành công, cũng có thể sụp đổ nếu như họ “lỡ nhịp” những biến động lớn của thị trường. Và tôi đã chứng kiến cả 2 doanh nghiệp này đều gặp phải vấn đề trên.

IBM đã vô cùng chậm chạp trong việc nhận dạng và thay đổi với làn sóng từ máy tính lớn (còn biết đến là máy tính mainframe) sang máy tính mini. Điều này xảy ra là do các giám đốc của IBM không chịu lắng nghe khách hàng của mình.

Điều tương tự xảy ra với Wang, khi công ty này “lỡ” mất làn sóng dịch chuyển từ dòng máy tính mini sang máy tính cá nhân (PCs).

Khi ở IBM, tôi chứng kiến những người bạn phải nghỉ việc. Tại Wang, tôi chứng kiến 5 đợt sa thải nhân viên liên tục trong vòng 18 tháng. Thật là một thời gian khó khăn, tuy nhiên, tôi học được điều gì sẽ xảy ra khi các doanh nghiệp thiếu sự can đảm để đột phá chính bản thân họ theo thị trường.

Dự đoán trước những bước chuyển của thị trường và đi trước những thay đổi đó chính là kim chỉ nam dẫn dắt chúng tôi “tiến hoá” từ những sản phẩm kết nối internet như server, router sang công nghệ di động và video, cho tới những Cơ sở hạ tầng Trung tâm Ứng dụng (Application Centric Infrastructure – ACI) và công nghệ đám mây…

Đôi khi, những dấu hiệu giúp doanh nghiệp bạn biết được khi nào cần tạo ra bước nhảy lại thường đến từ chính khách hàng. Rất nhiều năm trước, khi tôi gặp các giám đốc của Ford Motor – một khách hàng quan trọng của Cisco, họ đã nói rất nhiều về công nghệ mới là Fast Ethernet. Tôi chưa từng nghe tới khái niệm này.

Một tuần sau, tôi gặp những giám đốc của Boeing và tôi hỏi họ về công nghệ này. Họ đã kể với tôi về một công ty tên Crescendo Communications, công ty này đang đi trước về công nghệ Fast Ethernet. Sau đó chúng tôi đã thâu tóm Crescendo Communications và tạo bước chuyển phù hợp.

Khi thị trường mạng tiến tới không dây, chính khách hàng đã nói chúng tôi nên mua công ty mạng đám mây Meraki, và việc thâu tóm công ty này vào năm 2012 chính là một phần trong chiến lược mạng và đám mây của Cisco.

Luôn giữ tư duy của người khởi nghiệp

Khi chúng ta tự tin rằng thị trường đang dịch chuyển và thay đổi, chúng ta có 3 cách để thích nghi.

Nếu như chúng ta nắm bắt và dự đoán trước những thay đổi lớn này, chúng ta có thể đầu tư vào công nghệ mới trong những quy trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D). Ở Cisco, chúng tôi dành ra 15% doanh thu để đầu tư cho R&D.

Bên cạnh đó, chúng tôi có chương trình Doanh nhân địa phương hỗ trợ cho các doanh nhân khởi nghiệp ngay từ giai đoạn đầu ở các lĩnh vực chúng tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng. Đôi khi chúng tôi thực hiện các vụ thâu tóm. Trong thực tế, chúng tôi đã tiến hành 174 vụ thâu tóm như vậy.

Cách thích nghi thứ ba chính là sử dụng cái (chúng tôi) gọi là “spin-in”. Ở Cisco, chúng tôi tập hợp một nhóm các kỹ sư, lập trình viên để làm việc trong một dự án đặc biệt và kéo họ ra khỏi công ty họ đang làm, nhóm họ lại như một công ty khởi nghiệp.

Hiện tại chúng tôi đang có một dự án gồm sự tham gia của 280 nhân viên, và họ đang xây dựng một doanh nghiệp tỷ đô trong tương lai. Chúng tôi có những chế độ thưởng đặc biệt về mặt tài chính nếu như họ đạt được các mục tiêu. Điều này giúp họ có một tư tưởng khởi nghiệp và trao cho họ khả năng thu hút và chiêu mộ những nhân tài mới. Chúng tôi đo lường hiệu quả của họ. Khi dự án hoàn thiện, chúng tôi lại đưa họ trở về chính công ty cũ của họ. Họ chính là những nhân tố giúp chúng tôi đưa những sản phẩm sáng tạo và khác biệt ra thị trường một cách nhanh chóng.

Là người dẫn dắt doanh nghiệp, rất nhiều khi bạn phải sẵn sàng tạo ra bước chuyển lớn trước khi những cố vấn đưa ra lời khuyên bạn phải làm gì.

Táo bạo

Chúng tôi không hẳn lúc nào cũng nhận định chính xác những thay đổi của thị trường. Đôi khi chúng tôi nhận định quá sớm. Chẳng hạn chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về Internet hóa mọi thứ kể từ 7 năm về trước. Thời điểm đó thị trường chưa sẵn sàng cho điều này. Nhưng chúng tôi đã dũng cảm để tiếp tục theo đuổi những gì mình đang làm, tuy nhiên không quá mạo hiểm tới mức đánh cược tương lai của công ty vào nó. Cho tới nay, thị trường đã đến phát triển tới ngưỡng đó.

Vào mùa Thu năm 2013, chúng tôi tổ chức một hội nghị nơi tất cả mọi người đột nhiên muốn nói về kết nối những sản phẩm và ứng dụng mới với internet và thu thập những dữ liệu mới. Vào cuối năm 2014 khi Consumer Electrics Show tung ra, chủ đề về internet hóa mọi thứ đã trở thành đề tài chính.

Việc đột phá chính mình thực sự là điều rất khó khăn. Chẳng hạn vào năm 2014 chúng tôi tuyên bố kế hoạch cơ cấu 6.500 nhân viên để phù hợp với những thay đổi thị trường. Sau khi chứng kiến những thất bại và những vụ sa thải hàng loạt, như tại Wang, tôi hy vọng không bao giờ phải tiến hành vụ cắt giảm nhân sự nào. Và cuối năm 2014, chúng tôi đã kết thúc 1 năm đầy thách thức mà không cần sa thải bất kỳ nhân viên nào, chúng tôi cũng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã quá quen với mô hình kinh doanh truyền thống của mình và ngại thay đổi. Ở Cisco, chúng tôi nghĩ về công nghệ theo một cách hoàn toàn khác, bằng cách đặt kết quả của khách hàng làm trung tâm cho mọi hành động. Vào thời điểm bạn thấy rõ ràng cần thay đổi, có nghĩa rằng đã quá muộn để thay đổi.

Là người dẫn dắt doanh nghiệp, rất nhiều khi bạn phải sẵn sàng tạo ra bước chuyển lớn trước khi những cố vấn đưa ra lời khuyên bạn phải làm gì. Bạn cần táo bạo để có thể chiến thắng ngay cả khi không có những bản kế hoạch chi tiết.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here