Sự hấp dẫn của hoạt động kinh doanh siêu thị tại Việt Nam đối với cả doanh nghiệp nội và ngoại.
Việt Nam đang chứng kiến một sự bùng nổ mạnh trong phân khúc siêu thị mini, không những từ các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự góp mặt của giới đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu báo cáo của các công ty, kể từ năm 2012 tới nay số cửa hàng tiện lợi tại tại Việt Nam đã tăng hơn 260%. Tính đến cuối tháng 9 năm 2015, số lượng siêu thị mini đã đạt mức hơn 530 cửa hàng.
Theo khảo sát của Nielsen, có đến 20% người Việt hiện nay thường xuyên mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi, nhưng vẫn còn đến 62% người cho biết họ ưa thích mua sắm tại các chợ truyền thống.
Nhưng giới nghiên cứu thị trường cũng nhận định người tiêu dùng Việt đang có xu hướng sẵn sàng chi trả nhiều cho việc mua sắm tiện lợi hơn tại các siêu thị mini.
“Thị trường hiện đang có rất nhiều rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Ở các nước khác, các cửa hàng tiện lợi chiếm khoảng 20% doanh thu toàn thị trường. Tuy nhiên tại Việt Nam, tỷ lệ này mới dừng lại ở mức dưới 10%”, giám đốc điều hành Richard Leech của CBRE Việt Nam nhận định.
Theo xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp cả Việt Nam và nước ngoài bắt đầu tiến quân thâm nhập vào lĩnh vực này. Điển hình là tập đoàn Vingroup, khi tập đoàn này mở 93 cửa hàng tiện lợi Vinmart kể từ cuối năm 2014. Gần đây, Vingroup cho biết thêm họ đang đặt ra mục tiêu có 2.000 cửa hàng trong năm 2016.
Vào tháng 7, chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng thế giới 7-Eleven đã thông báo về việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua thỏa thuận nhượng quyền thương mại với Công ty TNHH Seven System Vietnam. Tại Đông Nam Á, 7-Eleven đã có mặt từ rất lâu, với 1.407 cửa hàng tại Philippines và 8.469 cửa hàng tại Thái Lan. Động thái này của 7-Eleven càng làm cho thị trường sôi động hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, thương hiệu FamilyMart của Nhật Bản cũng tuyên bố công ty này sẽ gia tăng số cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam lên hơn 100 trong năm 2016. Công ty này đánh giá tốc độ tăng trưởng số lượng khách hàng sẽ đạt mức 120% mỗi năm.
“Cửa hàng tiện lợi không những phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các đối thủ trong ngành, mà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các kênh bán lẻ khác, đặc biệt là mua sắm trực tuyến.”
Mới đây, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng tuyên bố chính thức mở thử nghiệm chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh theo mô hình Alfamart của Indonesia trong năm nay. Dự kiến đến cuối năm, công ty sẽ mở 30-50 cửa hàng, với thời gian thử nghiệm kéo dài từ 12-18 tháng.
Tuy nhiên, một nghịch lý là làn sóng bùng nổ số lượng siêu thị mini này diễn ra trái ngược với tình hình kinh doanh siêu thị lớn ở Việt Nam. Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết số lượng siêu thị tại Việt Nam trong năm 2014 chỉ tăng khoảng 3% so với năm 2012, lên 314 siêu thị.
Có thể thấy các siêu thị mini đang mở màn cho một làn sóng mới của ngành bán lẻ. Tuy nhiên việc có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này khiến sức cạnh tranh trong ngành ngày một gia tăng.
“Cửa hàng tiện lợi không những phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các đối thủ trong ngành, mà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các kênh bán lẻ khác, đặc biệt là mua sắm trực tuyến”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định.