Bài học Volkswagen về cái giá của sự trung thực

0
1109

Vừa vươn lên vị trí số 1 thế giới cách đây vài tháng, Volkswagen đã nhanh chóng rơi xuống vực thẳm, chỉ vì để cho tham vọng lấn át sự trung thực.

Trong tuần qua, tập đoàn xe hơi số một thế giới là Volkswagen (VW) của Đức đã bất ngờ có một cú ngã ngựa không thể kịch tính hơn, khi giá cổ phiếu của họ sụt giảm đến gần 30% chỉ trong vòng vài ngày. Ông Martin Winterkorn, vị Tổng Giám đốc (CEO) đã lập công đưa VW lên ngôi vị dẫn đầu, cũng phải từ chức sau 8 năm trên cương vị lãnh đạo. Cái tên VW từ đỉnh cao vinh quang bỗng chốc được xem là gánh nặng không chỉ của ngành công nghiệp ôtô mà còn của cả nền kinh tế Đức.

Và thật bất ngờ làm sao, khi tất cả mọi kịch tính ấy đều bắt nguồn từ chuyện cái ống xả ôtô.

Cái kim trong bọc

Mọi việc bắt nguồn từ năm 2013, khi một nhóm giáo sư và sinh viên tại Mỹ phát hiện ra lượng khí thải từ các chiếc xe chạy bằng diesel do VW sản xuất cao hơn một cách đáng ngờ so với số liệu chính thức. Tìm hiểu sâu hơn, nhóm này cùng với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã phát hiện ra một bí mật động trời: động cơ diesel của VW đã được cố tình thiết kế để đánh lừa các phép đo về khí thải.

Một trong những xu hướng quan trọng nhất của ngành ôtô trong thời gian gần đây là việc phát triển các mẫu xe có lượng khí thải thấp và tiết kiệm nhiên liệu, nhằm đáp ứng các quy định ngày càng ngặt nghèo của Mỹ và châu Âu. Trong khi các hãng xe khác chọn lựa chiến lược phát triển dòng xe hybrid (kết hợp động cơ xăng với động cơ điện), thì VW lại quyết định phát triển các dòng xe dùng dầu diesel. Theo số liệu của VW, có tới 23% số xe mà họ bán ra tại Mỹ trong tháng 8 vừa qua là xe chạy bằng diesel.

Tuy động cơ diesel có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn nhiều so với động cơ xăng, nhưng nó lại có vấn đề là tạo ra nhiều khí thải có hại hơn. Đây là rào cản cực kỳ nghiêm trọng nếu VW muốn tiến vào Mỹ, vì nước này có ngưỡng khí thải cho phép thấp hơn châu Âu đến 10 lần. Trên thực tế, động cơ diesel của xe VW có lượng khí thải nitơ (NO và NO2) cao gấp 40 lần giới hạn cho phép của Mỹ.

Lẽ ra, VW đã có thể dùng tới một giải pháp thông dụng là lắp hệ thống phun dung dịch urê để giảm bớt lượng khí thải nitơ. Hệ thống này đã được VW dùng cho các loại xe thể thao và xe tải nhẹ của họ. Tuy nhiên, đối với các loại xe cỡ nhỏ hơn thì VW lại muốn giảm bớt trọng lượng và độ phức tạp. Chính vì thế, họ đã chọn con đường tắt là dùng thủ thuật đánh lừa các thiết bị đo.

Thủ thuật mà các kỹ sư của VW đã sử dụng là viết thêm một đoạn mã bí mật vào phần mềm điều khiển hệ thống để nhận biết khi nào xe đang được kiểm tra về lượng khí thải. Khi đó, đoạn mã này sẽ làm giảm bớt công suất thực của động cơ và từ đó giảm đi lượng khí thải để đánh lừa thiết bị đo. Một khi quá trình đo kết thúc, động cơ sẽ hoạt động bình thường trở lại và tiếp tục sản sinh ra lượng khí thải vượt giới hạn quy định.

Sau khi phát hiện gian lận được công bố, giá cổ phiếu của Volkswagen đã giảm gần 30%, khiến cho giá trị vốn hóa bị bay hơi hết 30 tỉ euro chỉ trong 2 ngày.

Theo ước tính, bộ phần mềm này đã được VW cài đặt vào 11 triệu chiếc xe trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có một phần trong đó là được kích hoạt đoạn mã trên. Có hơn 480.000 chiếc xe như thế đã được bán ra tại Mỹ. Bà Cynthia Giles, một quan chức cao cấp của EPA, đã gọi đây là hành vi “phạm pháp và đe dọa sức khỏe cộng đồng”.

Sau khi phát hiện này được công bố, giá cổ phiếu của VW đã giảm gần 30%, khiến cho giá trị vốn hóa bị bay hơi hết 30 tỉ euro chỉ trong 2 ngày. Nó còn kéo theo việc giảm giá một loạt cổ phiếu của các hãng xe khác như Renault hay Nissan, vì giới đầu tư lo ngại rằng các tập đoàn này cũng đang nằm trong diện điều tra.

Cú sốc cho nước Đức

Phát hiện trên không chỉ làm chấn động dư luận Mỹ, mà ngay cả chính phủ Đức cũng đã lên án VW. Ông Jochen Flasbarth, một quan chức cao cấp của Bộ Môi trường Đức, đã gọi hành động của VW là “lừa đảo trắng trợn người tiêu dùng”. Bộ trưởng Kinh tế Đức là ông Sigmar Gabriel cảnh báo: “Chúng tôi lo lắng rằng uy tín tuyệt vời của ngành ôtô Đức nói chung và của VW nói riêng sẽ bị tổn hại từ sự cố này”.

Tại Đức, VW đang có 29 nhà máy và 274.000 nhân viên, chiếm gần phân nửa tổng số nhân sự của Tập đoàn. Doanh thu hàng năm của VW tương đương gần 6% GDP của toàn bộ nước Đức. Ngoài ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế, VW còn có mối quan hệ khá chặt chẽ với bộ máy chính phủ. Hiện tại, chính quyền bang Hạ Saxony của Đức đang nắm giữ 20% cổ phần tại hãng xe này.

Hiện tại, VW đang đối mặt với nguy cơ bị phạt tới 18 tỉ USD tại Mỹ, cũng như phải bỏ chi phí ra để thu hồi những chiếc xe có sai phạm và ngừng bán tất cả xe chạy bằng diesel.

Đó là chưa kể tới một loạt vụ kiện sắp tới sẽ làm rúng động toàn tập đoàn. Một số công tố viên của Đức cho biết họ đang tìm hiểu xem liệu có cơ sở pháp lý nào để khởi tố hình sự một số nhân sự của VW hay không. Vào năm ngoái, một lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Đức là ông Jurgen Fitschen, đồng CEO của Deutsche Bank, đã bị khởi tố hình sự về hành vi gian lận. Tại Mỹ, một nhóm gần 30 công tố viên cũng đã khởi động một cuộc điều tra trên hàng loạt tiểu bang về hoạt động marketing của VW.

Chính vì vậy, vụ bê bối này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới VW mà còn có thể gây tác động lớn đến nền kinh tế Đức. Ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng của ING, nhận định: “Rủi ro từ vụ scandal này gây ra cho nền kinh tế Đức còn lớn hơn cả cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp”.

Ngoài ra, vụ bê bối còn đặt ra dấu hỏi lớn về tương lai của động cơ diesel. Trong thời gian qua, VW đã được xem là lá cờ tiên phong trong việc phát triển các động cơ diesel thế hệ mới, vừa sạch lại vừa có công suất cao. Nhưng vụ bê bối đã làm đảo lộn mọi thứ. Ông Matthias Wissmann, Chủ tịch Hiệp hội Ôtô Đức, đã phải lên tiếng bảo vệ công nghệ này: “Việc sử dụng diesel là một nhân tố quan trọng trong việc cắt giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi ở đây. Tôi cầu xin mọi người đừng nghi ngờ cả ngành công nghiệp ôtô Đức”.

Sụp đổ một tượng đài

Ông Louis Schweitzer, cựu Chủ tịch của tập đoàn xe hơi Pháp Renault bình luận: “Đây là một vụ lừa đảo khổng lồ chưa hề có tiền lệ trong lịch sử ngành ôtô… Đang có một sự băng hoại nhất định về mặt đạo đức trong nội bộ VW”.

Đứng trước cuộc khủng hoảng và luồng dư luận, CEO Martin Winterkorn đã phải từ chức vào hôm 23.9, một cú ngã ngựa đầy bất ngờ sau khi đã đưa VW lên tới đỉnh cao vinh quang. Ông Jeffrey A. Thinnes, một cựu lãnh đạo của Daimler-Benz và hiện đang làm tư vấn pháp lý cho nhiều công ty châu Âu, nhận định: “Với một chuyện tầm cỡ như thế này, đúng ra CEO Winterkorn phải biết và nếu như ông ấy không biết thật thì cũng là có chủ ý”. Chuyên gia phân tích Karl Brauer của Kelley Blue Book nói thêm: “Dù là trường hợp nào đi nữa thì sự cố này cũng là một bằng chứng xấu về năng lực lãnh đạo của Winterkorn và việc ra đi của ông ấy là cần thiết”.

Dù sao thì cũng đã có một tín hiệu tốt là sau khi ông Winterkorn từ chức thì giá cổ phiếu VW đã lên lại được hơn 5%. VW cho biết họ đã thành lập một tổ điều tra nội bộ có cộng tác với một cố vấn ở bên ngoài để xem xét kỹ lưỡng vụ bê bối này. Sau đó, ông Matthias Mueller, CEO của công ty con Porsche, đã được đưa lên làm CEO mới của VW để thay cho ông Winterkorn.

Tuy nhiên, việc thay đổi CEO cũng chưa thể đặt dấu chấm hết cho những xáo trộn trong nội bộ VW. Từ trước vụ bê bối này, nội bộ Tập đoàn cũng đã trải qua khá nhiều sóng gió từ cuộc tranh đấu quyền lực giữa Winterkorn và cựu Chủ tịch ban kiểm soát Ferdinand Piech, người vừa từ nhiệm hồi tháng 4 năm nay. Ngoài việc Winterkorn ra đi kỳ này, VW cũng đã cho sa thải các trưởng bộ phận nghiên cứu tại Audi và Porsche, cũng như lãnh đạo bộ phận tại Mỹ.

Giờ đây, lại có thêm một tập đoàn xe hơi của Đức là BMW vừa bị tố cáo là có một mẫu xe vượt 11 lần giới hạn khí thải cho phép. Phải chăng đã đến lúc ngành ôtô thế giới nhận ra rằng, cái giá của sự trung thực không bao giờ là quá đắt?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here